Điệp viên nội gián ở Nam Phi

Thứ Ba, 20/11/2007, 10:45
Năm nay 72 tuổi, Dieter Gerhardt đang sống thanh thản những năm tháng cuối đời tại thành phố Basel của Thụy Sĩ. Trước đó, vào năm 1983, Gerhardt  - sĩ quan cao cấp mang quân hàm thiếu tướng của Hải quân Nam Phi bị một tòa án đặc biệt ở Nam Phi tuyên phạt tù chung thân về tội làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô.

Vợ ông, bà Ruth, cũng bị tuyên phạt 10 năm tù giam về tội làm điệp viên nội gián cả cho tình báo Liên Xô và tình báo Đông Đức.

Dieter Felix Gerhardt sinh năm 1935 tại thành phố Durban của Nam Phi trong một gia đình người Đức có nghề kinh doanh vận tải biển di cư đến Nam Phi vào thập niên 20.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Gerhardt đăng ký theo học Học viện Hải quân Nam Phi tại thành phố cảng SaldanhaBay.

Do có thành tích học tập xuất sắc nên đến năm 1954, Gerhardt được chọn đưa đi đào tạo sĩ quan hải quân chuyên nghiệp tại Anh. Trong thời gian thực tập tại căn cứ Plymouth của Hải quân Anh, Gerhardt đã được tình báo Liên Xô tiếp cận và tuyển dụng, sau khi đã bí mật điều tra và xác minh nhân thân của Gerhardt.

Từ năm 1955, Gerhardt đã chuyển giao cho tình báo Liên Xô nhiều thông tin, tài liệu quan trọng liên quan đến thế hệ tàu ngầm Polaris của Hải quân Anh thường xuyên neo đậu tại căn cứ Plymouth, hoạt động của tàu chiến Anh trên Biển Bắc cùng cách bố phòng của Hải quân Anh tại vùng biển miền Nam nước Anh. Trong thời gian này, Gerhardt lập gia đình với một phụ nữ Anh tên Janet Coggin.

Năm 1956, sau 2 năm thực tập tại Anh, Gerhardt quay về lại Nam Phi để phục vụ trong lực lượng hải quân. Với mật danh Boris, Gerhardt hoạt động tích cực trong một đường dây điệp báo quốc tế có chân rết tại nhiều thành phố lớn ở Nam Phi và các quốc gia lân cận như Angola, Mozambic...

Đến năm 1964, bà Janet biết được hoạt động nội gián của chồng và đã khuyên Gerhardt nên từ bỏ việc này. Sự hoạt động của chồng khi bị phát giác sẽ liên lụy đến đời sống của con cái, cuối cùng bà Janet đành chọn biện pháp ly dị và sau đó đưa các con quay lại Anh sinh sống.

Đến năm 1983, tình báo Liên Xô bố trí cho Gerhardt tái hôn với một phụ nữ người Thụy Sĩ tên Ruth Johr, một điệp viên vừa làm việc cho tình báo Liên Xô vừa làm việc cho tình báo Đông Đức.

Năm 1973, Gerhardt được phong hàm thiếu tướng kiêm chỉ huy trưởng Căn cứ hải quân Simonstown quan trọng nhất Nam Phi. Căn cứ Simonstown nằm gần thành phố Cape là nơi đặt Bộ Chỉ huy của Lực lượng đặc nhiệm số 408 của Hải quân Nam Phi có nhiệm vụ sẵn sàng can thiệp chống lại các cuộc tấn công trên biển từ Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương vào Nam Phi. Đây cũng là địa điểm triển khai các chiến dịch quân sự và tuần tra biển của Hải quân Nam Phi.

Simonstown còn có hệ thống hầm ngầm trú ẩn cho đội tàu ngầm của Hải quân Nam Phi và cũng là trạm dừng của các tàu chiến Mỹ và Anh trước khi tiến vào Ấn Độ Dương và ngược lại để thi hành nhiệm vụ. Đây chính là thời cơ vô cùng quan trọng để điệp viên Gerhardt thu thập và cung cấp cho tình báo Liên Xô nhiều thông tin và tài liệu vô cùng giá trị liên quan đến hoạt động của Hải quân Nam Phi và cả của Hải quân Mỹ và Anh.

