Điều gì ẩn sau vụ chính biến tại Honduras?

Thứ Tư, 08/07/2009, 20:20
Việc Honduras đe dọa sự tồn tại của khu căn cứ quân sự Mỹ tại Soto Cano (Honduras) và gia nhập Tổ chức Sự lựa chọn Boliva cho châu Mỹ - ALBA (cơ chế hợp tác với ưu tiên chống đói nghèo và thúc đẩy hội nhập kinh tế, xã hội và chính trị giữa các nước Mỹ Latinh và Caribe), do Venezuela và Cuba khởi xướng năm 2004 như là một sự lựa chọn thay thế Khu vực Thương mại tự do châu Mỹ (FTAA - do Mỹ đề xuất), đã khiến Washington nổi giận lôi đình.

5 quốc gia Trung Mỹ (Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua) có vị trí chiến lược đặc biệt vì đây là khu vực lưu thông của hai lục địa và hai đại dương. Mặc dù không quốc gia nào trong số này có nguồn tài nguyên khoáng sản đặc biệt, nhưng việc sử dụng một trong số những quốc gia này lại có thể kiểm soát được toàn bộ khu vực Trung Mỹ.

Chính vì vậy trong suốt cuộc cách mạng ở Nicaragua, Washington đã sử dụng Honduras như một căn cứ hậu phương để chống lại cuộc cách mạng này. Dưới sự điều hành của John Negroponte (Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ 2005-2007), Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tegucigalpa (Honduras) đã trở thành tổng hành dinh của những người chống phá cách mạng Nicaragua. Nhưng sự phát triển của phong trào bài Mỹ tại Honduras, sau sự trở lại cầm quyền của đảng Mặt trận giải phóng do tướng Augusto Sandino đề xướng tại Nicaragua là mối nguy hiểm đối với người Mỹ.

Honduras dưới thời của Tổng thống Ricardo Rodolfo Maduro Joest, thuộc phe quốc gia chủ nghĩa, có quan hệ mật thiết với Mỹ. Mối quan hệ này được thăng hoa bằng việc Honduras gửi 370 binh lính sang Iraq hỗ trợ cho liên quân Mỹ. Tuy nhiên, năm 2005, ứng cử viên thuộc đảng Tự do trung hữu, José Manuel Zelaya Rosales (Tổng thống Honduras vừa bị phế truất) đã được bầu làm tổng thống.

Đầu tiên, khi lên làm tổng thống, ông Zelaya đã tập trung cải cách phân quyền cai trị. Trao quyền quyết định cho người dân để tăng cường quyền lực nhân dân và sự minh bạch. Việc cải cách này đã làm phát sinh mâu thuẫn giữa tầng lớp chính trị biến chất ở thủ đô với những thành phần quan chức mới nổi ở địa phương. Chính sách cải cách này cũng tước đi một phần quyền kiểm soát kinh tế của quân đội.

Trong suốt 4 năm cầm quyền, ông Zelaya đã thể hiện rõ quan điểm theo chiều hướng thiên tả cả trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại, mà việc gia nhập tổ chức ALBA là một ví dụ điển hình. 

Đặc biệt, tháng 6/2006, ông Manuel Zelaya tuyên bố xem xét lại vai trò của căn cứ không quân Mỹ tại Soto Cano vì cho rằng căn cứ này gây cản trở luồng giao thương thương mại của Honduras.

Ông Roberto Micheletti (thứ 2 từ trái sang) được Quốc hội chỉ định làm Tổng thống lâm thời.

Trước phản ứng của Lầu Năm Góc sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Honduras đã phải nhượng bộ vì cho rằng việc dỡ bỏ căn cứ này sẽ khiến Honduras phải bồi thường rất lớn. Nhưng Tổng thống Zelaya vẫn duy trì quyết định của mình. Về mặt chính thức, Soto Cano là một căn cứ quân sự nhỏ chỉ với 190 binh lính và 730 công nhân làm việc hợp đồng. Đây là nơi duy nhất tại Trung Mỹ có khả năng tiếp đón các máy bay quân sự cỡ lớn của Mỹ.

Ngoài ra, Soto Cano còn là một căn cứ do thám nối liền hai đơn vị đặc biệt của Mỹ là Cerro La Mole và Swan Island. Nói tóm lại đây là căn cứ không thể thiếu cho tình báo quân sự Mỹ tại khu vực Trung Mỹ. Nhưng điều kỳ lạ là chưa có bất kỳ một thỏa ước nào được ký giữa hai quốc gia nhằm định danh rõ căn cứ quân sự này.

