Điệp viên Sidney Rielly và 3 bà vợ

Thứ Hai, 28/08/2006, 08:30

Cuộc đời của điệp viên Sidney Rielly có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết: Từ việc bán bí mật phòng thủ cảng Arthur, Nga, nơi Hạm đội Viễn Đông neo đậu cho phát xít Nhật cho đến kế hoạch ám sát Lênin... Tất nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những người đàn bà bên cạnh điệp viên này...

Cuộc đời của Sidney Rielly (1874-1925) bí ẩn và khó tin từ đầu cho đến khi kết thúc. Tớinay người ta thậm chí không biết chính xác nơi sinh của ông ta. Trước đây người ta cho rằng Sidney Rielly sinh ra tại tỉnh Odessa nhưng những tài liệu gần đây lại chỉ ra rằng gia đình ông ta chỉ chuyển đến đó từ Kherson, Ucraina, sau khi sinh ông vài năm.

Tên thật của ông ta là Sigmund Rosenblum, là con một người môi giới tàu biển giàu có và một nữ nghệ sĩ piano gốc Ba Lan xinh đẹp. Ngay từ thuở còn là sinh viên Trường đại học Novorosisk, Rielly đã tỏ ra là một người có tư tưởng chống đối chủ nghĩa Bolchevik. Tuy vậy Rielly được khá nhiều nữ sinh yêu mến vì tính tình phóng khoáng và khá bảnh trai. Vào những năm 90 của thế kỷ XIX, ông ta được gia đình gửi đến Paris nhưng sau đó lại tự ý bỏ đến London.

Tại London, ông ta bỏ dở việc học và kiếm sống bằng việc bán biệt dược. Công ty Rosenblum & Company của Rielly làm ăn khá phát đạt nhưng cũng không thể bù đắp được những khoản chi tiêu hoang phí của ông ta. Ngoài những thú vui đắt tiền (quần áo, những căn hộ xa hoa hay đi du lịch), ông ta còn có hai thói quen không thể bỏ được, đó là tình ái và cờ bạc.

Tại London năm 1897, Rielly làm quen với Margaret Thomas, một phụ nữ Ireland giàu có. Khi đó Margaret đã có chồng là mục sư Hugh Thomas, 63 tuổi, đang mang bệnh thận rất nặng. Margaret thường xuyên nhờ đến những biệt dược của Rielly để chữa bệnh cho chồng mình. Rielly vì thế trở thành người bạn của cả hai vợ chồng, và thường xuyên lui tới nơi ở của họ.

Không ngạc nhiên gì khi giữa Rielly và Margaret nảy sinh tình cảm yêu đương, Rielly là một chàng phóng túng, còn Margaret mới 24 tuổi sống với người chồng già bệnh tật. Không lâu sau Hugh qua đời trong một cơn đau tim khó hiểu, kết quả điều tra cho thấy có một lượng thạch tín trong cơ thể ông. Những nghi ngờ về việc có bàn tay của Rielly trong cái chết của mục sư Hugh thông qua những biệt dược ông ta cung cấp cho Margaret rộ lên. Tuy vậy, không ai có thể chứng tỏ được điều gì thực sự đã xảy ra.

Tháng 8/1898, Rielly cưới Margaret, và tất nhiên là có cả một khoản thừa kế đáng kể mà người chồng tội nghiệp của cô để lại. Cái tên Sidney Rielly cũng ra đời từ đây dựa trên họ của người cha Margaret.

Margaret si mê Rielly nhưng không biết rằng đằng sau vỏ bọc ông chủ của một công ty làm ăn phát đạt, Rielly còn là cộng tác viên đắc lực của Sở Cảnh sát London. Nhiệm vụ của Rielly là điều tra, cung cấp thông tin về những người Nga nhập cư tại London và được phép báo cáo thẳng với Thanh tra trưởng William Meville mà không thông qua bất cứ trung gian nào, hàng tháng Rielly vẫn nhận được khoản lương hậu hĩnh từ Meville.

Đôi vợ chồng trẻ sống một thời gian ngắn gần Hyde Park trước khi đi du lịch nước ngoài. Họ chuyển đến Manchuria nơi có cảng Arthurt là nơi neo đậu của Hạm đội Viễn Đông đế quốc Nga. Tại đây nhờ có khối tài sản của Margaret, hai vợ chồng họ thành lập một công ty chuyên buôn bán gỗ và liên kết với một người bạn là Moisei Ginsburgs buôn bán nguyên liệu, nhiên liệu cho hải quân Nga.

