Đức: Vụ bê bối huỷ hồ sơ tình báo về nhóm tân phát xít

Thứ Năm, 23/08/2012, 06:15

Cục Tình báo nội địa Đức, hay Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp (BfV), thừa nhận đã hủy những hồ sơ tình báo liên quan đến các nhóm cực hữu phát xít theo lệnh từ Bộ Nội vụ Liên bang ở Berlin phát đi vào ngày 14/11/2011. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ phủ nhận những hồ sơ này chứa đựng những bằng chứng quan trọng về nhóm Tân Quốc xã cực đoan NSU liên quan đến vụ sát hại 9 doanh nhân người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp và một cảnh sát trong thời gian từ năm 2000 đến 2007. Trong thời gian đó, NSU còn làm bị thương 20 người trong 2 vụ đánh bom vào người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và gây ra khoảng trên chục vụ cướp ngân hàng.

Báo chí Đức gọi là "Vụ án Hoa giấy" sau khi BfV xé vụn các hồ sơ tình báo về nhóm Tân phát xít gọi là "Quốc xã bí mật" (NSU) hậu quả là  lãnh đạo Cơ quan tình báo nội địa Heinz Fromm (điều hành BfV từ năm 2000) buộc phải từ chức vào cuối tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, BfV cho biết, vụ lãnh đạo tình báo từ chức và vụ hủy hồ sơ điều tra không liên quan với nhau, đồng thời nhấn mạnh số hồ sơ bị hủy không chứa thông tin quan trọng về NSU.

Mặc dù vậy, vụ việc cũng khiến dư luận nước Đức nghi ngờ về tính chuyên nghiệp của BfV cũng như năng lực của giới lãnh đạo cơ quan. Bộ Nội vụ Đức - Cơ quan giám sát BfV - tuyên bố việc hủy hồ sơ là điều bình thường và hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc về khoảng thời gian khống chế (tối đa 10 năm) đối với hồ sơ lưu trữ. Bộ Nội vụ tuyên bố hành động hủy hồ sơ xảy ra vào ngày 12/11/2011 tức chỉ một ngày trước khi các hành động khủng bố giết người của tổ chức cực đoan NSU được thông tin rộng rãi song đây chỉ là sự trùng hợp bởi vì cơ quan đã báo cáo vụ việc đến ủy ban điều tra "Vụ án Hoa giấy" của Quốc hội Đức.

Hans-Peter Friedrich, Bộ trưởng Nội vụ Đức, cũng nhận trách nhiệm đã giao cho BfV giải quyết vụ khủng bố của NSU. Những sai sót của BfV trong suốt cuộc điều tra những vụ giết người liên quan đến NSU - kéo dài từ năm 2000 đến 2007 - đã gây nhiều tai tiếng cho cơ quan tình báo nội địa. Những vụ giết người trong thời gian dài của NSU được coi là tội ác  lớn nhất chưa được xử lý của nước Đức.

Theo hồ sơ của BfV, những tài liệu bị hủy liên quan đến 6 chiến dịch theo dõi chuỗi hoạt động của các nhóm cực hữu. Một chiến dịch nhằm vào một nhóm cực hữu chống các chính khách đối lập ở bang Brandenburg miền Đông nước Đức. Chiến dịch khác tập trung vào một nhóm ly khai được thành lập nhằm mục đích quảng bá cho tư tưởng cánh hữu.

Theo các nguồn từ cộng đồng tình báo Đức, một chiến dịch khác gọi là Rennsteig được triển khai nhằm tuyển mộ người chỉ điểm từ nhóm cực hữu "Thuringer Helmatschutz" (Bảo vệ quê hương Thuringer) là sự phối hợp giữa BfV và Cục Phản gián quân đội Đức (MAD). Bộ ba Bohnhardt, Mundlos và Zschape cũng sống ở thị trấn Thuringer, một thời gian hoạt động trong nhóm này. Ban đầu, các sĩ quan tình báo chọn ra được 35 người "có khả năng" và 8 người trong số đó về sau chính thức trở thành người chỉ điểm cho tình báo liên bang và cấp bang.

Nhóm cực hữu tân phát xít Thuringer Heimatschutz phô trương lực lượng vào năm 2001.

Ngoài ra, BfV còn lập danh sách 73 người "ở độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự" cho MAD. Nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa biết được MAD muốn làm gì với bản danh sách này và có lẽ Mundlos và Bohnhardt cũng nằm trong danh sách. Hiện thời, các cơ quan thực thi pháp luật của Đức đang tiếp tục điều tra về các hoạt động của NSU. Vào tháng 3/2012, Cảnh sát Đức đã triển khai một chiến dịch quy mô chống các phần tử cực hữu phát xít mới dẫn đến việc bắt giữ 24 nghi can

Thật ra, vụ việc liên quan đến NSU phơi bày ra ánh sáng lần đầu tiên vào ngày 4/11/2011, sau khi một thành viên của tổ chức ngầm tên là Uwe Mundlos bắn chết thành viên Uwe Bohnhardt rồi tự sát trong ôtô tại thị trấn Eisenach sau một vụ cướp ngân hàng thất bại. Beate Zschape, thành viên nữ thứ 3 của NSU, bỏ chạy nhưng sau đó ra trình báo với cảnh sát. Cuộc điều tra của cảnh sát tình cờ phát hiện khẩu súng giết người liên quan đến những vụ án mạng khác. Được biết bộ ba thành viên NSU này hoạt động khủng bố ngầm từ năm 1998.

Phản ứng trước thông tin về vụ hủy hồ sơ tình báo, các thành viên Quốc hội tỏ ra giận dữ. Nhiều người nghi ngờ BfV có lẽ đã sử dụng các thành viên của NSU làm người chỉ điểm ngầm. Hartfrid Wolff ở đảng Dân chủ Tự do mô tả vụ hủy hồ sơ tình báo là "không thể tin được", còn Clemens Binninger ở đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo cho rằng vụ việc đã tạo một tiền lệ xấu.

Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng xin lỗi gia đình các nạn nhân vì những sai sót của tình báo Đức tạo cơ hội cho NSU tồn tại quá lâu mà không bị trừng trị trước pháp luật. Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich cũng thừa nhận sự thất bại của ông trong cuộc chiến chống những phần tử cực hữu ở nước Đức

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.