Donetsk, vì đâu nên nỗi...

Thứ Sáu, 05/09/2014, 20:30

Những đợt pháo rót thẳng vào trung tâm thành phố, máy bay tiêm kích và cả máy bay không người lái thay phiên nhau quần thảo trên những tòa cao ốc, toàn bộ cửa kính đã bị thổi bay, những sân vận động khán đài chi chít vết đạn pháo, những bệnh viện la liệt người bị thương lẫn người tị nạn… Tất cả cho thấy chính quyền và quân đội Ukraina đang hạ quyết tâm vây hãm và hạ gục thành phố Donetsk - nơi được xem là pháo đài tử thủ lớn nhất và cũng là cuối cùng của quân ly khai.

Người dân ở hai thành phố Lugansk và Donetsk đang lâm vào cảnh thiếu nước, thực phẩm, mất điện và sau 4 tháng giao tranh đã có trên 2.000 người thiệt mạng. Thành phố từng được mệnh danh “thành phố triệu hoa hồng” nằm bên dòng sông Kalmius đang tái chứng kiến từng ngày cảnh tan hoang và thương vong diễn ra cách đây hơn 70 năm - thời Chiến tranh Vệ quốc.

Quá khứ của thành phố từng được UNESCO vinh danh

Donetsk là thành phố lớn nhất của lưu vực Donbass, lớn thứ tư của Ukraina, và về mặt hành chính, nó còn là thủ phủ không chính thức của miền Đông Ukraina.

Năm 1869, được sự phê chuẩn của Sa Hoàng Aleksandr II, doanh nhân John Hughes người xứ Wales đến đây lập nghiệp với việc xây dựng một nhà máy thép và một số mỏ than ở phần phía nam tại vùng Aleksandrovka. Thị trấn ban đầu được đặt theo tên ông - Hughesovka (hay Yuzovka) nên cũng dễ hiểu là tại sao những tòa kiến trúc đầu tiên của thị trấn này mang đậm phong cách xứ Anh.

Năm 1924, trong thành phần của Liên bang Xôviết, thành phố được đổi tên thành Stalin, vừa là tên của vị lãnh tụ tối cao, vừa là tên gọi nhấn mạnh sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố này (Stal trong tiếng Nga nghĩa là thép), điều này lý giải vì sao trước Cách mạng Tháng Mười Nga, các nhà máy thép của Donetsk được giới doanh thương liên kết với Sheffield, trung tâm thép của Vương quốc Anh.

Năm 1931, tên của thành phố được đổi thành Stalino. Đến lúc này, hệ thống cung cấp nước uống dài hơn 55km mới cung ứng nước sạch cho hơn 8 vạn cư dân của thành phố. Trong năm 1933, 12km hệ thống thoát nước được lắp đặt, đến năm sau thì hoạt động khai thác và sử dụng khí đốt lần lượt được khởi động.

Thời kỳ chiến tranh tiễu trừ đội quân Bạch vệ cùng các thế lực phản động nhằm bảo vệ những thành quả vừa đạt được của chính quyền Liên bang Xôviết non trẻ, Kharkov và Donetsk là trọng điểm tác chiến của Hồng quân trên lãnh thổ Ukraina. Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Liên Xô vào tháng 6/1941 thì đến tháng 10 năm đó, Donetsk rơi vào tay quân xâm lược. Một trại tập trung mọc lên ở ngoại vi thành phố và nhanh chóng biến thành lò tàn sát 3.000 người gốc Do Thái cùng 92.000 thường dân vô tội, trong đó là hàng ngàn chiến sĩ du kích và những người cảm tình với Hồng quân.

Khi phát xít Đức rút khỏi Donetsk vào đầu tháng 9/1943, toàn thành phố gần như bị hủy hoại, nó chỉ hồi sinh khi Hồng quân Liên Xô mở đợt tấn công tổng lực trên toàn mặt trận phía Đông để kết thúc Thế chiến thứ hai.

Một nhà máy thép ở thành phố Donetsk thời hoàng kim.

Dưới thời Tổng bí thư Nikita Khrushchev, do chủ xướng bài xích quan điểm lãnh đạo của Đại nguyên soái I.Stalin cũng như khuynh hướng phá bỏ chủ nghĩa tôn sùng thần tượng cá nhân, thành phố Stalino được khôi phục lại với tên Donetsk vào tháng 11/1961, theo tên của con sông Seversky Donets - một phụ lưu của sông Đông.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, suốt thập niên 90 thế kỷ trước, Donetsk lại trải qua thời tăm tối và hỗn loạn khi các doanh nghiệp biến thành mục tiêu cho cuộc chiến tranh giành lãnh địa của các băng đảng bên lề luật pháp.

Vị trí địa lý chiến lược đặc biệt của Donetsk, Lugansk và Kharkov không chỉ thể hiện là những thành phố công nghiệp trọng điểm mà còn là cửa ngõ phía đông của Ukraina. Dân số của Donetsk chiếm 50% tổng dân số ở Ukraina và trong đó 36% là người gốc Nga. Từ sau khi tuyên bố độc lập và tách khỏi Liên Xô, những khác biệt kinh tế giữa hai miền Đông - Tây Ukraina ngày càng phân định rõ: miền Đông phát triển công nghiệp, trong khi nông nghiệp là ngành nghề nuôi sống miền Tây.

