FARC và cuộc cách mạng dở dang: Chết đi sống lại (kỳ 2)
- FARC và cuộc cách mạng dở dang: Hai lần đàm phán bất thành
- “Kế hoạch Colombia” chống lại phiến quân FARC
Farciandia đã cho FARC cơ hội lớn để tiến hành thử nghiệm mô hình xã hội hòa bình và tận dụng tiến trình hòa bình để khuếch trương uy tín của mình ra thế giới, tìm kiếm sự công nhận của thế giới như một lực lượng thay thế ở Colombia. Chỉ có điều, lần này FARC tỏ ra ít quan tâm đến việc đàm phán so với lần trước. Vì thế, đàm phán đôi lúc lại bị bế tắc do tình trạng “ông chẳng bà chuộc” rồi cuối cùng đổ vỡ do những hoạt động bắt cóc con tin, cướp bóc và tấn công quân sự.
Mãnh hổ nan địch quân hồ
Đầu năm 2002, Tổng thống Pastrana tuyên bố đàm phán chấm dứt. Quân đội Colombia bắt đầu chiến dịch tấn công Farciandia. FARC trả đũa bằng hành động giết Thống đốc tỉnh Antioquia và bắt cóc nữ ứng cử viên Tổng thống Ingrid Betancourt. Vào thời điểm hòa đàm đổ vỡ, lực lượng của FARC đã phát triển mạnh hơn bao giờ hết: lên đến 20.000 quân, được trang bị vũ khí đầy đủ, được nuôi dưỡng tốt, chiếm giữ hơn 1/3 lãnh thổ Colombia, vây quanh các thành phố lớn như Bogota, Medellin và Cali.
Nhà tư tưởng chính trị Alfonso Cano. |
Dưới thời Tổng thống Andres Pastrana, FARC đạt sức mạnh đỉnh điểm. Các hoạt động bạo lực đã được nối lại, nhưng đồng thời FARC cũng đối mặt với 2 kẻ thù mới, mạnh hơn: Mỹ với tiềm lực về tiền bạc, máy móc hiện đại và sức mạnh quân sự; và vị Tổng thống mới vừa nham hiểm, tàn bạo vừa quyết tâm cao, đó là Alvaro Uribe. Thêm một kẻ thù ngoài dự kiến - lực lượng bán quân sự mang tên Các lực lượng tự vệ thống nhất Colombia (AUC) cũng phát triển mạnh hơn trước, tàn bạo hơn cả quân đội Colombia và quan trọng hơn, sử dụng chính chiến thuật du kích để đánh FARC.
Kể từ năm 2002, Chính phủ Colombia đã ném mọi thứ có được vào canh bạc với FARC và đã ghi nhận được những thành công lớn. Tuy nhiên, các du kích quân cách mạng Colombia vẫn đứng vững và duy trì cuộc đấu tranh cho đến tận ngày hôm nay, với hơn 40.000 thành viên, cùng với sự hiện diện tại 28 trên 32 tỉnh và 262 trên 1.119 thành phố, đô thị của Colombia.
Tháng 8-2002, FARC “chào đón” tân Tổng thống Uribe bằng một vụ tấn công bằng trái pháo giết chết 14 người ngay tại lễ nhậm chức của ông. Vụ tấn công là màn cảnh báo của FARC dành cho ông Uribe, vốn là người chống FARC quyết liệt nhất. Nhưng đáng tiếc, đó lại là trận mở màn cho một cuộc chiến mới khiến cho tổ chức du kích này thảm bại. Tiến trình đàm phán hòa bình với ông Andres Pastrana thất bại và việc FARC áp dụng lại các chiến thuật bạo lực và bắt cóc tống tiền đã khiến cho ngày càng nhiều dân chúng Colombia mong muốn có một vị stổng thống đủ sức cứng rắn để đè bẹp FARC. Từ đây, FARC chỉ còn cách là phải chiến đấu quyết liệt bằng súng đạn.
