Tiếp diễn cuộc "săn phù thủy" lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ:

FBI điều tra cựu Chủ tịch đảng Độc lập Anh

Thứ Năm, 08/06/2017, 17:25
Theo thông tin độc quyền trên báo The Guardian (Anh) ra ngày 1-6-2017, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang đặt cựu Chủ tịch đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage vào diện "đối tượng quan tâm" (person of interest) trong cuộc điều tra phản gián trong đó tập trung xem xét có hay không sự móc nối quan hệ giữa bộ sậu tranh cử của Tổng thống Donald Trump với các quan chức Nga.

Tờ The Guardian dẫn các nguồn riêng liên quan cuộc điều tra nói rằng, cựu lãnh đạo UKIP lọt vào tầm ngắm của FBI do ông có các mối quan hệ hậu trường với các cá nhân có liên quan đến cả Tổng thống Trump và ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange. WikiLeaks có liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 thông qua việc đăng tải những nội dung e-mail của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và ông John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.

Julian Assange.

Ông Farage không làm gì sai và cũng không phải là mục tiêu điều tra. Nhưng với tư cách là "đối tượng quan tâm", ông Farage có thể được xem là đang nắm nhiều thông tin có liên quan và có những hành động nằm trong phạm vi điều tra, do đó ông có thể phải trả lời chất vấn của FBI. Tuy nhiên, việc điều tra về các hoạt động của ông Farage sẽ rất khó khăn, đặc biệt nhạy cảm, vì ông Farage hiện là Nghị sĩ châu Âu.

Theo The Guardian, ông Farage có liên hệ và gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang là đối tượng trọng tâm của cuộc điều tra. Cuộc điều tra này là một phần của cuộc điều tra rộng lớn hơn nhằm làm rõ liệu nước Nga có hợp tác với các quan chức vận động tranh cử của ông Trump nhằm gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử năm 2016 hay không.

 Theo các nguồn tin, một trong những vấn đề các nhà điều tra xem xét là các điểm tiếp xúc và những người liên quan. Và một trong những người liên quan này được truy ra từ việc suy luận các mối quan hệ giữa các trợ lý của ông Trump, ông chủ trang WikiLeaks và nước Nga chính là ông Nigel Farage.

Theo The Guardian, Farage được cho là có mối quan hệ với Julian Assange, ông chủ trang WikiLeaks, hiện đang tạm thời tị nạn bên trong Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh. Hôm 1-6, ông Farage đã lên tiếng bác bỏ các thông tin cố tình gán ghép các mối quan hệ giữa ông với những người liên quan trong cuộc điều tra và "lời đồn" rằng ông có nhận tiền thù lao của kênh truyền hình RT của Nga cho các cuộc trả lời phỏng vấn của ông trong 18 tháng qua. Farage cho đó là những thông tin giả trong thời buổi loạn thông tin tình báo hiện nay.

Farage thừa nhận ông có gặp Assange, chỉ một lần duy nhất vào tháng 3-2017 tại Đại sứ quán Ecuador, nhưng đó là việc ông thay mặt đài LBC Radio thực hiện một cuộc phỏng vấn ông Assange cho chương trình phát sóng của đài. Cựu Chủ tịch UKIP còn được cho là đã lên tiếng công khai ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, từng gọi Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo mà ông khâm phục nhất trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên báo chí vào năm 2014.

Cựu Chủ tịch UKIP Nigel Farage.

Kể cả đảng UKIP cũng từng có lịch sử quan hệ với Assange. Gerard Batten, một nghị sĩ châu Âu của đảng UKIP, đã từng lên tiếng biện hộ cho ông chủ WikiLeaks tại Nghị viện châu Âu vào năm 2011.

Có một chi tiết khá rõ ràng đó là cả ông Nigel Farage và Tổng thống Trump đều công khai thể hiện sự ngưỡng mộ lẫn nhau. Cả hai đều đã trở thành người chiến thắng "bất ngờ" trong các cuộc bỏ phiếu năm 2016 đã làm thay đổi trật tự thế giới: Nước Anh bỏ phiếu đồng ý rời khỏi EU, và ông Trump được người dân Mỹ bầu lên làm Tổng thống Mỹ. Cả hai ông đều có khả năng khai thác nỗi âu lo của những công dân gặp khó khăn và bị lãng quên để giành chiến thắng.

