Đường dây nóng trao đổi tình báo Nam – Bắc Triều

Chủ Nhật, 21/03/2021, 08:34
Thế vận hội 2018 được tổ chức ở Bình Xương (Pyeongchang, Hàn Quốc) đã dẫn tới một cuộc tấn công màu mè của nước láng giềng CHDCND Triều Tiên trong đó bao gồm việc tái mở cửa tuyến liên lạc biên giới với miền Nam, sự kiện vốn đã từng đóng cửa suốt 2 năm.

Trong bài viết dưới đây sẽ kể về sự kiện tái mở cửa cùng các thiết bị thông tin liên lạc khá lạ mắt cũng như không chỉ có 1 tuyến điện thoại mà có tổng cộng hơn 10 tuyến liên lạc khác nhau. Không giống như những đường dây nóng khác, những tuyến liên lạc nằm giữa Nam-Bắc Triều chủ yếu được sử dụng cho những vấn đề thực tế cấp độ thấp.

Đường dây nóng Hội chữ thập đỏ

Đường dây nóng giữa Bắc - Nam Triều bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 22 tháng 9 năm 1971. Nó là kết quả của cuộc họp Hội chữ thập đỏ liên Triều được tổ chức từ ngày 20 tháng 9 cùng năm và đi đến một thỏa thuận là thiết lập 2 đường dây điện thoại liên lạc trực tiếp giữa 2 nước. Thỏa thuận cũng nhất trí xây dựng một văn phòng liên lạc ngay bên trong Khu vực an ninh chung (JSA) Bàn Môn Điếm, thuộc Khu phi quân sự (DMZ) được củng cố hết sức nghiêm ngặt. Do đó đường dây điện thoại trực tiếp giữa các văn phòng liên lạc thường được gọi là Đường dây nóng Hội chữ thập đỏ hoặc đường dây nóng biên giới. Về phía Hàn Quốc, thiết bị đường dây nóng được đặt tại văn phòng liên lạc nằm trên lầu 2 của Dinh Tự Do, tòa nhà được xây dựng từ năm 1998. Về phía CHDCND Triều Tiên, đường dây nóng kết thúc ngay tại bàn làm việc trong tòa nhà Panmungak, nằm cách JSA không đầy 100 mét.

Trong khu vực Bàn Môn Điếm, các đường dây nóng sẽ kết nối với Liên văn phòng liên lạc, Văn phòng liên lạc hội đàm Chữ thập đỏ Liên Triều và Văn phòng tiền trạm của Trụ sở đàm phán Liên Triều. Những thiết bị hiện tại được nhìn thấy trong những bức ảnh gần đây nhất là đã được lắp đặt vào năm 2009 và chúng bao gồm một bảng điều khiển lớn được ốp gỗ ngay trên bàn làm việc. Ngay trên cùng là tấm biển đề dòng chữ “Điện thoại trực tiếp Nam-Bắc”. Hệ thống liên lạc này sẽ bao gồm 2 ổ đĩa, 2 bộ cổng USB và một màn hình máy tính nhằm cho phép hiển thị giao diện người dùng Windows XP. Không rõ chức năng của màn hình này là gì khi mà không nhìn thấy bàn phím nằm ở đâu. Theo một nguồn tin trên mạng xã hội Twitter thì màn hình máy tính hiển thị giao diện người dùng của một ứng dụng khách hàng VoIP softphone, có thể là phiên bản X-Lite đã lỗi thời, nhưng chưa ai kiểm chứng thực hư ra sao.

