Giải mật hồ sơ 30 nghìn người Argentina mất tích

Thứ Tư, 02/10/2019, 06:20
Cứ mỗi thứ Năm hàng tuần, hàng nghìn phụ nữ lại tập họp về quảng trường Plaza de Mayo ở thủ đô Buenos Aires với những chiếc khăn trắng choàng ngang đầu để yêu cầu chính phủ giải thích về sự mất tích của hơn 30 nghìn người, là thân nhân của họ trong thời gian từ năm 1976 đến 1983…

Được bao phủ bởi những cây xanh tươi tốt và các tòa nhà cao tầng, quảng trường Plaza de Mayo ở thủ đô Buenos Aires, Argentina nhìn như một địa điểm lý tưởng để khách du lịch có thể dừng lại nghỉ ngơi, thư giãn. 

Nhưng cứ mỗi thứ năm hàng tuần, hàng nghìn phụ nữ lại tập họp về đây với những chiếc khăn trắng choàng ngang đầu để yêu cầu chính phủ giải thích về sự mất tích của hơn 30 nghìn người, là thân nhân của họ trong thời gian từ năm 1976 đến 1983…

Nguồn gốc của việc 30 nghìn người biến mất

Năm 1976, quân đội Argentina tiến hành lật đổ chính phủ của bà Isabel Peron, vợ góa của Tổng thống Juan Peron. Đây là một phần nằm trong “chiến dịch Condor” do nước Mỹ tài trợ. Người cầm đầu cuộc đảo chính là tướng Jorge Rafael Videla.

Ngay sau cuộc đảo chính, được người Mỹ cung cấp 5 triệu USD, tướng Jorge Rafael Videla lập tức tổ chức một chương trình gọi là “Tái cấu trúc quốc gia - Junta theo tiếng Tây Ban Nha). 

Thành phần của “Junta” bao gồm quân đội và lực lượng an ninh, chủ trương đàn áp tất cả những người bất đồng chính kiến hoặc nghi ngờ bất đồng chính kiến và đặc biệt là những người cộng sản. Hoan Joaquin, một trong những nạn nhân may mắn thoát chết kể lại: “Junta bắt người cả ngày lẫn đêm. Nói chung là hễ nghe tin tố giác ai thì họ bắt ngay người đó mà chẳng cần phải có chứng cứ. Những người bị bắt là sinh viên, nhà báo, nhà văn, thương gia, những người hoạt động công đoàn bị quy là thành phần cánh tả… Rất nhiều người bị giết chỉ sau vài ngày thẩm vấn mà không hề được đưa ra tòa”. 

Năm 1977, những bà mẹ đòi công lý bắt đầu xuất hiện.

Về sau, trong một phiên xử với tội danh “diệt chủng, chống lại loài người”, Miguel Etchecolatz, cựu sĩ quan cảnh sát cao cấp ở Buenos Aires đã khai: “Những người bị bắt bị giết bằng nhiều cách: Có người bị ném ra khỏi máy bay khi đang bay ở độ cao 3.000m. Có người bị bắn bằng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Cũng không ít người bị trói chặt tay chân cùng một tảng đá rồi ném xuống biển. Tất cả đều được gọi chung bằng một cái tên Desaparecidos - Những người mất tích”.

Ngược dòng thời gian, năm 1951, quân đội Argentina tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Juan Peron, người đứng đầu “Chính phủ bình dân” nhưng thất bại. Đến năm 1955, đảo chính thành công, Juan Peron phải lưu vong ra nước ngoài nhưng những người ủng hộ ông đã thành lập một phong trào đối lập, gọi là “Peronist - Chủ nghĩa Peron” với biểu tượng “3 lá cờ”, gồm “công bằng xã hội, độc lập kinh tế, chủ quyền chính trị”. 

Và mặc dù bị quân đội Argentina đặt ra ngoài vòng pháp luật nhưng suốt 17 năm, những người Peronist vẫn kiên trì đấu tranh, trong đó có cả việc liên kết với một số tướng lĩnh trong quân đội, tổ chức đảo chính lật đổ tướng Aramburu, tổng tư lệnh quân đội Argentina, dự kiến xảy ra vào tháng 6-1956. 

Tuy nhiên, do có mạng lưới tình báo hiệu quả, Aramburu phá vỡ âm mưu này. Kết quả là tướng Juan Jose Valle - người liên kết với Peronist để tiến hành đảo chính cùng 26 thành viên bị xử tử. Không dừng lại ở đó, tướng Aramburu còn ra lệnh cho các đặc vụ lên kế hoạch bắt cóc hoặc ám sát cựu Tổng thống Peron, lúc này đang lưu vong ở Caracas, Venezuela.

Tháng 11-1972. Argentina tổ chức tổng tuyển cử. Trong hơn 20 ứng viên chạy đua vào chiếc ghế tổng thống, có Tiến sĩ Hector Campora, một lãnh đạo cao cấp của tổ chức Peronist. Kết quả kiểm phiếu cho thấy Tiến sĩ Campona chiến thắng. Lễ nhậm chức tổng thống của ông diễn ra vào ngày 25-5-1973.

