Georges Pâques - “Chuột chũi” của KGB

Thứ Hai, 08/10/2018, 12:39
Là một quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng Pháp, làm việc như một Phó giám đốc phụ trách thông tin trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nên chẳng ai có thể ngờ được Georges Pâques lại là “chuột chũi” của Cơ quan tình báo của Liên bang Xô viết (KGB). Cho đến ngày George Pâques bị bắt, sự thật mới được hé lộ.


Bản thú tội 10 trang tiết lộ thân phận một điệp viên 

Ngày 12-8-1963, tại thủ đô Paris, một vụ bắt giữ được tiến hành nhanh chóng ngay bên ngoài trụ sở của NATO nằm gần Quảng trường Dauphine. Người bị ba nhân viên của Cơ quan phản gián Pháp (DST) bắt giữ là một người đàn ông 49 tuổi, tên là Georges Pâques. Theo tờ Libération, Georges Pâques là một “chuột chũi” của KGB hoạt động ở Pháp. Suốt 20 năm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người này đã chuyển cho Liên Xô những thông tin quan trọng từ Bộ Quốc phòng Pháp.

Ngay sau khi bị bắt giữ, Georges Pâques được đưa đến trụ sở của DST nằm trên phố Saussaies. Viên cảnh sát Marcel Chalet là người trực tiếp thẩm vấn Georges Pâques. Sau một hồi im lặng, Georges Pâques yêu cầu đưa giấy bút để viết. Lời thú tội của ông được viết tay trong 10 trang giấy, bắt đầu bằng một gạch đầu dòng và không có tẩy xóa. Mở đầu bản thú tội, ông Georges Pâques viết: "Câu chuyện bắt đầu ở Algiers (thủ đô của Algeria) năm 1944. Trong bốn năm, chúng tôi sống trong một bầu không khí căng thẳng và tâm trí của chúng tôi chỉ đề xuất hai mục tiêu: đánh bại phát xít Đức và xây dựng một thế giới không có chiến tranh. Tôi nghĩ rằng, Liên Xô có một vai trò quan trọng cho chiến thắng này".

Điệp viên Georges Pâques (Ảnh: nato.int).

Theo lời của Georges Pâques, ông sinh năm 1914 tại Chalon-sur-Saône trong một gia đình bình thường. Là một học sinh xuất sắc, năm 1935 Georges Pâques thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm, học cùng lớp với Georges Pompidou (người sau này trở thành Thủ tướng và Tổng thống Pháp). Ra trường, Georges Pâques trở thành giảng viên tại một trường đại học ở Nice (Pháp) rồi tới Rabat (Morocco).

Khi quân đồng minh đổ bộ tới Bắc Phi, ông gia nhập quân đội và đứng trong hàng ngũ của Tướng Giraud ở Algiers. Tháng 3-1944, sau một thời gian làm việc ở Đài Phát thanh kháng chiến, Georges Pâques được bổ nhiệm là Giám đốc Văn phòng Bộ trưởng Bộ Hải quân Louis Jacquinot. Tại đây, ông bàng hoàng khi nghe cấp trên trao đổi kế hoạch việc Mỹ và Anh phối hợp để chống lại Hồng quân Liên Xô. Điều này đồng nghĩa rằng sẽ có một cuộc chiến và Georges Pâques không muốn nó xảy ra.

Ở Algiers, Georges Pâques kết bạn với bác sĩ Imek Bernstein - một cựu thành viên của Lữ đoàn Quốc tế của Tây Ban Nha. Thông qua Imek, Georges Pâques gặp Alexander Gouzovsky - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên Xô tại Algeria. Alexander Gouzovsky là một nhân viên KGB và cũng là một trong 5 người mà Georges Pâques thường xuyên gặp sau này. Hai người nói chuyện rất hợp nhau. Georges Pâques thường kể cho Alexander Gouzovsky nghe những điều mà ông “mắt thấy, tai nghe” bên ngoài hành lang của Bộ Hải quân Pháp.

Theo tờ Libération, hai người đàn ông này thường gặp nhau tại Paris. Georges Pâques lấy làm tiếc khi Pháp là một trong những nước chống lại Liên Xô. Năm 1947, dưới thời cầm quyền của Chính phủ Thủ tướng Pháp Paul Ramadier, chủ nghĩa cộng sản tan vỡ đánh dấu mốc mới cho sự hợp tác của Georges Pâques với Alexander Guzovsky. Guzovsky yêu cầu Georges Pâques cung cấp tài liệu. 

Vào thời điểm đó, Georges Pâques đang là cố vấn cho Văn phòng bộ trưởng nên không có quyền truy cập vào các tài liệu mật. Do vậy, ông đã cung cấp cho “người bạn” của mình tiểu sử của các chính khách Pháp, tổng cộng hơn 200 người, cùng với những phân tích về vị trí quân sự cũng như của Chính phủ Pháp trong cuộc xung đột Đông - Tây.