Có lẽ cách thiết lập này đã giúp cho việc ghi âm các cuộc gọi trở nên dễ dàng hơn, ví dụ như việc sử dụng các bộ đĩa CD. Và quan trọng hơn hết là 2 bộ điện thoại cầm tay, một màu đỏ, một màu xanh. Bộ điện thoại màu đỏ là dùng cho các cuộc gọi từ miền Bắc đi, trong khi bộ màu xanh là để Hàn Quốc gọi đến. Tuy vậy, cả 2 bộ điện thoại này đều có khả năng gửi và nhận cuộc gọi, nhưng có một bí mật khó hiểu là 1 trong 2 bộ điện thoại này được thiết kế khiến cho 1 hệ thống bị lỗi. Kể từ năm 2015, bảng điều khiển lại kèm thêm 2 đồng hồ kỹ thuật số ở trên cùng như có năm CHDCN Triều Tiên chuyển sang UTC+08:30 (Múi giờ Bình Nhưỡng, PYT), trong khi đó Hàn Quốc lại giữ UTC+09:00 (khu vực Múi giờ chuẩn Hàn Quốc, KST). Ở bên trái của bảng điều khiển có một máy fax Samsung SF 530 mà thỉnh thoảng phía CHDCN Triều Tiên sẽ gửi đi các thông điệp với đa dạng đề tài từ chuyện hậu cần cho đến cả dọa dẫm.

Một sĩ quan liên lạc Hàn Quốc đang nói chuyện với người đồng cấp miền Bắc về kênh liên lạc ở Bàn Môn Điếm, ngày 3 tháng 1 năm 2018. Ảnh nguồn: Unification Ministry.

Cách thức hoạt động đường dây nóng

Những điện thoại đường dây nóng tại Văn phòng liên lạc Chữ thập đỏ Liên Triều (IKRCLO) và Văn phòng liên lạc Liên Triều (IKLO) đặt ở phía Hàn Quốc được hoạt động bởi các quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Họ là những chuyên gia về giao thức ngoại giao và trong quá khứ từng có kinh nghiệm đàm phán mặt đối mặt với phía bên kia. Để xử lý vấn đề ai sẽ gọi trước, có một quy định là miền Nam sẽ gọi cho miền Bắc vào những ngày lẻ, trong khi những ngày chẵn thì miền Bắc sẽ gọi cho miền Nam. Thói quen hàng ngày vào các ngày trong tuần là các quan chức liên lạc sẽ thực hiện những cuộc gọi hàng ngày vào lúc 9 giờ sáng và bắt đầu lại vào lúc 4 giờ chiều. Không có cuộc gọi thông thường nào được thực hiện vào sáng ngày thứ Hai, thứ Bảy và Chủ Nhật, cũng như vào các ngày lễ song phương trừ phi có những yêu cầu đặc biệt. Chính phủ có thể hướng dẫn sử dụng đường dây nóng để trao đổi các thông điệp chính thức thường đến ở dạng “lưu ý điện thoại”, có nghĩa là một sĩ quan văn phòng liên lạc gọi cho phía bên kia và đọc một tài liệu mang tính đề xuất hoặc vị trí chính thức được đề xuất cho phía bên kia.

Hoạt động này cũng tương tự như cách làm việc của đường dây nóng Washington-Moscow, mặc dù cái đó chỉ dành cho giao tiếp bằng văn bản. Cuối cùng, khi một tài liệu có các con dấu chính thức được giao cho phía Bắc hoặc Nam thì sẽ có một cuộc gọi nhằm dàn xếp cho một cuộc họp trực tiếp (mặt đối mặt) tại một thời điểm nhất định trên đường phân giới. Cũng cần phải kể đến thiết bị dùng cho đường dây nóng trước đây đã được triển khai ở IKLO như đã được nhìn thấy trong một loạt ảnh được công bố nhân dịp tái nối kết liên lạc đường dây nóng vào ngày 14 tháng 8 năm 2000, sau khi nó bị đình lại kể từ tháng 11 năm 1996: “Thiết bị đường dây nóng cũ có kích thước bằng một cái tủ lạnh nhỏ, có 2 bộ điện thoại cầm tay, 1 cái màu vàng, cái kia có màu xanh lá cây nhạt. Ở phần trên có một máy ghi âm cho mỗi đường dây điện thoại”. Có vẻ như sau khi thiết bị mới được lắp đặt vào năm 2009 thì thiết bị cũ được giữ lại để lưu niệm khi nó được phủ một tấm vải xanh nước biển có viền vàng.

