50 năm sau “Ngày thứ Bảy đen tối” 27-10-1962:

Giấc mơ về một thế giới phi hạt nhân

Thứ Tư, 24/10/2012, 03:15

Tháng 10/1962, nhân loại đã từng đứng bên bờ vực tận thế, đó là 13 ngày trong sự kiện cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 - đặc biệt là “ngày thứ bảy đen tối” – 27/10/1962, khi mà quyết định ấn nút phóng hạt nhân của 2 siêu cường chỉ còn tính bằng phút.

Bức thư từ Cuba

Nhà sử học Mỹ nổi tiếng Arthur M Schlesinger đã gọi đó là thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại. Mở đầu “ngày thứ bảy đen tối” này là bức thư khẩn từ Sứ quán Liên Xô ở Cuba và kết thúc là bức thư của Tổng thống Mỹ J.F Kennedy gửi từ Nhà Trắng cho lãnh tụ Liên Xô khi ấy Là Nikita Khrutsev.

Giữa hai thời điểm gửi hai bức thư đó (mà mỗi bức vẻn vẹn không quá 200 từ, bức thư của N.Khrutsev phát trên đài phát thanh còn ngắn hơn), là một loạt các sự kiện nối tiếp nhau căng thẳng, như rót thêm dầu vào lửa, thử thách các bộ óc chiến lược của hai siêu cường. Đó là việc các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô đã tiến đến gần các trận địa tên lửa; chiếc máy bay do thám U-2 bị bắn rơi phía đông Cuba; các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô và Mỹ đã hướng vào nhau; các lực lượng phòng không Cuba bắn rơi máy bay trinh sát Mỹ ở tầng thấp; Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã hoàn tất kế hoạch tổng tấn công Cuba; các tên lửa hạt nhân chiến thuật đã tiến sát 15 dặm gần căn cứ Guantanamo; các máy bay ném bom chiến lược B-52 mang bom hạt nhân đã tiến đến biên giới Liên Xô, chỉ còn 2 giờ bay nữa là đến Moskva v.v...

Sau này, các nhà chiến lược sẽ phải rùng mình khi hiểu rằng, chỉ cần một trong các yếu tố trên được xử lý sai (thậm chí một sơ suất trong hệ thống báo động) thì ngay lập tức sẽ là những đòn hạt nhân đáp trả lẫn nhau giữa hai siêu cường.

Lúc 2h sáng ngày thứ bảy, 27/10, Chủ tịch Fidel điện thoại cho Đại sứ Liên Xô Allekseev, yêu cầu một cuộc gặp khẩn, ngay sau khi gặp Fidel, Đại sứ Alekseev đi đến phòng điện báo mật mã, và gửi đi bức điện tối mật: "Chủ tịch Fidel đang ngồi cùng chúng tôi và có bức thư khẩn gửi N.Khrutsev ngay bây giờ. Theo những thông tin tình báo phía Cuba có được thì, một cuộc tấn công của Mỹ lên lãnh thổ Cuba là không tránh khỏi và sẽ diễn ra trong vòng 24 đến 72 giờ tới, Alekseev".

Lúc 3h sáng ngày thứ bảy, 27/10/1962, bức thư của Chủ tịch Fidel đã đựơc gửi cho Tổng bí thư N.Khrutsev. Bức thư ngắn này đã đưa ra 2 kịch bản có thể xảy ra khi Mỹ tấn công Cuba

Người Mỹ và người Nga làm gì buổi sáng thứ Bảy 27/10?

6h sáng ngày 27/10/1962, Nhà Trắng nhận được thông tin, 6 trận địa tên lửa hạt nhân của Cuba đã sẵn sàng, có nghĩa là các thành phố dọc bờ biển phía đông, bao gồm cả Washington và New York, có thể sẽ là mục tiêu của các dàn tên lửa từ Cuba trong vòng 10 phút. Từ Phòng tình huống, lệnh báo động được ban bố khắp nước Mỹ, với 576 máy bay chiến đấu sẵn sàng cất cánh, 5 biên đội tiêm kích luôn bay trên trời đề phòng các máy bay ném bom cất cánh từ Cuba, 183 chiếc khác trong trạng thái sẵn sàng cất cánh.

