Frank Bossard: Điệp viên nội gián tại Bộ Không quân Anh

Thứ Tư, 12/08/2009, 05:15
Vào ngày 21/10/1988, điệp viên nội gián người Anh Frank Bossard lặng lẽ qua đời vì chứng ung thư phổi tại nhà tù Bloomsbury, ngoại ô phía đông thủ đô London của Anh ở tuổi 76. Bossard là điệp viên nội gián phải lãnh án tù giam lâu nhất nước Anh.

Frank Clifton Bossard sinh ngày 7/4/1912 tại hạt Licolnshire trong một gia đình công nhân nghèo. Tuy phải bỏ học sớm vì nhà nghèo nhưng Bossard lại ham học và rất đam mê về vô tuyến. Năm 16 tuổi, Bossard đã mày mò chế tạo riêng cho mình một chiếc máy thu phát sóng vô tuyến.

Năm 1932, sau nhiều năm lao động vất vả, Bossard cũng kiếm được đủ tiền để theo học ngành vô tuyến điện của Trường Kỹ thuật Norwich. Sau khi ra trường, Bossard được nhận vào làm việc tại một nhà máy chế tạo thiết bị vô tuyến và radio ở thành phố Norwich. Nhờ siêng năng và ưa thích nghiên cứu, đến năm 1938, Bossard đã trở thành quản đốc phân xưởng và cũng đã tốt nghiệp đại học.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Bossard gia nhập Không quân hoàng gia và tham chiến tại chiến trường Trung Đông và Bắc Phi. Khi chiến tranh kết thúc, Bossard đã là thiếu tá chỉ huy một đơn vị radar. Năm 1949, sau khi được đào tạo nghiệp vụ thông tin và mật mã tại Học viện Không quân hoàng gia, Bossard chuyển đến làm việc tại Ban Cơ yếu của Bộ Không quân.

Năm 1951, Bossard lập gia đình với Anne Bloom, con gái một sĩ quan cao cấp của Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6) và được điều động đến làm việc tại chi nhánh của Đơn vị Tình báo của Không quân Anh tại Tây Đức. Đến năm 1956, nhờ hậu thuẫn của cha vợ, Bossard được MI-6 tuyển dụng và bố trí hoạt động nằm vùng tại thủ đô Bonn của Tây Đức dưới lốt viên chức của Sứ quán Anh.

Nhiệm vụ của Bossard là thẩm vấn các nhà khoa học, chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư... của các quốc gia XHCN Đông Âu đào thoát xin tị nạn chính trị tại các cơ sở ngoại giao Anh ở Tây Đức. Nhờ vào các khoản  chu cấp hào phóng từ MI-6, Bossard ăn chơi thả cửa và chẳng bao lâu sau nghiện rượu nặng. Đây chính là lý do MI-6 sa thải Bossard sau khi được triệu hồi về lại Anh.

Tại Anh, vào năm 1961, nhờ thân thế của cha vợ, Bossard lại được nhận vào làm việc tại Cục Kỹ thuật của Bộ Không quân. Tuy có việc làm mới nhưng Bossard lại không bỏ được thói quen ăn chơi và rượu chè đến nỗi phải nợ nần như chúa chổm. Đúng vào lúc này bỗng xuất hiện một cứu tinh, đó là một người đàn ông Đông Âu tên Gordon. Gordon tự xưng là chuyên viên về xuất nhập khẩu của Phái bộ đại diện thương mại của Liên Xô có văn phòng ở thủ đô London và hào phóng vung tiền thanh toán một số món nợ cho Bossard.

Không chỉ thế, Gordon còn cho Bossard mượn tiền. Vài tháng sau, Gordon tiết lộ với Bossard mình là một điệp viên nằm vùng của tình báo Liên Xô và đề nghị sẽ mua những thông tin, tài liệu quốc phòng Anh với giá cao. Và để có tiền chi cho thói quen ăn chơi của mình, Bossard chấp thuận làm việc cho tình báo Liên Xô.