Về mặt quân sự, Tổng thống Uribe có hai lợi thế trong cuộc chiến chống FARC. Thứ nhất là hai kế hoạch quân sự: một là kế hoạch Plan Colombia do Mỹ tài trợ trọn gói, và hai là kế hoạch Plan 10.000 của Chính phủ Colombia. Trong kế hoạch Plan Colombia, Mỹ chi hàng tỉ USD cùng với hỗ trợ về nhân sự và cố vấn để giúp Chính phủ Colombia xây dựng quân đội nước này thành một trong những quân đội mạnh nhất khu vực. Còn Plan 10.000 được thiết kế nhằm chuyên nghiệp hóa quân đội, thay thế hình thức nghĩa vụ quân sự bắt buộc bằng hình thức nhập ngũ tự nguyện. Lợi thế thứ hai của ông Uribe chính là sự lớn mạnh của phong trào dân quân AUC như một khắc tinh đáng ngại của FARC, một công cụ lợi hại mà ông không phải tốn công xây dựng.
Không chỉ triển khai cuộc chiến quân sự, ông Uribe còn triển khai một cuộc chiến tuyên truyền. Ông bác bỏ việc Colombia đang có một cuộc nội chiến, thay vì thế ông đưa cuộc xung đột nội chiến vào bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sau sự kiện khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ. Với việc định nghĩa cuộc chiến như thế, FARC bỗng dưng trở thành một tổ chức thổ phỉ và khủng bố không hơn không kém.
Bất cứ ai có cảm tình với FARC, ủng hộ FARC về mặt tư tưởng, hoặc cản đường Uribe trong cuộc chiến chống FARC cũng bị xem là “khủng bố”! Chiến dịch của ông Uribe được một số quốc gia ủng hộ và họ cũng đưa FARC vào danh sách khủng bố, trong đó Mỹ đã đưa FARC vào danh sách khủng bố vào năm 1997, Liên minh châu Âu vào năm 2002. Hy vọng được quốc tế công nhận của FARC coi như lụi tàn.
Lực lượng an ninh Colombia mở các đợt tấn công từ thủ đô Bogota nhằm đánh bật các du kích quân FARC ra khỏi miền Trung Colombia. Họ đánh bật FARC ra khỏi các khu vực quan trọng về thương mại và công nghiệp, giành lại quyền kiểm soát các trục quốc lộ và các tuyến đường nối thông đến các khu vực khai thác và chế biến dầu mỏ.
Alvaro Uribe, kẻ thù truyền kiếp của FARC. |
Để giành ưu thế trong cuộc chiến, quân đội Colombia đã đầu tư xây dựng năng lực không quân hùng mạnh và mở các đợt không kích gây thiệt hại nặng, làm cho FARC suy yếu đáng kể. Chiến lược này bao gồm việc sử dụng công cụ tình báo chuyên nghiệp để tấn công các mục tiêu lãnh đạo cấp cao và với sự hỗ trợ tích cực của CIA triển khai chính sách “bắt rắn chặt đầu”, đã tiêu diệt hơn chục chỉ huy cốt cán của FARC.
Tại nhiều khu vực, quân đội Colombia còn hợp tác chặt chẽ với lực lượng dân quân AUC. Từ năm 1997, quân đội Chính phủ Colombia đã bí mật lợi dụng AUC như cánh tay nối dài để thực hiện các hành động bẩn thỉu mà quân đội không thể làm. Không chỉ quân đội, cả một số quan chức cấp cao trong Chính phủ Colombia cũng hợp tác với AUC, trong đó có các cố vấn cao cấp của Tổng thống Uribe, một số quan chức và chính bản thân Tổng thống Uribe.
Chiến dịch tấn công quyết liệt của quân đội Colombia đã đẩy FARC trở lại các khu vực ngoài rìa của quốc gia. Các khu vực giáp biên giới với các nước láng giềng trở thành địa bàn cát cứ quan trọng, và FARC đã xây dựng căn cứ trên đất Venezuela và Ecuador để làm nơi trú ẩn mỗi khi bị càn quét ở Colombia và làm bàn đạp mở các đợt tấn công ngược lại Colombia. Các đơn vị du kích cũng được tổ chức lại với quy mô nhỏ hơn và cơ động hơn.
