Đột nhập điện thoại Quốc vương Qatar để chào hàng công nghệ gián điệp

Thứ Ba, 11/09/2018, 16:28
Hai phiên toà đang diễn ra cùng lúc tại Israel và Síp để xét xử tập đoàn NSO Group về những cáo buộc chủ động tham gia hoạt động gián điệp bất hợp pháp.

Nội dung các e-mail giao nộp tại tòa án đã cho thấy công ty này đã dùng phần mềm gián điệp để bẻ khóa, đột nhập vào điện thoại thông minh của một số nhân vật chính trị cao cấp ở Trung Đông theo yêu cầu của các khách hàng đến từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Hai phiên tòa được mở để xem xét đơn kiện của một người Qatar và các nhà báo và nhà hoạt động Mexico. Ở Mexico, NSO Group đã bán phần mềm gián điệp cho chính phủ Mexico kèm theo điều kiện là phần mềm chỉ được sử dụng do thám thành phần tội phạm và khủng bố.

Quốc vương Qatar từng bị đột nhập điện thoại bằng công nghệ gián điệp của NSO Group.

Tuy nhiên, trên thực tế phần mềm đã được sử dụng để do thám những luật sư, nhà báo và những người hoạt động chống tham nhũng. Năm 2017, tờ báo New York Times đưa tin các luật sư, nhà báo và những người vận động chống tham nhũng ở Mexico đã bị nghe lén, theo dõi bởi phần mềm gián điệp do NSO Group sản xuất, chính phủ Mexico đã thông báo mở cuộc điều tra. Tuy nhiên, hơn một năm sau, cuộc điều tra vẫn dẫm chân tại chỗ, có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Chính vì vậy, các luật sư và nhà báo, nhà hoạt động chống tham nhung ở Mexico tham gia vụ kiện tại Síp với hy vọng làm sáng tỏ thêm về chương trình giám sát, nghe lén điện thoại của chính phủ Mexico.

Ngoài Mexico, ở khu vực Mỹ Latinh NSO Group còn cung cấp công nghệ gián điệp cho chính phủ Panama, và Tổng thống Panama khi đó đã sử dụng phần mềm để do thám, theo dõi các đối thủ chính trị và những người chống đối mình. Trong nhiều trường hợp, công ty NSO đều phủi bỏ trách nhiệm của mình, cho rằng công ty chỉ bán công nghệ gián điệp cho các chính phủ sau khi đã thỏa thuận chỉ sử dụng để chống tội phạm và khủng bố.

Tuy nhiên, các tài liệu và e-mail được cung cấp tại hai phiên tòa ở Israel và Síp đã đưa ra các bằng chứng xác định công ty không hoàn toàn “vô can” như đã nói. Chẳng hạn trong trường hợp UAE, tài liệu tại tòa án cho thấy một công ty con của NSO Group đã chủ động do thám các quan chức nước ngoài, và đã đột nhập, ghi âm thành công các cuộc gọi của một nhà báo ở Anh, đó là nhà báo Abdulaziz Alkhamis, biên tập viên của tờ báo Al Arab ở London.

Công nghệ gián điệp của NSO Group hoạt động khá đơn giản, bằng cách gửi cho mục tiêu do thám một tin nhắn trên điện thoại thông minh, câu nhử người này bấm vào tin nhắn. Nếu mục tiêu bấm vào tin nhắn, một phần mềm gián điệp có tên gọi là Pegasus sẽ tự động được tải xuống một cách bí mật. Phần mềm này sẽ “nằm vùng” trong chiếc điện thoại và tự động kết nối với trung tâm theo dõi của chính phủ, giúp chính phủ giám sát mọi hoạt động của chủ nhân chiếc điện thoại, từ việc gọi điện cho đến gửi nhận e-mail, giao tiếp qua mạng và kể cả tiếp xúc mặt đối mặt.

