Điều ít biết về kiến trúc sư “ruột” của Hitler

Thứ Năm, 30/03/2017, 12:10
Đó là Albert Speer, người từng là một bộ trưởng dưới thời của trùm phát xít Đức Adolf Hitler, sau này thoát tội chết nhờ nói dối trước tòa, ra tù rồi kiếm bộn tiền bằng mấy cuốn hồi ký về cuộc đời.

Nhà tù Spandau ở Tây Berlin, Đức từng là nơi ở của Speer trong suốt 20 năm. Theo tính toán của ông ta, trong 20 năm bị giam cầm ở đây, ông ta đã đi bộ được 31.816km. Trong quãng thời gian đó, Speer cũng tuyên bố đã đọc 5.000 quyển sách. Tuyên bố này có vẻ đáng ngờ vì Speer phải làm vườn 6 tiếng và đi bộ 2 tiếng mỗi ngày.

Việc "nói quá" lên cũng là một điều tự nhiên ở Speer - người đã từng nói dối để giữ mạng sống trong các phiên tòa xét xử tội phạm phát xít Đức ở Nuremberg. Ông ta đã nói dối người dân Đức, thậm chí nói dối cả Hitler. Theo Martin Kitchen, tác giả của "Speer: Hitler's Architect" (Speer: Kiến trúc sư của Hitler), cuốn tiểu sử xuất sắc mới ra mắt về Speer, người mà ông ta nói dối nhiều nhất chính là bản thân ông ta.

Bạn thân của Hitler

Sinh năm 1905, Speer nối gót sự nghiệp của người cha kiến trúc sư giàu có. Speer đạt bước đột phá trong nghề năm 1933 khi làm quản lý cải tạo phủ thủ tướng ở Berlin. Hitler tới thăm công trường cải tạo hàng ngày và ngay lập tức bị ấn tượng bởi Speer - người có phong thái lịch thiệp, tác phong làm việc chính xác và luôn trả lời trực tiếp câu hỏi của Hitler.

Kiến trúc sư Speer (trái) và Hitler.

Chẳng bao lâu, Speer đã trở thành một khách quen tại các bữa trưa mà Hitler dành cho bạn bè thân thiết nhất và thiết lập một mối quan hệ bạn bè gần gũi nhất mà Hitler từng có. Điều đáng nói là bản thân Speer, một người tham vọng, tự đề cao bản thân, sống cách biệt, cũng không có bạn thân. Ông ta thậm chí còn cách biệt với cả vợ và sáu đứa con.

Tháng 1-1938, Hitler chỉ định Speer làm Tổng thanh tra xây dựng của Berlin, có nhiệm vụ xây dựng lại thành phố Berlin sắp được đổi tên là Germania thành một "thủ đô thế giới". Speer thiếu tính sáng tạo và độc đáo khi làm kiến trúc sư nhưng ông ta có một cái tài là biết Hitler thích gì trong kiến trúc. Đó là kiểu kiến trúc kết hợp phong cách Vienna cuối thế kỷ 19 và phong cách hiện đại trong các bộ phim Hollywood thời bấy giờ. Và trên hết, kiến trúc mà Hitler ưa nhất là mọi thứ đều phải đồ sộ.

Phủ thủ tướng mới mà Speer xây cho Hitler là một kiểu như thế. Tòa nhà to một cách kỳ cục. Khách tới tòa nhà phải đi bộ mỏi chân qua nhiều phòng mới tới được chỗ làm việc của Hitler, nằm ở cuối cùng một sảnh dài 146 mét.

Hitler khăng khăng muốn có một sàn nhà lát đá bóng lộn cho dù khách nơm nớp lo trượt chân khi bước tới văn phòng của hắn, một căn phòng có cửa ra vào hai cánh hoành tráng, dài 27 mét, rộng 14,5 mét, cao 9,75 mét. Hitler không bao giờ có tấm ảnh nào chụp trong văn phòng đó vì quy mô rộng lớn của nó sẽ khiến hắn chìm nghỉm trong bức ảnh.

Kiến trúc sư vô cảm

Đá dùng cho các dự án của Speer được 10.000 nô dịch trong các trại tập trung khai thác trong những điều kiện không thể tưởng tượng nổi. Khi Speer nghe nói về điều này, ông ta đáp: "Người Do Thái đã quen làm gạch khi bị giam ở Ai Cập".

Khi cần phải phá nơi ở của dân để làm dự án, Speer đã tịch thu 23.000 căn hộ của người Do Thái để làm nơi ở cho những người vừa mất nhà cho dự án. Điều đó đã khiến 75.000 người Do Thái phải rời nhà đi "tái định cư", tức là bị đưa đến các trại tử thần.