Trên cương vị của mình, Gerhardt còn được tiếp cận với những hồ sơ tuyệt mật liên quan đến an ninh quốc phòng Nam Phi như kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh hóa, chiến lược và chiến thuật của Nam Phi trong cuộc chiến tranh biên giới với các quốc gia lân cận mới giành độc lập như Angola và Mozambic.

Mỹ và một vài quốc gia phương Tây đã hậu thuẫn cho một số tổ chức vũ trang ly khai chống phá lại chính phủ của hai quốc gia này. Và Nam Phi chính là nơi xuất phát các hoạt động chống phá của các tổ chức ly khai. Không những thế, Nam Phi còn sử dụng cả không quân, hải quân và lục quân hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức ly khai và đã gây nên cuộc chiến tranh biên giới giữa Nam Phi với Angola và Mozambic.

Vì vậy, nhiệm vụ của điệp viên nội gián Gerhardt là thu thập thông tin liên quan đến các hoạt động quân sự của quân đội Nam Phi cũng như của các tổ chức ly khai rồi chuyển ngay cho tình báo Liên Xô. Đây chính là cơ sở để Liên Xô giúp chính quyền Angola và Mozambic đề ra các phương án trấn áp hoạt động của các tổ chức ly khai.

Năm 1982, khi Anh xua quân tấn công đảo Falklands của Argentina, Căn cứ hải quân Simonstown được sử dụng làm địa điểm trung chuyển, cung ứng nhiên liệu cho các tàu chiến của Hải quân Anh. Các thông tin quan trọng về hoạt động của Hải quân Anh đã được Gerhardt thu thập và chuyển ngay cho tình báo Liên Xô để giao lại cho Chính phủ Argentina.--PageBreak--

Vào ngày 22/9/1979, một vệ tinh do thám thế hệ Vela của Mỹ ghi nhận được ánh chớp giống như kiểu ánh chớp phát ra từ một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại vùng biển của Nam Phi nằm giữa Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Tháng 10/1979, Liên Xô ra thông báo khẳng định đó chính là một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân phối hợp giữa Israel và Nam Phi. Liên Xô đã đưa được vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an của Liên Hiệp Quốc.

Sở dĩ Liên Xô khẳng định như vậy là có được trong tay nguồn thông tin quan trọng do điệp viên nội gián Gerhardt cung cấp liên quan đến vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân phối hợp vào ngày 22/9/1979 giữa Nam Phi và Israel trong một chiến dịch bí mật có tên gọi Phenix. Các tàu chiến của Hải quân Nam Phi xuất phát từ Căn cứ hải quân Simonstown được giao nhiệm vụ lập hàng rào bảo vệ quanh địa điểm thử nghiệm.

Năm 1982, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6) bắt đầu nghi vấn về hoạt động của một điệp viên nội gián giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền hay quân đội Nam Phi.

Thế nhưng chỉ đến khi Boris Zotov, điệp viên Liên Xô nằm trong đường dây điệp báo của Gerhardt, đầu thú với tình báo Nam Phi hoạt động của Gerhardt mới bị lộ. Ông bị FBI bắt giữ khi đang công cán tại Mỹ vào ngày 11/7/1982 rồi đưa ngay về Nam Phi để thẩm vấn và xét xử. Bà Ruth, vợ ông, cũng cùng chung số phận.

Vào tháng 12/1983, một tòa án đặc biệt tại thành phố Cape đã tuyên phạt tù chung thân đối với Gerhardt về tội làm điệp viên nội gián và phản bội tổ quốc. Bà Ruth, vợ của Gerhardt bị tuyên phạt 10 năm tù giam về tội làm điệp viên nội gián.

Năm 1991, khi chế độ Apartheid sụp đổ, chính quyền mới ở Nam Phi do Nelson Mandela lãnh đạo quyết định ân xá cho tất cả các tù nhân chính trị bị chế độ cũ giam giữ, nhưng phải đợi đến năm 1994, Gerhardt mới chính thức được trả tự do và sau đó đến thành phố Basel của Thụy Sĩ để sinh sống.

Trước đó, bà Ruth đã được trả tự do và quay về Basel từ năm 1991. Nhiều người cho rằng đây là một kết cục có hậu cho một điệp viên nội gián tầm cỡ như Dieter Gerhardt

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.