Farokhroo Parsa - Nữ điệp viên nội gián đầu tiên bị tử hình ở Iran

Thứ Ba, 28/07/2009, 18:10
Farokhroo Parsa sinh ngày 2/3/1923 tại thành phố Qom gần thủ đô Tehran trong một gia đình trí thức. Năm 1944, sau khi tốt nghiệp đại học, Parsa giảng dạy môn sinh học tại Đại học Jeanne d'Arc ở thủ đô Tehran...

Hoàng hậu Farah Diba, vợ thứ hai của Vua Reza Pahlavi từng là học trò của Parsa. Năm 1950, Parsa gia nhập giáo phái Bahai' và sau đó trở thành phát ngôn viên chính thức của giáo phái này. Từ năm 1952 đến 1955, Parsa được giáo phái Bahai' cử đến nhiều quốc gia châu Âu, Trung Đông, châu Phi để phổ biến cương lĩnh hoạt động của giáo phái này trong cộng đồng người Iran.

Trong thời gian hoạt động tại Anh từ năm 1955 đến  1958, Parsa đã được Cơ quan tình báo hải ngoại Anh (MI-6) tiếp cận và sau đó bí mật tuyển dụng. Nhiệm vụ của Parsa là thiết lập các đường dây cộng tác viên trong cộng đồng người Iran theo giáo phái Bahai' sinh sống tại Anh để cung cấp thông tin cho MI-6.

Năm 1960, Parsa quay về lại Iran và được MI-6 giao nhiệm vụ tuyển dụng cộng tác viên và cả điệp viên nội gián trong số hàng triệu thành viên của giáo phái Bahai' hiện diện trên khắp đất nước Iran. Sau khi sàng lọc, một số thành viên giáo phái Bahai' sẽ được đưa ra nước ngoài để huấn luyện nghiệp vụ tình báo, sau đó được tung về Iran để hoạt động trong các đường dây điệp báo. Hoạt động nội gián của Parsa được đặt dưới sự chỉ huy của Erwin Abrams, chỉ huy MI-6 tại Iran, đội lốt tham tán kinh tế và văn hóa của Sứ quán Anh.

Vào những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX, Mỹ do muốn bành trướng thế lực tại Trung Đông, nhất là tại hai quốc gia có nguồn dầu hỏa phong phú là IraqIran nên đã tìm cách tranh giành ảnh hưởng với Anh. Chính quyền  của Tổng thống John Kennedy đã ra lệnh cho Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) mở rộng hoạt động tại Iran thông qua việc hỗ trợ tài chính và quân sự cho bộ máy chính quyền của Vua Reza Pahlavi, tăng cường bộ máy an ninh để trấn áp các hoạt động bài Mỹ, nhất là của giáo phái Bahai' nhằm gián tiếp loại bỏ ảnh hưởng của Anh tại Iran.

Tháng 10/1962, được sự hậu thuẫn của MI-6, giáo phái Bahai' tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô tại thủ đô Tehran và nhiều thành phố lớn yêu sách chính phủ phải đối xử bình đẳng với các đạo giáo và bài Mỹ. Những cuộc biểu tình này sau đó biến thành bạo loạn khi bị cảnh sát, quân đội và lực lượng an ninh trấn áp. Nhiều lãnh đạo của giáo phái Bahai' bị bắt giữ, trong đó có Parsa. Ngày 8/7/1963, Parsa bị tuyên án 4 năm tù giam về tội làm loạn. Tuy nhiên đến năm 1965, chính quyền đã phải trả tự do cho Parsa do bị dư luận phản ứng là trừng trị Parsa theo lệnh của CIA.

Một năm sau khi được trả tự do, uy tín của Parsa càng được tăng cao khi được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội với khẩu hiệu "Đấu tranh vì tự do tín ngưỡng và quyền lợi của phụ nữ". CIA đã nhiều lần toan tính trừ khử Parsa do nhận biết đây là một điệp viên nằm vùng có cỡ của tình báo Anh nhưng đều thất bại. Ngược lại, đến năm 1968, Parsa còn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, sau đó là Bộ trưởng Giáo dục.

Tuy nhiên, đến năm 1970, Parsa đã bị Cơ quan An ninh Iran (SAVAK) điều tra do có liên quan đến các cuộc bạo loạn tại nhiều thành phố của Iran vào năm 1967. SAVAK nghi vấn tình báo Anh đã hậu thuẫn cho các cuộc bạo loạn này và Parsa là nhân vật quan trọng của chính phủ đã có những cuộc gặp gỡ bí mật với một số chính khách Iran lưu vong ở nước ngoài như Mohammed Abrahamian, Mansur Rafizadegh được Anh hậu thuẫn để lãnh đạo phong trào đòi bãi bỏ chế độ quân chủ của Vua Reza Pahlavi. Nhưng do không có đầy đủ chứng cứ nên SAVAK đã không bắt giữ Parsa.

Akbar Gangi.

Năm 1975, SAVAK mới bắt giữ Parsa về tội hoạt động nội gián cho tình báo Anh và xúi giục bạo loạn khi Akbar Ganji, một thủ lĩnh của giáo phái Bahai' tại thành phố Qom đầu thú và khai báo với SAVAK.

Theo Ganji, Parsa là một điệp viên nội gián kỳ cựu của tình báo Anh tại Iran mang mật danh “Kayen” có nhiệm vụ móc nối, tuyển dụng các chính khách, thủ lĩnh các giáo phái để vừa làm việc cho tình báo Anh vừa hoạt động trong một mặt trận đấu tranh đòi bãi bỏ chế độ quân chủ và thiết lập chế độ dân chủ tại Iran. Từ khai báo của Ganji, SAVAK đã bắt giữ Parsa về tội làm loạn, ngày 21/7/1975, một tòa án đặc biệt mở ra tại thủ đô Tehran đã tuyên phạt Parsa tù chung thân.

Năm 1979, khi xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran, Parsa được trả tự do nhưng đến đầu năm 1980 lại bị bắt giữ với chứng cứ là hàng trăm ngàn truyền đơn có nội dung kêu gọi thành viên của giáo phái Bahai' nổi lên chống lại chính quyền Hồi giáo để thiết lập chế độ dân chủ được tìm thấy tại căn hộ của Parsa tại thủ đô Tehran. Nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động của các đường dây nội gián của tình báo Anh tại Iran cũng được tìm thấy tại một căn hộ của Parsa tại thành phố Qom sau đó.

Ngày 24/4/1980, một tòa án cách mạng Hồi giáo mở ra tại thủ đô Tehran đã tuyên phạt P arsa tử hình về tội phản bội tổ quốc, làm loạn và hoạt động nội gián. Ngày 8/5/1980, án tử hình đã được thi hành với Parsa. Farokhroo Parsa  trở thành người phụ nữ Iran đầu tiên bị tử hình về tội làm điệp viên nội gián

Văn Hòa (theo CiCentre Archives)
.
.