Giải mật hồ sơ điệp viên mang bí số N113

Thứ Sáu, 23/05/2014, 07:30

Để chuẩn bị cho chiến lược chiến tranh “thay màu da cho xác chết”, Mỹ xúi Nguyễn Văn Thiệu thực hiện một đại chiến dịch quân sự tấn công bất thình lình vào vùng Hạ Lào nhằm “bẻ gãy sống lưng Trường Sơn của Việt Cộng”. Cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều tin rằng, con đường chi viện của miền Bắc gãy thì lực lượng kháng chiến miền Nam sẽ tê liệt ít nhất 12 tháng, đủ thời gian để quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) “trở nên hùng mạnh” sau khi quân đội Mỹ rút chân khỏi chiến trường.

Họ hí hửng soạn thảo 2 kế hoạch song song. Phần Mỹ thực hiện kế hoạch mang tên “Chiến dịch Dewey Canyon II” gồm  10.000 quân. Phần VNCH thực hiện kế hoạch mang tên “Chiến dịch Lam Sơn 719” gồm 31.000 quân. Những đơn vị tinh nhuệ nhất được tuyển chọn, tập trung kinh phí dồi dào nhất, sử dụng những khí tài hiện đại nhất, thực hiện trận đánh bất ngờ nhất để chiếm lĩnh vùng Hạ Lào.

Để đảm bảo độ bí mật tuyệt đối, Bộ Tư lệnh liên quân Mỹ - VNCH đều thực hiện các cuộc họp ở Lào. Chưa dụng quân, họ đã đinh ninh chiến thắng nằm trong tầm tay vì tính chất bất ngờ của chiến dịch. Thế nhưng trước khi động binh, toàn bộ bí mật 2 chiến dịch của Mỹ lẫn của VNCH đều nằm gọn trên bàn làm việc của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Việt Minh làm công chức tòa bố cho Pháp

Người thu thập được trọn vẹn 2 bản kế hoạch "Chiến dịch Dewey Canyon II" và "Chiến dịch Lam Sơn 719" gửi về Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chính là điệp viên mang bí số N113.

Để thu được 2 bản kế hoạch đó, điệp viên N113 đã mất 14 năm (từ năm 1957 đến năm 1971) để xây dựng và mai phục trong vỏ bọc một viên chức kế toán cần mẫn của Hãng Hàng không Lào. Thời điểm này ông mang tên Nguyễn Văn Đan. Bà con Việt kiều ở Lào thường gọi là thầy Đan.

Tên thật của ông là Tống Văn Trinh, tên thường gọi là Hai Tỷ, sinh năm 1928, quê quán ở Châu Đốc, An Giang. Tuy nhiên, theo lời con trai ông là Thạc sĩ Toán học Tống Quang Anh thì: "Quê gốc cha tôi ở Thạnh Trị, Sóc Trăng. Bây giờ họ nội tôi vẫn còn nhiều người ở Sóc Trăng. Châu Đốc là quê mẹ tôi. Do thuở thiếu thời cha tôi sống ở Châu Đốc, hoạt động cách mạng ở Châu Đốc nên nhiều người lầm tưởng quê gốc cha tôi ở Châu Đốc".

Thuở thiếu thời, ông Tống Văn Trinh là một học sinh giỏi, tốt nghiệp hạng ưu bằng Thành chung năm 1945. Ông xin vào làm nhân viên sở Đoan (cơ quan thu thuế) của chính quyền Pháp. Lúc này ông đã bí mật tham gia vào lực lượng Việt Minh.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, do yêu cầu của phong trào kháng chiến, ông được giao nhiệm vụ ẩn mình chờ cơ hội.

Khi Pháp quay lại thống trị, lực lượng kháng chiến Việt Minh tại Châu Đốc yêu cầu Tống Văn Trinh xin vào làm công chức cho chính quyền Pháp để cung cấp tin nội gián. Nhờ giỏi tiếng Pháp, ông nhanh chóng được viên chủ tỉnh người Pháp lúc bấy giờ là Roger Nais tuyển dụng vào làm công chức cho Tòa Bố (Cơ quan hành chánh chính quyền) tỉnh lỵ Châu Đốc. Với cách làm việc khoa học và cần mẫn nên Tống Văn Trinh được Roger Nais quý mến, tin tưởng. Với vai trò trợ lý, Tống Văn Trinh thường đi theo Roger Nais thị sát, kiểm tra trại giam, hỏi cung, tra xét, sàng lọc.