Quãng thời gian này Margaret hỗ trợ đắc lực cho Rielly trong  mối quan hệ với các quan chức tại Hạm đội Viễn Đông, và nhờ có mối quan hệ mật thiết này Rielly mới có được những thông tin quan trọng về cách bố trí phòng thủ tại Arthurt. Lúc này mâu thuẫn giữa đế quốc Nga và Nhật đang lên cao, cảng Arthurt trở thành điểm nóng tranh chấp. Năm 1914, nhờ những tài liệu mua được từ Rielly, hải quân Nhật tấn công vào cảng Arthurt gây thiệt hại nặng nề cho phía Nga. Còn gia đình Rielly đã chuồn khỏi Arthurt trước đó và bí mật đến Paris định cư.

Tại Paris, Rielly gặp lại Meville lúc này đang giữ một vị trí cực kỳ quan trọng - lãnh đạo Cơ quan tình báo của đế chế Anh tại Paris với biệt danh ngài M. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự cộng tác lâu dài giữa Rielly và MI-1c (tiền thân của MI-6). Rielly được giao nhiệm vụ điều tra công việc kinh doanh dầu mỏ của một người tên là William Darcy.

Chỉ một thời gian sau, qua những thông tin gửi về, MI-1c đã biết được rành mạch những việc làm của Darcy. Anh ta bán dầu mỏ cho một người Hà Lan gốc Phi để rồi từ đó chuyển cho quân đội Liên Xô. Rielly được thu xếp gặp Darcy dưới vỏ bọc một thầy tu tại Pháp. Sau cuộc gặp gỡ, Darcy quay lưng lại với Liên Xô và trở thành tay trong của hải quân Anh, thường xuyên cung cấp dầu mỏ từ Iran sang Anh thông qua Công ty Anglo - Persian Oil.

Thế nhưng trái ngược với những thành công trong công việc, đời tư của Rielly lại bắt đầu có những dấu hiệu của sự đổ vỡ. Margaret dần hiểu ra rằng, Rielly chỉ lợi dụng mình mà thôi, từ khối tài sản cho đến cả cái họ Sidney. Trái tim tan vỡ, tiền bạc cạn dần, Margaret lặng lẽ rời bỏ Rielly để trở về Anh. Giữa họ không có một cuộc ly dị nào xảy ra và cũng kể từ đó họ không bao giờ còn gặp lại nhau.--PageBreak--

Cuộc hôn nhân thứ hai của Rielly diễn ra một năm sau dó, tức là năm 1915. Khi đó Rielly đang làm việc tại thành phố New York cho một công ty chuyên sản xuất máy móc, công cụ cho quân Đồng minh. Tại đây, ông ta gặp một phụ nữ Do Thái, tên là Nadine Zalessky, 29 tuổi đến từ Ucraina. Rielly bị hấp dẫn bởi vẻ kiều diễm cũng như trí thông minh trời phú của Nadine.

Tháng 1/1915, họ làm đám cưới trong bí mật, và Nadine không hề hay biết về quá khứ của Rielly. Có một điều ít người biết đến, đó là Nadine có mối quan hệ mật thiết với một số nhà chính trị tiềm năng người Nga, một yếu tố rất có lợi cho Rielly trong con đường điệp viên sau này. Thông qua người vợ, Rielly móc nối được với một số nhân vật này và  tạo mối quan hệ tốt đẹp cho mai sau. Thế nhưng chỉ chung sống được hai năm, tiếng gọi của những cuộc phiêu lưu lại vọng lên trong tâm trí Rielly, ông ta bất ngờ rời bỏ người vợ xinh đẹp để đến Toronto, Canada, gia nhập Lực lượng không quân Hoàng gia.

Tại đây, Rielly được học tại Trường đào tạo phi công quân sự Hoàng gia trước khi được gửi tới Anh. SIS (Cơ quan phản gián) đã điều tra tỉ mỉ về lý lịch Rielly và đích thân ngài Mansfield Cumming (thường được gọi là ngài C) chỉ huy của SIS tuyển dụng Rielly. Rielly được cử đến Nga nhằm phát triển mạng lưới gián điệp tại nước này dưới biệt danh ST1.

