Đông Nam Á và cuộc chiến chống khủng bố

Thứ Năm, 15/11/2018, 10:08
Các chuyên gia chống khủng bố nhận định: Đông Nam Á là khu vực xếp thứ ba trên thế giới, sau Trung Đông và Nam Á, về tần suất và quy mô hoạt động của lực lượng khủng bố. Nhận định trên có đúng không? Tại sao lại như vậy? Các nước Đông Nam Á đã làm gì để ngăn khủng bố?


Vẫn còn những “lỗ hổng”

Phó giáo sư Piotr Tsvetov, làm việc tại khoa Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Nga, mới đây đã có bài phân tích về tình hình và nguy cơ mà những nước Đông Nam Á đang trong tầm ngắm của những kẻ khủng bố từ châu Phi, Syria và Iraq, đặc biệt từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng... Nhìn vào thực tế tại Đông Nam Á thời gian gần đây sẽ thấy cảnh báo trên là hoàn toàn chính xác.

Chỉ trong mấy năm, Đông Nam Á đã chấn động bởi hàng loạt vụ khủng bố, như vụ đánh bom tại đảo Bali (Indonesia) ngày 12-10-2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng, hàng loạt vụ tấn công tại các khu vực tập trung đông người ở thủ đô Jakarta trong các năm 2003, 2004, 2009, 2015 và 2016.

Các vụ khủng bố này đều khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Tháng 5 vừa qua cũng đã diễn ra các vụ tấn công trên đường phố đô thị lớn thứ hai của Indonesia là Surabaya. Khoảng 150 đối tượng Hồi giáo tham gia tấn công khủng bố đã bị tiêu diệt và 1.500 kẻ khác bị bắt giữ trong chiến dịch đáp trả của các cơ quan thực thi pháp luật Indonesia.

Nhìn vào "lỗ hổng" trong cuộc chiến chống khủng bố của Indonesia sẽ thấy rõ. Các vụ tấn công đánh bom liên hoàn tại các nhà thờ ở thành phố cảng Surabaya, thuộc đảo Java, Indonesia, vào sáng ngày 13-5-2018 làm 13 người chết và 43 người khác bị thương được coi là vụ việc đẫm máu nhất ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 2009. Những kẻ tấn công là thành viên trong một gia đình có liên hệ với nhóm cực đoan Jamaah Anshar Daula (JAD), nhóm này có liên hệ với mạng lưới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tư lệnh cảnh sát quốc gia Indonesia, ông Tito Karnavian cho rằng gia đình này đã từng ở Syria nhưng vài giờ sau đó đính chính lại rằng họ không đến Syria. Ông nói thêm rằng người cha Diata Oeprianto đã liên lạc với một gia đình bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vì bị cáo buộc có ý định gia nhập các nhóm cực đoan ở Syria. Ông Tito Karnavian khẳng định rằng chính gia đình bị trục xuất này đã tuyên truyền tư tưởng cực đoan cho Diata Oeprianto và gia đình anh ta. Những tuyên bố mâu thuẫn cho thấy công tác chống khủng bố và giám sát những nghi can khủng bố của Indonesia đang có rất nhiều lỗ hổng.

Hiện trường một cuộc tấn công khủng bố ở Indonesia. Ảnh: The Globe Post.

Giám sát những kẻ tình nghi là một trong những khâu quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên các nhà chức trách Indonesia đang gặp rất nhiều khó khăn khi theo dõi những đối tượng bị trục xuất trở về vì họ thường xuyên di chuyển từ nơi này qua nơi khác để tránh bị phát hiện. Việc cấp hộ chiếu và thị thực dễ dàng ở Indonesia cũng làm cho những người có tư tưởng cực đoan không khó để đi ra nước ngoài.

Do nạn hối lộ và tham nhũng thường xảy ra trong các cơ quan cấp giấy phép mà việc cấp chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu gia đình trở nên đơn giản. Những đối tượng xin cấp hộ chiếu dễ dàng thay đổi thông tin mà vẫn qua mặt được các nhà chức trách. Một lỗ hổng nữa trong công tác chống khủng bố của Indonesia đó là tính kém hiệu quả của các chương trình tái hòa nhập cộng đồng dành cho những người bị trục xuất trở về. Một tháng là quãng thời gian quá ngắn để họ có thể xóa bỏ hết các tư tưởng cực đoan đã bị tiêm nhiễm lâu ở nước ngoài.

Nhưng chính phủ Indonesia lại không có sự lựa chọn nào khác vì nếu kéo dài hơn 1 tháng thì các trung tâm giáo dục hòa nhập không đủ chỗ cho những người bị trục xuất trở về.

Một điểm nữa là sự phối hợp giữa chính phủ và các tổ chức xã hội không chặt chẽ nên không lôi kéo được sự tham gia nhiệt tình của những người trở về trong công tác tái hòa nhập. Họ tham gia cho hoàn thành thủ tục theo kiểu “làm cho xong” để sớm được về với gia đình. Thực tế cho thấy vụ tấn công bằng bom ở Surabaya không phải là vụ duy nhất liên quan đến những người đã từng tham gia các khóa huấn luyện hòa nhập cộng đồng nhưng vẫn còn tư tưởng cực đoan.