Theo quy ước, Bossard sẽ chuyển giao tài liệu cho Gordon tại 9 hộp thư chết đặt tại nhiều địa điểm khác nhau ở thủ đô London. Bossard còn được hướng dẫn nghe Đài Phát thanh Moksva vào lúc 7h45' sáng và 8h30' tối các ngày thứ 3 và thứ 4 của tuần đầu tiên mỗi tháng. Đến hai thời điểm đó, Đài Phát thanh Moksva sẽ phát ra hai bản nhạc dân ca Nga nổi tiếng có cả thảy 9 bản nhạc. Địa danh mà 9 bản nhạc này đề cập cũng là địa điểm của 9 hộp thư chết mà theo quy ước Bossard sẽ chuyển giao tài liệu cho Gordon và nhận tiền.

Hầu hết các thông tin, tài liệu, hình ảnh mà Bossard chuyển giao cho tình báo Liên Xô đều thuộc loại tối quan trọng liên quan đến việc chế tạo các hệ thống tên lửa, radar trang bị cho các máy bay chiến đấu và ném bom cùng việc bảo vệ cho các căn cứ không quân ở mặt đất. Tài liệu thu thập được, Bossard không đem ngay về nhà mà cất giấu tại một nơi nào đó trong phòng làm việc tại trụ sở Bộ Không quân gần nhà ga tàu điện Waterloo. Vài ngày sau, Bossard sẽ lần lượt mang về nhà rồi sau đó chuyển giao cho tình báo Liên Xô tại các hộp thư chết. Mỗi lần chuyển giao tài liệu, Bossard sẽ được trả công từ 2.000 đến 5.000 bảng.

Chính thói quen ăn chơi và tiêu xài tiền bạc hoang phí đã khiến Bossard lọt vào tầm ngắm của Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) khi đặt nghi vấn phải chăng Bossard đang làm việc cho một cơ quan tình báo nước ngoài. Nghi vấn của MI-5 càng được khẳng định khi được Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) chuyển giao thông tin khai báo từ một điệp viên Liên Xô hoạt động hai mang tên Dmitri Polyakov rằng tình báo Liên Xô đã tuyển dụng được một điệp viên nằm vùng có cỡ làm việc tại Bộ Không quân Anh. Điệp viên nội gián này có mật danh NICNAC. Sau một thời gian bí mật điều tra, MI-5 khẳng định điệp viên nội gián này không ai khác hơn là Bossard.

Vào ngày 12/3/1965, Bossard bị bắt giữ khi đang sao chụp tài liệu, thông tin quốc phòng tại căn hộ của mình ở khu ngoại ô phía bắc thủ đô London. Trước chứng cứ rõ ràng, Bossard đành phải nhận tội. Kiểm tra căn hộ của Bossard, các nhân viên MI-5 còn phát hiện cả một hệ thống nghe lén quy mô và hiện đại do chính Bossard nghiên cứu chế tạo.

Bossard đã cài những tai nghe nhỏ xíu có chức năng ghi âm trong phòng làm việc và phòng họp của các quan chức cao cấp ngay tại trụ sở của Bộ Không quân. Những tai nghe này được nối kết với một thiết bị phát sóng đủ mạnh để tải thông tin về căn hộ của Bossard. Tại đây, Bossard thiết kế một đài tiếp nhận sóng và ghi âm lại tất cả các thông tin. Sau khi được sàng lọc và tổng hợp, Bossard sẽ chuyển giao cho tình báo Liên Xô.

Ngày 10/5/1965, Tòa án đặc biệt Old Bailey ở thủ đô London đã tuyên phạt Bossard 31 năm tù giam về tội hoạt động nội gián và phản bội Tổ quốc. Với mức án nghiêm khắc này, Bossard trở thành điệp viên nội gián phải lãnh án tù giam cao nhất nước Anh trong thế kỷ XX.

Cũng từ vụ án về điệp viên nội gián Bossard, Chính phủ Anh quyết định cải tiến và đổi mới một số nhiệm vụ bảo quản và bảo vệ tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc phòng

Văn Hòa (theo Times Online Archives)
.
.