Đội đặc nhiệm hỗn hợp của Nga

Thứ Tư, 15/11/2006, 08:00

Vài năm trước đây, các lực lượng sức mạnh của Nga gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tình trạng khẩn cấp thành lập một đội đặc nhiệm hỗn hợp và khởi động một chương trình huấn luyện các đơn vị chống khủng bố ở những điều kiện đặc biệt phức tạp nhằm bảo vệ công dân của mình ở bất cứ nơi đâu ngoài nước Nga.

Từ "địa ngục" cát

Chương trình bắt đầu bằng việc những nhóm nhỏ các chiến sĩ đặc nhiệm được đưa tới những vùng “kém tiện nghi” nhất đối với con người ở khắp nơi trên thế giới: sa mạc Sahara, Namibia, rừng rậm Amazon, các đảo không có người sinh sống ở Polinezia, vùng núi cao ở Nepan... Việc huấn luyện tiến hành ngay từ khi máy bay hạ cánh.

Đó cũng là một yếu tố rất quan trọng để kiểm tra mức độ sẵn sàng của binh sĩ: để biết họ có khả năng đến đâu khi thời gian thâm nhập vào điều kiện khí hậu mới là rất ít - từ vùng lạnh lẽo ở Moskva nhảy vào nơi cát cháy bỏng của sa mạc hay rừng rậm nhiệt đới.

Các chuyến xuất ngoại của lực lượng đặc biệt này được tiến hành dưới cớ giả là đi du lịch.

Namibia, nhóm được đưa tới một sa mạc, nằm kéo dài theo bờ đại dương. Họ sẽ phải vượt qua “địa ngục”, tức tập luyện trong khi di chuyển trên những đụn cát cao nhất thế giới khi  nhiệt độ trong bóng râm trên 45oC, còn các chiến sĩ chỉ có trang bị nghèo nàn nhất - một bi đông nước, dao, địa bàn và chiếc gương nhỏ (đó là phương tiện liên lạc rất quan trọng: trong sa mạc tia phản xạ ánh sáng mặt trời đi xa cả hơn cây số).

Đến "địa ngục" xanh

Ngoài “địa ngục” cát các chiến sĩ đặc nhiệm còn tập luyện ở “địa ngục” xanh. Họ đã thỏa thuận được việc thực hiện chuyến đi huấn luyện tới Peru, trong trại của lực lượng “commandos” của nước này. Đó là một tiểu đoàn thủy quân lục chiến đặc biệt, có nhiệm vụ chặn bắt các đoàn chở ma túy ở vùng biên giới. Các huấn luyện viên người Peru đã tập cho các chiến sĩ Nga những cách để sống sót trong rừng rậm - cách định hướng, cách đốt lửa trong điều kiện độ ẩm gần như  100%, cách đặt bẫy thú, cách tìm thảo dược...

Họ còn học được cả cách làm dịu cơn khát nhờ chặt dây leo: từ đó nước uống được phun ra thành dòng. Còn để ăn thay cho bánh mì có thể lấy lõi có nhiều tinh bột trong thân của một loại cây cọ. Các loại côn trùng cũng là những món ăn trong quá trình tập luyện. Họ phải biết đối mặt với sự nguy hiểm từ côn trùng và phải biết tận dụng chúng làm thực phẩm tươi sống cho nhu cầu tồn tại.

Bài kết thúc của đợt huấn luyện là sống một mình trong vài ngày đêm giữa các cây hoang dại. Những người trải qua khóa huấn luyện kể lại rằng từng người trong số họ được đưa vào rừng rậm. Trong tình huống này, kẻ thù chính của con người là cảm giác sợ hãi ở dạng tiềm thức khiến ý chí bị tê liệt. Xung quanh là cây dại - hoàn toàn không xuyên qua được, cách 10m là không còn thấy gì. Ban đêm thường xuyên có tiếng gầm rú vọng lại.

Đảo không người

Một địa chỉ huấn luyện khác là đảo Polinezia của Pháp. Tại đây sĩ quan, binh sĩ Đội đặc nhiệm Nga được luyện các phương pháp sống sót trong những điều kiện cùng cực. Họ được thả lên một đảo không người sinh sống thuộc quần đảo Tuamotu. Trang bị của họ chỉ gồm những thứ mà người trải qua tai nạn đắm tàu biển có thể có: dao, diêm, cây lao tự chế. Không có thực phẩm, không có dự trữ nước...

Các chiến sĩ đặc nhiệm Nga lấy dừa để ăn, uống, nhưng trèo lên đỉnh những cây cao như vậy, ngay cả đối với các nhân viên đặc nhiệm được huấn luyện tốt và khéo léo, cũng không phải là việc đơn giản. Lúc đầu, nước dừa ngọt - hơi chua, mát lạnh và cùi của nó rất ngon, còn sau đó... Chỉ cần nói đến từ “dừa” là có người đã khiếp. Thay thế cho dừa họ bắt nghêu, sò và cá khi thủy triều xuống. Có điều có thể bắt phải cá độc, cho nên họ phải nhận biết theo màu: con nào càng sặc sỡ thì càng có khả năng cá đó không ăn được.

Từ làm bạn với cá mập đến vượt qua vách đá dựng đứng

Cuối cuộc huấn luyện các chiến binh chống khủng bố tập lặn, tới làm bạn với cá mập ở độ sâu đến 30m, đồng thời được hưởng điều kiện mát mẻ. Ở những chỗ trống trên đảo nhiệt độ có thể lên tới 70oC, nhưng dưới nước, ngay ở độ sâu 2m nhiệt độ chỉ có 26oC. Trong bài huấn luyện này   các chiến sĩ phải vượt qua 10km theo các đảo và dòng chảy ở vùng quần đảo. Khi cơ thể đã yếu đi sau 3 ngày “ăn kiêng”, bị khát và phải chịu đựng khí hậu khắc nghiệt - nóng và ẩm, nhiệm vụ như vậy là cuộc thử thách rất gay go.

Tại Nepan, các nhân viên đặc nhiệm phải thử thách mình và trang bị trong điều kiện vùng núi. Họ đi theo những đường mòn của dê núi mà không có dây giằng, vì nếu có ai bất ngờ rớt xuống, ở sườn dốc như vậy người đó sẽ kéo theo cả những người khác xuống. Họ phải vượt qua vài trăm mét ở nơi một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực. Mọi người đều đi nghiêng người, ép chặt vào vách đá. Đa số các chiến sĩ chưa phải trải qua tình huống như vậy. Sau thử thách đầu tiên, một vài người thừa nhận họ không thể đi tiếp vì quá chóng mặt. Họ đã làm đúng, vì đó không phải là cuộc thi leo núi, mà là cách kiểm tra các khả năng. Nếu bạn không đủ sức khỏe để hoạt động trong vùng núi, tốt hơn nên nói thật ra điều đó và không lao vào chỗ nguy hiểm.

Sau mỗi đợt huấn luyện, những người tham gia đều làm báo cáo lên chỉ huy và đưa ra các kiến nghị về phương pháp: trong những điều kiện như vậy cần ăn gì, uống gì, trang bị quân dụng thế nào là phù hợp, trang bị gì còn thiếu, cần rèn luyện kỹ năng gì trong các đợt tập luyện.

3 người tham gia các đợt  huấn luyện này đã trở thành Anh hùng Liên bang Nga, gồm 1 sĩ quan dù, 1 sĩ quan đặc nhiệm và 1 sĩ quan bộ tình trạng khẩn cấp

Hoàng Thương (theo Thanh niên Moskva)
.
.