Đức: Tăng cường các biện pháp an ninh chống gián điệp

Thứ Năm, 14/08/2014, 13:35

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier Đức đã gặp nhau bàn về mối quan hệ căng thẳng hiện nay với Mỹ đặc biệt là tìm cách đối phó với những tiết lộ mới nhất về hoạt động gián điệp của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Trước khi cuộc họp bắt đầu, cả 2 bộ trưởng giao nộp điện thoại di động. Ngoại trưởng Steinmeier có căn phòng nhỏ với các bức tường rất dày bên trong tòa nhà Bộ Ngoại giao (ngày trước là tòa nhà ngân hàng Đức Quốc xã) - hiện được sử dụng để lưu giữ điện thoại di động và máy tính bảng khi những cuộc bàn luận nhạy cảm diễn ra.

Các quan chức Chính phủ Đức hiện đang dần dần tiến hành những biện pháp an ninh không chỉ nhằm chống lại các đối thủ truyền thống như Nga và Trung Quốc mà còn cả với các đồng minh thân cận nhất của Berlin, đặc biệt là Mỹ.

Sau khi vụ nghe lén bị phanh phui, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama, bày tỏ sự giận dữ về các hoạt động gián điệp của Washington ở Berlin cũng như bí mật tuyển mộ một người cung cấp tin tức tình báo bên trong Cơ quan Tình báo đối ngoại BND của Đức.

Đến giờ, bà Merkel bắt đầu có hành động cụ thể chống lại cộng đồng tình báo Mỹ nhưng có điều là bà đang thiếu các kế hoạch vững chắc. Do đó, phần đông các bộ trưởng phải tự đề phòng trước mối đe dọa gián điệp từ nước Mỹ. Một số bộ trưởng Đức tự trang bị cho mình các mạng nội bộ được bảo vệ chặt chẽ, trong khi số khác đề ra một bộ quy tắc đạo đức dành cho đội ngũ nhân viên.

Tuy nhiên, vẫn còn một số quan chức chính phủ chưa có những bước đi cụ thể đối với các vấn đề an ninh. Nhưng nhìn chung, hiện nay các loại điện thoại di động mã hóa (cryptophone) được các thành viên chính phủ của bà Merkel sử dụng thường xuyên hơn. Điện thoại mã hóa phức tạp hơn điện thoại di động thông thường, song có ưu điểm là được bảo vệ tốt hơn chống lại mọi hoạt động nghe lén.

Thậm chí, một số quan chức chính phủ cao cấp còn cố gắng tránh hoàn toàn những cuộc bàn luận nhạy cảm qua điện thoại. Điều đó cho thấy họ đã nhận thức được một nước Đức lỏng lẻo an ninh mạng đang là mục tiêu tiềm tàng dễ bị tấn công của gián điệp từ nước ngoài. Một bộ trưởng tiết lộ: "Sự thật là hiện nay chúng tôi phải suy nghĩ 2 lần trước khi mở miệng nói".

Tại Bộ Tư pháp Đức, các quan chức lo ngại tòa nhà của họ chưa được trang bị đầy đủ những hệ thống an ninh để chống lại tình báo nước ngoài. Mới đây, Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas đề nghị Cơ quan Liên bang An ninh Thông tin (BSI) - tổ chức nằm dưới sự giám sát của Bộ Nội vụ - tiến hành kiểm tra lại toàn bộ các thiết bị số của cơ quan - điện thoại di động, máy tính và cả các phần mềm cài đặt. Thậm chí còn có cuộc bàn luận về biện pháp tiến hành những cuộc kiểm tra an ninh đột xuất đối với tư trang của nhân viên, song ý tưởng này nhanh chóng bị loại bỏ do sự xâm phạm quyền riêng tư.

Riêng Bộ Ngoại giao Đức đã ký hợp đồng với một công ty chuyên trách bảo đảm an ninh cho các mạng máy tính của cơ quan này vào ban đêm. Giới chức tại Bộ Quốc phòng của bà Ursula von der Leyen cũng thực hiện những biện pháp an ninh cho riêng họ. Ví dụ, bà Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen đang chuyển sang sử dụng một cryptophone.

