Gamir - thung lũng tử thần của lính Mỹ tại Afghanistan

Thứ Ba, 20/11/2012, 23:35

Những cuộc tấn công nhắm vào các trại huấn luyện của phiến quân Taliban vào làng Gamir, một ngôi làng nằm sâu giữa biên giới Afghanistan và Paskistan liên tục thất bại. Gamir chính là thung lũng Tử thần, nỗi ám ảnh kinh hoàng của quân đội Mỹ đang tham chiến ở Afghanistan.

Vùng đất bất khả xâm phạm của Taliban?

Phi đội chiến đấu Bụi đất 72 và Bụi đất 73 phóng từ doanh trại vọt lên không trung, họ bay theo hướng thủ công, mất hơn một giờ mò mẫm giữa màn sương mù dày đặc, hai chiếc diều hâu đen này mới tiếp cận được mục tiêu tình nghi của Taliban ẩn sâu trong khu vực núi đá hiểm trở thuộc khu vực biên giới hoang vu giữa Afghanistan và Pakistan.

Tuy nhiên, Gamir từ bao đời đã là vùng đất bất khả xâm phạm, nơi náu mình an toàn của Taliban. Những đội quân phiến loạn Taliban như những bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện ám ảnh lính Mỹ, khi những con "diều hâu đen" bay lượn trên không trung để tìm, diệt kẻ thù thì bất ngờ bị tên lửa vác vai Taliban xé toạc màn sương dày đặc biến thành quả cầu lửa. Từ năm 2001 đến nay đã có hàng chục trực thăng chiến đấu cùng hàng trăm lính Mỹ thiệt mạng tại đây.

Trong tháng 10 vừa qua có ít nhất hai trung đội lính biệt kích dù liên quân Mỹ, Afghanistan rơi vào ổ phục kích giăng sẵn tên lửa, pháo cối vác vai đất đối không cùng hàng trăm họng súng trường tấn công quyết liệt vào lúc bình minh khi hai trung đội này di chuyển về phía làng Gamir. Hơn 40 lính liên quân bị hàng trăm tay súng khủng bố phục kích sát hại.

Địa hình làng Gamir vô cùng hiểm trở, núi đá cao hàng ngàn mét dựng thành thành quách với những thung lũng hẹp, sâu sương mù đặc quánh  quanh năm phủ đầy tạo thành thạch trận vững chắc, quân Taliban không những dựa, bám vào đá núi mà chúng còn dựa vào các bộ tộc du mục Kunar để sống và chống lại Chính phủ Afghanistan. Không chỉ bị tên lửa, súng trường quân khủng bố giết hại, liên quân Afghanistan và Mỹ hàng năm còn bị các sự cố tự nhiên ngoài tầm kiểm soát đoạt mạng như sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn khiến các trực thăng vận chiến đấu đâm đầu vào núi đá hoặc mắc vào cây rừng.

Điều khiến quân đội Mỹ đau đầu và đang cố tìm giải pháp để đối phó với các tay súng Taliban được cho là những tay súng rất thiện xạ. "Chúng tôi bay vào Gamir như bay vào bầu trời nhiều mây, không trăng, không sao, phi đội của chúng tôi bị trúng tên lửa phải hạ cánh gấp. Máy bay vừa chạm mặt đất, vỡ rời ra, chúng tôi chưa kịp định thần lại thì đạn quân khủng bố tóe ra như mưa rào, nhiều đồng đội tôi đã hy sinh, họ còn rất trẻ". Bringloe, nữ y tá cứu hộ phi đội trực thăng vận chiến đấu Bụi đất 72, ngậm ngùi kể lại ký ức buồn vào đầu năm nay khi phi đội cô lọt vào lưới đạn phục sẵn của Taliban.

Afghanistan là “Việt Nam thứ hai” của quân đội Mỹ hay sai lầm chết người từ tướng chỉ huy?