Trước đây uy tín của Tổng thống Zelaya rất cao, nhưng đột nhiên sau đó ông bị một loạt các phương tiện truyền thông trong nước chỉ trích như ông không giữ lời hứa, không có khả năng trong việc cải thiện đời sống cho dân và ngăn chặn tình trạng tội phạm...

Cùng lúc đó, Washington thể hiện sự tức giận của mình với Tổng thống Zelaya bằng cách cắt giảm viện trợ, nhưng vẫn duy trì các chương trình hợp tác an ninh với Honduras. Thực tế, Mỹ tài trợ rất nhiều tiền của và sức người cho Honduras trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và khủng bố. Đây là những lá bài quan trọng mà Washington có thể gây áp lực lên chính quyền Honduras.

Ngoài ra, có tới gần một triệu người Honduras sống tại Mỹ, những người này di cư tới Mỹ sau cơn bão Mitch kinh hoàng tại Honduras năm 1998. 78.000 trong số đó hiện vẫn trong tình trạng tạm trú, và chỉ cần một quyết định hành chính đơn giản, số người này ngay lập tức sẽ bị trục xuất về nước.

Trong lúc đó, Tổng thống Zelaya vẫn tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng và buộc nhiều quan chức cấp cao từ chức. Một số những người này sau đó đã bắt đầu âm mưu lật đổ ông. Điển hình là cựu Giám đốc Công ty Truyền thông quốc gia bị phát hiện gài máy nghe lén Tổng thống Zelaya.

Khi cuộc khủng hoảng thị trường thứ cấp tại Mỹ bắt đầu bùng phát cộng với giá lương thực trên thế giới tăng cao, Tổng thống Zelaya quay sang cầu cứu các thành viên ALBA. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ lớn trong dân chúng nhưng lại gây lo ngại cho tầng lớp trung lưu vốn bị tác động bởi chính sách kinh tế của Tổng thống Maduro trước đó, rồi lại thêm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Ngày 25/8/2008, Tổng thống Manuel Zelaya, tham gia lễ tưởng niệm anh hùng Ernesto Che Guevara và trước đám đông 100.000 người ở thủ đô Tegucigalpa, đã ký thỏa ước gia nhập ALBA với sự có mặt của Tổng thống Bolivia, Evo Morales, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, và Phó chủ tịch Cuba Carlos Laje. Bằng hành động này, Washington cho rằng Honduras đã gia nhập hàng ngũ "kẻ thù" của Mỹ.

Theo New York Times (29/6/2009), một số quan chức quân sự Mỹ đã tiếp xúc với những kẻ phản loạn tại Honduras trong những ngày qua nhưng là để khuyên can những người này không nên làm đảo chính(?!) Cũng theo New York Times, mọi tiếp xúc đã được ngưng vào ngày 28/6, có nghĩa là khi đó cuộc chính biến đã bắt đầu.

Lực lượng quân đội Honduras hoàn toàn được trang bị, huấn luyện và cố vấn bởi quân đội Mỹ. Họ chắc chắn tuân lệnh cấp trên, tổng thống rồi sau đó mới tới ban tham mưu. Nhưng trên thực tế, quân đội Honduras gần như bị Bộ Chỉ huy các lực lượng phía nam (SouthCom) của Mỹ từ Soto Cano và Miami kiểm soát.  Chính xác hơn là Lầu Năm Góc mới đây đã vội vã thay thế viên chỉ huy trưởng SouthCom, tướng Douglas M. Fraser, hôm 25/6, để theo dõi vụ đảo chính tại Honduras.

Căng thẳng thực sự leo thang khi Tổng thống Zelaya triệu tập cuộc trưng cầu ý dân (28-6) để tiến hành một cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến. Nhưng ngay sau đó, một loạt phương tiện truyền thông nước ngoài đã được "gợi ý" để đưa tin rằng đây là một sáng kiến nhằm giúp ông Zelaya có được nhiệm kỳ lần 2 ngay.

Nhưng điều này là không đúng thực tế vì bầu cử Quốc hội lập hiến có thể sẽ diễn ra cùng lúc với cuộc bầu cử tổng thống lần tới và rằng Hiến pháp Honduras chỉ có thể thay đổi rất lâu sau đó. Do vậy, ông Zelaya không thể là ứng cử viên tổng thống trong kỳ bầu cử tới. Nhưng báo chí phương Tây lại cho rằng, ông Zelaya cũng theo chân nhà lãnh đạo Hugo Chavez muốn làm "tổng thống suốt đời".

