FBI truy lùng “Snowden 2.0”

Thứ Sáu, 23/10/2015, 12:30
Hai năm sau khi vụ rò rỉ thông tin mật của Mỹ do cựu nhân viên CIA Edward Snowden thực hiện và hơn 5 năm kể từ khi binh nhì Chelsea Manning cung cấp các thông tin của quân đội và ngoại giao cho trang web WikiLeaks, nước Mỹ lại "rung chuyển" bởi một nguồn thông tin mới bị rò rỉ. Lần này, chính quyền Washington đã bị cáo buộc sát hại dân thường một cách vô cớ trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái.

Không chỉ bị cả cộng đồng quốc tế lên án, nước Mỹ còn đang đối mặt với nguy cơ bị kiện bởi các tổ chức nhân quyền. Và để ngăn chặn nguy cơ bị rò rỉ thêm nhiều thông tin mật khác, FBI đã được lệnh mở ngay một chiến dịch mới truy lùng nguồn thông tin cung cấp cho tờ báo điện tử the Intercept.

Nhà báo Jeremy Scahill. Ảnh: Alaninmexico.

Theo tin từ Hãng Telegraph, các nhân vật mà FBI đang cử người theo dõi là nhà báo Jeremy Scahill và hai nhà đồng sáng lập trang web The Intercept gồm nhà báo Glenn Greenwald và nhà quay phim Laura Poitras. Glenn Greenwald và Laura Poitras không còn xa lạ với công chúng nước Mỹ bởi họ chính là hai nhà báo có liên quan mật thiết tới vụ rò rỉ tài liệu mật của Edward Snowden năm 2013.

Ngày đó, họ là những người đầu tiên trong giới báo chí tiếp xúc với "người thổi còi", lập kế hoạch cho anh này trốn thoát khỏi nước Mỹ và nắm giữ các tài liệu mật về nước Mỹ. Còn lần này, họ chỉ là những người cộng tác cùng với Jeremy Scahill. Nghĩa là, nhà báo Jeremy Scahill là người duy nhất nắm được nguồn thông tin về chương trình máy bay không người lái của Mỹ do một cựu quân nhân Mỹ cung cấp. Jeremy Scahill sinh năm 1974 tại Chicago, Illinois.

Anh là một nhà báo khá nổi tiếng ở Mỹ với những phóng sự điều tra về cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, bê bối trong Công ty Blackwater, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Trong các bài viết của mình, Jeremy Scahill thường có cách nhìn khác lạ và tìm được những thông tin ẩn sâu đằng sau sự việc đã xảy ra. Vì thế, đến nay, anh đã nhận được nhiều giải thưởng báo chí lớn cho các phóng sự điều tra của mình.

Hãng AP thì cho hay, Jeremy Scahill đã nằm trong "danh sách đen" của FBI từ cuối năm ngoái khi anh đăng tải bài báo nói rằng, 1/2 trong tổng số 680.000 người bị nghi là phần tử khủng bố ở Mỹ thực ra lại "chả có mối quan hệ với bất kỳ một tổ chức khủng bố nào". FBI tin rằng, Jeremy Scahill đang có mối liên hệ với một nhân vât khác được biết dưới bí danh "Snowden 2.0". Người này thường xuyên cung cấp những thông tin của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho Jeremy Scahill.

Quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái để thực hiện hàng loạt vụ không kích tại Pakistan, Afghanistan, Yemen và Somalia . Ảnh: storiesbywilliams.

Hôm 18/10, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, FBI đã xác định nguồn tin này có thể là "một nhân viên của nhà thầu liên bang". Nhà riêng của người này ở bang Virginia đã bị lục soát. Nguồn tin cũng khẳng định, nhà báo Jeremy Scahill đã không ít lần đến ngôi nhà này. Rất có thể trong vài ngày tới, Jeremy Scahill sẽ bị mời đến trụ sở của FBI để trả lời một số câu hỏi có liên quan.

Trong khi đó, Hãng Yahoo News lại cho hay, Intercept đang có trong tay nhiều tài liệu mật của Chính phủ Mỹ. Còn nhân vật cung cấp nguồn tin cho Jeremy Scahill là người nắm được mã nguồn bảo vệ các tài liệu mật nên đã truy cập và đánh cắp nhiều thông tin quan trọng.