Georges Pâques đã dần dần bị sa vào tay của KGB. Khi anh ta nhận ra điều đó thì đã quá muộn. Bản thân Georges Pâques khi đó cũng có nhiều mâu thuẫn, lúc thì tự cao tự đại với bản thân, lúc lại cảm thấy thất vọng và có lúc muốn thực hiện một sứ mệnh cao cả nhằm ngăn chặn cuộc chiến giữa Liên Xô và phương Tây.

"Từ khi bắt đầu sự nghiệp, ông ta cảm thấy rằng mình có năng lực tốt hơn các bộ trưởng. Tuy nhiên, ông ta chưa bao giờ giữ chức vụ cao trong Bộ Ngoại giao Pháp. Vì vậy, ông quyết định ở lại trong bóng tối”, Pierre Assouline - tác giả cuốn tiểu thuyết về siêu điệp viên này giải thích.

Từ năm 1955, sự nghiệp của Georges Pâques có bước ngoặt mới. Georges Pâques trở thành Phó giám đốc Cơ quan trung ương về tư liệu và thông tin (BDCI) - một cơ quan chịu trách nhiệm hài hòa chính sách của Pháp với các nước Arab. Vị trí này cho phép George tiếp cận những tài liệu mật.

Sự nghiệp của Georges Pâques lên đến đỉnh cao sau sự trở lại của Tướng De Gaulle năm 1958. Ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc phụ trách thông tin ở Cơ quan Tham mưu về an ninh quốc gia, sau đó là Giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp quốc phòng của Pháp. Năm 1962, Georges Pâques được bổ nhiệm là lãnh đạo bộ phận báo chí của Đại sứ Pháp tại NATO, một vị trí có thể tiếp cận với những tài liệu bí mật nhất. Từ đây, George Pâques có thể nhận ra mục đích của mình. 

“Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của tôi là thông tin cho những người bạn Liên Xô biết mưu đồ xâm lược của người Mỹ. Nhưng tôi cũng sẵn sàng làm việc cho Tướng De Gaulle nhằm xây dựng một châu Âu hùng mạnh để trở thành cầu nối giữa Mỹ và Liên Xô”, ông nói.

Ông Georges Pâques (bìa trái) trong cuộc họp báo với Phó tổng thư ký NATO Colonnia Di Paliano. (Ảnh: nato.int).

Cứ hai tuần một lần, Georges Pâques bí mật gặp nhân viên KGB ở Paris hoặc ở vùng ngoại ô. Tại đây, anh ta giao cho KGB chiếc cặp đựng tài liệu tối mật. Để hỗ trợ việc chụp tài liệu, KGB đã cung cấp nhiều loại máy ảnh khác nhau nhưng Pâques không biết cách sử dụng chúng đúng cách. Vì vậy, các điệp viên Liên Xô phải hướng dẫn Georges Pâques. Chỉ sau vài giờ, điệp viên Georges Pâques đã sử dụng thành thạo các loại máy ảnh trên. 

Trong số những thông tin quan trọng mà Georges Pâques chuyển cho KGB sau này có kế hoạch bảo vệ Tây Berlin, sơ đồ phân bố các radar của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, các bản tin bí mật của NATO về châu Phi và Cuba, các kế hoạch phòng thủ theo từng tuyến ở châu Âu trong trường hợp có chiến tranh...

Bị lộ vì kẻ đào tẩu

Tháng 12-1961, một nhân viên tình báo KGB tên là Anatoli Golitsyn đào tẩu tới Helsinki (Phần Lan). Anh ta sau đó xin tị nạn tới Mỹ. Sau khi khai ra những điệp viên quý giá nhất của KGB tại Anh như Philby, Burgess và MacLean, Golitsyn đã không quên tiết lộ với CIA rằng, những tài liệu mật của NATO đã bị rò rỉ từ Paris tới Moscow.

Tổng thống Mỹ John Kennedy ngay lập tức thông báo cho Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, trong đó cảnh báo có một điệp viên của Điện Kremlin nằm trong hàng ngũ cao cấp của chính quyền nước này. Tướng De Gaulle, vốn có quan điểm không tin tưởng người Mỹ, cho rằng đây chỉ là một hành động gây áp lực từ phía Washington. Dù sao, đại diện của Tổng thống Pháp – Tướng De Vosjoli, Giám đốc Cục 2 phụ trách về tình báo của Bộ Tổng tham mưu – cũng được bí mật cử tới Mỹ. 

Bài viết “Bí mật điệp viên ở NATO” đăng trên báo Daily Express số ra ngày 25-9-1963. (Ảnh: nato.int)

Sau vài cuộc gặp gỡ với Golitsyn và các chuyên viên CIA tại Langley, viên tướng Pháp đã quay trở về nhà với tâm lý kinh hoàng thực sự. Hóa ra không chỉ tại Bộ Quốc phòng, mà ở Quảng trường Dophine (được coi là trụ sở nghiêm ngặt nhất của NATO khi đó tại Paris) từ nhiều năm qua đã có một điệp viên Xôviết ẩn náu.

