Giải mật chương trình vũ khí hạt nhân của Nam Tư

Thứ Tư, 29/11/2017, 10:46
Cuối thập niên 1940, mối lo ngại về an ninh quốc gia chính là lý do thúc đẩy Tổng thống nhà nước Nam Tư (cũ) Josip Broz Tito ra quyết định thành lập chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Giai đoạn nghiên cứu hạt nhân ban đầu của Nam Tư nhận được sự hợp tác rất lớn từ Na Uy. Nhưng đến thập niên 1960, Josip Tito bất ngờ ra lệnh kết thúc mà không có lý do rõ ràng.

Đến năm 1974, sau khi nắm được thông tin Ấn Độ thử nghiệm bom hạt nhân, chương trình vũ khí hạt nhân Nam Tư được tái phục hồi với tên gọi “Program A” (Chương trình A) bất chấp việc nước này đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) năm 1970. Cuối cùng, chương trình vũ khí hạt nhân của Nam Tư chẳng đi đến đâu và chấm dứt vào năm 1987.

Vai trò của Mỹ và Na Uy

Năm 1948, Viện Khoa học Hạt nhân Vinca (tên gọi ban đầu là Viện Nghiên cứu Cấu trúc Vật chất) được thành lập tại thành phố Vinca cách không xa thủ đô Belgrade của Nam Tư. Tiếp đến vào 2 năm 1949 và 1950, Tito cho thành lập thêm 2 trung tâm nghiên cứu hạt nhân – Viện Josef Stefan ở Ljubljana, Slovenia và Viện Rudjer Boskovic gần Zagreb ở Croatia. Bắt đầu từ năm 1952, các nhà khoa học Nam Tư được huấn luyện và làm việc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Hạt nhân ở thành phố Kjeller nằm về phía bắc thủ đô Oslo của Na Uy.

Tổng thống Nam Tư Josip Broz Tito.

Vài nguồn tin cho rằng, các nhà khoa học Nam Tư làm việc tại Kjeller tham gia đường dây buôn lậu một lượng lớn uranium làm giàu cấp độ cao (HEU) trở về Vinca. Năm 1955, Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Liên bang (FCNE) ra đời để giám sát sự phát triển chương trình hạt nhân Nam Tư và Aleksandr Rankovic – lãnh đạo tổ chức mật vụ nước này – được chỉ định làm giám đốc cơ quan.

Sau khi chính thức tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) vào năm 1970, Nam Tư có dấu hiệu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và chọn công ty Mỹ Westinghouse để hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và duy nhất Nuklearna Elektrana Krsko (NEK) của nước này tại Krsko.

Viện Vinca.

Tuy nhiên, quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân của Nam Tư bắt đầu đảo ngược vào ngày 18-5-1974, sau khi Ấn Độ tiến hành cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của họ. Lúc đó, trong một cuộc họp khẩn với Tito, giới tướng lĩnh quân đội bàn cách lợi dụng nhà máy điện hạt nhân NEK để làm vỏ bọc cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Giáo sư Filip Kovacevic, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học San Francisco và là một nhà nghiên cứu độc lập đã liên lạc với CIA để yêu cầu được cung cấp các tài liệu liên quan đến chương trình hạt nhân của Nam Tư trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trong thời gian từ năm 1957 đến năm 1986 (tức gần 30 năm) ông nhận được từ CIA 8 tập tài liệu với tổng số 84 trang. Các tài liệu này được trình bày dưới nhiều hình thức, từ các báo cáo ngắn đến các nghiên cứu khoa học, tất cả đều được đóng dấu mật. Tập hợp các dữ liệu từ các tài liệu này, Filip Kovacevic đi đến kết luận rằng, vào tháng 12-1975, CIA đã nắm rõ Nam Tư có khả năng kỹ thuật và nguồn cung cấp uranium cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân và tiên liệu: họ (tức Nam Tư) có thể có được một vũ khí hạt nhân vào năm 1980.

Trao đổi với phân nhánh của tờ Sputnik tại Serbia, Filip Kovacevic khẳng định: nội dung các tài liệu bí mật cho thấy, giới lãnh đạo Nam Tư bắt đầu có ý tưởng về chương trình hạt nhân ngay sau Thế chiến thứ II. Filip Kovacevic giải thích: “Nam Tư bắt đầu hợp tác với Mỹ trong việc phát triển một chương trình hạt nhân của riêng mình bằng cách gửi sinh viên học các ngành có liên quan tại các trường đại học ở Mỹ”.

Nhiều tài liệu còn cho biết rằng trong năm 1952, các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Địa chất Mỹ với sự trợ giúp của các chuyên gia địa chất đã thực hiện một chuyến khảo sát tại  Nam Tư và xác định được hai mỏ uranium có trữ lượng lớn tại các nước Cộng hòa Slovenia và Macedonia.

