George Paque: “Kim Philby” của nước Pháp

Thứ Tư, 02/08/2006, 08:00
Tất cả được bắt đầu từ một lá thư riêng của Tổng thống John Kennedy gửi cho Tổng thống Pháp Charles de Gaulle. Trong đó Tổng thống Mỹ cảnh báo đồng nghiệp Pháp về việc, trong hàng ngũ cao cấp của chính quyền nước này có một điệp viên của điện Kremli.

Thông tin này được biết đến sau khi tại CIA xuất hiện Anatoli Golitsyn, một điệp viên KGB đào ngũ vào năm 1961 từ Helsinki. Sau khi khai ra những điệp viên quí giá nhất của KGB tại Anh như Philby, Burgess và MacLean, Golitsyn đã không quên nhắc tới một nhân vật quan trọng nữa tại Pháp...

Thông điệp của Kennedy ban đầu chủ yếu gây ra sự hoài nghi từ phía Charles de Gaulle. Tướng De Gaulle, vốn có quan điểm không tin tưởng người Mỹ, cho rằng đây chỉ là một hành động gây áp lực từ phía Washington. Dù sao, đại diện của Tổng thống Pháp – tướng De Vosjoli, Giám đốc Cục 2 phụ trách về tình báo của Bộ Tổng tham mưu – cũng được bí mật cử tới Mỹ (ngay cả Bộ Quốc phòng và Đại sứ quán Pháp tại Mỹ cũng không được thông báo). Sau vài cuộc gặp gỡ với Golitsyn và các chuyên viên CIA tại Langley, viên tướng Pháp đã quay trở về nhà với tâm lý kinh hoàng thực sự. Hóa ra không chỉ tại Bộ Quốc phòng, mà ở Quảng trường Dophine (được coi là trụ sở nghiêm ngặt nhất của NATO khi đó tại Paris) từ nhiều năm qua đã có một điệp viên Xôviết ẩn náu. 

Vấn đề là phải rà soát và khoanh vùng để có thể tìm ra được điệp viên này. Dù hợp tác rất nhiệt tình với phía Pháp, nhưng Golitsyn không biết được tên tuổi cụ thể của điệp viên tại Paris. Tên phản bội này khẳng định, đã tận mắt nhìn thấy nhiều tài liệu mật của NATO được điệp viên từ Pháp gửi về cho KGB.

Các chuyên viên Pháp đã tìm cách thử khi đặt trước mặt Golitsyn bản sao 10 tài liệu mật của NATO, trong đó có trộn lẫn một vài tài liệu giả mạo. Golitsyn nhanh chóng lấy ra những bản tài liệu thật và cho biết đã đọc chúng từ hồi còn ở KGB. Thực tế đã khẳng định chắc chắn có một điệp viên Xôviết tại Paris, hơn nữa lại ngay trong trụ sở của NATO.

Trong số 5 đối tượng tình nghi nhất được đưa ra, cái tên George Paque đã được Golitsyn “ngờ ngợ” như từng nghe tại KGB, lại được cơ quan phản gián Pháp tiếp tục nghi ngờ. Xét về mọi khía cạnh, George Paque không phải là con người sẵn sàng làm việc cho Liên Xô. Là một nhà khoa học xuất sắc, một ký giả có uy tín, Paque dù xuất thân từ một gia đình dân thường, nhưng lại có bước thăng tiến chóng mặt về sự nghiệp.

Ông đã tốt nghiệp trường học danh tiếng nhất tại Pháp với người bạn cùng lớp là Georges Pompidou (về sau trở thành Thủ tướng và Tổng thống Pháp). Paque từng tham gia vào cuộc chiến chống phát xít Đức trong những năm lưu vong tại Algeria. Về sau, Paque là quan chức cao cấp tại nhiều bộ khác nhau trong Chính phủ Pháp, trong đó có cả Bộ Quốc phòng. Ông từng nắm ghế lãnh đạo Viện nghiên cứu cao cấp Quốc phòng của Pháp. Sau đó, Paque được bổ nhiệm là lãnh đạo bộ phận báo chí của Đại sứ Pháp tại NATO, một vị trí có thể tiếp cận với những tài liệu bí mật nhất.

George Paque dường như không có những nguyên nhân rõ ràng để KGB có thể tuyển mộ. Ông luôn thể hiện là một tín đồ Thiên Chúa giáo nhiệt thành, một người có tư tưởng chống Cộng, không bao giờ bày tỏ chút cảm tình nào với Liên Xô. Tiền bạc cũng không phải vấn đề ông quan tâm. Khả năng bị cưỡng ép cộng tác lại càng không hợp lý. George Paque là một người đàn ông đứng đắn và mẫu mực trong quan hệ.

