Dự án Habbakuk và tàu sân bay từ băng tuyết

Thứ Ba, 13/03/2018, 07:23
Từ giữa năm 1940 đến đầu năm 1942, Hải quân Hoàng gia Anh đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề trên biển bởi đội tàu ngầm lớp U-boat của Đức Quốc xã.

Những thống kê sau chiến tranh cho thấy trong thời gian nói trên, người Anh đã mất 960 chiếc tàu lớn nhỏ, cả tàu tiếp vận lẫn tuần dương hạm, khu trục hạm, mà một trong những nguyên nhân là các máy bay săn ngầm Anh Quốc không đủ nhiên liệu để có thể hoạt động trên một khu vực rộng hàng triệu km2 ở Đại Tây Dương.

Nhằm khắc phục điểm yếu này và cũng vì thiếu nguồn nguyên liệu sắt thép, người Anh đã nghĩ ra một kế hoạch điên rồ: Đó là đóng một tàu sân bay từ một tảng băng tuyết khổng lồ, làm căn cứ nổi cho những chuyến bay lùng và diệt tàu ngầm Đức Quốc xã. Kế hoạch ấy được đặt tên là "Dự án Habbakuk"…

Khởi động

Ý tưởng chế tạo tàu sân bay từ băng tuyết phát xuất bởi kỹ sư Geoffrey Pyke, làm việc tại Cơ quan Hoạt động hỗn hợp Anh quốc dưới sự lãnh đạo của Lord Mountbatten, chỉ huy tối cao các Lực lượng Đồng minh chống phát xít Đức.

Hình vẽ mô tả hoạt động của tàu sân bay Habbakuk.

Pyke nói: "Loại máy bay săn ngầm tiên tiến nhất của nước Anh lúc ấy là chiếc Sea Hawker Huricane cũng chỉ có thể hoạt động trong phạm vi 965km với tốc độ tối đa 547km/giờ. Vì vậy, nếu một chiếc Huricane cất cánh từ miền nam nước Anh để ra Đại Tây Dương thì chỉ sau 80 phút, nó đã phải quay về nên phần lớn tàu ngầm U-Boat nằm ngoài tầm với của nó, trong lúc do thiếu sắt thép đã khiến việc đóng mới một tàu sân bay làm nơi xuất phát cho máy bay săn ngầm là điều không tưởng…".

Trước khi "Dự án Habbakuk" được phê duyệt, kỹ sư Pyke đã tiến hành thử nghiệm trên quy mô nhỏ ở hồ Alberta, Canada. Thời đó, nhằm giúp cho nước đá lâu tan chảy, các chủ quán giải khát thường phủ lên bề mặt của đá một lớp mạt cưa nên vận dụng kinh nghiệm này, Pike trộn bột gỗ với nước rồi cho đóng băng. Sau đó, khối băng được đặt trong nhiệt độ dao động từ 10C đến 120C - là nhiệt độ trung bình ở biển Bắc. Kết quả cho thấy phải mất 79 ngày, khối băng có lẫn bột gỗ mới tan chảy 1/20 trọng lượng so với một khối băng tinh khiết khác, tan chảy hoàn toàn chỉ sau 8 tiếng đồng hồ.

Thật ra, kỹ sư Pyke không phải là người đầu tiên nghĩ ra việc chế tạo tàu sân bay làm từ băng mà hơn 10 năm trước đó, một nhà khoa học Đức là Tiến sĩ Gerke von Waldenburg cũng đã đề xuất ý tưởng - đồng thời thực hiện một số thí nghiệm sơ bộ trên hồ Zurich vào năm 1930 nhưng bị các sĩ quan Hải quân Đức xem là trò đùa.

Theo Waldenburg, tàu sân bay làm từ băng có thể thực hiện ngay trên mặt biển mà chỉ cần một con tàu có thiết bị hóa đông nước biển. Nhưng cũng vì xem là trò đùa nên toàn bộ hồ sơ kỹ thuật về chuyện này đã bị bộ phận tham mưu ném vào thùng rác trước khi nó được trình lên Tư lệnh Hải quân Đức là Đô đốc  Erich Raeder.

Dự án Habbakuk

Tháng 3-1942, Dự án Habbakuk dưới sự chỉ huy của kỹ sư Pyke tiến hành những bước đầu tiên. Theo Max Perutz, chuyên gia thiết kế tàu sân bay thời bấy giờ thì những tảng băng tự nhiên trôi lang thang trên vùng biển Bắc không đủ chiều dài để máy bay săn ngầm Huricane có thể cất, hạ cánh.

300 nghìn tấn bột gỗ được tập kết ở Azores.

Vì vậy, áp dụng phương pháp của những chủ cửa hàng bán nước giải khát, Pyke tạo ra một hỗn hợp gồm bột gỗ và nước biển, được đặt theo tên ông là "hỗn hợp Pykrete". Bằng cách thiết kế một khung gỗ có hình dạng và kích thước khoảng 1/6 tàu sân bay thật, Pyke cho đổ hỗn hợp này vào rồi hóa đông. Khi nó đã thành hình, Pyke cho một chiếc xe hơi chạy trên đường cất, hạ cánh giả định với tốc độ 120km/giờ - bằng vận tốc của một máy bay Huricane lúc đáp xuống. Tuy nhiên, mới chỉ chạy được vài mét, chiếc xe hơi đã trượt ngang vì mặt băng quá trơn.