Tình báo Pháp quyết định giăng lưới bủa vây. 200 người nằm trong diện nghi ngờ, sau đó được loại dần còn 4 người, trong đó có cả Georges Pâques. Tuy nhiên, cuộc điều tra chỉ dừng ở đó.

Phải đến gần 2 năm sau, ngày 4-8-1963, viên cảnh sát Chalet mới đón nhận một tin tốt khi nguồn tin tình báo khẳng định, Pâques chính là điệp viên làm việc cho KGB. 4 ngày sau, tình báo Pháp quyết định bắt giữ Georges Pâques khi ông ta đến Feucherolles (Yvelines) để gặp Vladimir Khrenov, Bí thư thứ hai Cơ quan đại diện Liên Xô tại UNESCO, đồng thời là một sĩ quan KGB mà phản gián Pháp quen mặt. Tuy nhiên, kế hoạch cất lưới đã không thành công.

Theo Libération, vào đúng thời điểm Khrenov đang cho xe đi chậm để tìm Pâques (khi đó đang trú mưa trong quán cà phê gần đó), một chiếc xe cảnh sát địa phương hú còi bất thần lao tới. Nguyên nhân là do có người báo cảnh sát bị mất chiếc xe máy tại đây. Sự trùng hợp tai hại này cũng đủ để cho Khrenov từ bỏ cuộc tiếp xúc, rút nhanh khỏi hiện trường. Dù sao, từng đó cũng đủ để phản gián Pháp khẳng định: Pâques chính là điệp viên của KGB.

George Pâques bị bắt hai ngày sau đó, khi đang mang khỏi nơi làm việc một số tài liệu quan trọng.

Sáng tỏ

Phiên tòa xét xử Georges diễn ra vào tháng 7-1964 tại Tòa án an ninh quốc gia. Trong lời biện hộ được nhà báo Roland Bochin tường thuật lại trên tờ Le Figaro, Georges Pâques nói: “Tôi đã gặp rủi ro lớn, thậm chí là sự hy sinh cao cả, để duy trì hòa bình…. Tôi chỉ nghĩ đến điều tốt đẹp cho nước Pháp. Tôi không phải là một điệp viên của Liên Xô. Người Nga không là gì đối với tôi”.

Điều mà nhiều người khó hiểu là xét về mọi khía cạnh, Georges Pâques không phải là con người sẵn sàng làm việc cho Liên Xô. Ông luôn thể hiện là một tín đồ Thiên Chúa giáo nhiệt thành, một người không bao giờ bày tỏ chút cảm tình nào với Liên Xô. Tiền bạc cũng không phải là vấn đề ông quan tâm. Khả năng bị cưỡng ép cộng tác lại càng không hợp lý. Georges Pâques là một người đàn ông đứng đắn và mẫu mực trong quan hệ. “Không phải vì tiền, không phải vì ý thức hệ cũng không phải vì tình. Nếu ông ta làm tình báo cho chế độ cộng sản, đó là bởi chủ nghĩa hòa bình và tư tưởng chống Mỹ”, tác giả Pierre Assouline khẳng định.

Bản thân Georges Pâques cũng thừa nhận trước tòa rằng, chính trị dường như ít tác động tới ông hơn là tư tưởng tinh thần. "Tôi không phải là một người theo chủ nghĩa Mác. Nhưng tôi vẫn có những cảm xúc của một con người và tôn giáo. Tôi có sự ác cảm đối với Mỹ. Người Anglo-Saxon đã xâm lược châu Phi, tôi nghĩ rằng cần một đối thủ đối trọng với họ, và Liên Xô chính là đối tượng phù hợp”, ông giải thích trước tòa án.

Georges Pâques bị kết án tù chung thân nhưng chỉ ngồi tù 7 năm. Năm 1970, ông được trả tự do. Nhiều người còn nhận định, có lẽ Geroges Pompidou (lúc đó đã là chủ nhân của điện Élysée) đã quyết định ân xá cho người bạn cũ cùng lớp.

Nhiều chuyên gia tình báo cho rằng, nếu như Georges Pâques không bị lật tẩy, có lẽ những điệp viên khác của Liên Xô cũng không bao giờ bị lộ. Theo Le Figaro, trong những năm 1950, KGB đã có hơn 10 nguồn tin từ nước Pháp. Có thể kể đến Anna - người đã làm việc trong quân đội Mỹ đóng tại Orleans, hay "Mr. P." -một cựu chiến binh trở thành điệp viên của Cơ quan tình báo Pháp (DGER), tiền thân của Cơ quan tình báo bên ngoài nước Pháp (SDECE), cũng như một loạt “chuột chũi” khác trong DGER.

Georges Pâques qua đời vào năm 1993 tại Paris, thọ 79 tuổi. Trên trang web chính thức của cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR), tên của Georges Pâques xuất hiện cùng với những tên tuổi lớn khác. Georges Pâques đã được phương Tây đánh giá là “điệp viên lớn nhất của Liên Xô bị phát hiện tại Pháp”. Nhiều người còn gọi ông là một “Kim Philby của nước Pháp”.

Yên Phúc (theo Le Figaro, Libération)
.
.