“Một trong số các tài liệu, được đưa ra vào tháng 7-1979, cho thấy khoản tiền gửi ở Slovenia có thể được sử dụng vào việc sản xuất 300.000 tấn uranium mỗi năm, đủ để làm ra khoảng 300 tấn uranium oxide”- một dạng nhiên liệu để chế tạo bom hạt nhân. Thời gian này, cơ quan tình báo Mỹ đã nhận thức rõ về những nỗ lực của Nam Tư với chương trình hạt nhân của nước này, nhờ vào một mạng lưới cung cấp thông tin nằm trong các cơ quan chính phủ Nam Tư.

Theo học giả Filip Kovacevic, tuy có “tay trong” như vậy nhưng Washington vẫn không thể kiểm soát chính phủ Nam Tư, nhất là ban lãnh đạo cao cấp. “Các tài liệu cho thấy dưới sự lãnh đạo của Josip Tito, Nam Tư xây dựng mối quan hệ mở với phương Tây và phương Đông nhưng chỉ trong chừng mực hạn chế nào đó, chứ không hoàn toàn dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào”.

Các tài liệu của CIA cũng cho thấy chương trình hạt nhân của Nam Tư đã có những bước tiến quan trọng trong khoảng thời gian giữa những năm 1950 và năm 1970. Trong khi một phân tích năm 1958 kết luận rằng. Nam Tư không có khả năng tự sản xuất vũ khí hạt nhân, thì đến năm 1975 lại cho thấy những tiềm lực rất lớn trong lĩnh vực hạt nhân của Nam Tư cũng như những quyết tâm cụ thể của lãnh đạo nước này.

Yếu điểm lớn nhất của Nam Tư lại là họ không có bất cứ một loại tên lửa hay một quả bom nào có thể mang được đầu đạn hạt nhân và chương trình nghiên cứu bom nguyên tử của Nam Tư, đáng lẽ ra đã thành công nếu không có sự giảm tầm ảnh hưởng của nhà lãnh đạo Tito với lý do sức khỏe vào cuối những năm 70.

Filip Kovacevic cho rằng, giá như Tito khỏe thêm được vài năm nữa, giá như Nam Tư hoàn thiện được việc chế tạo bom nguyên tử thì có thể quốc gia này đã không phải chịu chuỗi hậu quả đau đớn và lâu dài từng xảy ra trong thập niên 90.

Sau cái chết của Josip Tito năm 1980, Nam Tư vẫn tiếp tục âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân dưới sự lãnh đạo của tân Bộ trưởng Quốc phòng Branko Mamula – người tích cực ủng hộ chương trình.

Dưới sự chỉ đạo của Đô đốc Mamula, các nhà khoa học làm việc với 2 chương trình song song – Chương trình A được thiết kế đặc biệt để nghiên cứu chế tạo quả bom hạt nhân, trong khi Chương trình B tập trung vào điện hạt nhân làm vỏ bọc cho Chương trình A. Viện Kỹ thuật Quân sự (MTI) chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ cả 2 chương trình này. Lúc đó, phần lớn các cơ sở nghiên cứu hạt nhân đều liên quan theo cách này hay cách khác với Chương trình A hay Chương trình B song cuộc nghiên cứu vũ khí hạt nhân chủ yếu được tiến hành ở Viện Vinca, Viện Vật lý Đại học Belgrade và MTI.

Ngày 7-7-1987, đột nhiên Chương trình A được thông báo kết thúc trong một cuộc họp ở MTI. Theo giới chuyên gia phân tích lịch sử, có 3 lý do dẫn đến quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân của Nam Tư.

Thứ nhất, điện hạt nhân được đánh giá là cực kỳ quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của Nam Tư. Thứ 2, Nam Tư muốn xây dựng uy tín với quốc tế và cuối cùng là vấn đề tài chính không cho phép tiếp tục nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Do cả 3 yếu tố này mà giới lãnh đạo cũng như các nhà khoa học không còn mấy thiết tha với vũ khí hạt nhân nữa. Không lâu sau khi Chương trình A kết thúc, đến lượt Chương trình B cũng chịu chung số phận.

Tháng 4-1986, thảm họa hạt nhân Chernobyl làm rúng động thế giới chứng minh rằng sự an toàn của các chương trình hạt nhân không là tuyệt đối nên từ đó làm bùng nổ tranh cãi dữ dội về nguồn năng lượng nguy hiểm này tại Nam Tư. Cuối cùng, Nghị viện Croatia không cho phép chính quyền Nam Tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ 2 Prevlaka đồng thời áp đặt tội phạm hình sự đối với bất cứ chương trình nào liên quan đến năng lượng hạt nhân.