Sau khi đường dây nóng biên giới Hội chữ thập đỏ tại Bàn Môn Điếm được thiết lập, nhiều đường dây hơn đã được lắp đặt sau đó. Vào ngày 29 tháng 4 năm 1972, một đường dây liên lạc trực tiếp giữa Thủ Nhĩ (Seoul) và Bình Nhưỡng (Pyongyang) được bí mật thành lập nhằm chuẩn bị trước cho chuyến viếng thăm của các quan chức cao cấp đến Bình Nhưỡng. Sau chuyến viếng thăm này, giám đốc CIA đã liên hệ với Chủ tịch Kim Nhật Thành và họ cùng nhất trí xây dựng một tuyến điện thoại trực tiếp cho Ủy ban kiểm soát Liên Triều (IKCC). Không có bất kỳ báo cáo nào về đường dây điện thoại kết nối các chủ tịch Triều Tiên với những người đồng cấp Hàn Quốc, khác với sự công khai ở đường dây nóng Washington-Moscow hoặc các đường dây nóng giữa các tổng thống Mỹ với vài lãnh đạo chính phủ khác.

Một viên chức Hàn Quốc thử nghiệm đường dây nóng tại Nhà Xanh ở Seoul vào ngày 20 tháng 4 năm 2018. Ảnh nguồn: Yonhap.

Những đường dây nóng chưa từng được công bố

Trong 2 thập niên 1990 và 2000 và cho đến tháng 12 năm 2010 đã có tổng cộng 33 đường dây điện thoại trực tiếp kết nối Bắc-Nam Triều thông qua Bàn Môn Điếm. 5 trong số các đường dây này đã được dùng cho các liên lạc thông tin hàng ngày, 21 đường dây cho các đàm phán giữa 2 nước, 2 đường dây chuyên xử lý không lưu, 2 đường dây cho vận tải biển, và 3 đường dây cuối cùng cho hợp tác kinh tế. Có thể kể chi tiết như sau: 2 đường dây ở Bàn Môn Điếm cho Hội chữ thập đỏ kể từ ngày 22 tháng 9 năm 1971; 1 đường dây giữa Seoul và Bình Nhưỡng dùng để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm cấp cao kể từ ngày 29 tháng 4 năm 1972; 20 đường dây giữa Seoul và Bình Nhưỡng cho các cuộc đàm phán Hội chữ thập đỏ Liên Triều, trong đó bao gồm 2 đường dây dùng cho Tổ chức Chữ thập đỏ Trung ương kể từ ngày 18 tháng 8 năm 1972; 1 đường dây giữa Seoul và Bình Nhưỡng cho các đàm phán kinh tế kể từ ngày 20 tháng 12 năm 1984.

Ngoài ra còn phải kể đến 2 đường dây được thiết lập mới tại IKLO tại Dinh Tự Do ở Bàn Môn Điếm và tòa nhà Panmokgak cho các đàm phán thương mại liên cơ quan kể từ ngày 18 tháng 5 năm 1992; 2 đường dây giữa Daegu (từ ngày 18 tháng 9 năm 2001: Incheon) và Bình Nhưỡng dùng để kiểm soát không lưu kể từ ngày 19 tháng 9 năm 1997; 2 đường dây giữa Seoul và Bình Nhưỡng dùng cho Cơ quan hàng hải Liên Triều (IKMA) kể từ ngày 12 tháng 8 năm 2005; 3 đường dây giữa Khu công nghiệp Khai Thành (Kaesong) dùng cho Văn phòng tham vấn hợp tác kinh tế Liên Triều (IKECCO) kể từ ngày 1 tháng 11 năm 2005. Vài đường dây nóng trực tiếp đi qua Bàn Môn Điếm đã mất chức năng ban đầu của chúng; chẳng hạn như một trong những đường dây từng dùng để đàm phán kinh tế thì ngày nay lại dùng cho đường dây fax thông tin giữa Văn phòng liên lạc Hội chữ thập đỏ Nam-Bắc Triều khi nó tái hoạt động vào ngày 11 tháng 4 năm 2004.