Tháng 7-2016, ông Farage đến dự Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở Cleveland, bang Ohio, tại đó ông Trump được chính thức đề cử làm ứng cử viên đại diện đảng Cộng hòa. Sau khi ông Trump giành chiến thắng, Farage là một trong những chính khách nước ngoài đầu tiên đến gặp gỡ và chung vui cùng vị tổng thống đắc cử, chụp ảnh lưu niệm chung với ông Trump ngay phía trước chiếc thang máy dát vàng trong tòa tháp Trump Tower.

Farage đưa lên Twitter những hình ảnh về chuyến "xã giao" chúc tụng ông Trump, và ngay lập tức nhận được phản hồi gay gắt từ số 10 phố Downing: "Chúng tôi đã có một đại sứ xuất sắc rồi", ý ám chỉ hành động của ông Farage giống như "sứ giả" đến từ nước Anh, và chính phủ Anh thì không cần thêm một "đại sứ" như thế. Farage và Trump sau đó gặp lại nhau vào tháng 2-2017.

Theo nhà tài trợ của đảng UKIP Arron Banks, sau lần dự Đại hội đó, Farage lần đầu tiên tiếp xúc với ông Trump tại điểm dừng chân vận động tranh cử của ông Trump ở bang Mississippi vào tháng 8-2016. Tại đó, Farage lên sân khấu phát biểu ủng hộ ông Trump. Nhưng các mối quan hệ giữa Farage với những người thân cận của ông Trump thì đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Farage lần đầu gặp Steve Bannon - chiến lược gia và là cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump - vào mùa hè năm 2012, khi đó ông Bannon mời nhà lãnh đạo đảng UKIP sang "thăm" New York và Washington vài hôm.

Tại đây, Farage được giới thiệu làm quen với các nhân viên giúp việc của Thượng nghị sĩ (lúc đó) Jeff Sessions, hiện là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Farage phát biểu trên tờ New Yorker rằng mình rất ngưỡng mộ trí tuệ của Bannon.

Hai năm sau, năm 2014, trang tin Breitbart News, nơi Bannon làm chủ bút trước khi về làm cố vấn cho ông Trump, mở một văn phòng đại diện ở London. Sau đó, một biên tập viên hàng đầu của Breitbart News là Raheem Kassam đã sang đầu quân cho Farage, làm Chánh văn phòng đảng UKIP. Năm 2015, Breitbart News đã tổ chức một bữa tiệc để vinh danh Farage tại một văn phòng của Breitbart News ở Washington.

Theo tờ báo Bloomberg, những người dự bữa tiệc đó còn có ông Sessions. Farage đã có bài phát biểu làm "nổ tung" cả bữa tiệc. Rồi đến ngày 24-6-2016, một ngày sau khi nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, Farage đã nói lời "cám ơn" ông Bannon trong một cuộc phỏng vấn của Breitbart News. 

Ở phía ngược lại, Bannon đã chúc mừng ông Farage vì "chiến thắng" trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý đó, ca ngợi Farage đã dẫn dắt một chiến dịch phi thường.

Robert Stone.

Mối quan hệ giữa Farage với ông Robert Stone, một cựu cố vấn chính trị và là bạn vong niên của Tổng thống Trump cũng được mang ra soi mói. Tháng 2-2017, Stone bị FBI đưa vào diện "quan tâm đặc biệt" và chính ông cũng đã lên tiếng (cùng với một số nghị sĩ cao cấp trong Quốc hội) kêu gọi mở cuộc điều tra quy mô lớn vào các cáo buộc, lời đồn về việc tiếp xúc giữa các phụ tá ông Trump với quan chức Nga và mối nghi ngờ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Stone thường xuyên công khai tuyên bố về mối quan hệ với ông Assange và lên mạng xã hội Twitter mô tả Assange là một "anh hùng". Stone đã thừa nhận có liên hệ, tiếp xúc với tin tặc Guccifer 2.0, kẻ bị các cơ quan tình báo Mỹ nghi là "điệp viên" của Điện Kremlin. Và cũng chính Stone đã đưa ra lời tiên đoán về việc các tin tặc công bố email lấy trộm của đảng Dân chủ và giám đốc chiến dịch tranh cử Podesta.

Các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện đã "điểm danh" Stone trong các phiên điều trần, từ đó, Stone hiện nay cũng đang bị FBI điều tra. Mùa hè năm 2016, ngay trước khi ông Farage gặp ông Trump ở Mississippi, Stone đã khoe khoang về việc có mối một "bạn chung" làm trung gian mai mối giữa ông và Assange. Stone còn đề cập đến sự việc ông đã từng ăn tối với Farage, nhưng không nói rõ vào ngày nào, nhân dịp gì.