Hầm ngầm bí mật của Josip Tito

Không chỉ có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân răn đe mà Tổng thống Nam Tư Josip Tito còn luôn canh cánh mối lo ngại về viễn cảnh của một cuộc tấn công hạt nhân. Trong thập niên 1950, thời kỳ cao điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh, Josip Tito quyết định xây dựng hầm ngầm (bunker) bảo vệ giới lãnh đạo cao cấp của chính phủ Nam Tư trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân từ nước ngoài.

Du khách tham quan bunker của Tito.

Công trình này được gọi bằng mật danh “D-O”, nằm trong lòng núi Belasnica, cách thành phố Sarajevo 50km về phía tây nam. Những tòa nhà đơn điệu có dãy tường rào bao quanh sơn màu trắng đục, ngụy trang cho 3 lối vào bí mật dẫn tới khu hầm ngầm rộng 6.500m2 nằm ở độ sâu 270m so với mặt đất. Công cuộc xây dựng kéo dài 26 năm, ngốn khoảng 4,5 tỉ USD hoàn thành vào năm 1979 - 1 năm trước khi ông Tito qua đời.

Hầm trú ẩn này được thiết kế để đáp ứng cho hơn 350 người làm việc trong suốt 6 tháng mà không cần ra ngoài. Nó có cả một hệ thống phát điện, cung cấp nước và điều hòa không khí riêng. Riêng 3 cánh cửa thép làm lối vào chính của hầm dày hơn 1m.

Trong trường hợp đứng trước nguy cơ xảy ra tấn công hạt nhân, Ban lãnh đạo Liên bang Nam Tư do Josip Tito đứng đầu cùng các nhân vật trọng yếu khác sẽ được di tản khẩn cấp đến “D-O”, nơi có lượng thực phẩm dự trữ đủ dùng trong một thời gian dài. Phân bổ lần lượt dọc theo tuyến hành lang từ ngoài vào là các khu vực tẩy xạ, bệnh viện, phòng kiểm soát, phòng điều hành, phòng họp cùng các khu nghỉ ngơi nằm xen kẽ nhau.

Một phòng họp rộng rãi trong hầm.

Gần phòng làm việc của Tito là một phòng lớn đặt 4 tuốc-bin điều hòa không khí do Đức sản xuất, bảo đảm nhiệt độ toàn khu boongke luôn ổn định ở mức từ 21-23oC, còn độ ẩm không khí xê dịch trong khoảng từ 60-70% tạo điều kiện tối đa cho việc sinh sống và làm việc dưới lòng đất.

Trong thời gian trú ẩn, các nhân viên chuyển và nhận thư từ, điện tín thông qua dàn máy đánh chữ đặt tại trung tâm điện thoại-thư tín. Một gian lớn khác đặt 2 bồn dầu diezel với sức chứa tổng cộng 50 tấn, cung cấp nhiên liệu cho 2 máy phát điện có tổng công suất 1.100KW, tự động vận hành 18 giây sau khi mất điện lưới nhằm bảo đảm sự cung ứng điện không bị gián đoạn.

Hầm này có thể chịu đựng một cuộc tấn công hạt nhân với độ lớn hơn 20 kilotons - tức hơn quả bom mà Mỹ ném xuống Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2- và chỉ một vài chỉ huy cấp cao mới biết đến sự tồn tại của nó.

Sinh thời, Tổng thống Tito chưa một lần ghé thăm khu căn cứ liên hoàn đầy đủ tiện nghi được hình thành dưới lệnh của ông. Sau khi xây dựng, bunker chẳng bao giờ được sử dụng và được giữ trong tuyệt mật mãi cho đến thập niên 1990. Năm 2011, Chính phủ Cộng hòa Bosnia và Herzegovina đã quyết định mở cửa khu hầm ngầm đồ sộ dưới lòng đất cho du khách tham quan.

Khu hầm ngầm tránh bom hạt nhân ngày trước nay trở thành nhà bảo tàng và không gian dành cho những cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại. Nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới đến đây tổ chức các cuộc triển lãm các tác phẩm về chủ đề Chiến tranh Lạnh và vũ khí hạt nhân.

Nhiều tác phẩm trong số đó vẫn còn được giữ lại trong hầm để du khách được dịp chiêm ngưỡng. Để có được một nơi tham quan và trưng bày độc đáo như “D-O”, người ta phải cảm ơn cựu đại tá Serif Grabovisa, người đã nhận lệnh của quân đội liên bang đặt trước 3 cổng vào hầm ngầm một lượng thuốc nổ TNT lên đến 4.500 kg trước khi triệt thoái khỏi Bosnia. Chính ông đã cắt dây cháy chậm nối với ngòi nổ, giúp bảo toàn nguyên vẹn công trình bí mật và quy mô này.

Quốc Hùng - Diên San (tổng hợp)
.
.