Ngoài vấn đề trên, còn tồn tại những vấn đề gì trong cuộc chiến chống khủng bố của Indonesia? Theo nhiều chuyên gia, chống khủng bố là vấn đề lớn, vì vậy cần có các lực lượng mạnh như quân đội. Lực lượng an ninh thì không thể đủ sức. Nhiều quan chức và người dân đặc biệt ủng hộ ý tưởng này. Quân đội Indonesia (TNI) cần tham gia sâu hơn vào cuộc chiến chống khủng bố.

Mới đây Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã chấp thuận một đề nghị khôi phục Cơ quan chỉ huy chiến dịch đặc biệt của quân đội Indonesia tham gia chống khủng bố (Koopsusgab) để sát cánh cùng với lực lượng cảnh sát trong cuộc chiến chống khủng bố. Các chuyên gia chống khủng bố còn khẳng định, khi quân đội tham gia vào cuộc chiến này, các cơ quan tình báo quốc gia cũng sẽ phải thay đổi cách làm việc.

Ngoài ra, để khắc phục các “lỗ hổng”, nhiều chuyên gia cho rằng Indonesia phải ban hành một luật chống khủng bố toàn diện hiệu quả hơn để áp dụng những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời xử lý đối với những người bị trục xuất trở về Indonesia.

Và điều quan trọng hơn là tạo ra chuỗi các hoạt động phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan hữu quan của Indonesia liên quan đến công tác chống khủng bố. Chính phủ cũng phải tham gia sâu hơn nữa vào bộ máy an ninh ở các cấp thấp hơn để thực hiện một chiến lược chống khủng bố trong phạm vi toàn cộng đồng.

Philippines, “điểm đến” mới của khủng bố?

Không như ở Indonesia, cuộc chiến chống khủng bố ở Philippines có đặc thù khác. Gần đây nhất, các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Philippines đã gây ra cuộc chiến đẫm máu khiến cho không chỉ chính phủ Philippines, mà lãnh đạo nhiều quốc gia Đông Nam Á đã phải cùng nhau ngồi lại để tìm ra biện pháp hạn chế ảnh hưởng, tiến tới tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á.

Quân đội đang tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố ở Indonesia. Ảnh: dailymail.co.uk.

Gần đây nhất, quân đội nước này đã phải mở một chiến dịch trấn áp kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10-2017. Các cuộc đụng đổ khiến hơn 1.000 thiệt mạng còn thành phố trở thành một đống đổ nát. Bất chấp sự thất bại hồi năm ngoái của IS trong việc thiết lập một Vương quốc hồi giáo ở thành phố Marawi, phía nam Philippines, các phiến quân nước ngoài tiếp tục tụ hội ở đảo Mindanao, đợi thời cơ phát động một cuộc tấn công mới.

Các nhà phân tích an ninh và sĩ quan quân đội cho biết ít nhất 100 tay súng khủng bố nước ngoài đã gia nhập các nhóm phiến quân vũ trang địa phương vốn cam kết trung thành với IS. Quân đội Philippines đã phải mất 5 tháng để đẩy đuổi các tay súng của Tổ chức Abu Sayyaf và Maute đồng minh với IS ra khỏi các vị trí của chúng ở Marawi.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Asia Times, Rommel Banlaoi, Chủ tịch Viện nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố Philippines, nhấn mạnh rằng các tay súng IS nước ngoài đang tràn vào Mindanao và tình hình đang “trở nên xấu hơn”.

Thông báo của các cơ quan an ninh Philippines cho biết,  những tay súng khủng bố nước ngoài tiếp tục đến Philippines bất chấp Marawi đã được giải phóng. Ngoài ra, ông cho biết thêm ít nhất 60 tên đã được các cơ quan an ninh nhận dạng thông qua các bí danh của chúng, trong khi khoảng 30 tên khác chưa được nhận dạng.

Con số này cao hơn 48 tay súng nước ngoài mà đơn vị tình báo của Lực lượng Vũ trang Philippines nói chúng đang hoạt động ở Mindanao kể từ tháng 1-2018. Việc lặp lại sự chiếm đóng kéo dài nhiều tháng hồi năm ngoái sẽ là thảm họa cho Philippines và khu vực Đông Nam Á.

Hơn 350.000 người đã phải sơ tán bởi cuộc chiến bắt đầu từ ngày 23-5-2017, buộc Tổng thống Rodrigo Duterte đặt toàn bộ khu vực Mindanao dưới tình trạng thiết quân luật. Hơn một năm sau, khoảng 70.000 người vẫn chưa thể trở về vùng đất Marawi, chính điều này đã dẫn tới sự tức giận của người dân địa phương ở những khu vực di tản vốn trở thành vùng đất chiêu mộ của phiến quân. Những tay súng khủng bố nước ngoài coi Mindanao là vùng đất mới của hồi giáo cựu đoan, căn cứ địa thay thế và là nơi trú ẩn an toàn. Chúng gia nhập các nhóm địa phương ở Philippines nhân danh IS.