Trước khi thực hiện những cuộc gọi nhạy cảm ở Berlin, Bà Leyen đôi khi yêu cầu một sĩ quan quân đội chuyển cryptophone đến cho người nhận cuộc gọi. Sau khi có báo cáo vào đầu tháng 7 tiết lộ sự hiện diện của một điệp viên ẩn náu bên trong Bộ Quốc phòng, Leyen ngay lập tức ra lệnh thực hiện những cuộc kiểm tra an ninh đến mọi phòng ban của bộ.

Tổng cộng có khoảng 400 bộ quy tắc về an ninh được đề ra trong Bộ Quốc phòng Đức, nhưng trên thực tế chúng ít được quan tâm, tuân thủ trong những năm gần đây. Phần lớn các quy tắc được sửa đổi lần cuối vào năm 2005, tức 2 năm trước khi điện thoại di động thông minh được sử dụng phổ biến trên thế giới và tiếp đến là máy tính bảng - những công cụ số có thể được nhân viên sử dụng để sao chép dữ liệu nhạy cảm một cách vô giới hạn!

Do đó, để đối phó với các hành vi gián điệp bất hợp pháp, Bộ Quốc phòng Đức đang cố gắng thành lập bộ quy tắc mới càng nhanh càng tốt. Vào đầu năm 2014, BSI tiến hành lắp đặt các trụ phát sóng di động nhỏ tại các khu vực trung tâm bên trong tòa nhà Quốc hội Đức cũng như các bộ.

Các biện pháp phản gián của Chính phủ Đức cho phép chính quyền liên bang tạo ra những bộ quy tắc an ninh mới mà không cần thông qua bất cứ luật mới nào.

Cấu trúc hình trụ (giữa) bị chỉ trích là "trạm nghe lén bí mật" của Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh GCHQ ngay trên mái tòa nhà Đại sứ quán Anh ở Berlin nay đã được dỡ bỏ.

Trong tháng 7, Thủ tướng Merkel cũng đã đề nghị cung cấp thêm cho các cơ quan tình báo Đức - đặc biệt là BND - nguồn tài chính và thiết bị an ninh công nghệ mới. Một ủy ban trong Quốc hội Đức (Bundestag) đã phê chuẩn gói tài chính bổ sung đầu tiên cho BND, trong khi một số đề nghị khác đang trong vòng tranh cãi. Nằm trong số các dự án đang tranh cãi là hệ thống cảnh báo sớm những cuộc tấn công mạng - dự kiến trị giá khoảng 300 triệu euro sau khi hoàn thành vào năm 2020.

Thêm vào đó, BND cũng đang nỗ lực phát triển hệ thống giám sát các mạng xã hội. Facebook và các đối thủ cạnh tranh cũng đang trở thành mục tiêu giám sát ngày càng tăng từ Cơ quan liên bang Bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV) - tổ chức tình báo chịu trách nhiệm giám sát các phần tử cực đoan.

Trạm tình báo trên mái tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Berlin.

Với chương trình gọi là "Hỗ trợ Kỹ thuật Internet mở rộng", BfV sẽ tiến hành thu thập và phân tích một lượng dữ liệu Internet khổng lồ trong tương lai. Lãnh đạo BfV Hans-Georg Maassen tuyên bố: Cơ quan này sẽ tăng cường quân số phục vụ cho nhiệm vụ mới chống gián điệp từ Mỹ! Tuy nhiên, Maassen cũng cảnh báo BfV sẽ gặp khó khăn rất lớn trong kế hoạch tuyển mộ thêm nhiều tài năng mới do những câu chuyện tiêu cực về BfV trên mọi phương tiện truyền thông trong những năm gần đây.

Giới chức BND và BfV lập luận rằng, chính quyền Đức cần củng cố hơn nữa các cơ quan tình báo trong nước nếu thật sự muốn tìm kiếm sự độc lập mạnh hơn đối với Mỹ và Anh

Diên San (tổng hợp)
.
.