Điệp viên hai mang George Blake là ai?

Thứ Năm, 07/01/2021, 06:29
George Blake, cựu sỹ quan MI-6 và một trong những điệp viên hai mang nổi tiếng nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh vừa qua đời tuần trước ở tuổi 98, truyền thông Nga đưa tin.

Trong giai đoạn 9 năm, Blake chuyển nhiều thông tin mật dẫn đến sự phản bội của chừng 40 điệp viên MI-6 ở khắp Đông Âu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thông tin tình báo của Anh. Ông ta vào tù ở London năm 1960, nhưng vượt ngục thành công năm 1966 và chạy trốn sang Nga. Cơ quan Tình báo Nga nói Blake "mang tình yêu chân thành với đất nước chúng ta". Vụ vượt ngục của George Blake khỏi nhà tù Wormwood Scrubs ở London năm 1966 là một điều xấu hổ cho chính phủ của Thủ tướng Anh Harold Wilson khi đó.

Blake bị kết tội phản bội Cơ quan Tình báo Anh MI-6 và làm việc cho Liên Xô, vượt ngục sau khi ngồi tù 5 năm, trong tổng số 42 năm án tù mà ông ta phải nhận. Cuộc vượt ngục của ông do ba cựu tù nhân thu xếp, trong đó có hai người vận động ủng hộ hòa bình, và được đạo diễn phim Tony Richardson tài trợ kinh phí. Với sự giúp đỡ của bạn bè, ông ẩn náu ở nhiều nơi trước khi trốn sang Liên Xô, nơi ông sống phần còn lại của cuộc đời.

Khởi nghiệp là một giao liên

Blake, tên khai sinh là George Behar, sinh ngày 11-11-1922 ở thành phố Rotterdam, Hà Lan. Cha của Blake là người Tây Ban Nha gốc Do Thái, người đã chiến đấu cho quân đội Anh trong Thế chiến Thứ I và xin được quyền công dân Anh. Ở tuổi 13, Blake được đưa sang Cairo, Ai Cập, nơi ông sống cùng bà bác (chị của bố), và chồng của bà là một chủ nhà băng giàu có. Ở đó ông trở nên thân thiết với một người anh họ, một người cộng sản nhiệt huyết, người có ảnh hưởng lớn đến ông. Blake nói các vụ đánh bom của Mỹ tại CHDCND Triều Tiên đã thuyết phục ông đổi mặt.

Ông quay về Hà Lan mùa hè năm 1939 và ở với bà nội tại Rotterdam khi quân Đức xâm chiếm vào mùa xuân năm sau. Mẹ và chị ông sơ tán sang Anh nhưng Blake vẫn ở lại Rotterdam. Khi đã rõ là kế hoạch xâm lược Anh của Đức sẽ không xảy ra, Blake xoay xở và lấy được giấy tờ giả rồi gia nhập quân kháng chiến Hà Lan. "Mặc dù tôi 18 tuổi", Blake kể lại sau này, "trông tôi trẻ hơn rất nhiều và vì thế tôi rất phù hợp với công việc giao liên".

Nói tiếng Hà Lan trôi chảy

Trong hai năm tiếp theo, Blake đưa thư cho các tổ chức kháng chiến Hà Lan, nhưng cuối cùng, ông quyết định tìm cách sang Anh và nhập ngũ. Ông tới quốc gia trung lập Tây Ban Nha, nơi ông bị bỏ tù ba tháng, rồi sang Anh qua Gibraltar. Ông gia nhập Lực lượng Hải quân Hoàng gia Dự bị, và vì xuất thân của mình, được hỏi ông có muốn làm công việc tình báo không.

Blake từ CHDCND Triều Tiên trở về Anh năm 1953 như một anh hùng

Blake nói tiếng Hà Lan trôi chảy và được giao nhiệm vụ giải mã các thông điệp mà quân kháng chiến Hà Lan gửi đi London. Khi cuộc chiến kết thúc, ông được cử sang Đức, nơi ông làm điệp viên theo dõi quân Xôviết đang đóng chiếm Đông Đức. Ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên cấp trên quyết định điều ông về Anh, và gửi ông đi học tiếng Nga ở đại học Cambridge. Về sau Blake kể lại: "Theo một cách, điều đó tác động đến sự mở rộng hiểu biết của tôi đối với chủ nghĩa cộng sản, đến nguyện vọng được làm việc cho Liên Xô".

Ném bom của quân Mỹ

Ông được điều đi Hàn Quốc ngay trước khi cuộc chiến Triều Tiên nổ ra giữa miền Nam do phương Tây hậu thuẫn và miền Bắc do Liên Xô hậu thuẫn. Nhiệm vụ của ông là xây dựng một mạng lưới gián điệp để theo dõi CHDCND Triều Tiên nhưng mạng lưới viễn thông nhiều hạn chế khiến công việc của ông khó khăn.

Khi CHDCND Triều Tiên tiến vào phố Seoul, Blake cùng một số nhà ngoại giao và nhà truyền giáo bị giam giữ. Về sau ông phủ nhận ý kiến cho rằng ông đã bị tẩy não và bị thuyết phục làm việc cho Liên Xô. Chính ở Berlin, Blake đã giao thông tin mật cho quân Xôviết.