Nhưng các đơn vị cũng ngày càng bị cô lập nhiều hơn, thông tin liên lạc trở nên khó khăn hơn do quân đội Chính phủ Colombia đã tăng cường năng lực thu thập tình báo. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng phối hợp giữa các đơn vị chiến đấu và bộ chỉ huy, ảnh hưởng đến tính thống nhất từ trên xuống dưới của FARC. Tình hình đó dẫn đến số lượng du kích quân đào ngũ ngày càng tăng, với 20.000 người kể từ năm 2002. Số lượng quân chiến đấu giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 8.000 người.
Kế hoạch tái sinh
Chiến dịch chống FARC của chính quyền Uribe lên đến đỉnh điểm vào năm 2008. Vào thời điểm đó, Colombia tiến hành một cuộc không kích vào căn cứ của FARC trên đất Ecuador, giết chết Luis Edgar Devia Silva, biệt danh Raul Reyes, gây nên một cuộc tranh cãi ngoại giao căng thẳng với nước láng giềng Ecuador.
Ngay sau đó, đến lượt Manuel de Jesus Munoz Ortiz, biệt danh Ivan Rios, chỉ huy khối miền Trung và là thành viên trẻ nhất trong Ban thư ký của FARC, bị chính cận vệ mình bắn chết. Kẻ phản bội này sau đó đào ngũ và được Chính phủ Colombia thưởng công. Vài tuần sau, Manuel Marulanda chết do bệnh tật. Giữa lúc đó, Chính phủ Colombia thực hiện thành công chiến dịch giải cứu con tin lớn – cựu ứng viên Tổng thống Ingrid Betancourt. FARC suy sụp hẳn.
Với thất bại này nối tiếp thất bại khác trên chiến trường, rồi sự mất đi lãnh đạo tinh thần và một số chỉ huy giỏi và giàu kinh nghiệm nhất, tình trạng du kích quân đào ngũ hàng loạt và sự ủng hộ của dân chúng xuống thấp nhất, FARC đã mất đi rất nhiều sức mạnh chỉ trong vòng 6 năm (2002-2008). Tuy nhiên, họ vẫn còn giữ lại được lực lượng chiến đấu kiên cường và nguồn quỹ đủ để xây dựng lại lực lượng và tiếp tục cuộc đấu tranh. Cái họ cần chính là một chiến lược mới.
Sau cái chết của Marulanda và Reyes, quyền lãnh đạo FARC rơi vào tay Guillermo Leon Saenz Vargas, biệt danh Alfonso Cano. Trong nội bộ FARC, Cano nổi tiếng về khả năng lý thuyết chính trị hơn là kỹ năng quân sự. Thế nhưng, trong dầu sôi lửa bỏng, chính Cano lại thiết kế một chiến lược phản công táo bạo mang tên Plan Renacer (Kế hoạch Tái sinh). Kế hoạch của Cano đã đặt dấu chấm hết cho những hy vọng đánh thắng FARC bằng quân sự của Chính phủ Colombia.
Kế hoạch của Cano kêu gọi quay trở lại chiến thuật chiến tranh du kích. Các đơn vị chiến đấu nhỏ hơn và cơ động hơn, sử dụng mìn và bắn tỉa để ngăn chặn đà tiến công của quân đội chính phủ, phản công lại bằng các đợt tập kích, phục kích và đánh bom. FARC cũng đầu tư nhiều hơn cho các lực lượng dân quân vùng nông thôn để lấy lại ảnh hưởng và tăng cường năng lực chiến đấu. Bên cạnh đó, kế hoạch Plan Renacer cũng triển khai gọng kềm thứ hai là tấn công bằng chính trị, tăng cường các nỗ lực thâm nhập và thao túng các phong trào xã hội, tăng cường hoạt động cánh chính trị của FARC là đảng Phong trào Bolivar, đồng thời tìm cách gia tăng sự ủng hộ của quốc tế và công chúng Colombia.