Dù sao, Paque và một vài quan chức cao cấp khác của NATO đã được đặt dưới sự giám sát bí mật của phản gián Pháp. Phải một năm rưỡi sau tín hiệu cảnh báo của Golitsyn, công sức của cơ quan phản gián mới được đền đáp. Lúc 9h30’ ngày 10/8/1963, nhân viên chịu trách nhiệm giám sát nhà Paque phát hiện ra đối tượng của mình đi ra ngoài phố. Đây được coi là một hành vi đáng chú ý do Paque vào những ngày cuối tuần thường chỉ ở nhà. Đó là chưa kể việc đối tượng xách theo một chiếc cặp da. Paque lên tàu, đi một đoạn rồi đổi xe buýt tới thị trấn cổ kính Focheroll vào giữa trưa. Tại đây, ông ta cứ đi qua đi lại vẻ nóng lòng như chờ đợi ai đó.

Một khoảng thời gian ngắn sau, các nhân viên giám sát vòng ngoài đã bắt gặp một chiếc xe màu xanh có biển số Paris đang tiến vào Focheroll. Người ngồi sau tay lái chính là Vladimir Khrenov, Bí thư thứ hai cơ quan đại diện Liên Xô tại UNESCO, đồng thời là một sĩ quan KGB mà phản gián Pháp quen mặt. Kế hoạch bắt quả tang sau đó đã không thành công.

Vào đúng thời điểm Khrenov đang cho xe đi chậm để tìm Paque (khi đó đang trú mưa trong quán càphê gần đó), một chiếc xe cảnh sát địa phương có còi hú bất thần lao tới. Nguyên nhân là do có người báo cảnh sát bị mất chiếc xe máy tại đây. Sự trùng hợp tai hại này cũng đủ để cho Khrenov từ bỏ cuộc tiếp xúc, rút nhanh khỏi hiện trường. Dù sao, từng đó cũng đủ để phản gián Pháp khẳng định: Paque chính là điệp viên của KGB.

George Paque bị bắt hai ngày sau đó, khi ông ta bị bắt quả tang mang khỏi nơi làm việc một số tài liệu quan trọng. Mọi thắc mắc sau đó đã được làm sáng tỏ.

Paque bắt đầu làm việc cho Moskva từ năm 1943, sau khi làm quen với cố vấn Aleksander Gluzovski của Đại sứ quán Liên Xô ở Algeria. Những thông tin ban đầu được Paque cung cấp cho KGB chỉ nhằm giúp đỡ Liên Xô (khi đó đang là đồng minh) trong cuộc chiến chống phát xít, đồng thời không gây tổn hại gì cho Pháp. Nhưng khi Chiến tranh lạnh bắt đầu diễn ra cùng với thảm kịch tại Hiroshima trước đó đã khiến Paque phải có sự chọn lựa dứt khoát. Theo ông, khi mà một quốc gia vẫn đang nắm ưu thế vượt trội về quân sự (cụ thể là Mỹ khi đó đang độc quyền về vũ khí hạt nhân) thế giới sẽ không thể bình yên. Paque đã quyết định tiếp tục cộng tác với KGB vì quyền lợi của các nước khác, trong đó có Pháp.

Thế là trong suốt 20 năm sau, Paque vẫn âm thầm cộng tác hết sức hiệu quả với KGB. Ông trở thành nguồn tin đặc biệt có ích với Moskva từ năm 1958, khi có khả năng tiếp cận với những tài liệu bí mật nhất của Bộ Quốc phòng Pháp và NATO. Tầm quan trọng của ông được thể hiện qua việc, tình báo Xôviết còn soạn thảo sẵn một kế hoạch đưa Paque sang Liên Xô nếu ông bị bại lộ.

“Tôi là một người yêu hòa bình – George Paque đã tự bào chữa cho mình như vậy tại phiên tòa xét xử vào tháng 7-1964 – Tôi không yêu thích Liên Xô, nhưng lại tin tưởng chắc chắn rằng, người Mỹ đang là những đối tượng gây chiến nguy hiểm. Nói ngắn gọn là tôi đã quyết định: để tránh được một cuộc xung đột quốc tế, cần phải cân bằng tương quan giữa các thế lực hiện hữu!”.

Tính ra, George Paque đã trao cho KGB rất nhiều tài liệu mật cực kỳ quan trọng như kế hoạch bảo vệ Tây Berlin, sơ đồ phân bố các radar của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, các bản tin bí mật của NATO về châu Phi và Cuba, các kế hoạch phòng thủ theo từng tuyến ở châu Âu trong trường hợp có chiến tranh v.v... Đặc biệt là những thông tin và gợi ý của Paque đã khiến cho Khrutshev đưa ra quyết định xây dựng bức tường Berlin nổi tiếng trong lịch sử, nhằm ngăn chặn hữu hiệu việc bố trí và điều động các đơn vị phương Tây tại khu vực này. 

George Paque đã được phương Tây đánh giá là “điệp viên lớn nhất của Liên Xô bị phát hiện tại Pháp”. Nhiều người còn gọi ông là một “Kim Philby của nước Pháp”. Dù bị kết án chung thân, nhưng George Paque cuối cùng chỉ phải ngồi tù có 7 năm. Nhiều người còn nhận định, có lẽ Geroges Pompidou (lúc đó đã là chủ nhân của điện Élysée) đã quyết định ân xá cho người bạn cũ cùng lớp. George Paque qua đời vào năm 1993

Quỳnh Lai (Tổng hợp)
.
.