FBI dùng danh sách cấm bay để ép người Hồi giáo làm chỉ điểm

Thứ Ba, 27/05/2014, 19:55

Một vụ kiện của các công dân Mỹ theo đạo Hồi đang làm hé lộ việc Cục điều tra liên bang (FBI) của Mỹ đã lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để ép buộc những người theo đạo Hồi phải làm chỉ điểm tại các cộng đồng Hồi giáo nơi họ sinh sống khiến cho nhiều người lâm vào tình thế "sống dở chết dở", thanh danh bị hoen ố khó rửa sạch.

Đã hơn 2 năm kể từ cái ngày định mệnh đầu năm 2012 đến nay, Naveed Shinwari đã không thể gặp mặt người vợ yêu quý của mình đang sinh sống ở Afghanistan, và anh cho rằng kẻ đã gây ra nỗi khổ đó cho anh chính là FBI. Shinwari kể, anh là người gốc Afghanistan, sang Mỹ định cư từ năm 14 tuổi.

Tháng 2/2012, Shinwari bay sang Afghanistan để làm đám cưới với cô vợ người Afghanistan. Sau đám cưới, anh quay trở về nhà ở Omaha, bang Nebraska. Nhưng ngay sau đó, Shinwari 2 lần bị các đặc vụ FBI tạm giữ và tra hỏi về việc anh "có biết mối đe dọa nào cho an ninh quốc gia hay không".

Ngay khi Shinwari về đến nhà, một đặc vụ nữa lại đến để tra hỏi tiếp. Một tháng sau, Shinwari mua vé máy bay để đến bang Connecticut làm công việc thời vụ, nhưng anh không thể lên máy bay.

Cảnh sát sân bay cho biết, anh đã bị liệt vào danh sách "cấm bay" của chính quyền Mỹ, mặc dù Shinwari chưa bao giờ vi phạm luật pháp hay bị buộc tội gì. Và ngay sau vụ việc đó, các đặc vụ FBI lại đến gõ cửa nhà Shinwari, với câu hỏi: "Anh có biết ai trong cộng đồng Omaha là mối đe dọa hay không?".

Shinwari kể, các đặc vụ ra điều kiện trao đổi trắng trợn: "Anh giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp anh. Chúng tôi biết anh không có việc làm, chúng tôi sẽ cho tiền anh". Cứ thế, cuộc sống của Shinwari đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi bị các đặc vụ FBI gõ cửa hàng đêm.

Ngày 22/4 vừa qua, Shinwari cùng với 3 người Mỹ Hồi giáo nữa đã nộp đơn lên Tòa án Liên bang khu vực Nam New York để kiện: Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, Giám đốc FBI James Comey, Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson và 2 đặc vụ FBI với cáo buộc đã khiến cho những người Hồi giáo không vi phạm điều gì nhưng lại bị cấm đi máy bay nhằm ép buộc họ do thám cộng đồng mình đang sinh sống. Vụ kiện của 4 người này không chỉ yêu cầu danh tính của họ phải được rút khỏi danh sách cấm bay mà còn yêu cầu chính quyền Mỹ phải tạo một cơ chế pháp lý đủ mạnh để chế tài việc tùy tiện đưa người dân vào danh sách cấm bay.

Hiện vụ kiện đang được tòa án thụ lý. Ngoài ra, còn một vụ kiện nữa do Liên đoàn Các quyền tự do công dân Mỹ (ACLU) tiến hành cũng liên quan đến vấn đề FBI lạm dụng danh sách cấm bay để ép người Hồi giáo làm chỉ điểm.

Vụ bê bối mới này không chỉ là cách đối xử thô bạo của FBI đối với công dân Mỹ mà là một trong những chính sách xâm phạm quyền con người trên phạm vi toàn cầu của chính quyền Mỹ mang danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố. Ở Mỹ, cộng đồng Hồi giáo luôn là đối tượng được quan tâm đặc biệt. Các lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ phàn nàn rằng, họ cảm thấy nhiều lúc cơ quan thi hành pháp luật Mỹ xem người Hồi giáo như mục tiêu theo dõi và sẵn sàng thực thi các biện pháp "cài người" vào các nhà thờ Hồi giáo hoặc các hình thức do thám khác.

Đặc biệt là FBI đã đưa những nội dung, tài liệu xem người Hồi giáo là đối tượng xấu vào giáo trình huấn luyện tân binh. Cảnh sát New York thậm chí còn lập một đơn vị chuyên do thám hoặc cài người thám thính, theo dõi các doanh nghiệp, nhà thờ Hồi giáo ở thành phố New York, và đơn vị này vừa mới bị giải tán sau khi bị báo chí phanh phui và bị dư luận lên án.

Vấn đề được đặt ra trong các vụ kiện hiện nay là cơ sở nào để FBI đưa tên tuổi một người vào danh sách không được đi máy bay. Danh sách cấm bay là một trong những biện pháp an ninh mờ ám gây nhiều tranh cãi nhất của nước Mỹ kể từ sau vụ khủng bố 11/9. Danh sách này do FBI lập và Bộ An ninh Nội địa mang ra áp dụng tại các sân bay. Hầu như chẳng ai được biết mình đã bị liệt vào danh sách cấm bay cho đến khi bị an ninh sân bay ách lại.

Theo số liệu thống kê tại Trung tâm Sàng lọc khủng bố (TSC) trực thuộc FBI, nơi nắm giữ danh sách cấm bay, đến tháng 9/2011, có khoảng 16.000 người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có gần 500 người Mỹ, có tên trong danh sách cấm bay.

Danh sách cấm bay này, cùng với nhiều danh sách theo dõi khác, lấy dữ liệu từ một nguồn khổng lồ có tên gọi là Cơ sở Dữ liệu sàng lọc khủng bố (TSDB), luôn luôn tạm trữ thông tin của khoảng 420.000 người khắp toàn cầu, trong đó có những cái tên không liên quan gì đến Hồi giáo hay khủng bố, thậm chí có cả những người nổi tiếng, như cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng bị lưu tên tuổi cho đến năm 2008. Cơ sở để đưa một người vào danh sách hầu như rất mơ hồ.

Trong một hồ sơ giải trình tại Tòa án khu vực Đông Virginia vào tháng 3/2011, Giám đốc TSC Chirstopher Piehota xác nhận rằng chỉ cần các đặc vụ FBI đề xuất là ai đó có thể bị liệt vào danh sách ngay. Việc đưa một người vào danh sách cấm bay tùy thuộc vào việc "có sự nghi ngờ hợp lý để tin rằng một người là khủng bố hay bị nghi là khủng bố". Nhiều khi đó chỉ là sự phỏng đoán hoặc thậm chí là "cảm giác" hoặc từ các báo cáo về những hành động khả nghi, dù là chưa đủ cơ sở để đưa một người vào danh sách cấm bay, theo dõi, nhưng đó là tất cả những gì FBI cần có để cứ việc "bắt lầm còn hơn bỏ sót".

Tháng 2/2014, một phụ nữ tên là Rahina Ibrahim đã trở thành người đầu tiên thắng kiện FBI trong vấn đề danh sách cấm bay này, sau khi bà chứng minh trước tòa rằng FBI đã phạm sai lầm khi đưa tên bà vào danh sách kể từ năm 2004. Vì thế, Shinwari và 3 người cùng đứng đơn kiện đang rất hy vọng sẽ tiếp tục thắng kiện FBI để tên mình được gạt ra khỏi danh sách kỳ cục đó

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.