Tác động của Plan Renacer đã khá rõ. Năm 2007, FARC thực hiện 1.057 cuộc tấn công, chỉ bằng một nửa số cuộc tấn công của năm 2002 (2.063 cuộc). 4 năm sau, số cuộc tấn công của FARC tăng lên 2.148 cuộc, mức cao kỷ lục. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, FARC tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ Colombia lên 30%, và bắt đầu triển khai tấn công tại 50 đô thị mới.
Trọng tâm các cuộc tấn công của FARC cũng thay đổi. Các khu vực khai thác quặng mỏ, khai thác dầu và khí đốt trở thành các mục tiêu lớn. Các cuộc tấn công này làm gia tăng sự ủng hộ về mặt tư tưởng đối với FARC, bởi một bộ phận người Colombia xem các ngành công nghiệp khai thác đó là sự bóc lột của các công ty nước ngoài đối với đất nước của họ, và FARC đã đánh trúng vào tâm lý đó. Đồng thời, FARC cũng lợi dụng sự ủng hộ này để ép buộc các công ty khai thác dầu khí và quặng mỏ “đóng thuế” cho họ.
Măng mọc – Tre tàn
FARC bắt đầu triển khai một chiến dịch mang tên Plan Pistola (Khẩu súng lục) ám sát các thành viên lực lượng an ninh. Sự hồi sinh của FARC đã thấy rõ sau khi triển khai các kế hoạch mới của Cano. Lực lượng dân quân ủng hộ FARC bắt đầu gia tăng nhanh chóng, lên đến 30.000 người, chiếm số lượng gấp ba lần người của FARC trên các mặt trận.
Mặc dù gặp thất bại liên tiếp trong vòng 6 năm (2002-2008), nhưng các du kích quân FARC vẫn kiên trì với cuộc đấu tranh của mình. |
Các dân quân này hoặc có quan hệ trực tiếp với một mặt trận hoặc với Phong trào Bolivar, cánh chính trị của FARC. Tuy nhiên, về kỹ năng chiến đấu thì các dân quân này không được huấn luyện bài bản bằng các du kích quân FARC; họ cũng không được trang bị vũ khí tốt như các du kích quân; đa phần họ chỉ hưởng ứng cuộc chiến đấu của FARC một cách bán chuyên nghiệp. Nhưng họ có ưu điểm là trà trộn lẫn trong dân chúng cho nên quân đội Chính phủ Colombia rất khó đối phó với họ. Và họ cũng ngày càng được huấn luyện kỹ năng chiến đấu và đặt chất nổ, trở thành công cụ chiến đấu lợi hại của FARC.
Sự hồi sinh của FARC càng thuận lợi hơn nhờ sự chấm dứt tồn tại phong trào dân quân AUC, tan rã vào năm 2006. Mặc dù sau đó nhiều nhóm nhỏ nổi lên hoạt động kiểu AUC, nhưng chúng không có được năng lực cũng như động cơ chiến đấu chống FARC. Thay vì thế, các nhóm này lại quay sang liên minh với FARC, trở thành các “đối tác” làm ăn trong lĩnh vực buôn bán ma túy, trong buôn bán vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo.
Mặc dù FARC đã có thể giành lại được một số chiến thắng trên chiến trường, họ tiếp tục bị mất một số chỉ huy do bị an ninh của chính phủ ám sát. Năm 2010, một trong những chỉ huy giỏi nhất và giàu uy tín nhất của FARC là Victor Julio Suarez Rojas, biệt danh Mono Jojoy đã bị giết chết trong một trận càn. Một năm sau, Alfonso Cano cũng bị giết chết trong một cuộc không kích của quân đội Chính phủ Colombia. Chỉ trong ba năm, năm trong số bảy nhân vật lãnh đạo cao cấp “bất khả xâm phạm” của FARC đã bị giết.