Theo kế hoạch của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - 150.000 quân đã sẵn sàng để đổ bộ lên Cuba. Nhưng Mỹ cũng hiểu rằng, phía bên kia cũng sẵn sàng không kém, con tàu Groznyu (tên thủ đô Cherchen) đã tiến gần bờ biển Mỹ, 5 chiếc RB-47 thuộc Không đoàn Trinh sát chiến lược số 55 được lệnh theo sát hải trình con tàu.

Tổng Bí thư N.Khrutsev và Tổng thống Kennedy.

Tình hình trở nên phức tạp hơn, khi vào lúc 6h37’, chiếc RB-47 do Thiếu tá William Britton và 3 nhân viên khác điều khiển khi cất cánh đã gặp nạn, cả tổ bay đều thiệt mạng, do vậy nhiệm vụ theo sát con tàu đã được trao lại cho hải quân.

9h27’ ngày thứ bảy, Tổng thống đến Phòng bầu dục để gặp các thành viên Hội đồng an ninh. Tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân đã trình bày kế hoạch sẵn sàng phóng tên lửa hạt nhân của Mỹ. Theo kế hoạch này, 2.258 quả tên lửa và các máy bay ném bom chiến lược mang 3.423 quả bom hạt nhân, ném xuống 1.077 mục tiêu trên lãnh thổ Liên Xô. Vốn không phải là nhà quân sự, Tổng thống J.F Kennedy hỏi Lầu Năm Góc, nếu một quả tên lửa hạt nhân vượt qua lá chắn hạt nhân và rơi xuống đâu đó gần Washington thì sẽ có bao nhiêu người chết? Câu trả lời là  600.000! Tổng thống lắc đầu và nói: “Nó bằng cả cuộc nội chiến”.

Lúc 10h12’, chiếc U-2 do Rudolph Anderson điều khiển bay ngang qua quần đảo Cuba. Thật bất ngờ, vào lúc 10h18’, từ phòng mật mã, người ta nhận được bức điện của N.Khrutsev, nói rằng: Liên Xô sẽ rút tên lửa khỏi Cuba nếu Mỹ rút hết tên lửa Jupiter khỏi Thổ Nhĩ Kỳ! (Hệ thống tên lửa Jupiter đóng tại căn cứ Cigli Air Base, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mang 1,44 megaton hạt nhân, mạnh gấp 100 lần quả bom hạt nhân thả ở Hiroshima và có thể bay đến Moskva trong vòng 7 phút. Các tên lửa Jupiter được lắp đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trước đó 5 ngày (ngày 22/10/1962). Các thành viên Hội đồng an ninh rất bối rối. Tổng thống Kennedy thì cho rằng sẽ có một bức thư số 2 của N.Khrutsev. Quả đúng như vậy, lúc 10h30’, bức thư số 2 của N.Khrutsev đã tới thông qua Đài Phát thanh Moskva.

11h19’, chiếc máy bay U-2 của Mỹ bay trên bầu trời Cuba bị bắn hạ, phi công Anderson thiệt mạng.

Tướng Cutis LeMay,  Tham mưu trưởng Không quân và các tướng diều hâu khác cố thuyết phục tổng thống tái lắp bom nhiệt hạch cho máy bay F-100 Super Sabre để sẵn sàng tấn  công 37 mục tiêu sâu trong lãnh thổ Liên Xô. Trong lúc đó, tại Chỉ huy sở Tập đoàn Không quân số 8 ở Hawaii đang là  5 giờ 46 phút và hàng chục máy bay ném bom B-52 đeo bom hạt nhân đã cất cánh hướng về lãnh thổ Liên Xô. Khi Hội đồng An ninh Mỹ sắp nhóm họp thì máy bay B-52 trên độ cao 13 dặm, đã tiến sát biên giới Liên Xô.

Lúc 17h27’, Bộ chỉ huy Tập đoàn Không quân số 8 lệnh  60 chiếc B-52 sẵn sàng tấn công các mục tiêu trong lãnh  thổ Liên Xô, 183 chiếc B-47 khác sẵn sàng cất cánh đánh phá các mục tiêu trong vòng 15 phút, tổng số 136 tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn hạt nhân đã sẵn sàng.