Khi cung cấp phần mềm cho UAE, công ty NSO Group đã gọt giũa ngôn ngữ tin nhắn cho phù hợp với văn hóa và tôn giáo của khu vực vùng Vịnh Persic để dễ gây chú ý, dễ thu hút và nhử con mồi bấm vào tin nhắn. Chẳng hạn, tin nhắn trong khu vực này thường có những câu đại loại như “Tháng Ramadan đang đến gần – chiếc khấu không thể tin được”, hay như “Làm thế nào để giữ cho bánh xe ô tô không phát nổ giữa cái nóng mùa hè”,…

Phiên tòa cũng làm sáng tỏ những quan hệ chính trị ngầm giữa Israel với các nước trong khu vực vùng Vịnh Persic, trong đó phần mềm gián điệp dùng cài đặt vào để theo dõi đối phương được xem là một loại vũ khí lợi hại. UAE và Israel gần đây đang ngày càng tăng cường liên minh đằng sau hậu trường.

Do Israel xem phần mềm gián điệp là một vũ khí chiến tranh mạng, nên NSO Group phải được sự cho phép của Bộ Quốc phòng Israel nếu muốn bán phần mềm cho UAE và các đồng minh. Các tài liệu và e-mail tại tòa án cho thấy UAE đã bắt đầu ký hợp đồng sử dụng phần mềm gián điệp của NSO Group từ tháng 8-2013.

Cùng thời điểm đó, quan hệ giữa nước này với Qatar cũng sục sôi theo cuộc tranh giành quyền lực ở Ai Cập. Qatar đứng về phe phong trào Huynh đệ Hồi giáo mới giành chính quyền sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Arập. Còn UAE thì ủng hộ quân đội Ai Cập làm cuộc đảo chính êm ái, bắt giam các lãnh đạo Hồi giáo.

Trong cuộc đối đầu căng thẳng, hai bên tố cáo lẫn nhau có hành vi gián điệp mạng. Các tin tặc đã bẻ khóa đột nhập vào tài khoản e-mail của những người phản đối Qatar, bao gồm Đại sứ UAE tại Washington Yousef al-Otaiba và một nhà vận động gây quỹ cho đảng Cộng hòa  Elliott Broidy. Ông Broidy đã kiện Qatar và các nhà vận động hành lang của nước này ở Washington vì đã đột nhập tài khoản e-mail của ông.

Cuộc chiến tiếp tục leo thang khi một nhóm tin tặc UAE đột nhập, chiếm quyền quản trị cơ quan thông tấn Qatar và đăng một bài báo tin giả trong đó có một phát ngôn sai trái không phải của Quốc vương Qatar nhằm mục đích hạ uy tín ông. Nhóm tin tặc này sau đó tiếp tục đột nhập lấy cắp e-mail của các quan chức Qatar rồi tung lên mạng, trong đó tiết lộ nội dung chi tiết thương lượng giải cứu một con tin Qatar bị bắt tại Iraq.

Theo các tài liệu, e-mail tại tòa án, tin tặc người UAE đã bắt đầu can thiệp, nghe lén điện thoại Quốc vương Qatar từ năm 2014. Đến năm 2016, thông tin về việc UAE sử dụng phần mềm công nghệ gián điệp của NSO Group để đột nhập điện thoại, nghe lén, do thám Quốc vương Qatar và nhà báo Alkhamis bắt đầu được báo chí thông tin. Ngoài ra, một Hoàng tử Mutaib bin Abdullah, Giám đốc Vệ binh quốc gia Saudi Arabia (đã bị phế truất) cũng từng bị do thám bằng phần mềm của NSO.

Khi đặt hàng nâng cấp phần mềm gián điệp với NSO Group, các lãnh đạo chính phủ UAE đã đặt ra yêu cầu NSO Group phải trích dữ liệu đã đột nhập điện thoại của một số cá nhân ở Qatar và vùng Vịnh để làm “hàng mẫu” bảo đảm tinh năng hoạt động của phần mềm.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.