“Điệp viên quả phụ” và cái chết của Trigon

Chủ Nhật, 27/05/2012, 14:00

“Điệp viên quả phụ” (The Widow Spy) là quyển hồi ký mới xuất bản của một nữ điệp viên CIA lần đầu tiên được biệt phái sang Liên Xô làm nhiệm vụ giữa lúc Chiến tranh lạnh đang lên cao điểm. Nhiệm vụ bất thành, bà ta bị bắt cùng với người hợp tác với mình bên phía Liên Xô vào năm 1977. Giờ đây, bà kể lại câu chuyện năm xưa, với những tình tiết mà báo chí chưa từng đăng tải về bà và cả người điệp viên hai mang trong hàng ngũ KGB.

"Điệp viên quả phụ" có tên thật là Martha D. Peterson. Năm nay 69 tuổi, Martha sinh ra trong một gia đình trung lưu chuyên về kinh doanh, sinh trưởng ở bang Connecticut. Thuở nhỏ, Martha là một thiếu nữ có khiếu đánh đàn và múa hát.

Thập niên 60 thế kỷ XX, Martha theo học Đại học Drew và gặp gỡ John Peterson, một sinh viên học cùng trường. Hai người cưới nhau vào Giáng sinh năm 1969. Ngay sau đám cưới, John Peterson gia nhập CIA và tham chiến tại Lào.

Ngày 19/10/1972, Peterson tử trận, để lại người vợ trẻ nơi đất khách quê người. Trở thành quả phụ quá sớm, Martha tìm đủ mọi phương cách xoay sở và xin vào làm thư ký cho Văn phòng CIA tại địa phương.

Được bạn bè và người thân khích lệ, Martha tham gia khóa huấn luyện điệp viên tương lai vào tháng 7/1973. Martha gia nhập CIA vào năm 1974, ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện. Martha khởi đầu sự nghiệp tại CIA trong khi đang có bằng thạc sĩ trong tay.

Thập niên 70 thế kỷ trước được xem là thời kỳ nóng bỏng của ngành tình báo Mỹ, nhất là đối với CIA. Thế là, vào đầu năm 1975, Martha trở thành nữ điệp viên đầu tiên của CIA được biệt phái sang làm nhiệm vụ tại Moskva, trong vai trò một nhân viên ngoại giao trẻ tuổi bên trong Đại sứ quán Mỹ tại Moskva.

Tuy chỉ làm việc được trong 2 năm, nhưng đó là khoảng thời gian mà sau này, trong quyển hồi ký của mình, Martha cho là có ý nghĩa nhất, là giai đoạn công tác quan trọng nhất trong suốt sự nghiệp tình báo 32 năm của bà.

Ở Moskva, Martha có nhiều lợi thế hơn những đồng nghiệp khác. Do là phụ nữ, lại còn trẻ tuổi, nên Martha không hề bị nghi ngờ và rất ít khi bị theo dõi, từ đó bà có thể tự do hoạt động mà không sợ bị Cơ quan Phản gián Liên Xô phát hiện. Martha được giao nhiệm vụ giao dịch thông tin với một điệp viên 2 mang có bí danh là “Trigon”, tên thật là Aleksandr Dmitryevich Ogorodnik.

Xin nói thêm về nhân vật mang bí danh Trigon. Aleksandr Dmitryevich Ogorodnik là một điệp viên KGB làm việc bên trong ngành ngoại giao Liên Xô. Thập niên 60 thế kỷ XX, trong vai trò một nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Liên Xô ở Bogota, Colombia, Ogorodnik đã bị các điệp viên của Cơ quan Tình báo quốc gia Colombia gài bẫy và ép buộc phải phản bội tổ quốc, chấp nhận làm gián điệp cho "phía bên kia", do Mỹ cầm đầu.

Ngay sau đó, Ogorodnik được tình báo Colombia "bàn giao" cho tình báo Mỹ, và người phụ trách tuyển mộ ông phục vụ cho CIA không ai khác chính là Aldrich Ames, một điệp viên CIA làm gián điệp cho KGB. Có lẽ do việc Ames tuyển mộ Ogorodnik nên sau này, khi Ogorodnik bị lật tẩy, có người cho rằng chính Ames đã bán đứng người mà mình đã tuyển mộ cho CIA.

Thực ra thì, thông tin từ chính KGB sau này tiết lộ cho biết kẻ làm lộ tẩy Ogorodnik không phải là Ames hay các điệp viên KGB tại Mỹ mà là một điệp viên 2 mang khác, ít ai ngờ tới: Karl Koecher, một điệp viên người Tiệp Khắc phản bội tổ quốc gia nhập CIA, làm phiên dịch cho cơ quan này, nhưng vẫn tiếp tục duy trì quan hệ công tác với các cơ quan tình báo thuộc khối Đông Âu.

Năm 1969, Trigon trở về Moskva và được giao nhiệm vụ trong Bộ Ngoại giao. Với vị trí mới này, Trigon bắt đầu có cơ hội tiếp cận nhiều tài liệu, hồ sơ quan trọng mà CIA đang rất cần, kể cả danh sách các điệp viên CIA và Tây Âu làm việc cho KGB. CIA đã trang bị cho Trigon những phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất trong ngành tình báo, như máy ảnh mini dùng để chụp lại các loại giấy tờ tài liệu quan trọng chuyển cho CIA bằng hình thức "thả tài liệu" tại một góc khuất nào đó để điệp viên CIA đến nhận mà không sợ ai để ý.

Cuộc hợp tác tình báo giữa Martha và Ogorodnik kéo dài không lâu, đã phải kết thúc bất ngờ vào ngày 15/7/1977. Vào ngày hôm đó, Martha và Trigon lần lượt bị bắt. Trigon bị bắt quả tang khi vừa nhận tài liệu tại nơi giao dịch, còn Martha thì đi được một quãng, đến một chiếc cầu vượt đường ray tàu hỏa ở Moskva. Vụ bắt giữ này do một toán điệp viên KGB phụ trách theo dõi hoạt động của Martha và Trigon nhiều ngày và mai phục chờ sẵn. Martha hoàn toàn bất ngờ và không nghĩ rằng mình có thể bị bắt một cách dễ dàng như thế.

Ngay sau khi bị bắt, cả hai được đưa về giam giữ tại nhà giam thuộc KGB ở Lubyanka, Moskva; Trigon được giam riêng để chờ lấy lời khai. Tuy nhiên, KGB đã không lấy được lời khai của Trigon. Y đã chuẩn bị từ trước việc  mình có thể bị lật tẩy và bị bắt bất cứ lúc nào nên y đã yêu cầu cơ sở CIA ở châu Âu trao cho y viên độc dược mà các điệp viên, cảm tử quân hay dùng. Lợi dụng lúc cán bộ thẩm cung sơ hở, không để ý, Trigon đã kịp lấy viên thuốc độc từ đầu cây bút bi y mang theo người và tự sát ngay tại phòng thẩm vấn. Ngày 13/6/1978, tức gần một năm sau khi Martha và Trigon bị bắt, báo chí Liên Xô mới bắt đầu thông tin về vụ việc.

Riêng phần Martha, nhờ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, bà được trả tự do sau 3 ngày thẩm vấn, và bị trục xuất khỏi Liên Xô. Sau đó, Martha tiếp tục công tác cho CIA tại tổng hành dinh của cơ quan này ở Langley, bang Virginia. Bà nghỉ hưu năm 2003 và viết quyển hồi ký "Điệp viên quả phụ" (The Widow Spy) kể lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp 32 năm làm điệp viên CIA của mình

An Tôn (tổng hợp)
.
.