Dự án Con Quạ theo dõi truyền thông của UAE

Thứ Ba, 23/04/2019, 15:20
Một cuộc điều tra do hãng tin Reuters tiến hành hồi tháng 1-2019 đã phát hiện ra một chương trình gián điệp quy mô lớn có tên gọi là Dự án Con Quạ (Raven) của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm mục đích theo dõi, do thám thành phần đối lập, các đối thủ chính trị, và nhất là giới truyền thông bị nghi ngờ có quan hệ với kình địch Qatar.

Đáng lưu ý là Dự án Con Quạ được hình thành và trợ giúp hoạt động bởi một nhóm hacker là cựu điệp viên các cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ...

Người Mỹ và Dự án Con Quạ

Dự án Con Quạ ra đời vào năm 2009 với sự giúp sức của các nhà thầu tình báo và các cựu quan chức Nhà Trắng trong chính quyền George W. Bush. Ban đầu, mục tiêu của Dự án Raven là nhằm kiểm soát thành phần phiến loạn, khủng bố trong khu vực Trung Đông. 

Nhưng nhiệm vụ đó đã nhanh chóng được mở rộng ra bao gồm cả việc do thám, giám sát và trấn áp thành phần chống đối và chính trị đối lập, kể cả một số quốc gia bị xem là kình địch trong khu vực.

Theo Reuters, tham gia vào Dự án Con Quạ có 9 cựu điệp viên từng làm việc cho NSA, CIA và các nhà thầu an ninh lớn của nước Mỹ. 

Lori Stroud, một trong chín cựu điệp viên Mỹ làm việc cho Dự án Con Quạ.

Trong số những người này chỉ duy nhất bà Lori Stroud đồng ý cho sử dụng tên và hình ảnh đưa trong bài viết; 8 người còn lại cũng đồng ý cung cấp thông tin nhưng yêu cầu giấu tên. 

Bà Stroud làm việc cho NSA trong thời gian trên dưới 10 năm. Sau đó, bà chuyển sang làm việc tại tập đoàn Booz Allen Hamilton từ năm 2009 đến 2014, chuyên trách công việc dò tìm các mục tiêu sơ hở trong hệ thống máy tính của các chính phủ nước ngoài rồi đột nhập lấy cắp dữ liệu đem về sàng lọc để thu thập thông tin. 

Trong thời gian còn làm cho NSA, chính Stroud là người đã giới thiệu Edward Snowden vào làm việc cho NSA để sau đó người này lấy trộm tài liệu tình báo mật cung cấp cho báo chí đăng tải, gây nên một trong những vụ rò rỉ thông tin tình báo mật lớn nhất lịch sử. Sau vụ đó, thương hiệu Booz Allen Hamilton hầu như suy sụp.

Trong cơn khủng hoảng, một cựu đồng nghiệp NSA ở Hawaii tên Marc Baier xuất hiện kịp thời và giới thiệu Stroud và nhóm cựu điệp viên đến làm việc cho một nhà thầu đang làm ăn ở Abu Dhabi tên là CyberPoint. 

Tháng 5-2014, nhóm Stroud chớp lấy cơ hội rời khỏi Booz Allen Hamilton. CyberPoint là một nhà thầu an ninh mạng có trụ sở tại Baltimore, và từng làm ăn với Bộ Quốc phòng Mỹ. Tại công ty mới này, Stroud và nhiều đồng nghiệp khác được trả lương cao hơn lương nhà nước, có người nhận đến 400.000 USD/năm.

Thông qua Baier, nhóm của Stroud được những người quản lý Dự án Con Quạ của UAE hướng dẫn ký kết các hợp đồng làm việc và đưa đến nơi làm việc là một căn phòng bịt kín trong một căn biệt thự lớn, thường được gọi là “The Villa” (Biệt thự). 

Các tài liệu nhóm Stroud được cung cấp để nghiên cứu cho biết Dự án Con Quạ được lập ra nhằm mục đích “tự vệ” chống lại các cuộc tấn công, xâm nhập mạng; đồng thời đây cũng là một bộ phận tác chiến trên không gian mạng trực thuộc NESA, tức Cơ quan An ninh điện tử Quốc gia (NESA), cơ quan tình báo mạng của UAE tương đương NSA của Mỹ, để triển khai các hoạt động do thám, theo dõi các phần tử khủng bố, thành phần chính trị đối lập, và các đối thủ trong khu vực, như Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo mệnh lệnh của chính phủ UAE, Dự án Con Quạ còn theo dõi cả hoạt động trên mạng xã hội, đặc biệt là giới truyền thông, báo chí, những người bị xem là “xúc phạm” chính phủ UAE. 

Điển hình là kênh truyền hình Al Jazeera, từng bị cáo buộc là trung tâm kích động bạo lực do đã đưa trung thực và đầy đủ những hình ảnh biểu tình và đàn áp biểu tình đầy máu lửa. Hoàng gia UAE cho rằng chính cách làm này đã thổi bùng ngọn lửa bất bình trong công chúng. “Việc đưa tin biểu tình phản đối của Al Jazeera có tác động tâm lý lớn đối với người biểu tình” – cựu Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki khẳng định.