Ngày 20-6-1973, Peron trở về Argentina, chấm dứt 17 năm lưu vong. Đón tiếp ông tại sân bay Ezeiza ở Buenos Aires là 3.500.000 thành viên Peronist, trong đó có Tổng thống Campora. 

Những biện pháp đầu tiên của Peron sau khi về nước là ân xá cho tất cả các tù nhân chính trị, thiết lập lại quan hệ với Cuba, giúp Chủ tịch Fidel Castro phá vỡ lệnh cấm vận của Mỹ chống lại Cuba cùng một số chính sách xã hội khác.  Phản ứng lại, một số phần tử cực đoan trong quân đội đã thành lập những nhóm bắn tỉa. Trong lễ đón Peron trở về, những tay bắn tỉa đã giết chết 13 thành viên Peronist và làm 365 người bị thương. Đây được gọi là vụ thảm sát Ezeiza.

Gần cuối năm 1973, Tổng thống Campora và Phó Tổng thống Vicente Solano Lima từ chức, dọn đường cho một cuộc bầu cử mới. Kết quả Peron nhận được 62% phiếu bầu, đưa ông lên làm tổng thống Argentina lần thứ 3. Vợ ông, bà Isabel Peron làm phó tổng thống.

Ngày 1-7-1974, Peron qua đời vì bệnh tim và bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Thay thế ông là bà Isabel Peron. Chưa đầy 2 tháng sau đó, ngày 24-8, tướng Jorge Videla tiến hành đảo chính quân sự. Từ đây, với việc xuất hiện của các nhóm Junta, đất nước Argentina đã trải qua 7 năm đen tối với 30.000 người “mất tích”, trong đó có toàn đội bóng bầu dục La Plata. Dư luận thế giới gọi đó là “Dirty War - Cuộc chiến bẩn thỉu”.

Videla và cuộc chiến bẩn thỉu

Ngay sau khi đảo chính thành công, tướng Videla ra lệnh giải tán Hội đồng quốc gia, áp đặt lệnh kiểm duyệt báo chí, đặt các thành phố dưới quyền kiểm soát của quân đội, thiết lập hàng trăm trại giam bí mật trên khắp đất nước. 

Hình ảnh của những người mất tích được trưng bày trên quảng trường Plaza de Mayo.

Ca sĩ Adolfo Perez Esquivel (người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1980), bị bắt năm 1977 và bị tra tấn đã kể lại những gì mình trải qua: “Họ giam tôi trong một buồng tối từ ngày này sang ngày khác khiến tôi mất hẳn khái niệm về thời gian. Mỗi lần hỏi cung, họ bịt mắt tôi rồi ấn tôi ngồi xuống một chiếc ghế. Khi băng bịt mắt được tháo ra, đèn 200W chiếu thẳng vào mặt tôi nên tôi không hề biết người hỏi cung là ai…”. 

Magarita, một phụ nữ 26 tuổi nói: “Lúc bị bắt thì tôi đang mang bầu. Sau khi sinh con trong nhà tù, họ đem đứa bé đi mất và đến tận bay giờ, tôi vẫn không biết con tôi ở đâu”. Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy có khoảng 500 trẻ sơ sinh, phần lớn được trao cho các gia đình quân nhân không có con để họ nhận làm con nuôi. Số còn lại bị bán trên thị trường chợ đen.

Trước tình hình ấy, các bà mẹ có con, cháu mất tích đã tập hợp tại quảng trường Plaza de Mayo đòi làm sáng tỏ về số phận của thân nhân họ. Thoạt đầu, nhiều quan chức chính phủ gọi họ là “Las Locas - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “những con mụ điên” nhưng trước sự ủng hộ ngày càng tăng của giới phụ nữ. 

Cuối tháng 12-1977, một nhóm Junta đã bắt cóc bà Azucena Villaflor, người sáng lập phong trào “Công lý cho 30.000 nạn nhân” rồi giết chết bà. 28 năm sau, thân nhân của Azucena Villaflor đã tìm được hài cốt bà, chôn chung trong một ngôi mộ tập thể với gần 200 bộ xương khác.

Đầu tháng 6-1978, Argentina khai mạc giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup). Theo tướng Videla, đây là cơ hội để chứng tỏ cho mọi người biết rằng “Argentina là quốc gia đáng tin cậy, có khả năng thực hiện các dự án lớn, đồng thời đẩy lùi những lời chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới". 

Tuy nhiên, mặc dù FIFA đã có quy định rằng chính phủ của các quốc gia có đội bóng tham dự World Cup không được can thiệp vào các giải đấu nhưng đổi tuyển Argentina vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Junta. Tất cả cầu thủ trong đội nhận lệnh không được hé môi về bất cứ chuyện gì có liên quan đến “Desaparecidos - Những người mất tích”. 