Ngày 23/6, Quốc hội Honduras thông qua một điều luật sửa đổi hiến pháp cấm tiến hành trưng cầu ý dân 180 ngày trước kỳ bầu cử tổng thống. Tòa án tối cao nước này tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý được ông Zelaya triệu tập là bất hợp pháp (nhưng không vi hiến) mặc dù chính điều luật sửa đổi trên tự nó đi ngược lại với hiến pháp.

Tuy nhiên, dựa trên điều này, Tham mưu trưởng quân đội Honduras, tướng Romeo Vasquez, đã phong tỏa việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trên. Khi đó Tổng thống Zelaya phải đích thân tới một căn cứ quân sự để lấy trang thiết bị phục vụ cuộc bỏ phiếu và cách chức vị Tham mưu trưởng quân đội. Vì tướng Romeo Vasquez được đào tạo tại Mỹ cho nên việc người này bị cách chức là quả đắng người Mỹ nuốt khó trôi.

Ngày 28/6/2009, lúc 5h30 sáng (giờ địa phương), điện và các hệ thống liên lạc điện thoại đều bị cắt. Lực lượng đặc biệt của quân đội Honduras bao vây dinh tổng thống và buộc ông phải theo họ. Sau đó Tổng thống Zelaya bị trục xuất đến Costa Rica trong lúc đang còn mặc đồ ngủ. Ít nhất 8 bộ trưởng, trong đó có Ngoại trưởng cùng nhiều quan chức cấp cao khác đã bị bắt. Khi điện có trở lại, các phương tiện truyền thông thông báo lệnh giới nghiêm và cuộc trưng cầu dân ý bị hủy bỏ.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội Honduras họp phiên bất thường. Chủ tịch Quốc hội Roberto Micheletti đọc một lá thư viết ngày 26/6, trong đó Tổng thống Manuel Zelaya tuyên bố từ chức! Không ai không ngạc nhiên về bức thư này. Nhận thấy không thể để thiếu vắng tổng thống, Quốc hội Honduras chỉ định ông Roberto Micheletti làm tổng thống lâm thời.

Bên cạnh đó, tòa lập hiến ra thông báo rằng quân đội đã bảo vệ hiến pháp và ngăn chặn Tổng thống Zelaya phạm pháp. Để không ai có thể biết điều gì thực sự đã diễn ra trong chiến dịch này, quân đội đã yêu cầu tất cả đại sứ của các nước thuộc khối ALBA ngưng làm việc.

Theo giới quan sát, phương pháp đảo chính tại Honduras vừa qua giống như cách làm tại Haiti năm 2004 chống lại Tổng thống Jean-Bertrand Aristide: quân đội bắt cóc tổng thống vào buổi sáng sớm và xuất hiện một lá thư từ chức.

Theo giới phân tích, việc các hãng thông tấn phương Tây đưa tin trong những ngày qua phản ánh sự mâu thuẫn trong bầu cử tại Honduras là nhằm tạo ra một lý do hợp pháp cho cuộc đảo chính theo chủ ý của Washington. Thâm ý còn thể hiện rõ ở việc không hề đả động tới những vấn đề như căn cứ quân sự Soto Cano và mối quan hệ giữa binh lính Honduras và quân đội Mỹ.

Tuyên bố tại thủ đô Managua của Nicaragua hôm 29/6, ông Manuel Zelaya cho biết sẽ quay về Honduras ngày 2/7 để giành lại quyền lực sau khi bị buộc phải chạy ra nước ngoài. Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) hôm 28/6 đã ra nghị quyết yêu cầu đưa Tổng thống hợp hiến Zelaya về nước "ngay lập tức, an toàn và vô điều kiện" trong vòng 72 giờ nếu Honduras không muốn bị trục xuất khỏi tổ chức này.

Hôm 30/6, ông Zelaya đến New York để phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Cuối buổi họp, Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết yêu cầu chính quyền lâm thời Honduras phục ngay chức cho ông Zelaya. Tuy nhiên, để phản ứng trước sức ép quốc tế, ngày 1/7, Tổng thống lâm thời Honduras tuyên bố cách chức toàn bộ các đại sứ của nước này tại Liên Hiệp Quốc

Hà Bắc (tổng hợp)
.
.