Tuy nhiên tại Nga, Rielly nổi tính mạo hiểm, tự ý giả làm sứ giả của Thủ tướng David Lloyd George đòi gặp lãnh tụ Lênin (để bàn về những chính sách của chính phủ Bolchevik sắp tới!). Tất nhiên, chẳng bao giờ yêu cầu của Rielly được đáp ứng cả! Sau đó, Rielly cùng với lãnh đạo của Cơ quan Tình báo Anh tại Nga là Robert Bruce Lockhart lên một kế hoạch tỉ mỉ (về sau người ta còn gọi là The Lockhart Plot) để ám sát Lênin và Bộ trưởng Chiến tranh Trotsky, địa điểm họ chọn là nhà hát Bolsoi cùng với sự trợ giúp từ những người bạn của Nadine.

Tình báo Liên Xô phát hiện ra âm mưu nhưng trước đó cả hai đã biết kế hoạch bị lộ và đã bỏ trốn. Trở lại Anh tháng 1/1919, Rielly được trao huân chương Chữ thập của Đế chế Anh. Sau đó, ông ta quay lại New York tái hợp cùng Nadine. Tuy vậy mối quan hệ này kéo dài không bao lâu. Họ ly dị trong sự cảm thông và vẫn giữ mối quan hệ bạn bè.

Sau đó, Rielly được điều động đến Ba Lan để tìm hiểu về mối quan hệ giữa chính quyền Bolchevik và người Ba Lan. Rielly nhanh chóng kết thân với nhà phản cách mạng Boris Savinkov lưu vong, đầu tư rất nhiều tiền bạc để ủng hộ cho kế hoạch của Savinkov, đồng thời nhận được cam kết sẽ được đền ơn nếu Savinkov thành công.

Tiền bạc bắt đầu cạn kiệt, nhất là vào đầu năm 1922, khi SIS chính thức cắt bỏ mọi liên hệ với Rielly vì cảm thấy chướng mắt do việc tự ý hành động của ông ta. Rielly buộc phải chuyển đến Prague (Tiệp Khắc) sống bằng nghề bán biệt dược như trước kia.

Tuy công việc kinh doanh thất bại thảm hại nhưng lại một lần nữa Rielly nhận được sự giúp đỡ của phụ nữ. Thông qua một người bạn, Rielly làm quen với một phụ nữ gốc Nam Mỹ xinh đẹp tên là Pepita. Họ phải lòng nhau nhanh đến nỗi chỉ một tuần sau thì tổ chức đính hôn. Tháng 5 năm sau, đám cưới được cử hành tại một nhà thờ địa phương.

Tưởng chừng như cuộc sống của Rielly từ nay sẽ êm ả bởi ông ta đã dứt bỏ hoàn toàn liên hệ với SIS, thế nhưng chất phiêu lưu trong ông ta lại tiếp tục chảy. Trước những thiệt hại mà Rielly và Savinkov gây ra cho cách mạng, OGPU tiền thân của KGB ngày nay (Cơ quan Tình báo Nga) lên một kế hoạch hoàn hảo nhằm lôi họ vào cái bẫy đã gài sẵn.

Một tổ chức có tên là The Trust được OGPU dựng lên, liên tục có hành động chống phá chính quyền Bolchevik. Hoạt động của The Trust lập tức thu hút được sự chú ý của Rielly và Savinkov. Họ trở về Nga nhằm bắt liên lạc với các thành viên của The Trust nhưng đâu biết rằng đó chính là cái bẫy của OGPU đã gài sẵn chỉ chờ họ sa vào là sập xuống.

Savinkov bị bắt giữ tháng 1/1924, còn Rielly cũng chẳng khá gì hơn. Ông ta chẳng thể ngờ rằng lần chia tay cuối năm 1925 với người vợ Pepita lại là lần cuối cùng họ gặp nhau. Bởi vì ông ta đã bị OGPU bắt giữ ngay khi vừa vượt qua biên giới Ba Lan sang lãnh thổ Liên Xô.

Sidney Rielly bị giam tại nhà tù Lubyanka nơi Boris Savinkov cũng đã bị giam ở đó một năm trước. Ngày 5/12/1925, Sidney Rielly bị mang đi xử bắn tại  Sokoliniki. Chính phủ Anh biết rằng Rielly nhất định sẽ phải chết nhưng do việc xử tử diễn ra trong bí mật nên vẫn có không ít những lời đồn đại về số phận của ông ta.

Ngay cả khi KGB cung cấp những bức ảnh chụp xác chết của Rielly thì nhiều người vẫn tin ông ta đã trốn thoát khỏi nhà tù và hiện đang sống ở đâu đó với cái tên khác. Điều đó một phần tạo nên nét huyền bí trong cuộc đời điệp viên của Sidney Rielly

Nguyễn Mạnh Hùng (theo báo Nga)
.
.