Yahoo News cũng khẳng định rằng, The Intercept đã tạo lập một hệ thống an ninh khá tốt nên các chuyên gia công nghệ thông tin của FBI cũng khó có khả năng xâm nhập hệ thống của họ để tìm ra người cung cấp tin. Trước đó, một nhân viên FBI cũng thừa nhận rằng, những người làm việc cho The Intercept đều sử dụng hai phần mềm là PGP và phần mềm SecureDrop để ngăn chặn nguy cơ bị lộ nguồn tin. 9 tháng qua, FBI đã thuê nhiều chuyên gia an ninh mạng ở các hãng lớn trên thế giới nhưng vẫn chưa phá được "bức tường lửa an ninh này"…

Phát biểu trước báo giới về thông tin mới được The Intercept tiết lộ, nhà báo Jeremy Scahill cho biết, ông đã phải mất 2 năm để thực hiện các phóng sự điều tra liên quan đến chương trình máy bay không người lái của Mỹ. Trước đó, Jeremy Scahill cũng từng không dưới một lần khẳng định, có sự liên hệ rõ ràng giữa những hành động bạo lực và các chương trình giám sát của NSA. Jeremy Scahill nói: "Có rất nhiều câu chuyện vẫn chưa được công bố và chúng tôi hy vọng sẽ sớm đưa những thông tin này đến với công luận".

Nhiều dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ. Ảnh: 4thmedia.

Trở lại với báo cáo mới được The Intercept tiết lộ, đó là chi tiết các chiến dịch của máy bay không người lái Mỹ. Mang tên "The Drone Papers", báo cáo này khẳng định, quân đội Mỹ đã thực hiện hàng loạt vụ không kích tại Pakistan và Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, sau đó mở rộng ra các nước Yemen và Somalia. Các chiến dịch này đều do nhóm đặc nhiệm bí mật 48-4 thực hiện. Cụ thể, từ tháng 1/2012 đến tháng 2/2013, Washington triển khai chiến dịch Haymaker ở đông bắc Afghanistan. Tổng cộng 219 người bị máy bay không người lái giết chết nhưng chỉ có 35 người là mục tiêu được xác định trước.

Cá biệt, trong khoảng 5 tháng của chiến dịch này, 90% những người thiệt mạng không phải là mục tiêu định sẵn của máy bay không người lái và bất cứ ai ở gần cuộc không kích "đều không được bảo đảm tính mạng". Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Hãng CNN, nhà báo Jeremy Scahill cũng đã bày tỏ sự tức giận trước mức độ vi phạm đạo đức của các chiến dịch này và cho biết "quyết định công bố (The Drone Papers) là để công chúng hiểu rõ quá trình từ lúc một mục tiêu được đưa vào tầm ngắm cho đến khi Chính phủ Mỹ hạ lệnh tiêu diệt. Tổng thống Mỹ là người cuối cùng ký duyệt" và thông thường việc này mất 58 ngày. Quân đội Mỹ thì có thể thực hiện mệnh lệnh trong vòng 60 ngày.

Cũng theo The Intercept, tài liệu mật được rò rỉ cho thấy, chính quyền Tổng thống Barack Obama ưa thích sử dụng các cuộc không kích bằng máy bay không người lái, cho dù họ biết rằng thông tin tình báo được cung cấp có thể sai lệch, dẫn tới các vụ thảm sát khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng.

Chưa hết, The Intercept còn dẫn một số trang tài liệu rò rỉ cho thấy sự bất đồng giữa chính sách trên giấy tờ của Mỹ với thực tế áp dụng liên quan đến cái chết của dân thường. Chẳng hạn, tháng 5/2013, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh Mỹ chỉ sử dụng máy bay không người lái không kích những mục tiêu là "kẻ khủng bố liên tục đe dọa đến mạng sống dân Mỹ", và khi "gần như chắc chắn là không có dân thường nào thiệt mạng hoặc bị thương". Nhưng trên thực tế, các tướng lĩnh Mỹ chỉ cần hạn chế được tổn hại ngoài dự kiến ở mức thấp nhất là đủ để bật đèn xanh cho vụ tấn công và nếu có thường dân thiệt mạng thì họ thường che đậy sự thật bằng cách gắn mác "kẻ thù" cho nạn nhân.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.