Máy bay săn tàu ngầm P-2H Neptune của Mỹ bay phía trên tàu chở hàng  Kasimov của Liên Xô.

Trong khi đó 2 chiếc B-52-Stratorforness, mang theo mỗi chiếc 4 dàn bom hạt nhân Mark-28-với sức nổ 1,1 megaton (bằng 70 lần quả bom ném xuống Hiroshima) cất cánh từ sân bay Carswwell, bang Texas,  bay qua Đại Tây Dương tiến vào bờ biển phía nam Italia và Tây Ban Nha rồi tiếp dầu trên không, sau đó vòng qua Nam Tư, Hy Lạp, và chỉ 2 giờ bay nữa là đến Moskva để tấn công 6 mục tiêu ở Moskva, mỗi mục tiêu sẽ “hứng” 4 trái bom tương đương 25 triệu kg TNT - gấp 5 lần tổng số bom đạn đã thả trong Thế chiến II. Cả tổ bay căng thẳng chờ bức điện mật nếu Tổng thống phát lệnh tấn công, bức điện khẩn chỉ có 6 ký tự bằng con số hoặc chữ cái sẽ được phát đi, và chỉ vài phút sau, các trái bom sẽ rơi xuống thủ đô Moskva.

Lúc 15h2’, Đài Phát thanh Cuba thông báo trên toàn quốc các nguy cơ chiến tranh. Tại Washington, lúc 16 giờ, Hội đồng an ninh nhóm họp và Tổng thống Kennedy lại nêu vấn đề các đề nghị trong bức thư của N. Khrutsev, về thỏa thuận rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc rút tên lửa Liên Xô khỏi Cuba.

Lúc 17h59’, tình báo Mỹ phát hiện 4 chiếc tàu ngầm của Liên Xô đã có mặt cách căn cứ Hải quân của Mỹ 200-400 hải lý. Lập tức các lực lượng săn tàu ngầm của Mỹ hoạt động hướng về phía các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô.

Sau nhiều giờ tranh luận, lúc 21h30’, Tổng thống và Hội đồng An ninh Mỹ đã thống nhất nội dung bức thư trả lời N.Khrutsev. Lúc 20h5’, Đại sứ Liên Xô đã được đại diện phía Mỹ trao bức thư của Tổng thống Kennedy kèm theo những lời giải thích cam kết sẽ triệt thoái tên lửa Jupiter từ Thổ Nhĩ Kỳ sau đó 4-5 tháng để tránh phản ứng của NATO. Phía Mỹ đề nghị N.Khrutsev trả lời trong ngày chủ nhật.

10h sáng chủ nhật (giờ Moskva – 2h sáng giờ New York), N.Khrutsev triệu tập cuộc họp Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao để thảo luận về bức thư của Kennedy. Ngay lúc đó, từ Văn phòng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Semyon Ivanov thông báo rằng, theo tin tình báo, dự kiến 9h ngày chủ nhật Tổng thống  Kennedy sẽ có bài phát biểu quan trọng trên truyền hình. Theo thông lệ, khi Tổng thống Mỹ xuất hiện trên tivi bất thường thì đó sẽ là tuyên bố về tình trạng chiến tranh hoặc một vấn đề rất quan trọng. N.Khrutsev lập tức yêu cầu thảo bức thư trả lời đồng ý với các phương án rút tên lửa của hai bên.

Lúc 17h, giờ Moskva, (9h sáng giờ Washington), phát thanh viên nổi tiếng Yuri Levital, người chuyên đọc các tin trọng đại như tuyên bố bắt đầu chiến tranh với  Đức, ngày chiến thắng, cái chết của Stalin - đã đọc trên đài phát thanh Moskva - toàn văn bức thư của N.Khrutsev gửi Kennedy. Kennedy lập tức trả lời và đánh giá cao bức thư của N.Khrutsev.

