Điệp viên ngăn chặn CIC tuyển mộ sĩ quan tình báo Đức Quốc xã

Thứ Bảy, 23/11/2013, 04:30

Earl Browning, cựu điệp viên mỹ vừa qua đời ở tuổi 96, đóng vai trò đáng kể trong một vụ bê bối sau Thế chiến II - đó là việc tuyển mộ cựu đại tá SS và sĩ quan tình báo Gestapo của Đức quốc xã, Klaus Barbie. Nổi tiếng là "Đồ tể thành Lyon", Barbie đã đẩy hàng ngàn người Do Thái - cả phụ nữ lẫn trẻ em cũng như các du kích quân kháng chiến Pháp - vào các trại tập trung Đức quốc xã.

Các phiên tòa xét xử “đồ tể thành Lyon” Barbie bị trì hoãn nhiều lần gây nghi ngờ giới chính khách Pháp lo sợ người này tiết lộ quá khứ họ đã từng cộng tác với Đức Quốc xã. Nhưng, một yếu tố quan trọng của vụ án lộ ra  có liên quan đến sự dính líu của Mỹ với Barbie vào cuối cuộc chiến tranh - lý do khiến phải mất 44 năm mới đưa được người này ra vành móng ngựa.

Câu chuyện chính thức được tiết lộ vào năm 1983, trong một báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ có tựa đề "Klaus Barbie và chính quyền Mỹ". Trong bối cảnh hỗn loạn sau chiến tranh, khi đó nước Đức bị phân chia thành 4 khu vực chiếm đóng và “kẻ thù” của Mỹ lúc này không phải Đức mà là Liên Xô, cho nên những tên tội phạm chiến tranh như Klaus Barbie được tình báo Mỹ tuyển mộ.

Tháng 4/1947, sĩ quan Kurt Merk thuộc Lực lượng Phản gián quân đội Mỹ (CIC) đóng ở Memmingen nói với sĩ quan trẻ tuổi Robert Taylor rằng, một người bạn cũ của ông trong thời chiến ở Pháp tên là Klaus Barbie có thể được tuyển mộ làm điệp viên.

Taylor biết Barbie sau khi tham khảo 2 bản danh sách của lực lượng đồng minh về tội phạm chiến tranh cho nên lập tức báo cáo với thượng cấp ở Munich là Trung tá Dale Garvey. Cuối cùng, cả hai người cùng đồng ý Klaus Barbie là "tài sản có giá trị" bất chấp việc hắn là tên tội phạm chiến tranh cực kỳ nguy hiểm. Với sự đồng ý của Garvey, Taylor liền gặp mặt Barbie trong căn hộ của Merk ở Memmingen. Lúc đó, người Mỹ muốn sử dụng Barbie vì cho rằng, hắn dính líu đến một tổ chức bí mật của các sĩ quan SS ở Đức.

Earl Browning khi đó đang là sĩ quan chiến dịch của CIC ở thành phố Frankfurt, bang Hessen, miền Tây nước Đức, cảm thấy choáng váng sau khi nghe tin về vụ tuyển mộ Barbie. Tháng 10/1947, Earl Browning trực tiếp đến trụ sở CIC ở Munich với ý định bắt giữ Barbie và chuyển hắn đến Frankfurt để tiến hành "cuộc thẩm vấn chi tiết".

Hành động của Browning đã dẫn đến cuộc xung đột kéo dài 2 tháng giữa anh và Garvey, người cho rằng, việc bắt giữ Barbie sẽ làm suy yếu lực lượng chỉ điểm bên trong CIC. Nhưng bước đầu Browning đã chiến thắng Garvey dẫn đến việc Barbie bị bắt vào tháng 12/1947. Barbie bị thẩm vấn cho đến tháng 5/1948 nhưng hắn chỉ tiết lộ những gì mà mọi người đều biết - hắn là thành viên SS của quân đội Đức Quốc xã.

Để làm nản lòng Browning, báo cáo tiếp theo của CIC nhấn mạnh việc Barbie đã biết quá nhiều về các chiến dịch của lực lượng phản gián cho nên không thể đưa vụ án ra tòa. Mặc dù, Earl Browning liên tục thúc giục CIC từ bỏ Barbie, song người này vẫn trở lại với công việc tình báo mà lực lượng phản gián Mỹ giao phó cho dù sau đó nhiều thông tin về các hoạt động tội ác thời chiến của hắn bắt đầu lộ ra.

Earl Browning (trái).

Tháng 4/1949, một bài báo ở Paris có tựa "Bắt giữ Barbie, kẻ tra tấn chúng ta" gây chú ý cho Earl Browning. Bài báo có đoạn: "Trong suốt thời gian (quân đội Đức Quốc xã) chiếm đóng nước Pháp, Barbie đã dùng đuốc thiêu đốt các nạn nhân, buộc họ phải thú tội trong những cuộc tra tấn kéo dài hơn 48 giờ". Browning lập tức mang bài báo đến cho Đại tá David Erskine, nhưng viên sĩ quan chỉ huy này gạt bỏ, cho là nguồn thông tin trên lấy từ du kích kháng chiến quân Pháp mà nhiều người trong số đó là đảng viên Cộng sản. Tuy nhiên, cái tên Barbie vẫn được đưa khỏi các hồ sơ của CIC để đề phòng.

Đầu năm 1950, thời gian Earl Browning trở về Mỹ, chính quyền Pháp chính thức yêu cần dẫn độ Klaus Barbie - điều này đã đặt CIC trong tình huống khó xử. Ngày 4/5/1950, Erskine quyết định không thể giao Barbie cho người Pháp vì cho rằng, các cơ quan tình báo nước này có mối quan hệ với Liên Xô. Để làm được điều này, CIC chối bỏ việc đã biết nơi ở của Barbie.

Ngày 23/3/1951, Barbie cùng với gia đình được CIC sắp xếp lên chiếc tàu của Italia ở cảng Genoa nước này đến thủ đô Buenos Aires của Argentina. Sau đó, Barbie trải qua 30 năm sống ngoài vòng pháp luật dưới lốt một doanh nhân và thành viên trong khu kiều dân Đức rộng lớn ở thành phố La Paz, miền Tây Bolivia, dưới sự bảo vệ của các chế độ kế tiếp nhau của nước này. Mãi cho đến năm 1983, sau việc công bố báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, Washington mới chính thức xin lỗi Paris về vụ đào thoát ngoạn mục của tên “đồ tể” Đức Quốc xã Klaus Barbie.

Earl Browning từng tốt nghiệp Khoa Báo chí Đại học Iowa. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Browning là sĩ quan chiến dịch của CIC với quân hàm đại tá. Sau khi chiến tranh kết thúc, Browning đến thăm trại tập trung Dachau khủng khiếp và từ đó muốn bắt giữ những tên Đức Quốc xã đang chạy trốn công lý

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.