Trên thực tế, khu vực công nghiệp miền Đông kề cận với nước Nga tuy ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế Ukraina nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu và thị trường Nga.

Theo thống kê của Chính phủ Ukraina, ngành công nghiệp chế tạo máy đóng góp cho nền kinh tế quốc gia này gấp 3 lần so với ngành nông nghiệp, chính vì vậy GDP bình quân đầu người khu vực phía đông cao hơn các khu vực khác ở Ukraina. Trong 10 công ty tư nhân lớn nhất Ukraina thì có đến 7 công ty như Tập đoàn Khai thác mỏ thép Metinvest, Công ty Năng lượng DTEK, Công ty Thép Doneskstal… đặt trụ sở chính tại miền Đông, đây là những công ty thuộc quyền quản lý của những nhà tài phiệt giàu có và có tầm ảnh hưởng rất lớn đến Ukraina.

Thời phát triển cực thịnh của Liên bang Xôviết, do sở hữu trữ lượng tài nguyên than đá phong phú đa dạng nên  Donetsk còn được mệnh danh là "Thành phố than đá"; các ngành công nghiệp như than đá, luyện kim, chế tạo máy phát triển khá tốt.

Năm 1970, với chuỗi nhà máy công nghiệp luyện thép và than sản xuất - xuất khẩu theo mô hình liên hợp xã hội chủ nghĩa, Donetsk được Tổ chức Khoa học Giáo dục Liên Hiệp Quốc UNESCO công nhận là thành phố công nghiệp sạch nhất thế giới. Tạp chí danh tiếng Forbes năm 2012 cũng xếp hạng Donetsk là thành phố tốt nhất dành cho kinh doanh ở Ukraina.

Không phải trong hơn một thập niên trở lại đây mà từ thời chính quyền Liên Xô cũ, Donetsk đã từng được đầu tư rất nhiều để tạo thành khu công nghiệp hóa phát triển hiện đại; lúc đó nhiều người cho rằng Ukraina sẽ sớm trở thành Thụy Sỹ mới của phương Đông. Thế nhưng sau khi Liên bang Xôviết tan rã, quốc gia này tách ra và áp dụng mô hình phát triển kiểu phương Tây, tiếp sau đó là những biến động chính trị đã khiến nền kinh tế tụt dốc.

Hỗn mang vùng đất chết

Từ đầu tháng 3/2014, làn sóng biểu tình của những người theo khuynh hướng tái thiết lập mối quan hệ nới Liên bang Nga, phản đối Chính phủ lâm thời Ukraina ngả theo phương Tây đã diễn ra rầm rộ tại Donetsk cũng như tại một số tỉnh ở miền Đông Ukraina, đặc biệt là sau sự kiện bán đảo Crimea tuyên bố tái sát nhập vào nước Nga.

Trong các cuộc biểu tình này, người dân tập trung ở các khu vực trung tâm thành phố, hô to khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống Nga Putin, vẫy cờ Nga, mang theo các khẩu hiệu đòi độc lập và yêu cầu được trưng cầu dân ý, thậm chí là đụng độ với những người biểu tình ủng hộ mô hình Ukraina theo Liên minh châu Âu.

Trong phiên họp diễn ra ngày 7/4, các đại biểu Hội đồng tỉnh Donetsk đã đồng loạt bỏ phiếu thông qua việc tách khỏi Ukraina và tuyên bố thành lập một nhà nước độc lập - Cộng hòa nhân dân Donesk. Hội đồng này cũng cho biết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến vào ngày 11/5, để quyết định xem liệu có sáp nhập vào Nga hay không.

Cây cầu bị đánh sập ở Horlivka.

Ngay sau khi thành lập, Hội đồng đã kêu gọi Tổng thống Nga Putin triển khai lực lượng tới đây để giữ ổn định tình hình ở vùng này bởi họ cho rằng "nếu không có sự ủng hộ, chúng ta khó có thể trụ vững trước những kẻ cầm quyền tại Kiev". Chính quyền Donetsk quyết định sử dụng lực lượng cảnh sát địa phương nhằm "đảm bảo hòa bình cho người dân ở Donetsk và bảo vệ họ trước các hành động khiêu khích tiềm tàng của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cực đoan".

Nhiều nhà quan sát vào thời điểm này cho rằng, vùng đất này dễ trở thành Crimea thứ hai. Tuy nhiên, miền Đông Ukraina không hoàn toàn giống như Crimea. Nếu như trước đó chính quyền ở Crimea đã tồn tại như một nước cộng hòa tự trị và trước năm 1954 là một phần lãnh thổ của Nga, về mặt pháp lý còn có căn cứ để rời khỏi Ukraina, thì rõ ràng miền Đông lại không có được điều đó.