Thêm nữa, do những lý do địa lý nên còn tồn tại 15 đường dây liên lạc trực tiếp Liên Triều mà không được kết nối với Bàn Môn Điếm, có thể kể đến như: 3 đường dây giữa các giới chức quân sự  dùng cho Tuyến Donghae Bukbu kể từ ngày 5 tháng 12 năm 2003 (đã chấm dứt hoạt động từ tháng 10 năm 2010); 6 đường dây giữa các giới chức quân sự Tuyến Gyeongui kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2005; 6 đường dây giữa trạm Dorasan ở Hàn Quốc và Trạm Panmum ở Triều Tiên dùng cho đường sắt Liên Triều kể từ ngày 14 tháng 5 năm 2007. Bên cạnh những đường dây điện thoại vừa kể thì cũng còn phải nhắc đến vài đường dây nóng quân sự khác. Nhằm phù hợp với các thỏa thuận song phương, một đường dây thông tin liên lạc Tây Hải đã được thành lập kể từ tháng 9 năm 2002 và một đường dây Đông Hải vào tháng 12 năm 2003, mỗi liên kết này bao gồm một đường dây điện thoại, một đường dây điện thoại dự phòng và một đường dây fax (chúng giống với đường dây dùng cho các tuyến đường sắt Gyeongui và Donghae Bukbu tương ứng).

Khu vực an ninh chung (JSA) giữa Bắc - Nam Hàn với tòa nhà Dinh Tự Do nhìn từ Triều Tiên. Ảnh nguồn: jaytindall.asia.

Các sự cố gián đoạn đường dây nóng

Kể từ khi thành lập đường dây nóng đầu tiên vào năm 1971, các liên kết thông tin liên lạc trực tiếp giữa hai miền Nam - Bắc Triều đã bị gián đoạn vài lần mà chủ yếu đều đến từ phía Bắc. Có thể kể đến các sự cố gián đoạn như: Ngày 30 tháng 8 năm 1976, sau vụ tấn công bằng rìu ở Bàn Môn Điếm, đường dây nóng bị đánh sập, và chỉ tái nối kết vào ngày 7 tháng 2 năm 1980 ngay sau một thỏa thuận đầu tiên về đàm phán cấp bộ trưởng Liên Triều; CHDCND Triều Tiên đơn phương tuyên bố dừng hoạt động đường dây nóng vào ngày 29 tháng 4 năm 1980 và kết nối từ ngày 29 tháng 9 cùng năm, sau khi diễn ra một thỏa thuận với Hội chữ thập đỏ Triều Tiên về việc tham vấn hỗ trợ lũ lụt trên bán đảo; Năm 1996, các đường dây liên lạc trực tiếp đã bị ngắt ngay lập tức sau khi một tàu ngầm CHDCND Triều Tiên bị mắc cạn gần Gangneung (Hàn Quốc) trong một nhiệm vụ xâm nhập. Hoạt động liên lạc đã được tái kết nối từ ngày 14 tháng 8 năm 2000 sau một thỏa thuận ban đầu từ các đàm phán cấp bộ trưởng Liên Triều.

Tiếp đó là năm 2008, miền Bắc tuyên bố đường dây nóng “đứt kết nối” sau khi Seoul đề xuất về một giải pháp nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên trong kỳ Đại hội đồng Liên hiệp quốc được tổ chức vào tháng 11 năm đó. Liên lạc được tái kết nối từ ngày 25 tháng 8 năm 2009 với chuyến viếng thăm của đặc phái viên dưới trướng ông Kim Dae-jung và các cuộc đàm phán Hội chữ thập đỏ Liên Triều.      

Phan Bình (tổng hợp)
.
.