Giám đốc Tình báo Quốc gia Hàn Quốc

Người âm thầm cống hiến cho Thượng đỉnh liên Triều

Thứ Năm, 31/05/2018, 10:50
Ngày 27-4, khi hai vị lãnh đạo – Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau, tay bắt mặt mừng tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm – đứng phía sau hai ông, một người đàn ông đứng tuổi đã lặng lẽ lau vội những giọt nước mắt tuôn trào vì niềm vui sướng sau gần 18 năm góp công sức để tạo nên một sự kiện lịch sử tưởng như không bao giờ xảy ra.


Vào năm 2000, ông Suh Hoon, khi đó là một quan chức tình báo Hàn Quốc, đã đến Bình Nhưỡng để cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong-il (cha của ông Kim Jong-un) đồng ý tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tại thủ đô Bình Nhưỡng. Đó là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên giữa Chủ tịch Kim Jong-il và Tổng thống Hàn quốc Kim Dae-jung diễn ra vào năm 2000.

Gần 18 năm sau, ông Suh đứng bên cạnh con trai ông Kim Jong-il chứng kiến giây phút lịch sử: Kim Jong-un cam kết hòa bình, chấm dứt chiến tranh kéo dài hơn 65 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), một lãnh đạo CHDCND Triều Tiên bước qua lằn ranh giới phi quân sự Bàn Môn Điếm, đặt chân lên phần đất miền Nam.

Ông Kim Jong-Un là lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đầu tiên bước qua lằn ranh Bàn Môn Điếm kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1953.

Cuộc gặp lịch sử tháng 4-2018 thành hiện thực trong chưa đầy một năm sau khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc và ngay lập tức bổ nhiệm ông Suh Hoon làm Giám đốc Cục Tình báo quốc gia (NIS). Khi đó, Tổng thống Moon đã nói rằng “ngài đúng là người được chọn” để khôi phục lại các mối quan hệ liên Triều, vốn đã trở nên căng thẳng kể từ khi CHDCND Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân. Ngay sau đó, ông Suh đã có cuộc nói chuyện với báo chí. Ông thận trọng: “Còn quá sớm để nói về một thượng đỉnh liên Triều kế tiếp. Nhưng chúng ta cần có nó”.

 Ông Suh Hoon đúng là “chuyên gia” thiết kế cho các cuộc họp thượng đỉnh liên Triều. Ông từng là người sắp xếp, tổ chức 2 cuộc họp thượng đỉnh liên Triều, lần đầu vào năm 2000 như kể ở trên, lần thứ hai là vào năm 2007, trước khi rời NIS vào năm 2008 khi chính quyền bảo thủ của Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền và thay đổi hoàn toàn chính sách đối thoại với CHDCND Triều Tiên. Ông là người Hàn Quốc từng gặp mặt cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il nhiều nhất.

Ông Lee Jong-seok, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc từng đi cùng ông Suh đến thăm Bình Nhưỡng vào năm 2003 với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Moo-hyun. Trong quyển hồi ký của mình xuất bản năm 2014, ông Lee đã gọi ông Suh là “Nhà đàm phán số 1 với Bắc Triều Tiên”.

Năm nay 64 tuổi, ông Suh từng có 2 năm sống ở CHDCND Triều Tiên vào cuối thập niên 1990, tham gia vào kế hoạch giúp CHDCND Triều Tiên xây dựng một lò phản ứng hạt nhân để thực thi thỏa thuận hạt nhân quốc tế ký kết với Bình Nhưỡng vào năm 1994.

Theo thỏa thuận, Bình Nhưỡng đóng băng chương trình hạt nhân, đổi lại quốc tế giúp xây dựng lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Rốt cuộc, thỏa thuận đó đổ vỡ do cả hai phía Mỹ và Triều Tiên đều không thật lòng thực thi những gì đã cam kết. John Delury, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Yonsei đánh giá cao vai trò và sự am hiểu của ông  Suh trong việc đàm phán và xử sự với CHDCND Triều Tiên. “Ông ấy biết phải làm gì và làm thế nào để đạt được hiệu quả” – Delury xác nhận.

Để vận động lãnh đạo CHDCND Triều Tiên chấp thuận đối thoại, tháng 3-2018, ông Suh tham gia một phái đoàn Hàn Quốc gồm 10 người đến Bình Nhưỡng thăm lãnh đạo thế hệ thứ 3 của Triều Tiên – Kim Jong-un. Đây là phái đoàn Hàn Quốc đầu tiên đến thăm ông Kim Jong-un kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2011, sau khi cha ông qua đời.

Cuộc họp đã đạt được kết quả ngoài mong đợi khiến cả ông Suh và phái đoàn 10 người đều sửng sốt: ông Kim Jong-un không chỉ đồng ý gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon mà còn nói rằng ông sẵn sàng thảo luận phi hạt nhân hóa với Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ đó đặt nền tảng cho một cuộc gặp thượng đỉnh chưa có tiền lệ giữa các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và CHDCND Triều Tiên.

Sau chuyến đi Bình Nhưỡng đó, ông Suh tiếp tục sắp xếp cho người đồng cấp Mike Pompeo (nay đã trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ) thực hiện chuyến đi bí mật đến Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong 3 ngày, từ 31-3 đến 2-4 để thảo luận kế hoạch tổ chức họp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Sau chuyến đi đó, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã thông báo Pompeo đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim và “cuộc làm việc giữa họ diễn ra rất trôi chảy”.

Moon Hong-sik, một chuyên gia tại Viện Chiến lược an ninh quốc gia của Hàn Quốc đánh giá, các kết quả của cuộc làm việc giữa ông Pompeo và lãnh đạo Kim đều có sự tham gia sâu rộng của một mạng lưới nhân sự trung gian, trong đó ông Suh đóng vai trò then chốt.

Theo ông Moon, ông Suh không chỉ có quan hệ tốt với ông Pompeo mà còn với ông Kim Yong Chol, cựu giám đốc tình báo quân đội CHDCND Triều Tiên, hiện là người chủ trì các vấn đề về quan hệ liên Triều. Và ông Suh chính là người Tổng thống Moon Jae-in chọn tháp tùng đến cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tháp tùng ông Kim có em gái ông Kim Yo Jong, và ông Kim Yong Chol.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.