"Đoản mạch" giữa Tổng thống đắc cử và các cơ quan tình báo Mỹ

Thứ Ba, 10/01/2017, 20:05
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cùng với các trợ lý cao cấp vạch kế hoạch tái cơ cấu và tinh gọn hoá hai cơ quan tình báo quan trọng nhất nước Mỹ: Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia (DNIO) và Cục tình báo trung ương mỹ (CIA). Đây là hai cơ quan tình báo đang có những vấn đề bất đồng với Tổng thống đắc cử, đặc biệt là trong việc cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.


Phải tinh giản số "điệp viên phòng lạnh"

Đối với Cơ quan Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (DNIO), việc cải tổ được đặt ra như một giải pháp cấp bách nhằm thay đổi lối mòn làm việc cứng nhắc hiện nay. DNIO được thành lập vào năm 2004 chủ yếu nhằm thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa 15 cơ quan tình báo trong cộng đồng tình báo Mỹ.

Tuy nhiên, đối với Tổng thống đắc cử Trump, cơ quan này hiện nay đang gặp hai vấn đề lớn là đang bị "phình to" quá mức và bị chính trị hóa hoàn toàn, gây khó khăn cho việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong cộng đồng tình báo, đồng thời đánh mất niềm tin nơi người đứng đầu chính phủ trong tương lai. Vì vậy, mục tiêu cải tổ của ông Trump đối với DNIO là tinh gọn hóa, đưa cơ quan này trở về với tôn chỉ mục đích ban đầu là phục vụ đắc lực cho Tổng thống Mỹ trong lãnh đạo, điều hành các cơ quan tình báo.

Tổng thống đắc cử Donald Trump và vợ trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề "Nga can thiệp bầu cử".

Đối với CIA, phương án cải tổ sẽ thực hiện theo hướng giảm bớt quân số của lực lượng "điệp viên phòng lạnh" ngồi trong trụ sở ở Langley, tăng cường nhân sự đi làm điệp viên tại các địa bàn tiền tuyến trên khắp thế giới. Việc cải tổ CIA có lẽ là trọng tâm gây chú ý nhất, bởi cơ quan này đang là mục tiêu đối đầu lớn nhất của Tổng thống đắc cử Trump. Các cố vấn của ông Trump nói rằng, từ lâu ông đã không còn tin tưởng vào tính chính xác của CIA, thường xuyên nhắc lại những lỗi tình báo trong giai đạn 2002-2003 liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Iraq.

Theo các nguồn tin trong bộ sậu chuyển tiếp, dường như có sự "đoản mạch" giữa Tổng thống Trump và các cơ quan tình báo. Những gì ông Trump phát biểu trước công chúng không hoàn toàn trùng khớp với cách ông làm việc với các cơ quan tình báo trong phòng làm việc.

Có nhận xét cho rằng, Trump đã thể hiện tính chuyên nghiệp, lịch sự nhưng có vẻ bàng quan, không quan tâm lắm đến những nội dung báo cáo của ngành tình báo. Trong suốt các cuộc báo cáo tình báo, ông lắng nghe, nhưng không hoàn toàn "nhập cuộc", thỉnh thoảng lại chen vào vài câu hỏi, bắt bẻ các thông tin báo cáo. Ông không đặt câu hỏi với các dữ liệu báo cáo mà thường bắt bẻ các kết luận tình báo rút ra từ các dữ liệu đó.

Tổng thống đắc cử Trump đang được xem là vị Tổng thống Mỹ rất hay dùng mạng xã hội trên Inertnet để phát biểu chính kiến, đưa ra các tuyên bố mang tính chất cá nhân về tất cả những vấn đề liên quan đến nước Mỹ và thế giới. Từ đó, mạng xã hội cũng là "mặt trận" mới để ông triển khai cuộc đối đầu với các cơ quan tình báo Mỹ.

Trên các dòng bình luận đăng trên mạng xã hội Twitter gần đây, ông Trump đã tung ra một loạt công kích nhắm vào các cơ quan tình báo xoay quanh việc các cơ quan tình báo Mỹ, đặc biệt là CIA, kết luận rằng chính phủ Nga tấn công vào máy chủ e-mail của đảng Dân chủ và sau đó lấy trộm thư đăng trên trang WikiLeaks nhằm mục đích gây mất uy tín ứng cử viên đảng Dân chủ (bà Hillary Clinton), tạo lợi thế giúp ông Trump thắng cử. Những người thân cận trong bộ sậu mới của Trump cho biết, quan điểm của ông Trump là các cơ quan tình báo Mỹ đang hoàn toàn bị chính trị hoá, và tất cả cần phải được chấn chỉnh, tinh giản lại, tái cơ cấu và xây dựng lại sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan.

