FBI cài nội gián vào bộ sậu tranh cử của ông Trump?

Thứ Ba, 29/05/2018, 09:12
Chiều ngày 20-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter rằng ông yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra để xem xét việc Bộ Tư pháp và FBI từng cài nội gián hoặc do thám bộ sậu chiến dịch tranh cử của ông năm 2016 trong nỗ lực điều tra xem ông có câu kết với người Nga thao túng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay không.

Đồng thời, ông Trump cũng đặt vấn đề liệu có phải việc do thám đó được thực hiện theo yêu cầu của chính quyền Obama vì mục đích chính trị hay không?

Tổng thống Trump yêu cầu điều tra

Yêu cầu điều tra của Tổng thống Trump được đưa ra sau nhiều ngày tranh cãi giữa các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội với Bộ Tư pháp xung quanh nghi vấn FBI đã cài một điệp viên nội gián vào bộ sậu tranh cử của ông Trump. Theo tờ Washington Post, ngày 9-5, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes đã có trát yêu cầu Bộ Tư pháp phải cho ông xem tập tài liệu mà Bộ này cho là “thông tin tình báo mật” do một nguồn tình báo bí mật cung cấp có liên quan đến việc điều tra nghi vấn bộ sậu tranh cử của ông Trump câu kết với người Nga.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein giải thích rằng không thể cho ông Nunes xem tập tài liệu trên cơ sở việc đó “có thể gây nguy hiểm đến mạng người vì tiềm ẩn khả năng lộ nguồn”. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, Bộ Tư pháp lại thông báo ông Nunes và nghị sĩ Trey Gowdy – Chủ tịch Ủy ban Giam sát và cải cách chính phủ (HOGR) sẽ được nhận một bản báo cáo tóm tắt những thông tin trong tập tài liệu này.

Tờ Wall Street Journal đặt câu hỏi: Tại sao việc giao tài liệu tình báo cho Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện xem lại “nguy hiểm đến mạng người” vì lộ nguồn? Và tờ báo này cũng giải đáp luôn: vì rất có thể FBI có một điệp viên nội gián cài bên trong ban vận động của ông Trump, và việc ông Nunes xem tài liệu sẽ làm lộ ra danh tính người điệp viên này.

Nghi vấn về việc FBI cài điệp viên nội gián để theo dõi ban vận động tranh cử của ông Trump được dư luận chú ý sau khi báo chí đưa ra những bình luận và mô tả gần như chi tiết về nhân vật nội gián này. Báo chí tiếp tục suy đoán xem ai có khả năng là “nguồn tình báo” của FBI, và gần như biết rõ người đó là ai.

Trong một bài bình luận cũng trên tờ Wall Street Journal ra ngày 11-5, cây bút Kimberly Strassel khẳng định bà tin là bà “biết tên người đó là ai”, nhưng nguồn tin tình báo của bà không chịu xác nhận có chính xác hay không, vì thế bà Strassel quyết định không nói ra.

Về phía FBI, cơ quan này không bác bỏ việc có cài nội gián vào bộ sậu tranh cử của ông Trump, nhưng không chấp nhận gọi người này là “điệp viên” mà chỉ gọi là “chỉ điểm” (người cung cấp thông tin), đồng thời không chấp nhận việc tiết lộ danh tính người này vì lý do an ninh.

Hai nhân vật bị tình nghi

Có hai người có khả năng là “nội gián FBI” bên trong bộ sậu tranh cử của ông Trump. Người thứ nhất là Carter Page, một cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump. Tháng 2-2018, trang tin The Last Refuge đưa tin rằng Page, đã từng làm việc cho FBI với tư cách là một “nhân viên bí mật” (UCE), có nhiệm vụ giúp cơ quan này xây dựng hồ sơ vụ án gián điệp đối với Evgeny Buryakov (cựu điệp viên Nga bị bắt và buộc tội năm 2015).

Ông Carter Page.

7 tháng sau đó, FBI tuyên bố trước Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISAC) rằng Page là một điệp viên của FBI. Tháng 4-2017, trong một bài báo về Carter Page, tờ New York Times đã mô tả khái quát một số mối liên hệ giữa Page với chiến dịch tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên, trả lời kênh truyền hình OANN, Carter đã bác bỏ việc mình là nội gián của FBI trong bộ sậu ông Trump.

Người có khả năng cao hơn làm “nội gián FBI” chính là Stefan Halper, một chuyên gia quan hệ đối ngoại, giáo sư Đại học Cambridge, từng làm việc cho CIA và có quan hệ với MI-6. Tháng 3-2018, tờ Daily Caller đưa tin rằng Halper vốn không xa lạ gì với chính trị Washington. Vị giáo sư 74 tuổi này cũng từng làm việc cho nhiều chính quyền thuộc đảng Cộng hòa, từ Richard Nixon, Gerald Ford, Reagan đến Bush cha.

