Điều chỉnh hoạt động của CIA: Được cái này, mất cái kia

Thứ Ba, 21/03/2017, 16:00
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có những quyết định điều chỉnh đối với hoạt động của Cục tình báo trung ương (CIA) theo hướng kiểm soát chặt chẽ, không để "tự tung tự tác" như người tiền nhiệm. Ông sẵn sàng trao cho CIA quyền hạn này, nhưng cũng thu hồi lại quyền hạn khác.


Cho cái này

Cái mà ông Trump "cho" CIA mới nhất là trao cho cơ quan tình báo này quyền được triển khai trở lại chương trình máy bay không người lái sát thương nhằm tiến hành các cuộc không kích các mục tiêu khủng bố ở nước ngoài. Tờ The Wall Street Journal thông tin, ngay khi vừa nhậm chức, Tổng thống Trump đã quyết định cấp lại quyền triển khai chương trình máy bay không người lái sát thương cho CIA sau cuộc họp với các quan chức lãnh đạo cấp cao của cơ quan này vào ngày 21-1-2017 vừa qua.

Việc cấp lại quyền này nhằm mục đích giúp cho CIA có điều kiện tốt hơn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác.

Phiến quân đối lập FSA ở Syria đang rơi vào hụt hẫng sau khi chương trình hỗ trợ cho họ bị cắt.

Theo The Wall Street Journal, kể từ sau cuộc họp đó, CIA đã bắt đầu triển khai trở lại chương trình máy bay không người lái sát thương và đã tổ chức ít nhất một cuộc tấn công, giết chết Abu al-Khayr al-Masri, một chỉ huy cao cấp của Al-Qaeda tại Syria và là con rể của ông trùm Osama bin Laden.

Truyền thông Mỹ chưa thể xác minh được liệu CIA còn tổ chức các đợt tấn công nào khác nữa ngoài Syria hay không. Những vụ việc xảy ra ở Pakistan và Afghanistan vừa qua không thể được xem là nằm trong chương trình của CIA.

CIA bắt đầu thử nghiệm sử dụng máy bay không người lái sát thương để tấn công các mục tiêu cao cấp trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu triển khai từ đầu những năm 2000, ngay sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001.

Khi đó, CIA sử dụng những chiếc MQ-1 Predator do quân đội quản lý để thử nghiệm chương trình. Chính quyền của Tổng thống George W. Bush khi đó đã tiến hành 57 cuộc tấn công ở Afghanistan, Pakistan, Somalia và Yemen, theo số liệu từ Cục Báo chí điều tra Mỹ (BIJ). Dưới thời Tổng thống Barack Obama, chương trình bỗng gia tăng tần suất, số lượng các cuộc tấn công, với 563 cuộc tấn công ở nhiều quốc gia khác nhau.

Sự gia tăng tấn công bằng máy bay không người lái được cho là một bước trong chiến lược của Tổng thống Obama là rút binh sĩ quân đội từ các chiến trường ở Trung Đông về nước, chỉ để lại số lượng nhỏ binh sĩ, sĩ quan và sử dụng một cơ số nhỏ lính đặc nhiệm và các phương án sát thương ít rủi ro, như máy bay không người lái tấn công.

Việc ông Obama ưu tiên sử dụng máy bay không người lái đã gây tranh cãi, đặc biệt là sau khi có những bài báo phản ánh những vụ bắn nhầm, lạc địa chỉ ở Afghanistan, các khu bộ lạc Pakistan và ở Yemen làm chết nhiều thường dân, từ đó dẫn đến việc Tổng thống Obama phải chuyển giao quyền kiểm soát chương trình máy bay không người lái sát thương từ CIA sang cho Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, ngay cả khi được giao cho Bộ Quốc phòng quản lý, máy bay không người lái vẫn gây ra nhiều vụ bắn nhầm đáng tiếc liên tục trong năm 2015.

Việc Tổng thống Trump trao lại quyền kiểm soát chương trình máy bay không người lái sát thương đồng nghĩa với việc phục hồi cho CIA hầu như tất cả những quyền hạn mà cơ quan này đã có trước kia. Chỉ trừ những việc mà ông thu hồi.

Và lấy lại cái kia

Cái mà ông Trump "lấy lại" từ CIA chính là điều mà giới chức diều hâu ở Washington và các đồng minh phản đối nhất: chương trình hỗ trợ cho phiến quân đối lập ở Syria chống Tổng thống Bashar al-Assad. Chương trình này bao gồm tài chính chi trả lương cho binh sĩ và sĩ quan chỉ huy, huấn luyện kỹ chiến thuật, vũ khí đạn dược và một số tên lửa chống xe tăng.

Việc thu hồi chương trình hỗ trợ phiến quân được cho là một động thái phản hồi sau những vụ tấn công của lực lượng khủng bố thánh chiến, đồng thời phản ánh những vấn đề bất hợp lý nảy sinh trong suốt quá trình triển khai chương trình.

Tháng 6-2016, thông tin báo chí rộ lên việc các quan chức tình báo Jordan đã lấy cắp các vũ khí mà CIA và Arập Xêút viện trợ cho phiến quân Syria. Số vũ khí bị lấy cắp đã được CIA vận chuyển đến Jordan để cung cấp cho phiến quân Syria.

Sau khi lấy cắp, các quan chức tình báo Jordan mang số vũ khí đó bán ra thị trường đen, để rồi cuối cùng chúng được mang trở lại gây ra vụ xả súng ở một trại huấn luyện cảnh sát ở Amman.

Sự việc này đã gây ra làn sóng chỉ trích gay gắt đối với không chỉ cơ quan tình báo Jordan mà quan trọng hơn làm cho CIA giảm uy tín trong việc triển khai chương trình. Nhiều nghị sĩ không còn tin tưởng vào trách nhiệm của CIA trong việc triển khai chương trình hỗ trợ phiến quân nữa và kêu gọi bàn giao trách nhiệm viện trợ đó cho các đồng minh trong khu vực.

Trên thực tế, việc ông Trump thu hồi chương trình viện trợ, hậu thuẫn của CIA dành cho các nhóm Syria đối lập hoàn toàn phù hợp với chiến lược mới của ông tại mặt trận Syria cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông. Nước Mỹ của ông Trump không còn đối chọi với nước Nga về chính sách đối với cuộc nội chiến Syria, mà đang đi theo hướng hợp tác để cùng nhau tìm giải pháp thích hợp nhất, thỏa đáng nhất cho tất cả các bên liên quan ở Syria (trừ IS).

Hiện tại, tuy chính quyền Trump chưa chính thức tuyên bố chính sách chắc chắn của mình đối với Syria và cả Iraq, nhưng việc rút lại chương trình viện trợ trong giai đoạn hiện nay rõ ràng đang gây thêm khó khăn vốn đã đầy ắp cho phiến quân đối lập ở Syria.

An Tôn (tổng hợp)
.
.