Hôm 4-1-2017, ông Trump đã đưa lên mạng Twitter nội dung cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News của ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange. Trong đó, Assange đã bác bỏ cáo buộc cho rằng nước Nga là khởi nguồn các cuộc tấn công mạng vào hệ thống e-mail của đảng Dân chủ (DNC) và các cố vấn của bà Hillary Clinton. Trump viết "Julian Assange nói rằng một đứa bé 14 tuổi cũng có thể hack vào hộp thư của Podesta." Rồi đặt câu hỏi: "Tại sao DNC bất cẩn thế? Người Nga đâu có trao thông tin cho anh ta!".

Thái độ, lời lẽ của ông Trump "thiên vị" cho Assange, nước Nga và Tổng thống Putin, công kích các cơ quan tình báo Mỹ đã châm ngòi cho những lời chỉ trích từ các nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và trong cộng đồng tình báo, cũng như các quan chức bảo vệ pháp luật.

Julian Assange bác bỏ cáo buộc cho rằng nước Nga có liên quan trong vụ hacker tấn công bầu cử Mỹ.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao ông Trump lại đối đầu với các cơ quan tình báo chủ chốt của nước Mỹ, như DNIO, CIA, vốn là những đơn vị cung cấp báo cáo tình báo hàng ngày cho Chính phủ? Nói một cách khái quát, đây là cuộc đối đầu xoay quanh cáo buộc nước Nga tấn công mạng can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016. Sẽ không sai nếu nói rằng Donald Trump từ rất lâu (nhiều năm trước khi tranh cử tổng thống Mỹ) đã là một người hâm mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, và ông đã thể hiện điều này bằng các phát biểu ca ngợi Putin, xem ông Putin như một thần tượng về tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và tinh thần can đảm trong cuộc đối đầu chính trị với phương Tây.

Chính vì vậy mà Trump quyết liệt phản bác những lời cáo buộc "tấn công mạng" nhắm vào nước Nga và Tổng thống Putin. Một khía cạnh khác trong cuộc đối đầu của ông Trump với cộng đồng tình báo Mỹ xoay quanh cáo buộc nước Nga can thiệp bầu cử chính là ông xem những cáo buộc dai dẳng này như một đòn tấn công của đảng Dân chủ và thành phần ủng hộ đảng này nhắm vào tính hợp pháp của chiến thắng bất ngờ và ngoạn mục của ông trước bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tháng 11-2016.

"Tôi là fan cuồng của  các cơ quan tình báo" (!)

Thật khó hiểu là dường như để xóa nhòa sự "đoản mạch" trong mối liên hệ với các cơ quan tình báo, vào ngày 5-1, trên trang mạng xã hội Twitter, ông Trump lại tự mô tả mình là "fan cuồng" của các cơ quan tình báo Mỹ khi viết: "Truyền thông dối trá đưa thông tin như thể tôi chống lại các cơ quan tình báo nhưng sự thật tôi là fan cuồng!".

Trong ngày này, lãnh đạo 3 cơ quan tình báo Mỹ gồm Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Michael Rogers và Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách về tình báo Marcel Lettre tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ đã ra một tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi đánh giá chỉ các quan chức cấp cao nhất của Nga mới có thể chỉ đạo những vụ tấn công mạng của Mỹ, trộm và phát tán các tài liệu".

Phát biểu tại phiên điều trần, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng, "chắc chắn" Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn chiến dịch tấn công mạng này và rằng bây giờ mọi việc phụ thuộc vào giới chức Mỹ quyết định đó có phải là "một hành động chiến tranh" hay không. "Tôi cho rằng chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với một chiến dịch táo bạo và trực tiếp nhằm vào bầu cử như thế này", ông Clapper nói.

Các lãnh đạo tình báo Mỹ điều trần trước Thượng viện về vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Tuy ông Clapper không nêu rõ điều gì khiến ông tin tưởng rằng Nga đứng sau các cuộc tấn công tin tặc vừa qua, nhưng kết luận này được các cơ quan tình báo như CIA, FBI, và một số công ty an ninh mạng tư nhân tán đồng. Các thông tin hành lang cho biết, một báo cáo về sự can thiệp của nước ngoài trong cuộc bầu cử đã được trao cho Tổng thống Barack Obama vào đúng hôm diễn ra phiên điều trần. Tổng thống đắc cử Trump sẽ được tóm tắt nội dung báo cáo trong ngày 6-1 và tuần tới, thông tin sẽ được công bố chính thức.

