GCHQ – Cơ quan chuyên nghe trộm của tình báo Anh

Thứ Năm, 26/10/2006, 08:30
Sở Chỉ huy thông tin của Chính phủ (GCHQ) là tên gọi của cơ quan tình báo có nhiệm vụ tổ chức thu thập công khai và cả nghe trộm những thông tin mới nhất thuộc lĩnh vực quân sự chính trị, có liên quan đến các chính phủ, tổ chức kinh tế/phi kinh tế từ mạng lưới các đài, trạm thu phát ở mặt đất và cả từ vệ tinh rồi chuyển về sở chỉ huy của GCHQ (có tên gọi Bánh Đậu) đặt ở khu Cheltenham, ngoại ô thủ đô London.

Với những dàn máy tính cực mạnh sẽ giải mã từng câu nói, từng cái tên, từng cuộc điện đàm của hàng chục ngàn cuộc trao đổi thông tin mỗi ngày để cung cấp theo yêu cầu của chính phủ, của quân đội, của các cơ quan tình báo khác, của cảnh sát và của Ủy ban Tình báo Quốc hội.

Tiền thân của GCHQ là Cơ quan Mã số và mật mã chính phủ (GC&CS) được thành lập vào năm 1919 tập hợp 25 sĩ quan tình báo thông tin của Hải quân và Lục quân.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, GC&CS đặt sở chỉ huy tại lâu đài Công viên Bletchey để làm nhiệm vụ giải mã các bộ mã khóa Enigma của Đức Quốc xã. Để hoàn thành nhiệm vụ, GC&CS tuyển mộ nhiều thành phần xã hội như các nhà khoa học, nhà toán học, nhà ngôn ngữ học và cả cờ thủ để giải mã các điện văn được mã hóa của Đức Quốc xã thông qua sự trợ giúp của nhiều máy móc thiết bị, trong đó phải kể đến máy tính Colossus do nhà toán học Alan Turing thiết kế. Vào thời kỳ đó, GC&CS còn giải mã được các bộ mật mã ngoại giao của 26 quốc gia với 150 kiểu mã khóa khác nhau. Đến năm 1946, GC&CS được đổi tên thành GCHQ có trụ sở đặt tại Cheltenham.

Cũng vào năm này, GCHQ trở thành thành viên của một hệ thống tình báo thông tin quốc tế được giữ hoàn toàn bí mật có tên gọi UKUSA, bao gồm cơ quan tình báo thông tin của Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Anh. Mỗi thành viên của UKUSA được phân công thực hiện nhiệm vụ tình báo thông tin tại một số khu vực nhất định trên thế giới để hình thành nên mạng lưới nghe trộm ECHELON. Nhiệm vụ của GCHQ trong mạng lưới ECHELON là tổ chức tình báo thông tin tại các quốc gia châu Âu, bao gồm cả Liên Xô và châu Phi.

Đến năm 1988, GCHQ bí mật cho xây dựng một trạm thu thập thông tin trên đảo Malta thuộc Anh ở Địa Trung Hải để thu nhận thông tin từ châu Phi và Trung Đông. Một trạm nghe trộm thông tin của các quốc gia Bắc và Trung Aâu cũng được xây dựng hai năm sau đó tại vùng Edzell của Scotland. Năm 1992, GCHQ tiếp tục xây dựng tại vùng Bedfordshire ở miền Nam nước Anh một trạm thu thập thông tin có tên Chicksands. Điểm đặc biệt của trạm bí mật này là không hề sử dụng anten chảo để thu thập thông tin từ vệ tinh mà lại sử dụng hàng rào các cột anten thẳng đứng cao đến 4m để thu nhận toàn bộ sóng vô tuyến được phát đi từ các quốc gia Tây Âu, Trung Âu và Đông Âu.

Tuy không mạnh bằng hệ thống nghe trộm thông tin của Cơ quan Tình báo thông tin Mỹ (NSA) nhưng hoạt động của GCHQ cũng rất hiệu quả vì chỉ tập trung vào các đối tượng chính là các loại thông tin được truyền qua vệ tinh, được truyền qua sóng vô tuyến, được truyền qua cáp quang, được đánh cắp bởi mạng lưới điệp viên và cộng tác viên. Tất cả mọi thông tin về quân sự, chính trị, kinh tế từ nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia đồng minh được chuyển qua vệ tinh bằng các phương tiện hiện đại như thư điện tử, fax, điện thoại cầm tay... từ bất cứ địa điểm nào trên hành tinh đều được thu nhận rồi chuyển ngay đến phòng xử lý được xây dựng cạnh các dàn anten.

Trụ sở mới của GCHQ tại Cheltenham.

Tại đây có nhiều nhóm chuyên viên phân tích với các thiết bị hiện đại như như thiết bị tăng âm, thiết bị phân tích, thiết bị giải mã có khả năng chuyển đổi sóng âm thanh trở thành thư điện tử, fax hay ngược lại qua hệ thống sàng lọc tự động theo danh sách địa chỉ mà GCHQ thu thập thường xuyên từ các sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tập đoàn kinh tế đa quốc gia... từ khắp thế giới. Mỗi khi địa chỉ đó xuất hiện trên sóng của vệ tinh đang bị theo dõi thì thông tin sẽ được tự động nhập vào hệ thống giải mã khóa rồi chuyển ngay về trung tâm Morwenstow. Tại đây, các thông tin sẽ được sàng lọc lại, sắp xếp rồi chuyển ngay về trụ sở của GCHQ ở Cheltenham. Số thông tin không thật cần thiết sẽ được lưu trữ trong các đĩa từ tính.

Để hỗ trợ cho việc thu thập thông tin trên không này, GCHQ còn sử dụng mạng lưới gồm điệp viên, cộng tác viên là nhà báo, nhà ngoại giao, quan chức chính phủ làm việc tại nước ngoài, nhân viên tổ chức phi chính phủ... làm nhiệm vụ thu thập thông tin chủ yếu là về kinh tế và quốc phòng rồi chuyển về văn phòng liên lạc của GCHQ tại một quốc gia thứ ba dưới dạng fax, thư điện tử đã được mã hóa trước khi được chuyển về trung tâm Morwenstow để xử lý.

Năm 1983, GCHQ trở thành đối tượng gây tranh cãi giữa chính phủ của Thủ tướng Margaret Thatcher và Quốc hội về việc hạn chế một số hoạt động nghe lén của GCHQ đối với các tổ chức kinh tế, nhất là nghiêm cấm GCHQ nghe trộm các cuộc điện đàm của công dân Anh. Mãi đến 11 năm sau, các cuộc tranh cãi này mới chấm dứt khi Đạo luật về tình báo Anh (ISA) ra đời

Văn Hoà (Theo SpyWorld)
.
.