Tuy  nhiên, lúc 9h chủ nhật, giờ Washington, trên truyền hình Mỹ không hề có bài phát biểu của Kennedy, chỉ có băng ghi lại bài nói của Kennedy ngày 22/10. Liệu có phải N.Khrutsev đã nhận được tin  tình báo  sai từ hệ thống tình báo của mình, hay phía Mỹ đã thay đổi chương trình sau khi nhận được thư của N.Khrutsev? Chỉ biết rằng, lúc đó nhân loại đã lướt qua bên cạnh nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt!

Giấc mơ về một thế giới phi hạt nhân

50 năm trước, số phận của thế giới bị đe dọa chỉ bởi quyết định đúng hay sai của hai con người - đứng đầu hai cường quốc hạt nhân, mặc dù mỗi bên đều có hệ thống Hội đồng an ninh - tham mưu, nhưng quyền quyết định là của họ, và thực chất, chiếc kim đồng hồ đã nhích gần thời điểm hủy diệt thế giới. Vào phút cuối, hai nguyên thủ đã tìm được cách tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh hạt nhân gần như đã sắp bắt đầu.

Sau 50 năm từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tháng 10/1962, thế giới lại chứng kiến một cục diện đe dọa an ninh hạt nhân mới. Ngoài 5 nước trong câu lạc bộ hạt nhân - đã có thêm 4 nước khác sở hữu vũ khí hạt nhân, đó là  Ấn Độ (1974), Pakistan (1998), Israel, CHDCND Triều Tiên và bây giờ là Iran. Suốt 50 năm qua, trước sức ép của thế giới, các cường quốc hạt nhân đã ký kết nhiều hiệp ước cắt giảm số đầu đạn hạt nhân, nhưng đến nay số lượng đầu đạn  hạt nhân vẫn đủ sức phá hủy nhiều lần toàn thế giới.

Các chuyên gia ước tính Nga có 14.000 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ dự trữ 5.113 đầu đạn hạt nhân, với 2.700 quả được lắp đặt sẵn (theo công bố của chính quyền Obama ngày 3/5/2010). Ở Anh, Ngoại trưởng William Hague phát biểu trước Quốc hội và đưa ra con số không quá 225 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc có 250. Trong khi đó Ấn Độ có khoảng 100 đơn vị hạt nhân, Pakistan là 30-50, CHDCND Triều Tiên có khoảng 10 đơn vị và đang sản xuất tiếp.

Ngày 29/8/2012, kỷ niệm 3 năm Ngày Quốc tế chống thử bom hạt nhân (theo sáng kiến của Kazkhastan từ năm 2010 ), Tổng thư ký LHQ Ban ky-moon đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một lệnh cấm thử hạt nhân trên quy mô toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu vì một thế giới an toàn hơn. Ông kêu gọi nỗ lực vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Vấn đề bây giờ là bên cạnh việc cấm thử thêm vũ khí hạt nhân, thì đồng thời phải cắt giảm dần đi đến thế giới phi hạt nhân. Mặc dù một số cường quốc đã bớt  đe dọa sử dụng ô hạt nhân, nhưng chưa có gì chắc chắn là các cá nhân nào đó sẽ không quyết định sử dụng nó chỉ vì lợi ích của quốc gia mình.

Thế cài răng lược về hạt nhân của năm 2012 giống năm 1962. Thay vì hệ thống tên lửa Jupiter mà Mỹ lắp đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1962, bây giờ là lá chắn tên lửa dự định sẽ lắp đặt tại Ba Lan và Tiệp Khắc, ngay sát nách nước Nga. Thay vì cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, nay có các vấn đề nóng ở Trung Đông, nơi Iran tuyên bố xóa sổ Israel, còn Israel tuyên bố sẽ tấn công trước các cơ sở hạt nhân của Iran, là vấn đề vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên mà đến giờ phút này không ai dám chắc có bao nhiêu đơn vị hạt nhân đã sẵn sàng.

Chắc chắn, thế giới không thể chỉ dừng ở khẩu hiệu cấm thử vũ khí hạt nhân mà phải có những hành động quyết liệt, ngay lập tức chuyển sang khẩu hiệu cấm sử dụng vũ khí hạt nhân và nhanh chóng tiêu hủy chúng như một số nước đã làm

Nguyễn Sỹ Hưng (tổng hợp)
.
.