Ngày 6-1, hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức cao cấp thuộc nhóm chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Trump cho biết, ông Dan Coats, cựu đại sứ Mỹ tại Đức dưới thời Tổng thống George W. Bush, vừa được ông Trump lựa chọn đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia. Cựu thượng nghị sĩ Coats, 73 tuổi, là một người thuộc phe bảo thủ truyền thống đến từ bang Indiana, từng phục vụ tại Thượng viện Hoa Kỳ trong thời gian từ năm 1989-1999 trước khi trở thành đại sứ Mỹ ở Đức trong nhiệm kỳ đầu của chính phủ Tổng Thống George W Bush.

Vào năm 2010, ông trở lại Thượng Viện sau khi thắng cử. Năm 2015, sau khi quyết định không tái tranh cử vào thượng viện, ông Dan Coast trở thành cố vấn chính của ông Trump về vấn đề tình báo, đồng thời đảm trách việc giám sát các hoạt động của tình báo Hoa Kỳ.

Được biết,  ông Coats là người bảo vệ mạnh mẽ cho các chương trình giám sát của chính phủ, cũng là thành viên của đảng Cộng hoà chấp thuận báo cáo ủng hộ CIA sử dụng các biện pháp thẩm vấn khắc nghiệt với những tù nhân bị giam ở các nhà tù bí mật tại nước ngoài. Giám đốc tương lai của DNI còn là một trong những người ủng hộ các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga.

Moscow từng đưa tên của ông Coats cùng với 5 nghị sĩ Mỹ và 3 quan chức Nhà Trắng vào danh sách đen năm 2014, nhằm trả đũa việc Mỹ áp đặt cấm vận với nước này sau vụ bán đảo Crimea sáp nhập về Nga. Vào thời điểm đó, Dan Coats khẳng định trên Twitter: "Dù tôi thất vọng khi không thể cùng gia đình đi nghỉ hè ở Siberia, tôi vẫn cảm thấy vinh hạnh khi nằm trong danh sách đen đó".

Ông Richard Burr, Chủ tịch Ủy ban tình báo thượng viện Mỹ cho rằng, ông Coats "sẽ là một lựa chọn tuyệt vời" vì đây là người có kinh nghiệm, có kỹ năng lãnh đạo của một đại sứ và từng làm việc trong uỷ ban để hiểu rõ vai trò này. Một quan chức đảng Dân chủ cho hay ông Coats hiểu rõ về châu Âu và Nga, có thể bất đồng với ông Trump về Moscow.

Tuy nhiên, một số quan chức tình báo Mỹ hoan nghênh việc chọn ông Coats cho chức danh trên và hy vọng đây là một dấu hiệu cho thấy ông Trump nỗ lực hàn gắn quan hệ với cộng đồng tình báo Mỹ. Dan Coast đảm nhận vai trò giám đốc tình báo quốc gia vào lúc mà các hoạt động của tình báo Hoa Kỳ bị "soi" kỹ do đưa ra các kết luận cho rằng tin tặc Nga đột nhập hệ thống email của các cá nhân và tổ chức thuộc đảng Dân chủ, điều mà ông Trump liên tục bác bỏ.

Một nguồn tin thân cận với đội chuyển giao quyền lực của ông Trump cho biết chức danh giám đốc tình báo từng được dự kiến dành cho Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey, nhưng ông này từ chối. Việc chọn ông Dan Coats trùng hợp với dư luận cho rằng nhóm, thành lập tân chính phủ Trump đang tìm cách hạn chế bớt quyền hạn của giám đốc tình báo quốc gia, điều mà một số cố vấn của ông Trump tin là từng xen vào việc làm của 16 cơ quan tình báo của Mỹ.

Ông Sean Spicer, phát ngôn viên Nhà Trắng tương lai, nói: "Ưu tiên hàng đầu của tổng thống đắc cử sẽ là bảo đảm sự an toàn của người dân Mỹ và an ninh của quốc gia, và ông Trump quyết tâm tìm cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để thực hiện. Nhưng tôi muốn tái khẳng định về điều cho rằng, sẽ có sự tái tổ chức lại hạ tầng của cộng đồng tình báo là điều sai lạc 100%," ông Spicer khẳng định.

Nguyên Khang - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.