Giấc mơ kỳ lạ của Hoàng hậu Nga cuối cùng về thảm kịch Khodynka

Thứ Sáu, 19/08/2016, 22:15
Hoàng hậu cuối cùng của nước Nga được trời phú cho khả năng thấy trước được tương lai, có thể nghiệm ra được cái chết của bản thân và những người trong gia đình qua những giấc mơ, tuy nhiên Alexandra Fedorovna lại bất lực hoàn toàn trong việc thay đổi sự sắp đặt khắc nghiệt của số phận.

Đã có quá nhiều tài liệu ghi chép trong lịch sử lẫn giai thoại trong dân gian về Nicolai II, Sa hoàng cuối cùng của đế quốc Nga thời phong kiến; nhưng đối với Hoàng hậu Alexandra Fedorovna, dường như có quá ít những dòng ghi chép về bà, một hoàng hậu Nga nhưng là cháu trực hệ của Nữ hoàng Anh Victoria. Được truyền tụng là một hoàng hậu có lối sống mẫu mực, một người vợ và người mẹ lý tưởng.

Hoàng hậu Alexandra Fedorovna cùng chồng trong một chuyến đi săn.

Hoàng hậu cuối cùng của nước Nga được trời phú cho khả năng thấy trước được tương lai, có thể nghiệm ra được cái chết của bản thân và những người trong gia đình qua những giấc mơ, tuy nhiên Alexandra Fedorovna lại bất lực hoàn toàn trong việc thay đổi sự sắp đặt khắc nghiệt của số phận.

Điển hình nhất là giấc mơ đầy máu mà bà mơ thấy trước ngày thành hôn chính là điềm báo cho lễ đăng quang tang tóc của Sa hoàng cuối cùng vào ngày 18-5-1896, một thảm kịch xảy ra trên cánh đồng Khodynka, ngoại vi Moskva.

Công chúa Victoria Helene Luisa Beatrice Hesse-Darmstadt, em họ của Hoàng đế nước Đức Wilhelm II, là con của Công chúa Alice, con gái của Nữ hoàng Anh  Victoria. Đầu những năm 1900, Nga hoàng Nikolai Alexandrovich Romanov bị sắc đẹp của nàng công chúa này chinh phục hoàn toàn. Mặc dù đa số thành viên hoàng gia hai nước đều không chấp nhận tình yêu này nhưng hai người vẫn quyết định thành hôn.

Tuy lớn lên ở Anh và là người theo đạo Tin lành nhưng tình yêu dành cho chồng đã biến bà thành một hoàng hậu Nga đúng nghĩa. Là người có cá tính mạnh mẽ, trí tuệ sắc sảo, Sa hoàng Nikolai II luôn tin tưởng vào những ý kiến và trực giác tinh nhạy của Hoàng hậu Alexandrea Fedorova và trong nhiều việc, ông sẵn lòng làm theo ý vợ. Bản tính của hai người tuy có khá nhiều điểm khác nhau, nhưng họ luôn cố gắng bù đắp cho nhau vì thế mà hai người đã sống trọn đời bên nhau trong sự hòa hợp và thấu hiểu.

Nicolai II cùng Hoàng hậu bên con gái đầu lòng, Đại Công nương Olga Nikolaevna, tháng 11-1895.

Sau khi sinh con, bà dồn hết tâm sức để chăm chút cho con, tự tay cho con ăn, tắm cho chúng, chọn nhũ mẫu cho con và luôn luôn có mặt trong phòng của các bé dù đã có các gia sư kèm cặp. Khi các con lớn lên, hoàng hậu luôn dành phần lớn thời gian để chỉ dạy cho các con và cùng các con bàn luận về những chủ đề mang tính thế sự.

Hoàng hậu còn dành thời gian rảnh rỗi cho việc thêu thùa, khâu vá hoặc hội họa, bà đặc biệt thích vẽ những bức tranh nhỏ mô tả phong cảnh nước Nga với gam màu bàng bạc nỗi buồn. Trong Thế chiến thứ I, bà còn cùng hai công chúa đến làm việc trong các bệnh viện quân đội như những y tá bình thường.