Blake nói chính việc máy bay Mỹ đánh bom liên tiếp các làng mạc nhỏ khiến ông cảm thấy xấu hổ vì hành động của phương Tây. Ông cũng bị ảnh hưởng bởi cuốn Tư bản luận của Karl Marx, cuốn sách được Sứ quán Liên Xô gửi cho các tù nhân.

Blake bình luận sau này: "Tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn cho nhân loại nếu hệ thống cộng sản thắng thế, điều đó sẽ chấm dứt chiến tranh". Cuối cùng, Blake viết một tin nhắn gửi sứ quán Liên Xô ngỏ ý làm việc cho họ. Và sau đó ông được một sỹ quan KGB phỏng vấn.

Điệp viên hai mang

Khi trở lại Anh sau khi được thả năm 1953, ông đã là một gián điệp hai mang sẵn sàng phục vụ Liên Xô. Năm 1955, ông được Anh cử đi Berlin nơi ông được giao nhiệm vụ tuyển các sỹ quan Liên Xô làm gián điệp hai mang. Đây là một nhiệm vụ lý tưởng cho người đã chọn lựa trung thành với Liên Xô.

Giống như nhân vật Bill Haydon trong tiểu thuyết Tinker, Tailor, Solder, Spy của John le Carre, Blake chuyển các thông tin mật của Anh cho cấp trên của Liên Xô, trong khi giả vờ đưa thông tin của Liên Xô cho Anh. Vụ Blake vượt ngục ở nhà tù Wormwood Scrubs là một điều xấu hổ cho chính quyền Anh.

Trong giai đoạn 9 năm, Blake chuyển nhiều thông tin mật dẫn đến sự phản bội của chừng 40 điệp viên MI-6 ở khắp Đông Âu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thông tin tình báo của Anh. Ông kể lại: "Tôi không biết mình đã giao lại những gì vì có quá nhiều thông tin".

Công việc này của ông chấm dứt khi một sỹ quan mật vụ Ba Lan, Michael Goleniewski, đào tẩu sang phương Tây, mang theo người tình và thông tin về một điệp viên Xôviết làm việc trong cơ quan tình báo Anh. Blake được triệu tập về London và  bị bắt giữ. Tại phiên tòa xét xử, ông nhận tội đã năm lần chuyển thông tin tình báo cho Liên Xô.

Anh hùng

Theo các bản án được thi hành đối với các gián điệp khác bị bắt trong cùng thời kỳ, Blake dự đoán sẽ chịu 14 năm tù.

Nhưng thay vào đó, ông bị tuyên án 14 năm tù cho ba lần; và bản án 42 năm tù khi đó là thời gian lâu nhất từng được tuyên ở bất kỳ tòa án Anh nào, ngoài án tù chung thân. "Vì thế," Blake kể lại, "tôi được nhiều người sẵn sàng giúp tôi vì họ cho rằng bản án là phi nhân tính".

Ông đã vượt ngục thành công nhờ tình trạng lỏng lẻo ở nhà tù, và người quản tù giả định rằng ông sẽ cam chịu nhận án. Các nhà vận động hòa bình Michael Randle và Patrick Pottle đã giúp Blake vượt ngục.

Khi trong nhà tù Wormwood Scrubs, ông gặp Sean Bourke, một tội phạm gốc Irelan. Khi Bourke được thả, ông này cùng hai nhà vận động chống vũ khí hạt nhân là Michael Randle và Pat Pottle giúp Blake trèo tường vượt ngục. Trong khi trèo tường, Blake bị ngã và gãy cổ tay nhưng vẫn lên được chiếc xe tải nhỏ đang chờ. Sau một giai đoạn lẩn trốn ở nhiều địa điểm khác nhau, ông được đưa chui sang CHDC Đức trên một xe camper van và sau đó đưa sang Liên Xô.

Không ân hận

Được coi là anh hùng ở Nga, ông được phong là đại tá KGB và được cho hưởng lương hưu, một căn hộ ở Moscow và được Tổng thống Vladimir Putin trao Huân chương Hữu nghị.

Nên xét về hành vi, Blake là thuộc loại nguy hiểm nhất: người hành động vì lý tưởng thay vì phần thưởng. Ông không hề ân hận và trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin đến hết đời. Ông thù ghét hệ thống xã hội của Anh và nỗ lực làm hệ thống đó sụp đổ. "Để phản bội, trước tiên bạn phải thuộc về (xã hội đó). Tôi chưa bao giờ thuộc về (xã hội Anh)," Blake nói.

"Tôi đã có những năm tháng hạnh phúc nhất đời tôi tại Nga," ông nói trong một bài phỏng vấn nhân dịp sinh nhật thứ 90 của ông. "Khi tôi sống ở phương Tây, tôi luôn lo sợ bị lật tẩy. Ở đây, tôi được tự do". Và trong một thông cáo hồi tháng 11-2017, ông một lần nữa ca ngợi các gián điệp Nga.

Họ "có sứ mệnh khó khăn và quan trọng" là giải cứu thế giới, ông nói, "trong tình hình mà nguy cơ chiến tranh hạt nhân và sự hủy hoại nhân loại đươc đặt lên bàn nghị sự của các chính trị gia vô trách nhiệm. Nó thật sự là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác".

Trần Khắc Tiệp
.
.