Ông Stefan Halper.

Trong chiến dịch tranh cử 2016, Halper đã móc nối quan hệ với George Papadopoulos, cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump. Tháng 2-2016, Giáo sư Halper chính là người đã đứng ra sắp xếp cuộc gặp giữa Papadopoulos với Alexander Downer, cựu Cao ủy viên Australia và là bạn thân của bà Hillary Clinton.

Tại cuộc gặp, Papadopoulos đã vô tình hé lộ một số thông tin liên quan đến việc đi tìm những chứng cứ xấu để hạ uy tín bà Clinton mà không hề hay biết những người mà ông đang tiếp xúc đều là người của bà Clinton.

Sau cuộc gặp đó, Downer đã “mách nước” với chính quyền Australia rằng việc ông Papadopoulos biết các email bị tin tặc lấy cắp của bà Clinton là yếu tố chính trong quyết định điều tra của FBI đối với bộ sậu tranh cử của ông Trump. Thông tin này được cung cấp cho các nhà điều tra dẫn đến việc Papadopoulos bị bắt vào tháng 7-2017. Ngoài Papadopoulos, Halper còn có mối quan hệ với một số quan chức khác trong bộ sậu tranh cử của ông Trump.

Trang tin Zero Hedge dẫn lại nguồn báo Washington Post cho biết, giữa 2 ông Page và Halper đều cùng có mối quan hệ với công ty Hakluyt & Co do 3 cựu điệp viên Anh bỏ vốn thành lập vào năm 1995, chuyên cung cấp thông tin nghiên cứu đặc biệt chỉ có một số chính phủ nhất định và các công ty hàng đầu thế giới có khả năng mua thông tin.

Alexander Downer được xem là một mắt xích trong đường dây tình báo của Halper nhằm tạo dựng hồ sơ về ông Trump.

Alexander Downer làm cố vấn cho công ty Hakluyt trong 10 năm, còn Halper thì dính líu Hakluyt thông qua người đồng nghiệp lâu năm Jonathan Clarke, Giám đốc hoạt động của Hakluyt tại Mỹ. Ngoài ra, Halper còn có mối quan hệ với cựu giám đốc MI-6 Richard Dearlove. Thời gian gần đây, Halper và Dearlove cùng nhau điều hành nhóm Sáng kiến An ninh Cambridge (CSI), một nhóm tư vấn phi lợi nhuận, có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chính phủ Anh và Mỹ.

Từ các mối quan hệ chằng chịt này, dư luận báo chí suy đoán rằng Halper có lẽ chính là người mà FBI sử dụng làm “nội gián”, và FBI sử dụng ông ta để hợp thức hóa hồ sơ tình báo do cựu điệp viên Anh Christopher Steele và Donwer cung cấp về ông Trump và các mối quan hệ với người Nga.

Lần lại chuyện cũ

Mặt khác, tờ The Intercept vừa tiết lộ rằng “nội gián FBI” cũng đồng thời là người từng làm việc cho CIA trong một chiến dịch tình báo trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1980 giữa 2 ông Jimmy Carter và Ronald Reagan.

Ông William J. Casey, Giám đốc CIA trong giai đoạn 1981-1987, người từng tham gia Chiến dịch tranh cử của ông Reagan và cả Chiến dịch tình báo do Halper chủ trì.

Vụ bê bối này mãi vài năm sau khi ông Reagan lên làm Tổng thống mới được báo chí đăng tải nhờ một người làm việc trong chính quyền của Tổng thống Reagan rò rỉ cho báo chí. Tờ báo The New York Times vào năm 1983 từng đưa tin rằng chiến dịch tình báo của ban vận động tranh cử của ông Reagan có sự tham gia của một số quan chức CIA đã nghỉ hưu và được giữ bí mật rất nghiêm ngặt.

Bài báo khi đó dẫn nguồn tin giấu tên xác định “Stefan Halper là người phụ trách chính của chiến dịch tình báo”. Trong chiến dịch tranh cử năm đó, Halper là phụ tá chuyên trách cập nhật thông tin 24 giờ cho ông Reagan. Trước đó, ông cũng từng làm việc chung với các ông Donald Rumsfeld, Dick Cheney và Alexander Haig trong chính quyền Nixon. Đây cũng là những quan chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush sau này.

