Điệp viên số 1 của CIA tại Serbia

Chủ Nhật, 20/12/2009, 09:40

Thông thường danh tính giới điệp viên luôn được giữ kín, nhất là những nhân vật "nội gián" mang tầm vóc chiến lược; trừ phi người ấy bị lộ hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Nhưng một chuyện hy hữu vừa xảy ra trong lịch sử làng tình báo quốc tế, khi một gián điệp "cỡ bự" đã công khai nhân thân của mình hòng... gỡ tội.

Đó là Iovisa Ctanicic, cựu Giám đốc Tình báo Cộng hòa Serbia (DB) từ năm 1992 đến năm 2000, một tội phạm chiến tranh đang bị giam giữ tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague (Hà Lan). Trả lời trong một phiên thẩm vấn mới đây, bị can cho biết trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, người đứng đầu DB đã tự nguyện hợp tác với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cung cấp những tin tức tối mật có lợi cho phương Tây. Cụ thể là vào một buổi tối đầu năm 1992 tại công viên Topchider ở Belgrad, Ctanicic đã bí mật gặp William Loffgreen, sĩ quan Trưởng Phân cục CIA ở Nam Tư cũ nhằm thỏa thuận "giao kèo hợp đồng".

Thực tình là giới lãnh đạo CIA lúc ấy chưa rõ nội tình Liên bang Nam Tư sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, nên rất cần một điệp viên nội gián thuộc hàng chóp bu trong DB để dễ bề định liệu các toan tính của chính thể Slobodan Milosevic đương quyền.  Khi được đại diện tờ nhật báo Los Angeles (Mỹ) phỏng vấn, cựu sĩ quan W.Loffgreen cho biết rằng: "Ctanicic đã hợp tác rất tích cực với chúng tôi trong suốt thời gian làm giám đốc DB - Ông ta chính là điệp viên số 1 của CIA tại Nam Tư vào thời kỳ rối ren nhất”.

Trong quá trình lãnh đạo DB Iovisa Ctanicic thường xuyên có các cuộc gặp định kỳ với viên trưởng chi nhánh CIA ở Serbia, khi thì trên một con thuyền du lịch dọc sông Danube, lúc thì trong những căn hộ bí mật ngoại vi thủ đô Belgrade. Ngoài các tin tức về nội tình Liên bang Nam Tư ra, điệp viên cao cấp còn cung cấp lượng thông tin "sống còn" khác như sự bố phòng của lực lượng phòng không Serbia, địa điểm giam giữ các tù binh NATO bị bắt... tạo thuận lợi cho các chiến dịch oanh kích Nam Tư do NATO khởi xướng trong thập niên trước.

Được biết I.Ctanicic bị Tòa án Tội phạm chiến tranh Nam Tư cũ (ICTY), một tổ chức tố tụng thuộc khuôn khổ ICC quy kết mảng tội danh "chống lại loài người" như phân biệt sắc tộc và âm mưu diệt chủng các sắc dân thiểu số. Không hiểu các thành tích "cộm cán" trong quá khứ có giúp đương sự được... nương tay chăng?

Quang Long (theo Los Angeles Times)
.
.