Các nhà phân tích và các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mỹ ví von Afghanistan như “Việt Nam thứ hai” đối với quân đội Mỹ. Trung bình trong mỗi trận đấu súng với Taliban cứ 100 lính Mỹ  tham chiến thì có 70 người thiệt mạng trên chiến trường đỏ rát lửa đạn Afghanistan. Binh lính Mỹ phải nghển cao cổ đến rơi mũ sắt xuống đất mới thấy được các đỉnh núi, chứng tỏ rằng núi đá Afghanistan rất cao và hiểm trở, nếu có thể leo bộ để lên đến đỉnh thì chắc chắn họ phải mất rất nhiều sức lực.

Một chiếc trực thăng cất cánh trinh sát quanh vùng núi tỉnh Kunar, Afghanistan.

Nhưng việc tác chiến như vậy vô cùng nguy hiểm, hoặc bị kiệt sức mà chết hoặc trở thành "chim mồi" cho các tay súng bắn tỉa tầm xa của quân phiến loạn Taliban bắn hạ. Không còn lựa chọn nào khác, quân đội Mỹ buộc phải sử dụng trực thăng vận, một loại chiến đấu cơ cơ động vừa có thể tác chiến độc lập, vừa cứu hộ và chi viện trong các tình huống khẩn cấp.

Tuy nhiên, thật trớ trêu khi mà vũ khí hiện đại của Mỹ lại trở nên vô dụng giữa rừng núi Afghanistan, càng vô dụng hơn khi những con chim sắt đó bay vào vùng núi "cấm"  từ lâu được xem là vùng đất vô cùng linh thiêng mà các bộ tộc du mục cùng phiến quân Taliban đã quần cư ở đây từ lâu, khi bay vào thung lũng tử thần Gamir, sóng rada dẫn đường cho các phi đội không - bộ (tức là vừa dùng trực thăng chiến đấu trên không bắn yểm trợ vừa thả bộ binh xuống mặt đất để đánh giáp la cà với Taliban) thường bị mất sóng, thêm vào đó quân Taliban liên lạc với nhau không bằng sóng vô tuyến, điện thoại mà dùng các phương pháp truyền tin nguyên thủy như đốt lửa làm ám hiệu, cắt cử người làm giao liên giữa các đội quân để phối hợp chiến đấu, nên quân đội Mỹ hầu như không thể bắt sóng, dò mạch đường chính xác đến cơ sở mà Taliban đang ẩn náu.

Cũng trong 10 tháng qua, phi đội Bụi đất 72, Bụi đất 73 dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Hammer đã hơn 50 lần "ăn" đạn ghém từ Taliban, hàng chục máy bay bị hạ hoặc bị hỏng, ước tính thiệt hại kinh tế hơn 700 trăm triệu USD, số lính Mỹ tử trận trên 400 người.

Lỗi lầm nặng nhất mà Hammer mắc phải là ông đã quá nôn nóng  điều quân vào thung lũng tử thần Gamir, sau khi một số phi đội chiến đấu  báo cáo rằng họ đã "ngửi" thấy mùi khói và thấy những túp lều thấp thoáng trong sương mù nằm rải rác, chới với trên các đỉnh và sườn núi Gamir mà phiến quân Taliban đốt, dựng lên.

Khi bình minh vừa rọi những tia nắng đầu tiên của ngày phóng lên những lớp sương mù dày đặc cũng là lúc các phi công, xạ thủ ngái ngủ, hai mắt họ như muốn díp vào với nhau. Chưa kịp đổ quân xuống mặt đất để thực hiện mục tiêu tìm diệt Taliban thì Bụi đất 73 bất ngờ bị "ăn" trọn một "trái" tên lửa vác vai của Taliban phóng vào đuôi làm hỏng hệ thống thủy lực, Bụi đất 73 phải hạ cánh khẩn cấp.

Khi tướng Hammer vừa xô cửa máy bay nhào xuống đất, ông bị dính ngay một viên đạn AK bắn thủng quai hàm, rất may cho ông, Bụi đất 72 đã kịp thời yểm trợ và giải cứu cho Hammer cùng phi đội Bụi đất 73. Nhưng các quân nhân Mỹ, Afghanistan còn ở lại trận địa Gamir đã không thể tìm được bất cứ manh mối nào của quân Taliban sau khi bị phục kích bất ngờ

Phạm Anh Trúc
.
.