Do thám cả truyền thông

Điều tra của hãng tin Reuters cho thấy việc UAE do thám giới truyền thông bắt đầu từ khi xảy ra phong trào biểu tình “Mùa xuân Arab”. Sau làn sóng biểu tình này, và nhất là sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất, bỏ tù vào năm 2011, lực lượng an ninh UAE bắt đầu xem những nhà hoạt động, cổ xúy cho quyền con người là mối đe dọa lớn cho sự ổn định quốc gia.

Một trong những mục tiêu lớn của Dự án Con Quạ vào năm 2012 là Rori Donaghy, khi đó 25 tuổi, là nhà báo người Anh, đồng thời là nhà hoạt động chuyên viết các bài báo chỉ trích vấn đề nhân quyền của chính quyền UAE. 

Năm 2012, Donaghy từng viết một bài báo đăng trên tờ The Guardian của Anh chỉ trích việc chính phủ UAE trấn áp, bắt bớ các nhà hoạt động nhân đạo. Trước thời điểm đó, hoạt động do thám, thu thập thông tin tình báo chủ yếu dựa vào việc cử điệp viên đột nhập nơi ở khi đối tượng đi vắng và cài đặt phần mềm gián điệp vào máy tính để theo dõi.

Để tiếp cận và cài phần mềm gián điệp theo dõi máy tính của Donaghy, các điệp viên Dự án Con Quạ dùng mưu kế giả vờ làm nhà hoạt động có cùng quan điểm, chí hướng với Donaghy, xin địa chỉ e-mail và sau đó gửi vào một tập tin chứa mã gián điệp. Việc các điệp viên Dự án chèo kéo, thúc giục Donaghy tải phần mềm về máy khiến anh sinh nghi và cuối cùng phát hiện âm mưu của họ. Donaghy liên hệ tổ chức Citizen Lab nhờ giúp đỡ, và các chuyên gia của tổ chức này phát hiện ra nhóm điệp viên Dự án Con Quạ theo dõi Donaghy.

Hoạt động theo dõi giới truyền thông gia tăng mạnh từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, bắt đầu vào đầu năm 2017 khi UAE và các đồng minh trong khu vực, trong đó có Ai Cập và Saudi Arabia, cáo buộc Qatar “gieo mầm mống xung đột” thông qua việc ủng hộ kênh truyền hình vệ tinh Al Jazeera và một số tờ báo Arập có quan điểm ủng hộ làn sóng biểu tình “Mùa xuân Arab”. 

Phe UAE yêu cầu Qatar phải thực hiện một số hành động, chẳng hạn như đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera đồng thời rút ủng hộ tài chính đối với một số tờ báo Ảrập, nhưng Qatar không chấp nhận. Vì vậy, tháng 6-2017, khủng hoảng bùng nổ với việc UAE và nhóm đồng minh đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar và áp đặt lệnh cấm vận cả trên bộ, trên không và trên biển đối với Qatar. Đây là cuộc đối đầu chưa có tiền lệ giữa các quốc gia trong cùng khối Arab.

Trong vòng chưa tới 7 ngày, các điệp viên của Dự án Raven bắt đầu phát động một chiến dịch gián điệp, bẻ khóa đột nhập vào điện thoại di động iPhone của ít nhất 10 nhà báo và lãnh đạo các công ty truyền thông bị cho là có quan hệ với chính phủ Qatar hoặc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood).

Nữ nhà báo Giselle Khoury.

Trong số các nhà báo và lãnh đạo truyền thông bị do thám có Giselle Khoury, người dẫn chương trình “The Scene” của đài BBC phiên bản tiếng Arab. 

Khoury là người Liban, ngụ tại Beirut, và chương trình “The Scene” của bà chủ yếu phỏng vấn các lãnh đạo trong khu vực Trung Đông về các vấn đề thời sự nóng bỏng. Khoury còn có quan hệ và thường xuyên liên lạc với nhà văn người Qatar Azmi Bishara có quan điểm chống đối UAE và sáng lập tờ báo Al-Araby Al-Jadeed. Đây cũng là lý do để Dự án Raven do thám bà. Bản thân nhà văn Bishara cũng bị do thám như bà Khoury.

Ngày 19-6-2017, các cựu điệp viên Mỹ trong Dự án Raven tiếp tục bẻ khóa do thám Faisal al-Qassem, người dẫn chương trình cho một chương trình nổi tiếng của đài Al Jazeera mang tên “The Opposite Direction”. Chương trình này chuyên phỏng vấn và tổ chức trò chuyện với các vị khách mời bình luận các chủ đề nhạy cảm trong khu vực, như tham nhũng của chính quyền các nước trong khu vực. 