Trước đó - cuối năm 1977 - một nhóm các nhà báo và trí thức Pháp đã thành lập Ủy ban tẩy chay World Cup Argentina bằng cách thuyết phục người cầm đầu đội tuyển quốc gia Pháp là Michel Platini, phản đối các trận đấu với tuyên ngôn: “Chúng ta không nên chơi bóng đá trong các trại tập trung và các phòng tra tấn".

Không chỉ nước Pháp, một số các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Italy, Thụy Điển, Hà Lan và Scotland cũng đồng tình với quan điểm này. Trên nhiều bức tường ở thành phố Paris, ngoài hình vẽ biểu tượng chính thức của World Cup, còn có hai cánh tay nâng một quả bóng và khung thành là một hàng dây thép gai. Tương tự như vậy, Tổ chức Ân xá quốc tế tuyên bố: “Thể thao phải tách biệt với chính trị. Các sân vận động của Argentina không thể đồng lõa với các trại giam, các phòng tra tấn, nơi thủ tiêu những người đối lập…”.

Phản ứng lại, qua hệ thống báo chí bị kiểm duyệt gắt gao, Junta thuyết phục được nhiều người dân Argentina rằng đất nước đang là nạn nhân của một chiến dịch kỳ thị độc ác. Một tờ tuần báo là tờ Para Ti khuyến khích người đọc gửi bưu thiếp cho bạn bè ở nước ngoài với các khẩu hiệu “Bảo vệ Argentina của bạn”, và “Cho thế giới thấy được sự thật”.

Trong những ngày đầu tiên diễn ra các trận đấu, cảnh sát, quân đội Argentina - nhiều người chưa đến 20 tuổi - xuất hiện trên đường phố. Làm như ngẫu nghiên, họ thân mật thăm hỏi các cổ động viên nước ngoài. Nhiều cổ động viên còn được ưu ái mời uống bia và ăn trưa miễn phí. 

Chả thế mà khi João Havelange, người Brazil, chủ tịch FIFA đến Buenos Aires ngày 23-5-1978, Argentina đã có đủ thời gian làm sạch khuôn mặt của mình trước thế giới qua lời phát biểu của Havelange với một rừng báo chí địa phương: “Tôi là một trong những người hiểu rõ những khó khăn mà đất nước của bạn đang gặp phải, và tôi đã không thất vọng. Nó lấp đầy tôi với niềm tự hào khi biết rằng Argentina vượt qua mọi thách thức…” nhưng ông Havelange không hề biết rằng chỉ cách sân vận động Estadio Monumental, nơi ông phát biểu vài dãy phố, là một hệ thống nhà giam với đủ mọi cực hình.

Tiếp tục đòi công lý

World Cup 1978, Argentina giành chức vô địch sau khi đánh bại đội tuyển Hà Lan nhưng điều này không ngăn cản các bà mẹ có con, cháu mất tích tập hợp lại để cùng nhau đòi công lý. Đến năm 1981, lần đầu tiên họ tổ chức một cuộc biểu tình kéo dài 24 giờ và lập lại cứ mỗi thứ 5 hàng tuần.

Các thành viên Junta bắt một người bị cho là có tư tưởng “đối lập”.

Tháng 6-1982, tướng Videla bị bãi nhiệm vì thất bại trong cuộc chiến tranh với nước Anh để giành quyền kiểm soát quần đảo Falkland (Argentina gọi là đảo Malvinas). Tướng Reynaldo Bignone trở thành tổng thống nhưng những tội ác của Junta vẫn bị lờ đi. Trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm 1983, Raul Alfosin, lãnh đạo Liên minh cấp tiến đắc cử. Ngay sau lễ nhậm chức, Tổng thống Alfosin ban hành một đạo luật, truy tố các thành viên trong chính phủ quân sự do tướng Videla cầm đầu với các tội danh diệt chủng, chống lại loài người.

Năm 1985, tại một phiên tòa, 5 bị cáo bị kết án - trong đó có Videla. Đến năm 1986, 1987, dưới áp lực của quân đội, Tổng thống Alfosin phải thông qua 2 luật ân xá, miễn tố cho tất cả các sĩ quan từ cấp đại tá trở xuống ngoại trừ họ phạm tội hãm hiếp, bắt cóc trẻ sơ sinh.

Mùa xuân 1987, Argentina xảy ra nhiều vụ nổi loạn của quân đội do những bất mãn về tiền lương, chế độ đãi ngộ mà họ đã được hưởng từ thời Junta. Năm 1989, Tổng thống Alfosin từ chức, thay thế ông là Carlos Menem. Đến năm 2005, Tòa Tối cao Argentina hủy bỏ luật ân xá. 900 sĩ quan bị bắt và bị kết án, trong đó có có cả Tổng thống Reynaldo Bignone, lĩnh 15 năm tù.

Cuộc chiến bẩn thỉu kết thúc nhưng di sản của nó vẫn tồn tại đến ngày nay. Hàng nghìn bà mẹ vẫn tiếp tục chiến đấu chừng nào sự biến mất của 30.000 người vẫn chưa được làm sáng tỏ…

Vũ Cao (theo InSight Crime)
.
.