Đôi điều về Bộ tư lệnh tối cao quân đồng minh châu Âu

Chủ Nhật, 17/04/2005, 07:33
Bộ tư lệnh tối cao quân Đồng minh châu Âu là một trung tâm chỉ huy của NATO tại châu Âu, nơi đã phát đi những mệnh lệnh rất quan trọng như: tiến hành cuộc chiến tranh Kosovo, bắt đầu các cuộc tập trận hải, lục, không quân của NATO…

Nếu đi bằng ôtô, từ trụ sở của NATO ở Brusseles đến Bộ tư lệnh (BTL) tối cao quân Đồng minh châu Âu nằm tại Casto, một thị trấn nhỏ ở phía nam nước Bỉ, chỉ mất 40 phút. Trước đây, tại BTL này có 4 cửa ra vào và tên của các cửa được đặt theo tên của thủ đô các nước thành viên. Sau sự kiện 11-9, do vấn đề an ninh, BTL này chỉ để lại hai cửa ra vào. An ninh bên trong trụ sở BTL do lực lượng cảnh vệ đảm nhiệm còn việc canh phòng tại các cửa do Cục Quân cảnh đảm nhiệm.

BTL tối cao quân Đồng minh châu Âu nằm trên khoảng đất có diện tích hơn 200 ha. Do được xây dựng trong một thời gian ngắn nên kiến trúc của nó rất đơn giản và thô sơ, thế nhưng, đây được coi là một “vương quốc độc lập” của NATO vì bao bọc nó là nhiều tầng rào dây thép gai. Bên trong có ký túc xá, bưu điện, siêu thị, rạp hát, nhà trẻ, trường tiểu học và 3 nhà thờ phục vụ cho các tín đồ.

Trung tâm đầu não của BTL này chính là “Khu 100”, nơi làm việc của tướng 4 sao - Tư lệnh tối cao quân Đồng minh châu Âu James Jones và các tướng lĩnh của NATO. Nếu không có tấm biển “Bộ Tư lệnh tối cao quân Đồng minh châu Âu” án ngữ trước cửa ra vào ngôi nhà này thì mọi người khó có thể tin đây chính là cơ quan chỉ huy cao nhất của NATO.

Toà nhà Tổng hành dinh Bộ tư lệnh quân đồng minh châu Âu.

Trước đây, NATO có hai BTL chuyên phụ trách về các hành động quân sự là BTL tối cao quân Đồng minh châu Âu chuyên phụ trách hoạt động của lực lượng lục quân các nước châu Âu nằm trong NATO, và BTL tối cao quân Đồng minh Đại Tây Dương của Mỹ chuyên phụ trách các hoạt động của hải quân để đảm bảo cho lực lượng tăng viện của Mỹ có thể nhanh chóng có mặt tại châu Âu.

Sau sự kiện 11-9, NATO bắt đầu tiến hành cải cách hệ thống chỉ huy, theo đó BTL của Mỹ được đổi tên thành BTL cải cách quân sự, chỉ thực hiện các công việc chuyên môn thuần túy đặc biệt không còn thực thi các hoạt động liên quan đến quân sự của NATO. Hiện nay, toàn bộ lực lượng của NATO từ không quân, hải quân và lục quân đều phải nhất loạt tuân theo mệnh lệnh của BTL tối cao quân Đồng minh châu Âu.

Với vai trò thực thi các hành động quân sự, BTL tối cao quân đồng minh châu Âu có 3 nhiệm vụ cơ bản là: duy trì hòa bình ở Balkan và Afghanistan; theo dõi chống khủng bố ở Địa Trung Hải và triển khai các hoạt động đánh chặn.

Hiện nay, BTL tối cao quân Đồng minh châu Âu có khoảng 2.000 nhân viên văn phòng và nhân viên quân sự đến từ 26 nước thành viên của NATO, trong đó Mỹ là nước có số quân đông nhất, tiếp đó là Anh và Đức. Nếu tính cả hơn 1.200 nhân viên đảm bảo của các nước thành viên và thân nhân gia đình họ có mặt trong BTL thì số người làm việc ở đây có thể lên tới trên 8.000 người.

Quân nhân của nước nào phục vụ trong NATO thì nước đó sẽ trang bị quân phục cho họ. Hằng ngày, trong BTL người ta nhìn thấy rất nhiều quân nhân với nhiều loại quân phục khác nhau. Ngôn ngữ mà họ sử dụng cũng rất đa dạng, người nước nào sử dụng ngôn ngữ của nước đó, không có một ngôn ngữ chung cho tất cả.

Nếu chỉ thông qua quân phục, ngôn ngữ người ta có thể cho rằng đây là một BTL vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, trong các hội nghị và nghi lễ chính thức, mọi người ở đây đều sử dụng tiếng Anh và đây cũng là ngôn ngữ tác chiến của NATO. Điều quan trọng nữa là những quan chức quân sự của một nước nào đó khi đã cho BTL “mượn” thì các nước thành viên không có quyền chỉ huy họ nữa và họ chỉ tuân theo lệnh của Tư lệnh tối cao quân Đồng minh.

Tư lệnh tối cao quân Đồng minh châu Âu từ trước tới nay luôn do người Mỹ đảm nhận. Trước đây, phó tư lệnh và tham mưu trưởng do người Anh và người Đức luân phiên đảm nhận. Hiện nay, phó tư lệnh luôn do người Anh nắm giữ, người Đức chỉ đảm nhận chức danh tham mưu trưởng.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, nguyên nhân có thể do người Đức phản đối mạnh mẽ cuộc chiến Iraq, có thể đây chính là nguyên nhân khiến Thủ tướng Đức Schroeder đã đưa ra “thuyết giao thời” của NATO

Hùng Sơn (theo Military Digest)
.
.