Cùng bị bẻ khóa theo dõi như al-Qassem là Chủ tịch Al Jazeera, ông Hamad bin Thamer bin Mohammed Al Thani. Hôm sau, ngày 20-6-2017, các điệp viên Dự án Raven tiếp tục bẻ khóa điện thoại iPhone để theo dõi Abdullah Al-Athba, Tổng biên tập Al-Arab, tờ báo lâu đời nhất của Qatar. Ngoài ra, thêm một loạt nhà báo của 2 kênh truyền hình Al-Araby TV và Al-Hiwar, trụ sở tại London, vì nghi có quan hệ với chính phủ Qatar.

Theo Reuters, các điệp viên Dự án Raven sử dụng một vũ khí mạng có tên gọi là Karma để bẻ khóa điện thoại iPhone. 

Theo Reuters, Karma cho phép các điệp viên Raven bẻ khóa điện thoại iPhone từ xa bằng cách nhập vào phần mềm vũ khí mạng số điện thoại hoặc địa chỉ e-mail của chủ nhân chiếc điện thoại đó. Không như nhiều công cụ mạng thông thường, Karma không cần đối tượng nhấp vào đường dẫn được gửi vào điện thoại. 

Từ chỗ đó, các điệp viên Raven đã thoải mái thu thập các thông tin cá nhân, các nội dung e-mail, hình ảnh và các dữ liệu khác lưu trên máy điện thoại. Tất cả những thông tin, dữ liệu này các điệp viên Raven không xử lý mà gửi thẳng về trung tâm điều hành của tình báo UAE.

Các tài liệu mật của chương trình Dự án Raven cho thấy việc do thám các nhà báo và lãnh đạo truyền thông chủ yếu là nhằm tìm kiếm bằng chứng cụ thể để chứng minh các cơ quan truyền thông có mối quan hệ nào đó với chính phủ Qatar, hoặc nhận sự tài trợ của chính phủ Qatar, hoặc có quan hệ với tổ chức Muslim Brotherhood. 

Hầu như tất cả các cơ quan truyền thông bị do thám đều đã từng đưa những thông tin bất lợi cho Hoàng gia UAE, Saudi Arabia và một số quốc gia đồng minh trong khu vực trong các cuộc xung đột hoặc trong các vụ việc trấn áp thành phần đối lập, nhất là Al Jazeera.

Người Mỹ “tự bắn vào chân”?

Dana Shell Smith, cựu đại sứ Mỹ tại Qatar cho rằng việc các cựu điệp viên và cựu quan chức Nhà Trắng tham gia trợ giúp chính phủ một quốc gia khác để do thám, nhắm vào một đồng minh của Mỹ là điều rất đáng báo động. “Những người có kỹ năng đặc biệt này không nên cố ý hay vô ý xâm hại đến lợi ích quốc gia của nước Mỹ” – bà Smith nói.

Ngay cả bà Stroud cũng thừa nhận rằng khi biết hoạt động do thám trên mạng của mình trong Dự án Con Quạ đang nhắm trực tiếp vào các quốc gia đồng minh của nước Mỹ, thậm chí có thể do thám cả các hệ thống máy tính của người Mỹ ở Mỹ, bà đã rất đắn đo, suy nghĩ, thậm chí đã phản đối khi thấy hàng loạt tên tuổi người Mỹ trong danh sách do thám, nhưng đã nhận được câu trả lời trấn an của lãnh đạo Dự án Con Quạ nên thôi.

Có một điều mà giới truyền thông đang muốn làm rõ là liệu Washington có biết gì về vai trò và hoạt động của nhóm cựu điệp viên người Mỹ trong Dự án Con Quạ hay không? 

Khi biện hộ về tính hợp pháp của hoạt động do thám, nhiều cựu điệp viên làm việc cho Dự án Con Quạ cho biết họ được các lãnh đạo Dự án bảo đảm việc họ làm là hợp pháp, vì nó đã được bảo trợ bởi chính phủ Mỹ. Baier cũng nói thêm rằng mặc dù không trực tiếp can thiệp vào hoạt động hàng ngày của Dự án Con Quạ, nhưng NSA đã đồng ý và thường xuyên nhận báo cáo về các hoạt động của Dự án. 

Một bản thỏa thuận năm 2014 giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với công ty Cyberpoint có ghi rằng Washington “hiểu rõ các nhà thầu đang giúp triển khai các hoạt động do thám trên mạng cho UAE”. Văn bản đồng ý để cho Cyberpoint hợp tác với cơ quan tình báo NESA của UAE “thu thập thông tin về các hệ thống truyền thông trong và ngoài UAE” và phân tích dữ liệu do thám.

Việc tấn công máy tính của người Mỹ là điều được giữ bí mật rất nghiêm ngặt ngay cả trong nội bộ Dự án Raven. Reuters cho biết, FBI đang điều tra về khả năng liệu các điệp viên người Mỹ làm việc trong Dự án Con Quạ có tiết lộ những kỹ thuật do thám bí mật của Mỹ cho đối tác nước ngoài hay không và liệu họ có tham gia do thám các mạng máy tính của người Mỹ một cách bất hợp pháp hay không. 

Năm 2016, 2 đặc vụ FBI đã tiếp cận Stroud tại sân bay quốc tế Dulles ở Washington để hỏi về các hoạt động của bà ở Dự án Con Quạ, nhưng không có kết quả.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.