Tuy nhiên, trọng tâm sâu thẳm trong cuộc điều tra của Mỹ là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "liệu các quan chức chiến dịch tranh cử của ông Trump và những người thân cận của ông Farage có tìm kiếm sự hợp tác với các chính khách Nga để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay không?".

Nigel Farage dự một cuộc vận động cử tri của ông Trump năm 2016.

Cho đến nay, cuộc điều tra vẫn chưa mang lại bằng chứng nào để trả lời cho câu hỏi trên. Chính vì chưa tìm ra được chứng cứ cụ thể mà cuộc điều tra đã biến thành cuộc "săn phù thủy" lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Giờ đây, bất cứ ai có liên quan đến Tổng thống Trump cũng đều có thể lọt vào tầm ngắm của FBI. Jared Kushner, con rể đầy quyền lực của Tổng thống Trump, hiện cũng đang bị điều tra xung quanh các cuộc tiếp xúc giữa ông với Đại sứ Nga Sergey Kislyak và một số người Nga có quan hệ với Điện Kremlin. Vòng vây điều tra nhắm chủ yếu vào "hồng tâm" là Tổng thống Trump, mà Kushner là một trong những người thân cận nhất. Sau Kushner, có lẽ sẽ đến một số cái tên khác, và sau cùng là ông Trump.

Để làm rõ những vấn đề liên quan đến cuộc điều tra phản gián của FBI, Quốc hội Mỹ đã có kế hoạch triệu tập cựu Giám đốc FBI James Comey ra điều trần với tư cách nhân chứng về tình tiết ông Trump từng yêu cầu Giám đốc FBI dừng cuộc điều tra việc cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn có liên hệ với Đại sứ Nga Kislyak và một số cá nhân người Nga.

Điều trần trước ông Comey sẽ là Giám đốc Tình báo Quốc gia và các quan chức bảo vệ pháp luật, cũng như Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein. Lời điều trần của ông Comey sẽ có tác động lớn, tạo sức ép mạnh lên Tổng thống Trump, có thể góp thêm bằng chứng để Quốc hội Mỹ tiến hành một cuộc luận tội Tổng thống Trump, nếu có.

Thượng nghị sĩ Roy Blunt, thành viên Ủy ban Tình báo thuộc đảng Cộng hòa, cho rằng lời chứng của Comey có vai trò quyết định để giải quyết vấn đề có hay không hành vi "cản trở công lý" của tổng thống Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Trump hầu như không hề có động thái gì thể hiện ông tìm cách ngăn cản việc ông Comey ra điều trần. Phải chăng ông đã nắm chắc phần thắng trong chuyện này?

Liên quan đến cuộc điều tra của FBI, Tổng thống Nga Putin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC hôm 4-5, một lần nữa tuyên bố rằng những cáo buộc của nước Mỹ về việc "Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ" là không có thật. Tổng thống Putin cũng cho rằng, ý kiến cho rằng nước Nga đã phá hỏng thông tin về Tổng thống Trump là "một mớ thông tin vô nghĩa".

Tổng thống Putin bác bỏ mọi sự dính líu của nước Nga tới cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ. Ông cho rằng chẳng có mối quan hệ nào của người Nga với ông Trump hay bất kỳ phụ tá nào của ông trong tiến trình tranh cử ở Mỹ. Tổng thống Putin cũng bác bỏ thông tin cho rằng con rể ông Trump, Kushner, đã nỗ lực thiết lập một "kênh sau" để trao đổi thông tin, liên lạc giữa Washington và Điện Kremlin, khẳng định ông không hề thảo luận với Đại sứ Kislyak bất cứ điều gì liên quan đến Kushner. Nếu có sự bàn bạc nào đó thì chắc chắn Đại sứ Kislyak đã báo cáo cho Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov và Bộ trưởng Lavrov báo cáo lại với Tổng thống. Đằng này Tổng thống Putin khẳng định không có chuyện đó.

Ngược lại, khi đề cập vấn đề tin tặc Nga tấn công hệ thống e-mail của Mỹ trong mùa bầu cử Mỹ năm 2016, Tổng thống Putin cho rằng tin tặc giỏi có ở khắp nơi, kể cả Mỹ, và họ có đủ khả năng để thực hiện hành động phá hoại rồi đổ cho nước Nga. Tổng thống Putin phân tích: Tin tặc Mỹ đã và đang gây ra rất nhiều vụ tấn công khắp thế giới. Ở đâu trên quả địa cầu cũng có thể nghe than phiền bị tin tặc Mỹ tấn công.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.