Theo New York Times, Chiến dịch tình báo do Halper phụ trách đã cài một điệp viên nội gián để theo dõi, nắm tình hình hoạt động, nắm thông tin hậu trường về công tác vận động tranh cử của đương kim Tổng thống Carter khi đó.

Dư luận khi đó đã rất phẫn nộ khi biết được nội gián của Halper đã thu thập và chuyển cho ban vận động của ứng cử viên Reagan những thông tin về chiến lược tranh luận của Tổng thống Carter trước mỗi cuộc tranh luận trên truyền hình, từ đó giúp ông Reagan vạch sẵn đối sách hợp lý và dễ dàng giành phần thắng. Sau khi Chiến dịch tình báo được phanh phui trên mặt báo, FBI và Ủy ban Tình báo Hạ viện có mở cuộc điều tra, nhưng rốt cuộc chẳng có ai bị truy cứu trách nhiệm.

Khi vụ bê bối lần đầu được phanh phui năm 1983, hãng tin UPI đưa ra gợi ý rằng người liên lạc của Halper trong chiến dịch tình báo đó chính là ông Bush cha, ứng cử viên Phó Tổng thống chung liên danh với ông Reagan.

Ông Bush cha trước đó là Giám đốc CIA, còn Phó Giám đốc dưới quyền ông là Ray Cline, bố vợ của Halper. Ông Cline tham gia làm trợ lý cho ông Bush cha trong bầu cử sơ bộ năm đó. Thông qua công việc tại CIA, Halper có mối quan hệ rộng rãi với gia đình Bush. Vị trí cao nhất của Halper trong chính quyền Bush là Giám đốc nghiên cứu và phát triển chính sách.

Vào năm 1980, tờ Washington Post từng đăng một bài báo viết về hiện tượng bất thường chưa từng có trong bầu cử Tổng thống Mỹ. Đó là việc CIA tham gia mạnh vào chiến dịch tranh cử, can thiệp sâu vào đời sống chính trị và ủng hộ một cách quyết liệt trên mức bình thường đối với cặp liên danh Reagan-Bush.

Washington Post lý giải sự ủng hộ, can thiệp đó xuất phát từ việc ông Bush cha từng làm giám đốc CIA, và việc CIA hậu thuẫn cho sếp cũ của mình không có gì khó hiểu, và việc các cựu quan chức của CIA góp công sức giúp cựu giám đốc CIA tranh cử cũng không trái pháp luật. Đến cuộc bầu cử năm 1984, CIA tiếp tục can thiệp vào bầu cử tổng thống để ủng hộ ông Bush cha lên làm tổng thống. Halper tiếp tục là trợ thủ đắc lực trong bộ sậu của ông Bush cha.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, CIA tập trung sự ủng hộ dành cho bà Hillary Clinton, đối thủ từng dẫn điểm ông Trump cho đến phút chót, trước cuộc bỏ phiếu quyết định.

Không những thế, vài tháng trước cuộc bỏ phiếu, FBI đã tiến hành điều tra về những cáo buộc ông Trump và bộ sậu tranh cử của ông có những liên hệ bí mật với người Nga và có nguy cơ giúp người Nga thao túng cuộc bầu cử. Khi đó, vấn đề người Nga trở thành đề tài chính để phe ủng hộ bà Clinton công kích, hạ uy tín ông Trump. Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện nhan nhản trên các pano, áp-phích khắp nước Mỹ.

Để tìm chứng cứ xác thực, FBI cần một người có thể tiếp cận bộ sậu tranh cử của ông Trump để theo dõi, nắm tình hình. Và Halper đã được chọn. Với kinh nghiệm từ chiến dịch tình báo 36 năm trước, Halper hoàn toàn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ này.

Những thông tin chi tiết mô tả về nhân thân, các mối quan hệ và những hoạt động trong quá khứ đều hướng dư luận đến một người: Stefan Halper. Nhưng các tờ báo lớn như New York Times và Washington Post đều khẳng định “không nêu danh tính nhân vật được nói đến” để bảo vệ sự an toàn cho ông ta.

Tuy nhiên, trong một bài báo sau đó, tờ New York Times đã vô tình dẫn nguồn bách khoa thư nguồn mở Wikipedia để cập nhật thông tin bổ sung rằng, “Halper được tiết lộ là một điệp viên của CIA và MI-6, đứng sau cuộc điều tra về nước Nga đối với bộ sậu tranh cử của ông Trump và là một chỉ điểm cho Công tố viên đặc biệt Mueller trong cuộc điều tra”. Thực tế một số tờ báo khác, như tờ Daily Caller đã từng nêu danh tính Halper là người bị tình nghi là “nội gián FBI”.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.