Đức: Tham vọng xây dựng một cơ quan trung ương về giám sát thông tin

Thứ Năm, 10/07/2008, 10:00
Bộ Nội vụ Đức đang muốn thành lập cơ quan trung ương về giám sát thông tin ở Cologne để tiện cho công việc của cảnh sát và các cơ quan tình báo - dựa theo mô hình Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) của Mỹ và Bộ chỉ huy truyền thông chính phủ (GCHQ) của Anh.

Khi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Đức August Hanning bắt đầu nói về chuyến thăm chính thức nước Anh mới đây của ông, thì những chuyên gia an ninh vốn lãnh đạm bỗng dưng trở nên hăng hái. Vị cựu lãnh đạo Cục Tình báo liên bang (BND) này miêu tả một lực lượng ưu tú gồm các chuyên gia được đào tạo tốt ngồi trước những chiếc máy vi tính đắt tiền và mạnh nhất để kiểm tra, thu băng và đánh giá mọi hoạt động thông tin điện tử. Và dĩ nhiên, mọi thứ đều diễn ra trong tuyệt mật và cực kỳ hiệu quả.

Bộ Chỉ huy truyền thông chính phủ (GCHQ) của Anh là một khu phức hợp hình vòng cung tọa lạc trên khu đất ngoại ô Cheltenham mà Chính phủ Anh đã chi 1,8 tỉ euro để xây dựng. Cơ quan này có khoảng 4.000 nhân viên và được các chuyên gia đánh giá là cơ sở hiện đại nhất thế giới thuộc loại này, sánh ngang với NSA của Mỹ. Chính các nhân viên tiền thân của GCHQ đã bẻ khóa những mã hóa vốn được xem là không thể bẻ của Enigma, máy mã hóa huyền thoại của Đức từng dùng trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Vấn đề duy nhất là không cơ quan nào của Đức có thể sánh ngang tầm với GCHQ. Được biết, 4 cơ quan an ninh chủ lực của Đức là Cơ quan Điều tra tội phạm liên bang (BKA), Cơ quan Bảo vệ hiến pháp liên bang (BFV), Cục Tình báo liên bang (BND) và Cảnh sát liên bang – ngoài ra còn có nhiều cơ quan an ninh và hành pháp ở 16 bang và hơn 75 cơ sở kiểm tra riêng lẻ khác trên toàn nước Đức. Tuy nhiên, 4 cơ quan này đều có riêng hệ thống giám sát thông tin và chỉ giới hạn ở cấp độ quốc gia – và thẳng thắn mà nói thì hiệu quả không thể sánh bằng những trạm giám sát trung ương như ở Anh và Mỹ.

Mới đây, theo lệnh từ Bộ Nội vụ Đức, một nhóm dự án thuộc BKA đã tiến hành một dự án đầy tham vọng: xây dựng cho nước Đức một cơ quan trung ương về giám sát thông tin. Đây là nỗ lực mới nhất trong những cải tổ chính sách an ninh quan trọng mà Bộ trưởng Wolfgang Schauble đề ra – và cũng là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Công nghệ mới sẽ được lắp đặt tại khu phức hợp của Cơ quan Quản trị liên bang (BVA) ở Cologne – hiện đang dùng để giải quyết những vấn đề như quản lý khoản vay của sinh viên, đăng ký cư trú của người nhập cư và quyết định xem ai sẽ được phép sử dụng... quốc huy của Đức ở nước ngoài.

BVA còn có một vinh dự khác là đề danh các đời tổng thống Đức ở tiền sảnh. Trong khu phức hợp này còn có Cục Công nghệ thông tin (BIT) – nơi hệ thống giám sát thông tin sẽ được lắp đặt để đi vào hoạt động vào giữa năm tới.

Dự án của ông Schauble sẽ nâng cấp trụ sở Cologne thành cái mà các quan chức Đức gọi là “NSA thu nhỏ”. Trong giai đoạn đầu BFV đã thông qua việc lắp đặt hệ thống giám sát thông tin trị giá hơn 40 triệu euro sẽ được dùng để hoạt động như “hệ thống trung tâm” tại Cologne.

Song song, Hanning muốn thiết lập “trung tâm thẩm định” tại BKA, nơi cảnh sát và các nhân viên tình báo nội địa có thể trao đổi kinh nghiệm – cho dù công việc chính thức được hoàn tất bởi các cơ quan khác nhau sẽ vẫn tách rời. Việc tổng hợp thông tin thu được từ hệ thống trung tâm và trung tâm thẩm định sẽ tiếp tục vào một thời điểm khác.

Ông Hanning đặc biệt quan tâm việc đưa Ban 26 của BND vào dự án Cologne để tạo thành bộ ngũ chuyên trách việc giám sát trực tuyến máy tính của cá nhân – một vấn đề gây nhiều tranh luận. Ban 26 của BND là nơi thực hiện vụ xâm nhập lén lút vào máy tính của Bộ trưởng Thương mại Afghanistan Amin Farhang và chặn thư điện tử từ một nhà báo Spiegel.

Các trung tâm giám sát thông tin khổng lồ do người Mỹ và Anh điều hành làm cho dự án của Đức trông quá nhỏ bé. NSA tọa lạc tại bang Maryland trong một khu phức hợp rộng bằng cả một thị trấn với biệt danh là "Cripto City" không hề xuất hiện trên bất cứ bản đồ nào. NSA là cơ quan tình báo lớn nhất Mỹ với khoảng 38.000 nhân viên. Một trong những thành quả nổi tiếng nhất trong hoạt động của NSA là Echelon – hệ thống phân tích và thu thập tin tình báo mà NSA và GCHQ đã sử dụng từ nhiều năm nay để giám sát thông tin vệ tinh.

Không chỉ vậy, NSA còn có liên quan tới không ít vụ tai tiếng. Năm 2003, Mark Klein, một kỹ thuật viên của Công ty AT&T bất ngờ khám phá một căn phòng bí mật sát bên phòng Internet của công ty ở San Francisco. Hóa ra, căn phòng này đầy ắp thiết bị giám sát.

Vụ việc này cho thấy NSA đã "vươn vòi" tới mạng Internet nội địa Mỹ. Và hình như NSA đã lấy dữ liệu của hơn 1 tỉ tin nhắn điện tử được gửi giữa công dân Mỹ sau ngày 11/9/2001. Trong vụ khác, trước khi xảy ra cuộc chiến Iraq, GCHQ đã thông qua NSA để nghe lén các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và cả các cuộc thoại đàm của Tổng thư ký Kofi Annan.

Có luồng ý kiến cho rằng cảnh sát và các nhân viên tình báo sẽ giám sát thông tin của nhau, và kết quả sẽ là sự hình thành một cơ quan nằm ngoài mọi sự kiểm soát. Schmidt-Eenboom, chuyên gia tại Cơ quan Tình báo Đức, cảnh báo rằng cấu trúc an ninh của Đức đang từng bước tái thiết và "kế hoạch này là  rất khó với tới". Ngoài ra, còn có sự phản kháng từ bên trong các cơ quan tình báo mà nhiều nhân viên lo ngại việc họ bị mất dần ảnh hưởng và thế lực

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.