Và mặc dù Pyke đã dời vị trí của móc hãm lên ngay đầu đường hạ cánh nhưng những lần thử nghiệm tiếp theo cũng cho kết quả tương tự: Khi móc hãm móc vào gầm xe thì thay vì dừng lại, chiếc xe tạt ngang rồi xoay tròn. Chưa hết, những khảo sát của Pyke còn cho thấy lúc hạ cánh, bánh xe máy bay vừa chạm vào mặt băng thì do tốc độ cao, ma sát lớn, mặt băng sẽ bị lõm thành những rãnh dài từ 1 đến 2m nên chỉ cần 2 hoặc 3 chiếc máy bay lần lượt nối tiếp nhau hạ cánh thì những chiếc còn lại sẽ không thể xuống được vì đường hạ cánh lúc ấy chẳng khác gì đường… ổ gà!.

Dự án tưởng như bế tắc thì bất ngờ Max Perutz tìm ra một cách: Đó là phủ một lớp sợi làm từ bột giấy lên mặt băng. Lớp sợi này không những triệt tiêu sự trơn trượt của đường cất, hạ cánh mà nó còn cách điện và cách nhiệt rất tốt. Bên cạnh đó, để giữ cho băng không thể tan, Max Perutz cho đặt một hệ thống cấp đông bao gồm những đường ống chằng chịt nằm dưới đường cất, hạ cánh và các nơi khác trên tàu.

Nhằm đánh giá sức chịu đựng của tàu trước những trận tấn công của phát xít Đức, Pyke tiến hành thử nghiệm tại hồ Louse và hồ Patricia, Canada. Với một khối băng trộn bột gỗ trọng lượng 1.000 tấn, được giữ lạnh chỉ bằng 1 động cơ 1 mã lực, Pyke lần lượt cho bắn vào nó đạn pháo 240mm, bom 750 kg và ngư lôi 88mm - là những loại vũ khí có sức công phá lớn nhất thời bấy giờ. Kết quả tảng băng chỉ bị rạn ra nhưng hệ thống giữ lạnh đã nhanh chóng làm cho nó kết dính lại.

Tháng 9-1943, Dự án Habbakuk khởi công thực hiện chiếc tàu sân bay thứ nhất tại một địa điểm bí mật nằm gần vùng Smithfield với 300 nghìn tấn bột gỗ, 25 nghìn tấn sợi bột giấy cách nhiệt, 35 nghìn tấn gỗ và 10 nghìn tấn thép dùng làm khung đỡ các động cơ, chi phí ước tính khoảng 700.000 bảng Anh so với 25 triệu bảng Anh nếu là tàu sân bay đóng bằng kim loại. Toàn bộ nhân lực chỉ gồm 80 người thay vì phải là 7.000 người.

Ra khỏi cuộc chơi

Mặc dù Dự án Habbakuk đã được Thủ tướng Churchill phê duyệt nhưng kỹ sư Pyke và chuyên gia thiết kế tàu sân bay Max Perutz vẫn không ngừng tìm tòi nhằm hoàn thiện việc chế tạo. Bằng nhiều thí nghiệm, cả hai xác định tỉ lệ tối ưu cho con tàu là 86% nước biển và 14% bột gỗ. Theo dự kiến, tàu sân bay sẽ được  hạ thủy vào tháng 5-1944, thời điểm mà nước ở biển Bắc Đại Tây Dương đã bắt đầu lạnh dần.

Một máy bay Frairey Swordfish hạ cánh trên mô hình thử nghiệm tàu sân bay làm từ băng.

Tuy nhiên, nước biển lạnh lại sinh ra một sự cố: Đó là nó sẽ hình thành một lớp băng bám quanh thân tàu và càng hoạt động dài ngày thì lớp băng ấy sẽ tiếp tục dày thêm khiến việc di chuyển của tàu sân bay trở nên chậm chạp. Để khắc phục, Pyke đề nghị cho bọc một lớp thép nhưng điều này làm tăng chi phí lên thêm 2,5 triệu bảng Anh.

Max Perutz nói: "Vì vậy, việc hạ thủy tàu sân bay vào tháng 5-1944 là không thực tế, chưa kể Dự án Habbakuk còn có sự tham gia của Hải quân Mỹ bởi lúc ấy, phần lớn tàu tiếp vận mà người Anh sử dụng đều là tàu do Mỹ chuyển giao. Phía Mỹ cũng cần có những căn cứ nổi trên biển để máy bay săn ngầm của họ có thể cất cánh tiêu diệt tàu ngầm Đức mà không phải quay vào bờ lấy thêm nhiên liệu".