Với dung mạo phúc hậu và phong thái uy nghi của một bậc mẫu nghi, rất ít người biết về chuyện khi mới tròn bốn tuổi, công chúa Victoria Helene Luisa đột nhiên rơi vào trạng thái mê man. Các thái y khi được vời đến đã chứng kiến cảnh công chúa nhỏ vài ba lần lên cơn co giật, đôi mắt nhắm nghiền nhưng từ trong miệng thỉnh thoảng lại thốt ra những lời nói kỳ lạ không ai hiểu nổi.

Trước khi đến Nga làm lễ thành hôn cùng Sa hoàng Nikolai II, hoàng hậu tương lai lại trải qua một cơn co giật mê sảng như thế. Trong cơn mê, Alexandra nhìn thấy người chồng tương lai của mình đầu đội vương miện và mặc áo bào dài trắng muốt, xung quanh có rất đông kẻ hầu người hạ. Nhà vua ngồi vào cỗ xe tứ mã thếp vàng, khi ông vung roi điều khiển những con ngựa, chúng tung vó nhảy lồng lên rồi xông thẳng về phía những người đi đường, để lại phía sau cỗ xe những vệt máu loang dài.

Trong lúc Sa hoàng đang chật vật ghìm cương ngựa nhưng cỗ xe vẫn lồng lộn lao về phía trước, bỗng nhiên có hai người xuất hiện đứng ra ngáng đường nhà vua: một cô gái trẻ đầu choàng khăn voan trắng và một người đàn ông mặt dài như lưỡi cày có bộ râu quai nón rậm rạp, mặc chiếc áo dệt bằng thứ vải thô kiểu như nông dân. Ghê sợ nhất là đôi mắt người đàn ông mang ánh nhìn vừa hoang dại vừa đầy thú tính.

Về sau này, Hoàng hậu Alexandra Fedorovna đã được gặp lại cô gái trong giấc mơ, đó chính là Anna Taneeva, vị phu nhân trở thành một trong những người thân cận nhất bên bà. Còn người đàn ông có đôi mắt hoang dại chính là Grigori Rasputi, gã đạo sĩ vì biết dùng tà thuật chữa khỏi chứng máu không đông cho hoàng tử út mà được Sa hoàng Nicolai II vô cùng sủng ái.

Lễ đăng quang của Sa hoàng Nikolai II và Hoàng hậu Alexandra.

Còn giấc mơ nhìn thấy người chồng tương lai đầu đội vương miện bước lên cỗ xe tứ mã thếp vàng chính là giấc mơ tiên báo ngày đăng quang của Thái tử Nicolai. Tháng 5-1896, sau khi vua cha Aleksandr III qua đời, Nikolai lên nối ngôi. Giống như các tiên đế, ông được xem là "đệ nhất tín đồ của Chính Thống giáo nước Nga".

Vì vậy, lễ đăng quang của Sa hoàng Nicolai II được tổ chức trọng thể tại Đại giáo đường Upensky trong khuôn viên điện Kremli. Khi đó, cho dù triều đình Nga đóng đô tại Saint Petersburg và Hoàng gia Nga ngụ trong Cung điện Mùa Đông, nhưng các Sa hoàng vẫn tổ chức lễ đăng quang tại Đại giáo đường Upensky (thường được gọi bằng tên Nhà thờ Cái chết của Đức Mẹ Đồng Trinh) ở Moskva, dưới sự chỉ đạo của Thượng phụ. Điều này thể hiện Chính Thống giáo Đông phương đã lưu truyền qua các thế hệ Hoàng gia Nga.

Ngày 18-5-1896, lễ hội chào mừng Nga hoàng Nicholas II vừa lên ngôi được tổ chức trên cánh đồng Khodynka (ngoại vi Moskva) với bố cáo: Bữa yến tiệc mở ra dành thết đãi tất cả người dân Nga đến dự. Chỉ đơn giản là mọi người dự tiệc sẽ được thỏa sức no say nhưng tin đồn nhanh chóng loan xa và còn được thêm thắt rằng, tân Sa hoàng sẽ ban phát "ân huệ" là những món quà có giá trị.

Vào đêm diễn ra "đại yến", hàng trăm ngàn người dân, phần lớn trong số đó là những người khố rách áo ôm, những gia đình nông dân kiệt quệ vì đói khát ùn ùn kéo về kín đặc cả cánh đồng trong niềm háo hức được diện kiến người nắm uy quyền và sang giàu tột đỉnh. Họ mòn mỏi đợi chờ nhưng không hề thấy bóng dáng vị tân vương...