Mặt khác, người gốc Nga tuy chiếm số lượng lớn ở khu vực này song không phải là tuyệt đại đa số vì bên cạnh họ còn có nhiều dân tộc khác. Nếu Chính phủ Ukraina để mất ba vùng đất khu vực miền Đông chiến lược, là xương sống của nền kinh tế thì không chỉ chính quyền có thể sụp đổ mà còn khiến cho quốc gia này đứng bên bờ vực tan rã.

Cư dân của tỉnh Donetsk phần đông là người Ukraina nói tiếng Nga và người Nga. Ở thành phố này cũng như tại vùng Donbass, tiếng Nga là ngôn ngữ chính, thậm chí, ngay cả người Ukraina cũng coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Mỗi năm, Donetsk kiếm được khoảng 50 tỉ hryvnia (đơn vị tiền tệ Ukraina). Sau khi Crimea tách khỏi Ukraina và sáp nhập vào Nga, Ukraina đã không chỉ mất đi cảng biển chiến lược mà còn tổn thất "hàng trăm tỉ USD" - theo lời Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatseniuk.

Đó là chưa kể tới việc Ukraina, từ một nước được hưởng chính sách trợ giá khí đốt từ Nga, trở thành nơi phải mua khí đốt từ Nga với giá đắt nhất châu Âu. Hiện Ukraina gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt từ Nga và khoảng 25% hàng hóa xuất khẩu của nước này cũng là sang thị trường Nga. Tình hình kinh tế Ukraina vẫn chưa hề được cải thiện thì nước này lại mất thêm một thành phố đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp.

Trước khi Donetsk tuyên bố độc lập, ngân sách của Ukraina đã gần như trống rỗng, còn khoản nợ khoảng 66 tỉ USD (số liệu năm 2012) thì vẫn treo trên đầu. Trong lúc đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo rằng: nền kinh tế của Ukraina có thể xuống đến mức -6% trong năm nay. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì thừa nhận Ukraina đã bị loại khỏi các thị trường tài chính quốc tế và đang có nguy cơ trở thành "thảm họa".

Như vậy, nếu để mất Donesk, trung tâm về công nghiệp và than đá và là nơi tập trung nhiều thành phần lao động có tay nghề cao sẽ càng khoét sâu thêm sự khó khăn về kinh tế, vốn đã chất chồng của Ukraina và khiến nước này càng chìm sâu hơn vào bế tắc.

Tân Tổng thống Ukraina Poroshenko trong tuyên bố nhậm chức đã nói rằng, "chiến dịch tiêu diệt quân khủng bố, lập lại trật tự tại khu vực miền Đông sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng". Ông cũng tỏ ra vội vã khi có ý định tổ chức buổi lễ nhậm chức tổng thống ngay tại Donetsk để chứng minh rằng, ông và tân chính quyền có khả năng kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraina.

Rất may, ông Poroshenko đã rút lại ý tưởng mạo hiểm này, có thể vì không quên những gì đã xảy ra với mình vào cuối tháng 2 ở Crimea. Khi ông đến Simferopol để kêu gọi người dân hỗ trợ "cuộc cách mạng Kiev", thì đã được "chào đón" bằng những băng rôn và lời đả kích "Tên phát xít", "Cút khỏi Crimea!". Còn quyết tâm của ông đã đi cùng hệ quả là trong hơn 4 tháng qua, Donetsk biến thành chiến trường giao tranh giữa các tay súng DNR (Cộng hòa nhân dân Donetsk - của phe ly khai), Vệ binh Quốc gia (quân đội Kiev); và các tay súng vô chính phủ trong băng đảng Makhno (Nestor Ivanovich Makhno - một chỉ huy phiến quân nổi tiếng  từ thời Chiến tranh Vệ quốc, về sau được người Nga dùng để ám chỉ những đội quân vô chính phủ trong thời chiến) cũng kéo tới đây.

Hãng tin RIA Novosti đưa tin: Đầu tháng 8 vừa qua, Tự vệ Donetsk đã đánh sập cầu đi bộ tại thành phố Horlivka nhằm ngăn chặn bước tiến của Quân đội Ukraina. Chiếc cầu bị đánh sập nối phần trung tâm thành phố Horlivka với khu vực miền Bắc của thành phố. Ngoài chiếc cầu đi bộ này, thành phố Horlivka còn có 1 chiếc cầu cao tốc. Horlivka là thành phố công nghiệp lớn nằm cách thành phố Donetsk 35km.

Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina đang đến một giai đoạn quan trọng, với Kiev và chính phủ phương Tây, họ đang hồi hộp chờ xem phía Nga có can thiệp để hỗ trợ cho quân nổi dậy ngày càng yếu thế. Donetsk suốt ngày đêm rung chuyển vì tên lửa, bom và pháo, chúng nổ ngay tại các tòa nhà chung cư, giết chết và làm bị thương nhiều dân thường. Hàng đoàn xe chất đầy người di tản hối hả nối nhau thoát khỏi vùng tử địa…

(Còn nữa)

S.T.
.
.