Điệp viên nội gián trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ

Thứ Hai, 23/03/2009, 10:55
Đây có thể được xem là một vụ án tình báo đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ: Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ (CSC) đã sử dụng điệp viên nội gián cài vào Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) để thu thập thông tin liên quan đến các hoạt động dân sự và ngoại giao của Nhà Trắng, trong đó có cả những cuộc bàn thảo riêng tư giữa Tổng thống Nixon và Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger.

Vào tháng 12/2008, Nhà Trắng quyết định công khai hồ sơ vụ án tình báo này và sau đó được tạp chí CiCentre tổng hợp thành bài báo.

Vào tháng 7/1973, sau một thời gian theo dõi, các nhân viên điều tra của Cơ quan Mật vụ Mỹ (SSA) đã tiến hành bắt giữ Trung sĩ hải quân Charles Radford, 25 tuổi, làm việc tại bộ phận cơ yếu của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, về tội đã thu thập, sao chụp bất hợp pháp thông tin các tài liệu quan trọng rồi chuyển giao không phải cho một cơ quan tình báo nước ngoài mà là cho Hội đồng Tham mưu liên quân.

Hai đô đốc hải quân Rembrandt Robinson và Robert Welander làm nhiệm vụ liên lạc giữa Hội đồng Tham mưu liên quân và Hội đồng An ninh quốc gia là những nhân vật trực tiếp nhận thông tin, tài liệu từ Radford. Bị điều tra, cả Đô đốc Robinson và Welander đều khai báo là làm theo lệnh của Đô đốc Thomas Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân. Từ đó bùng nổ vụ tai tiếng được gọi là "Vụ án tình báo Moorer-Radford".

Nhân vật chính của vụ án tình báo này là Charles Radford sinh ngày 6/11/1948 tại thành phố Orlando, bang Florida. Sau khi tốt nghiệp trung học, Radford gia nhập hải quân và sau đó được điều chuyển làm nhiệm vụ cơ yếu trên tàu sân bay Enterprises. Năm 1970, Radford chuyển lên đất liền làm việc tại bộ phận cơ yếu của Bộ Chỉ huy Bắc Đại Tây Dương của Hải quân Mỹ đóng tại căn cứ Newport và trở thành một trong những tùy viên của Đô đốc Moorer, lúc đó còn đảm nhiệm chức vụ chỉ huy các chiến dịch quân sự của Hải quân Mỹ.

Năm 1971, khi được bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân và là thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Đô đốc Moorer quyết định điều Radford đến làm việc tại bộ phận cơ yếu của cơ quan quan trọng bậc nhất nước Mỹ này.

Theo quy định của Hội đồng An ninh quốc gia, Tổng thống chỉ làm việc và tham khảo với Hội đồng Tham mưu liên quân về những vấn đề liên quan đến quốc phòng và an ninh tình báo. Riêng các vấn đề  liên quan đến hoạt động dân sự, chính trị, ngoại giao... không thuộc phạm vi bàn thảo giữa tổng thống, các cố vấn với Hội đồng Tham mưu liên quân.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề quốc gia hệ trọng mà Tổng thống Nixon chỉ trao đổi và bàn thảo riêng với Kissinger, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng và tình báo. Có thể do cảm thấy bị gạt ra khỏi nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia nên Đô đốc Moorer quyết định sử dụng Radford làm điệp viên nội gián để thu thập thông tin, tài liệu của Hội đồng An ninh quốc gia mà Hội đồng Tham mưu liên quân chưa biết đến.

Theo điều tra của SSA, Radford bắt đầu hoạt động nội gián từ tháng 5-1972, chỉ 6 tháng sau khi được điều chuyển đến làm việc tại Hội đồng An ninh quốc gia. Radford đã sử dụng nhiều phương pháp để thu thập thông tin, tài liệu như sao chụp các tài liệu bằng máy photocopy, thu nhặt tài liệu được đem đi hủy bỏ và cả bí mật lục lọi rồi sao chụp tài liệu từ hồ sơ của Cố vấn An ninh quốc gia Kissinger khi ông này nghỉ ngơi giữa hai phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia. Trong vòng 14 tháng hoạt động nội gián, Radford đã thu thập và chuyển giao cho Hội đồng Tham mưu liên quan gần 5.000 tài liệu.

Tổng thống Nixon bắt đầu nghi vấn về khả năng rò rỉ thông tin mật từ Hội đồng An ninh quốc gia kể từ khi nhà báo kỳ cựu Jack Anderson cho công bố nhiều tài liệu liên quan đến việc Mỹ đã bí mật hậu thuẫn cho Pakistan trong cuộc chiến tranh giữa Pakistan và Ấn Độ vào năm 1971. Mà Anderson lại là kẻ thù không đội trời chung với Tổng thống Nixon. Chính những tiết lộ được đưa lên mặt báo về mối quan hệ bí mật giữa gia đình Nixon và tỉ phú Howard Hughes là một trong những nguyên nhân khiến Nixon bị thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với John Kennedy vào tháng 11/1959.

Lập tức, Tổng thống Nixon ra lệnh cho SSA bí mật điều tra. Kết quả  điều tra của SSA cho biết một nhân viên làm việc tại  bộ phận cơ yếu của Hội đồng An ninh quốc gia tên Charles Radford đã chuyển giao tài liệu về sự dính dáng của Mỹ trong cuộc chiến tranh giữa Pakistan và Ấn Độ vào năm 1971 cho nhà báo Anderson. Từ việc bắt giữ Radford, mật vụ Mỹ dần dần lần ra “cây kim trong bọc”.

Theo tiết lộ từ tài liệu được công bố bởi Nhà Trắng vào tháng 12/2008 liên quan đến vụ án tình báo Moorer-Radford dày đến 9.000 trang cùng với 200 giờ ghi âm các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Nixon với Cố vấn An ninh quốc gia Kissinger và Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird, quan điểm của Tổng thống Nixon là muốn đình chỉ chức vụ và truy tố Đô đốc Moorer về tội lợi dụng chức vụ để thu thập bất hợp pháp thông tin, tài liệu của Hội đồng An ninh quốc gia.

Tuy nhiên, theo lời khuyến cáo của Kissinger và Melvin Laird, Tổng thống Nixon chỉ cảnh cáo Đô đốc Moorer về những việc làm sai trái của ông này do lo ngại một khi vụ tai tiếng bùng nổ sẽ làm suy yếu sức mạnh và gây chia rẽ quân đội Mỹ. Hai cấp dưới của Đô đốc Moorer là Đô đốc Robinson và Đô đốc Welander phải bị kỷ luật và cho nghỉ hưu sớm. Riêng nhân vật chính trong vụ án tình báo Moorer-Radford, Charles Radford phải lãnh án 3 năm tù giam và bị sa thải ra khỏi quân đội.

Đô đốc Welander, trả lời phỏng vấn của Kênh truyền hình CBS, sau khi Nhà Trắng cho công bố tài liệu liên quan đến vụ án tình báo Moorer-Radford, cho rằng vụ án này chẳng qua là âm mưu ra tay của phe dân sự trong chính quyền Nixon mà nhân vật đứng đầu là Cố vấn An ninh Henry Kissinger đối với phe quân sự khi bị Quốc hội và cả dư luận Mỹ chỉ trích nhân tố gây ra những thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.