Điệp viên tự cực đoan hóa và… đóng phim khiêu dâm đồng tính

Thứ Tư, 07/12/2016, 07:20
Cách đây hai tuần, trong khi đang làm nhiệm vụ theo dõi các phần tử Hồi giáo cực đoan trên mạng Internet, các điệp viên phản gián của Văn phòng liên bang Bảo vệ Hiến pháp (BfV) Đức chú ý đến một người không bình thường trong một phòng chat Internet được biết đến là nơi các phiến quân Hồi giáo cực đoan sử dụng để trao đổi thông tin cho nhau.

Người này sau khi giới thiệu mình là "kẻ đồng đảng" thì tự xưng là một điệp viên Đức. Anh ta đề nghị giúp Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào cơ quan tình báo Đức, nơi anh ta làm việc để thực hiện tấn công khủng bố.

Các điệp viên phản gián bắt đầu nhử anh ta vào một phòng chat riêng tư, và anh ta đã tự nguyện "xì" ra nhiều thông tin chi tiết về cơ quan tình báo nơi mình làm việc cũng như những hướng dẫn nội bộ về cách ngăn chặn khủng bố Hồi giáo cực đoan. Các điệp viên đã nhanh chóng xác định được người đàn ông 51 tuổi này đang làm việc trong cơ quan tình báo nội địa BfV. 

Làn sóng tấn công bạo lực do các phần tử tự cực đoan hóa thực hiện đang khiến các cơ quan an ninh, tình báo Đức ăn ngủ không yên.

Ngày 17-11, anh ta bị bắt. Theo quy định của luật tình báo, danh tính của điệp viên bị bắt không được công bố. Cơ quan chức năng Đức cho biết điệp viên "Hồi giáo cực đoan" bị bắt vì bị nghi ngờ đang chuẩn bị thực hiện một hành động khủng bố bạo lực và vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều tra sơ bộ của cơ quan chức năng cho biết, điệp viên bị bắt là một công dân Đức gốc Tây Ban Nha, hiện có vợ và 4 con. Anh ta bắt đầu làm việc cho BfV vào tháng 4-2016, được giao cho nhiệm vụ giám sát các phần tử Hồi giáo cực đoan tiềm ẩn nguy cơ tấn công bạo lực ở Đức. Ông ta khai với cơ quan điều tra là đã bí mật cải đạo theo đạo Hồi vào năm 2014 và đã tự cực đoan hóa, theo phong trào Hồi giáo Salafi, sau khi trò chuyện điện thoại với một người lạ ở Áo tên là Mohammed.

Giám đốc BfV Hans-Georg Maassen

Đồng nghiệp trong cơ quan, kể cả gia đình đều không biết việc anh ta đã cải đạo, tự cực đoan hóa. Từ câu chuyện cải đạo, tự cực đoan hóa, các nhà điều tra Đức tiếp tục dò tìm trên mạng Internet để tìm kiếm bí danh mà anh ta sử dụng khi vào phòng chat với bọn phiến quân Hồi giáo cực đoan. 

Lần cuối cùng anh ta sử dụng bí danh Hồi giáo đó là vào năm 2011, và điều bất ngờ là bí danh đó cũng đã được anh ta sử dụng làm "nghệ danh" khi tham gia đóng phim khiêu dâm đồng tính. Cơ quan điều tra phát hiện thêm, điệp viên "Hồi giáo cực đoan" này trước khi cải đạo và tự cực đoan hóa từng là một nam diễn viên đóng phim khiêu dâm đồng tính nam.

Ban đầu, dư luận ngạc nhiên vì câu chuyện lạ lùng chưa từng xảy ra trong làng tình báo Đức, nhưng sau đó người ta bắt đầu cảm thấy sợ vì mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm của câu chuyện về một điệp viên tự cực đoan hóa thành phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan. Và từ sự sợ hãi đó bắt đầu chuyển sang giận dữ đối với BfV. Những phần tử tự cực đoan hóa như thế không chỉ có nguy cơ gây ra các hành động bạo lực, khủng bố mà còn nguy hiểm hơn ở chỗ chúng sẽ lan truyền chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngay trong hàng ngũ các cơ quan an ninh, tình báo, nơi đảm nhận nhiệm vụ phòng và chống khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Trụ sở BfV ở thành phố Cologne, Đức.

Tuy điệp viên bị bắt chưa kịp thực hiện hành động nào gây tổn thất cho ngành tình báo hay an ninh nước Đức, nhưng một vấn đề lớn được đặt ra là tại sao một người tự chuyển hóa theo Hồi giáo cực đoan lại có thể lọt được vào bên trong một cơ quan tình báo như BfV, vốn được tin tưởng là có các biện pháp sàng lọc rất kỹ các đối tượng tuyển dụng. 

Hans-Georg Maassen, Giám đốc BfV khẳng định, các biện pháp, thủ tục sàng lọc an ninh của cơ quan vẫn hoạt động rất hiệu quả và bằng chứng là trong năm nay, cơ quan này đã phải tuyển dụng thêm 500 nhân viên. Từ tháng 2-2016, cơ quan này đã tiến hành tuyển dụng, áp dụng các biện pháp sàng lọc chuyên nghiệp và đã phát hiện, loại bỏ hai kẻ cực đoan hữu khuynh, một cánh tả cấp tiến, một Hồi giáo cực đoan và một điệp viên Nga tìm cách xâm nhập.

Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của BfV thừa nhận với tạp chí Der Spiegel rằng, mặc dù BfV đã áp dụng các biện pháp, thủ tục kiểm tra, sàng lọc rất chặt chẽ, song những trường hợp che giấu thân phận quá kỹ như vừa xảy ra hầu như đã vượt quá khả năng phát hiện của họ. Các nghị sĩ đối lập hoàn toàn không hài lòng với cách giải thích như thế.

Có vẻ như BfV chưa thực hiện đầy đủ các động tác cần thiết khi kiểm tra nhân thân của điệp viên vừa bị bắt, chẳng hạn như việc người này sử dụng biệt danh khi lên mạng Internet, vào phòng chat. BfV cũng chưa xác minh kỹ lưỡng lịch sử cá nhân của đương sự. Những chi tiết như anh ta từng làm diễn viên phim khiêu dâm hay tự cực đoan hóa chỉ được xác minh sau khi có lời khai của đương sự. Còn việc dùng bí danh khi lên mạng Internet của anh ta thì chỉ được thực hiện sau khi anh ta bị bắt.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.