Roger Nais là một cha cố mặc áo nhà binh. Trong lòng dù thâm độc nhưng ông ta luôn giữ phong thái một chí sĩ nhân ái. Vì sự giả nhân giả nghĩa này và cũng vì không biết tiếng Việt, Roger Nais không hỏi cung trực tiếp mà giao cho Tống Văn Trinh.

Tận dụng điều này, Tống Văn Trinh luôn tạo bản cung có lợi cho những người cách mạng. Nhờ vậy, nhiều người bị mật thám bắt vẫn được Roger Nais yêu cầu trả tự do. Ngoài ra, Tống Văn Trinh còn cung cấp những kế hoạch hành quân của Pháp cho lực lượng kháng chiến. Nhờ vậy, mọi cuộc càn quét của quân Pháp đều lọt vào chỗ không người hoặc bị phục kích tơi tả.

Đầu năm 1946, do sơ suất của một người kháng chiến, viên Chánh Sở Cẩm (Sở Mật thám) Châu Đốc là Henri Ribes đã đánh hơi được mùi cộng sản trong người Tống Văn Trinh. Chúng bí mật theo dõi ông. Để đảm bảo an toàn cho Tống Văn Trinh, lực lượng kháng chiến quyết định đưa ông vào mật khu. Họ thu xếp  vụ "Việt Minh bắt cóc" để giữ "lý lịch thân Pháp" cho Tống Văn Trinh. Tuy nhiên, khi Tống Văn Trinh được kết nạp Đảng vào năm 1947, do sơ suất, thông tin này lại lọt vào tay mật thám Pháp.

Nổi điên, Chánh Sở Mật thám Henri Ribes treo thưởng truy nã Tống Văn Trinh giá 1.000 đồng Đông Dương. Lúc này, Tống Văn Trinh đã là Trưởng Tiểu ban Quân báo thuộc Ủy ban Kháng chiến Châu Đốc. Châu Đốc là địa phương đầu tiên trong khu vực Tứ giác Long Xuyên thành lập Ban Điệp báo gồm các tiểu ban: Quân báo, ám sát, tác chiến. Tiểu ban ám sát thành lập  đội trừ gian diệc ác có tên là đội Huyết thủ, tạo nhiều nỗi kinh hoàng cho bọn Việt gian, cường hào, ác bá ở địa phương.

Năm 1947, theo chủ trương của Trung ương Cục, Phòng Đặc vụ Nam Bộ được chính thức thành lập, do Robert Phạm Ngọc Thảo làm Trưởng phòng (tức Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Phạm Ngọc Thảo). Tống Văn Trinh được cử đi học lớp huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt đầu tiên do Phạm Ngọc Thảo tổ chức.

Học xong, Tống Văn Trinh được rút về làm Tổ trưởng Tổ nghiên cứu, Huấn luyện Ban Quân báo Khu 9 Nam Bộ rồi năm 1948 được điều chuyển về làm Trưởng Tiểu ban Quân báo Tỉnh đội Cần Thơ, chỉ huy trực tiếp lực lượng quân báo huyện Ô Môn. Tại đây, Tống Văn Trinh gặp lại "cố nhân" Henri Ribes.

Cuộc đối đầu sinh tử với "cố nhân" Henri Ribes

Có lẽ định mệnh đã xui khiến cho Henri Ribes xin điều chuyển từ Châu Đốc về làm Chánh Sở Mật thám Cần Thơ đúng lúc Tống Văn Trinh cũng vừa nhận nhiệm vụ Trưởng Tiểu ban Quân báo Cần Thơ. Hai đối thủ vờn nhau như trò đuổi bắt ở Châu Đốc vào năm 1948. Có lần Chánh Sở Mật thám Henri Ribes đã suýt bắt được Tống Văn Trinh. Và Henri Ribes đã treo số tiền thưởng 1.000 đồng Đông Dương cho "cái thủ cấp của Tống Văn Trinh".

Henri Ribes xuất thân từ giới du thủ du thực ở Marseille, Pháp. Thời đó, mật thám Pháp thường tuyển những thành phần bất hảo, từng có kinh nghiệm sống trong thế giới ngầm để đưa sang Việt Nam. Thế là Henri Ribes trúng tuyển, được học một khóa đào tạo mật thám chuyên nghiệp. Nhờ có nhiều thành tích chống phá cách mạng, Henri Ribes nhanh chóng được thăng quan tiến chức. Hầu như nơi nào có phong trào Việt Minh mạnh là chính quyền Pháp điều chuyển y về nơi đó để đàn áp.

