FBI và NSA phối hợp giám sát lãnh đạo người Mỹ Hồi giáo

Thứ Năm, 31/07/2014, 16:35

Trong lúc bí mật giám sát email của các lãnh đạo người Mỹ Hồi giáo với mục đích tìm kiếm các phần tử khủng bố, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã không chừa các chính khách, các nhà hoạt động nhân quyền, học giả và luật sư.

Theo các tài liệu được Edward Snowden cung cấp, danh sách những nhân vật có quyền lực này bao gồm 5 người Mỹ nổi tiếng trong các hoạt động xã hội như: Faisal Gill, chính khách đảng Cộng hòa có quyền truy cập tài liệu an ninh tuyệt mật và phục vụ trong Bộ An ninh Nội địa (DHS) dưới thời Tổng thống George W. Bush; Asim Ghafoor, luật sư đại diện các thân chủ trong những vụ án liên quan đến khủng bố; Hooshang Amirahmadi, giáo sư Mỹ gốc Iran thuộc khoa Quan hệ quốc tế Đại học Rutgers; Agha Saeed, cựu giáo sư khoa khoa học chính trị Đại học bang California và cũng là nhà hoạt động nhân quyền; Nihad Awad, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR), một tổ chức nhân quyền Hồi giáo lớn nhất ở Mỹ.

Cả 5 người Mỹ trên cùng chia sẻ một quan điểm: họ bị giám sát bởi vì đều là người Hồi giáo! Theo các tài liệu được tờ Wired tiết lộ năm 2011, FBI đã chỉ đạo nhân viên phải đối xử với những người Hồi giáo như là những phần tử ủng hộ khủng bố, và coi Hồi giáo là "Ngôi sao tử thần" phải bị hủy diệt để ngăn chặn khủng bố.

Trong khi đó, John Guandolo - một cựu quan chức chống khủng bố của FBI - cho rằng "hàng trăm" thành viên bí mật của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo hoạt động trên đất Mỹ và một số trong đó đã thâm nhập thành công vào Lầu Năm Góc, thậm chí Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan là người Hồi giáo bí mật! Ngoài danh tính 5 người Mỹ được xác định, còn lại tuyệt đại đa số các cá nhân nằm trong danh sách của NSA đều không đề tên mà thay vào đó chỉ là các địa chỉ email. 

Một số quan chức giấu tên tiết lộ chính quyền Mỹ không có lệnh FISA (Luật Giám sát tình báo nước ngoài) để giám sát một số cá nhân nằm trong danh sách của NSA.

FISA được ban hành năm 1978 nhằm phản ứng lại những tiết lộ về việc Giám đốc đầu tiên của FBI - J. Edgar Hoover - cùng với nhiều tổng thống Mỹ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã sử dụng các cơ quan tình báo để gián điệp những người chống đối và các đối thủ chính trị.

Đạo luật này được xem xét lại năm 2008 - một phần để đặt ra một số giới hạn đối với những chương trình nghe lén bí mật gây tranh cãi được Tổng thống George W. Bush đề xướng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, và một phần để hợp pháp hóa hoạt động nghe lén bí mật đối với những người Mỹ có tiếp xúc với các mục tiêu nước ngoài đang chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tình báo.

Theo luật hiện hành, các cơ quan tình báo bắt buộc phải xin lệnh từ Tòa án Giám sát Tình báo nước ngoài (FISC) mới có quyền đưa công dân Mỹ vào danh sách các đối tượng chịu sự giám sát thường xuyên. Để có được lệnh này, chính quyền cần chứng minh với tòa án về việc một đối tượng là điệp viên nước ngoài, một phần tử khủng bố hay người nhận lệnh hành động từ một chính quyền nước ngoài. Nhưng do việc FISC họp trong bí mật (chỉ có Bộ Tư pháp và FBI được phép tham dự những cuộc họp về hoạt động gián điệp trong nước) và các lệnh của tòa án cũng được giữ tuyệt mật cho nên công chúng biết rất ít thông tin về bằng chứng mà các cơ quan tình báo viện dẫn.

Trong 35 năm hoạt động, FISC đã phê chuẩn 35.434 yêu cầu của chính quyền Mỹ về các chương trình gián điệp, trong khi chỉ loại bỏ 12 yêu cầu.  Vừa qua, tất cả 45 tổ chức của cộng đồng Hồi giáo và các nhóm hoạt động nhân quyền tại Mỹ đã thảo một bức thư gửi lên Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: Các cơ quan thực thi pháp luật đã chọn mục tiêu là những người Mỹ Hồi giáo mà không hề có dấu hiệu nào cho thấy họ đã làm những điều sai trái. Các Tổ chức này còn yêu cầu Tổng thống Obama xem xét lại các tiêu chuẩn trong cộng đồng tình báo Mỹ.