Năm 1942, khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 diễn ra được ba năm, Hitler chỉ định Speer làm Bộ trưởng Vũ trang sau khi công nhận cả tài năng của Speer trong vai trò nhà tổ chức lỗi lạc và lòng trung thành tối thượng với mình. Lúc đầu, Speer đã làm được điều mà ông ta coi là "phép màu". Sản xuất vũ khí gia tăng khi ông ta sốc lại hệ thống nhưng nhiệm vụ ngày càng trở nên khó khăn. Hitler liên tục can thiệp vào các chi tiết thiết kế máy bay, xe tăng và thường xuyên đổi ý. Hắn đòi cung cấp số liệu thống kê sản xuất khả quan.

Speer tại một phiên tòa xét xử liên quan tới trại tập trung.

Cách duy nhất để chiều ý Hitler là sản xuất ồ ạt các mẫu vũ khí lỗi thời dựa trên dây chuyền sản xuất hiện có, như chiến đấu cơ Messerschmitt Me109. Chi phí sản xuất máy bay chiến đấu này được lấy từ chi phí xây dựng các nhà máy mới.

Khi Hồng quân Liên Xô ngày càng áp sát và quân Đồng minh ném bom ngày càng dày, Speer mất các nhà máy, nguyên vật liệu thô và nguồn cung dầu quan trọng. Năm 1944, quân Đức rõ ràng đang thất bại trong cuộc chiến, Speer chật vật trong vô vọng để duy trì sản lượng vũ khí.

Lúc bấy giờ, Hitler đã đặt niềm tin vào các loại "vũ khí phép màu", chủ yếu là bom bay V1 và rocket V2. Các nhà máy sản xuất hai loại vũ khí này được chuyển xuống hoạt động ngầm để tránh bom. Lao động nô dịch làm việc trong tình trạng khổ cực, sống trong đường hầm không có nhà vệ sinh, lầy lội chất thải, quần áo đầy chấy rận. Với 72 tiếng làm việc mỗi tuần với chế độ ăn hàng ngày kham khổ, 160 người chết mỗi ngày.

Tuy nhiên, sau khi thăm nhà máy, Speer viết thư chúc mừng giám đốc nhà máy. Ông ta dường như không mảy may thương cảm cảnh cùng cực của công nhân. Trái lại, một số nhân viên của Speer đã bị chấn thương tâm lý sau khi chứng kiến địa ngục sống của công nhân nhà máy, đến mức phải nghỉ ốm.

Nói dối để tồn tại

Speer cũng có lần làm trái lệnh Hitler. Khi Hitler ra sắc lệnh Nero khét tiếng, ra lệnh phá hủy ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng của Đức, Speer đã phản đối lệnh này, đi khắp đất nước để giữ lại các công trình nhằm tái thiết đất nước thời hậu chiến mà ông ta tin rằng mình sẽ có vai trò.

Tuy nhiên, chiến tranh kết thúc, Speer sốc khi thấy mình bị xét xử tại Nurember. Dù vậy, ông ta đã có màn bào chữa xuất sắc, nhận toàn bộ trách nhiệm về các hành động nhưng tuyên bố không biết gì về vụ giết hại tập thể người Do Thái. Phong thái bình tĩnh, có văn hóa của Speer đối lập với những tên trùm sò phát xít khét tiếng khác và đã gây ấn tượng với các thẩm phán. Speer đã thoát thòng lọng treo cổ và lĩnh án 20 năm tù ở Spandau.

Cô độc hơn bao giờ hết, nhưng Speer không quá bất hạnh trong tù. Người quen biết giàu có tuồn vào tù cho ông ta nhiều đồ xa xỉ. Ông ta từng phàn nàn về rượu sâm panh không ngon hay trứng cá muối không phải loại hảo hạng ngay ở trong tù.

Sau khi được thả năm 1966, Speer xuất bản các cuốn hồi ký. Cuốn sách đã rất thành công. Người đọc bị thu hút bởi các chi tiết về cuộc sống riêng của Hitler. Speer nhờ đó kiếm bộn tiền.

Trong cuốn sách, Speer khắc họa bản thân là "Một người Quốc xã tốt" không hay biết gì về nạn diệt chủng người Do Thái cho dù là một trong các thành viên thân cận nhất của Hitler. Theo các nhà phân tích, đây là lời nói dối lừa gạt người dân Đức, cho thấy Speer không thừa nhận lỗi lầm.

Theo tác giả Kitchen, từ khi chết năm 1981, bằng chứng chống lại Speer bắt đầu đầy dần: Ông ta trục xuất người Do Thái khỏi Berlin, sử dụng lao động nô lệ tàn nhẫn, có mặt khi trùm mật vụ phát xít Đức Heinrich Himmler phát biểu rằng không chỉ cần diệt chủng người Do Thái mà còn phải diệt cả con gái họ để ngăn trả thù trong tương lai.

Cuốn tiểu sử về Speer có thể được coi là một lời cảnh báo kịp thời cho thế hệ ngày nay khi viết về việc suy thoái đạo đức của chế độ phát xít đã làm cho cả đất nước sụp đổ như thế nào.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.