Thiếu tá Gerry Besana, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Tây Mindanao thuộc Lực lượng Vũ trang Philippines, nhận định rằng IS tiếp tục gây ảnh hưởng cho các nhóm vũ trang Hồi giáo địa phương bất chấp chúng thất bại ở Marawi hồi năm ngoái. Ông cũng nói rằng những tay súng nước ngoài cam kết trung thành với IS tiếp tục gia nhập các nhóm phiến quân hồi giáo địa phương, khẳng định đánh giá của Banlaoi.

Theo các chuyên gia, khủng bố giờ đã hoạt động không biên giới ở Đông Nam Á. Lấy ví dụ các hoạt động khủng bố ở miền Nam Thái Lan, khu vực biên giới với Malaysia với phần đông dân cư là Phật tử, suốt 50 năm qua liên tục chứng kiến các hoạt động khủng bố đẫm máu của các phần tử Hồi giáo muốn ly khai. 

Ngăn IS không chỉ bằng tuyên bố

Philippines, Malaysia và Indonesia mới đây đã tăng cường các cuộc tuần tra chung trên biển để đối phó với những mối đe dọa khủng bố. Quân đội phải vào cuộc. Bởi, chỉ riêng các lực lượng an ninh không thể phát hiện các tay súng khủng bố nước ngoài bởi bờ biển quá dài và các khu rừng gồ ghề ở Mindanao. Từ mô hình này được các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đánh giá cao và các nước ASEAN đã quyết định tăng cường phối hợp hành động trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới.

Nhìn lại, vào tháng 9-2014, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từng có tuyên bố chính thức để lên án IS. Song, thực tế không đủ để ngăn IS tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại các nước Đông Nam Á. Trong bối cảnh này, ASEAN cần tăng cường các hoạt động phối hợp nhằm chống chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới, tạo lập cơ sở dữ liệu chung về các cá nhân và tổ chức có quan hệ với khủng bố, đẩy mạnh trao đổi thông tin, phối hợp các hoạt động đề phòng và truy quét khủng bố, ngăn chặn các tham vọng và mưu đồ của lực lượng khủng bố quốc tế.

Ngoài ra, chủ nghĩa khủng bố sẽ không thể bị xóa sổ hoàn toàn nếu chính bản thân các quốc gia và khu vực không tự khắc phục nguyên nhân gây nên sự bất mãn của người dân, không có các chính sách và biện pháp cụ thể để cải thiện chất lượng sống và đảm bảo quyền bình đẳng cho con người.

Cần phải nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, nghiên cứu, xem xét một cách tích cực để ban hành các bộ luật đủ mạnh để làm công cụ để chống lại mọi hoạt động khủng bố và bảo vệ người dân trước các âm mưu tấn công khủng bố. Xây dựng bộ luật chống khủng bố đủ mạnh và có tính răn đe cao sẽ góp phần ngăn chặn từ xa các hoạt động khủng bố, không để xảy ra các vụ khủng bố đẫm máu như thời gian vừa qua.

Trang mạng Trường nghiên cứu quốc tế RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore mới đây đăng bài bình luận của Giáo sư Rohan Gunaratna, Trưởng trung tâm nghiên cứu khủng bố quốc tế và bạo lực chính trị thuộc RSIS, với nhận định rằng trong bối cảnh các phần tử khủng bố trở về từ chiến trường Iraq và Syria gây ra mối đe dọa lớn đối với ASEAN, đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển, thịnh vượng và cuộc sống của ASEAN, các nước ASEAN cần phải có sự hợp tác lớn hơn giữa các nước thành viên, đặc biệt là vai trò của lực lượng quân đội các nước ASEAN.

Cụ thể, các quốc gia trong khu vực thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa trong hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố. Một số sáng kiến đã được đưa ra như việc tuần tra chung giữa ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines trong vùng biển Sulu hay sáng kiến chia sẻ thông tin tình báo mang tên "Đôi mắt của chúng ta" mà Indonesia đưa ra nhằm cải thiện việc chia sẻ thông tin chống khủng bố giữa các nước trong khu vực.

Để giúp tối ưu hóa các nguồn lực và tăng cường khả năng chống khủng bố tập thể của khu vực, Bộ trưởng Singapore Ng Eng Hen đã đưa ra khuôn khổ hợp tác 3R (tự cường, ứng phó và phục hồi) để giúp khu vực và các nước có thể nhanh chóng tiến hành các hành động chống lại chủ nghĩa khủng bố; ngăn chặn làn sóng cực đoan lan truyền tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khủng bố.

Hoa Vinh
.
.