Asim Ghafoor với Tổng thống George W. Bush (trái) và với bà Hillary Clinton.

Corey Saylor, người phát ngôn cho Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR), cho biết giám đốc điều hành tổ chức Nihad Awad đã tỏ ra rất giận dữ khi biết thông tin ông bị NSA và FBI giám sát trong bí mật.  CAIR là tổ chức bảo vệ nhân quyền cho cộng đồng người Hồi giáo, trụ sở tại Washington DC, có văn phòng trên khắp nước Mỹ. Ngân quỹ hoạt động của CAIR được đóng góp từ các chính khách, lãnh đạo các tôn giáo, nhà hoạt động xã hội và cá nhân trong giới truyền thông Mỹ. CAIR trở thành mục tiêu giám sát hàng đầu của tình báo Mỹ sau ngày 11/9/2001.

Năm 2007, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc CAIR là đồng phạm với Holy Land Foundation - lúc đó là tổ chức từ thiện Hồi giáo lớn nhất ở Mỹ - trong nỗ lực hỗ trợ tài chính cho phong trào Hamas. Nihad Awad là người Palestine sinh ở Jordan, nhập tịch Mỹ và sống ở nước này suốt hơn 20 năm.

Năm 1997, Awad làm việc trong Ban Cố vấn Nhân quyền của Phó tổng thống Al Gore, và sau đó là Ủy ban An toàn hàng không và An ninh của Nhà Trắng. Awad từng gặp riêng hai Tổng thống Bush và Clinton, cũng như 2 cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright và Colin Powell, để bàn luận về các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ.

Tài khoản email của 5 nhân vật trong danh sách của NSA.

Sau vụ ngày 11/9/2001, Awad là một trong các lãnh đạo người Mỹ Hồi giáo tham dự cuộc họp báo với Tổng thống Bush tại Trung tâm Hồi giáo Washington. Awad phát biểu: "Là công dân Mỹ và sau hơn 2 thập niên đấu tranh cho nhân quyền, tôi rất giận khi chính quyền vẫn còn gián điệp các nhà hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền và các lãnh đạo. Tôi thật sự giận dữ khi mà, mọi hoạt động mà chúng tôi dành cho các cộng đồng của chúng tôi nhằm phục vụ nước Mỹ chúng tôi bị đối xử với sự nghi ngờ".

Agha Saeed sống ở Mỹ từ năm 1974 và trở thành công dân nước này năm 1982 sau khi tốt nghiệp Đại học California ở Berkeley.  Tạp chí Time mô tả Saeed là nhân vật ôn hòa luôn thúc đẩy hợp tác giữa người Mỹ và người Arập. Tuy nhiên, sau vụ 11/9, Saeed nổi lên là nhân vật chống đối kịch liệt hoạt động gián điệp của chính quyền Mỹ. Hiện nay, Saeed mắc bệnh Parkinson nên giao tiếp khá khó khăn.

Saeed nói rằng, ông bị đưa vào sanh sách của NSA bởi chính kiến của ông cũng như tình bạn giữa ông với các nhân vật gây tranh cãi như Sami Al-Arian - cựu giáo sư Đại học South Florida và nhà hoạt động chính trị bị buộc tội giúp đỡ nhóm chiến binh Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ).

Asim Ghafoor chào đời ở thành phố St. Louis miền Đông bang Missouri năm 1969, thuộc thế hệ người Mỹ Hồi giáo đầu tiên. Ghafoor làm luật sư trong suốt 2 thập niên. Gahfoor cho rằng ông bị nằm trong danh sách của NSA vì tín ngưỡng và công việc pháp lý của ông. Faisal Gill cùng với cha mẹ từ Pakistan sang Mỹ lúc ông mới 8 tuổi. Gill lớn lên ở Northern Virginia, học luật tại Đại học Quốc gia Mỹ năm 1996 và sau đó gia nhập Hải quân Mỹ. Gill biết rõ bản thân sẽ phải đối mặt với nguy cơ cá nhân và nghề nghiệp khi công khai bàn luận về hoạt động gián điệp của chính quyền Mỹ trong các email của mình với báo chí.

Hooshang Amirahmadi là giáo sư Đại học Rutgers, cũng là người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Người Mỹ gốc Iran (AIC), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu chính sách về mối quan hệ giữa Mỹ và Iran. Amirahmadi không tự coi mình là người Hồi giáo mà mô tả bản thân là người vô thần. Amirahmadi tin rằng động cơ giám sát của NSA đối với ông xuất phát từ công việc ngoại giao của ông chứ không phải do tín ngưỡng gia đình ông

Diên San (tổng hợp)
.
.