Và thế là sau nhiều cuộc họp, kỹ sư Pyke bị loại ra khỏi Dự án Habbakuk do "không lường trước những phát sinh tốn kém". Trách nhiệm lúc này được đặt lên vai Perutz bởi các yêu cầu của Hải quân Mỹ trở nên khắt khe hơn: Tàu sân bay làm từ băng phải hoạt động liên tục trong phạm vi 11.000km, có thể chịu được sóng cấp 6 đồng thời có thể chống lại loại ngư lôi mới nhất của Đức Quốc xã. Như thế, lớp băng ở thân tàu phải dày ít nhất 12m trong lúc nếu là tàu sân bay đóng bằng sắt thép, vỏ tàu chỗ dày nhất chỉ là 0,24m.

Bên cạnh đó, phía không quân còn yêu cầu chiếc tàu sân bay ấy không chỉ dành riêng cho máy bay săn ngầm, mà còn có thể dùng làm nơi xuất phát cho loại máy bay ném bom hạng nặng B-25 nên đường cất, hạ cánh phải dài 610m.

Theo thiết kế, vỏ tàu làm từ băng trộn bột gỗ, nặng 2,2 triệu tấn. 8 máy phát điện chạy bằng hơi nước cung cấp 33.000 mã lực cho 26 động cơ điện, đặt ở bên ngoài vỏ tàu nhằm tránh gây ảnh hưởng tan chảy đến lớp băng. Về vũ khí, tàu sẽ được trang bị 40 súng phòng không, bao gồm từ loại 12,7mm đến 40mm. Tàu sẽ di chuyển bằng 26 động cơ đặt ở 2 bên thân nên sẽ cần đến 2 bánh lái nhưng sau nhiều bàn cãi, Hải quân Hoàng gia Anh quyết định sẽ chỉ đặt 1 bánh lái mà thôi. Có điều là bánh lái ấy cao 30m.

Cái chết của Dự án Habbakuk

Đầu tháng 12-1943, Max Perutz quyết định chọn khu vực Azores nằm ở bờ biển Bồ Đào Nha làm nơi xây dựng con tàu vì đây là địa điểm lý tưởng nhất để ra Đại Tây Dương. Lúc này, sau những phấn khích ban đầu, các chuyên gia về tàu sân bay của Hải quân Mỹ mới có thời gian nghiên cứu sâu hơn từng chi tiết.

Họ nhanh chóng nhận ra rằng khối lượng sắt thép cần để xây dựng một nhà máy làm đông đặc toàn bộ khối nước biển trộn bột gỗ lớn hơn nhiều nếu dùng số sắt thép ấy để đóng tàu sân bay. Bên cạnh đó, việc xây dựng những nhà máy nghiền bột gỗ và kéo sợi bột giấy theo đúng tiêu chuẩn do Pyke đặt ra cũng cần đến số sắt thép rất lớn.

Theo Sir Charles Goodeve, Trợ lý Quản lý nghiên cứu và phát triển - Bộ Hải quân Anh quốc thì: "Số bột giấy dùng cho tàu sân bay sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến việc cung cấp giấy cho thị trường vì nó cần đến 40.000 tấn, chưa kể gần 1.000km đường ống thép dùng trong hệ thống cấp đông, giữ cho vỏ tàu không tan chảy nếu thời tiết nóng trên 12 độ C mà tàu chỉ chạy được tối đa 6 hải lý/giờ thì việc chế tạo ra nó là không cần thiết".

Cuối cùng, trong cuộc họp của Hội đồng quản trị Dự án Habbakuk diễn ra vào cuối tháng 12-1943, gần như tất cả mọi thành viên hội đồng đều quyết định chấm dứt việc đóng tàu sân bay làm từ băng bởi lẽ đã mang tiếng là một tàu sân bay mà nó chỉ có thể hoạt động ở vùng biển Bắc trong lúc chiến tranh trên biển đang có khuynh hướng chuyển xuống Thái Bình Dương, nơi Hải quân phát xít Nhật vẫn còn đang ở thế mạnh, và nhất là sau lời phát biểu của Đô đốc Carlisle A. H. Trost, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở mặt trận Đại Tây Dương: "Xin quý vị lưu ý rằng chỉ cần 1 quả bom cháy 1.000kg (bom napalm) của máy bay Đức ném xuống tàu sân bay Habbakuk, tất cả chẳng còn gì có thể cứu vãn", thì số phận của Dự án Habbakuk coi như đã được định đoạt.

Một yếu tố nữa góp phần dẫn đến cái chết của Dự án Habbakuk là năm 1944, quân đội Đức Quốc xã lần lượt bị đánh bật ra khỏi những vùng mà trước đó, họ chiếm được từ Liên bang Xôviết. Việc ấy dẫn đến lợi thế là Không quân Anh, Mỹ có thể sử dụng các sân bay trên đất Liên Xô để săn lùng tàu ngầm Đức ở biển Bắc với cự ly xuất phát gần hơn rất nhiều nếu cất cánh từ nước Anh. Kỹ sư Pyke nói: "Habbakuk là một dự án xem ra có vẻ điên rồ nhưng dẫu sao, chúng tôi cũng tự hào vì đã nghĩ ra chuyện điên rồ ấy…".

Vũ Cao (theo History - Habbakuk Project)
.
.