Nạn nhân trong thảm kịch Khodynka.

Thế rồi khi các thành viên trong ban tổ chức lễ hội xuất hiện với đoàn xe chở theo "những món quà quý ban phát cho thần dân", trong đám đông ô hợp lan ra tin đồn: sẽ không có đủ quà để chia cho tất cả mọi người. Đám đông 500.000 con người ùn lên xô đẩy, giẫm bừa lên nhau, tiếng phụ nữ trẻ con la khóc vang động cả cánh đồng. 1.800 cảnh sát và kỵ binh không thể ngăn được làn sóng tranh cướp chen lẫn hoảng loạn của biển người chèn ép nhau không thương tiếc để mong giành cho mình món quà giữa thời khốn khó.

Kết quả là 1.389 người bị giẫm chết, phần lớn trong đó là phụ nữ, người già và 1.300 người khác bị thương. Thực tế "món quà quý giá" mà mọi người đồn thổi chỉ là một ổ bánh mì, bánh quy gừng cùng một ít xúc xích và một vại bia. Một cái giá quá đắt để trả cho những nạn nhân phải bỏ mạng vì món quà "quý giá" đến như vậy.

"Đại yến" cho lễ mừng Sa hoàng Nikolai II lên ngôi biến thành thảm kịch đen tối trong lịch sử nước Nga. Người dân nghèo không ngớt nguyền rủa Nicolai II vì cho rằng ông chính là nguyên nhân gây ra thảm kịch Khodynka nên từ đó Nicolai II còn được gắn cho biệt danh "Sa hoàng khát máu" (Bloody Tsar). Vào thời điểm đó, văn hào Konstantin Balmont đã đưa ra lời tiên tri: "Kẻ nào lên ngôi với Khodynka, kẻ đó sẽ kết thúc trên đoạn đầu đài". Lời tiên tri đó sau này đã trở thành sự thật.

Triều đại của Sa hoàng Nicolai II đúng là triều đại đầy sóng gió. Trong cuộc Chiến tranh Nga-Nhật (1904 - 1905), đế quốc Nga bại trận và mất rất nhiều đất đai. Nicolai II còn tuyên chiến với Đức năm 1914, ra lệnh tổng động viên quân đội Nga vào tháng 8-1914, đẩy nhân dân Nga vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ I. Đại quân Nga liên tiếp thảm bại khi tham chiến cùng liên quân Anh, Pháp chống lại Đức- Áo-Hung. Đến giữa năm 1915, hậu quả của cuộc chiến tranh đã làm nước Nga kiệt quệ. Lương thực và nhiên liệu khan hiếm trầm trọng, phẫn uất dân cao trong những gia đình có người thân tham chiến bị thương vong và nạn lạm phát nhảy vọt.

Những cuộc đình công liên tục diễn ra đã khiến chế độ của Sa hoàng cuối cùng không còn lý do gì để có thể tồn tại. Một người phục vụ trong nhóm thái y của gia đình Nicolai II khi vương triều tan rã đã quay về quê nhà ở Ekaterinburg và kể lại: Cách mạng tháng 2-1917 giành thắng lợi, Nicolai II buộc phải thoái vị nhường quyền điều hành nước Nga cho Chính phủ tư sản lâm thời. Ông và gia đình bị giam lỏng tại cung điện Alexander ở Hoàng Thôn.

Trong thời gian này, Hoàng hậu Alexandra Fedorona tiết lộ cho quan thái y (người sau này đã chết cùng gia đình Nicolai II) về giấc mơ mơ thấy bà và Sa hoàng bị một vật sắc nhọn hơn cả thanh kiếm đâm vào người. Vật sắc nhọn này cướp đi tính mạng của cả gia đình khi hai người cùng những tôi tớ thân tín nhất cùng nhau mò mẫm trong một căn phòng kín như bưng. 

Giấc mơ khủng khiếp này cũng chính là đoạn kết đầy bi thảm trong đời thực của mối tình đẹp như thơ giữa nàng công chúa nước Đức và Sa hoàng Nga cuối cùng.

Quang Hiếu (theo Tuyệt mật)
.
.