Năm 1940, y là Chánh Sở Mật thám Bạc Liêu và là tác giả cuộc truy lùng, đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai. Năm 1946, Henri Ribes được điều chuyển làm Chánh Sở Mật thám ở tỉnh Châu Đốc.

Năm 1948, phong trào kháng chiến tại Cần Thơ bùng phát mạnh. Trước tình hình này, viên Chánh mật thám Cần Thơ là Gautheret trở thành kẻ trầm cảm, hoang mang. Không chịu đựng nổi ám ảnh bị ám sát, Gautheret bỏ nhiệm sở trốn về Sài Gòn. Được tin, Henri Ribes từ Châu Đốc xin được về Cần Thơ để "trừng trị Cộng sản". Henri Ribes tự tin tuyên bố với Thống đốc Nam Kỳ: "Tôi chỉ cần 3 tháng để quét (cộng sản) sạch".

Ông Tống Văn Trinh cùng phu nhân. Lúc này ông mang tên "Đan" và làm thư ký phòng Đăng kiểm xe (Bureau Contrôle d'Auto) thuộc Sở Công chánh Vientiane (năm 1962).

Vừa về Cần Thơ chưa ấm chỗ, Henri Ribes cho lập ngay một loạt các trạm kiểm soát vừa ngầm vừa nổi, vừa trên bộ vừa dưới sông ở khắp các ngả vào Cần Thơ. Ở mỗi trạm y đều bố trí những kẻ phản bội, chỉ điểm ngày đêm túc trực để nhận mặt các cán bộ Việt Minh. Ngay trong tuần đầu tiên, nhiều cán bộ của ta đã sa lưới ở các trạm kiểm soát chìm của Henri Ribes.

Không thể để tên mật thám cáo già này làm mưa làm gió nữa, Tống Văn Trinh quyết định khử ngay để bảo toàn lực lượng cách mạng.

Tống Văn Trinh gặp ông Nguyễn Hoài Pho, lúc bấy giờ là Tỉnh đội trưởng, đề xuất phương án tử hình con rắn độc Henri Ribes. Được chuẩn y phương án, Tống Văn Trinh trực tiếp chỉ huy kế hoạch ám sát.

Sau 2 tháng điều nghiên quy luật giờ giấc của Henri Ribes, đội biệt động thành nhận thấy y rất ranh ma khi ra khỏi trụ sở. Y luôn thoắt ẩn thoắt hiện khi ra ngoài phố. Tuy nhiên, y vẫn để lộ một sơ sót. Đó là, mỗi sáng chủ nhật y thường tự lái xe ôtô đi lễ ở nhà thờ gần cầu Xéo rồi trở về Sở Mật thám theo đường Boulevard De la Noue. Thời gian làm lễ ở nhà thờ luôn chính xác.

Nhiệm vụ ám sát được giao cho ông Hai Ngọc - một võ sĩ, có biệt tài bắn súng chính xác. Hai Ngọc được trang bị một khẩu colt 12 ly. Lực lượng yểm trợ gồm 9 người hóa trang đứng dọc theo tuyến đường sẵn sàng chặn đường rượt đuổi của địch để Hai Ngọc đào tẩu.

Một buổi sáng tháng 7/1948, Henri Ribes vừa từ nhà thờ bước ra leo lên chiếc ôtô đậu sát lề. Hai Ngọc cưỡi xe đạp chậm chạp như một người thong dong ngắm cảnh rồi áp sát chiếc ôtô của Henri Ribes đúng vào lúc y vừa khởi động máy, 3 phát súng vang lên.

Vài ngày sau, quân báo thành Cần Thơ gởi về hậu cứ một bức ảnh chụp cảnh tẩm liệm thi thể Henri Ribes tại nhà thương Cần Thơ.

Đơn vị của Tống Văn Trinh được Tỉnh ủy, Tỉnh đội Cần Thơ và Ban chỉ huy Trung đoàn 124 biểu dương, khen thưởng.

Mật thám Pháp toàn Nam Kỳ rúng động. Chúng vô cùng căm tức, quyết tìm cho ra thủ phạm. Một năm sau ngày Henri đền tội, Hai Ngọc ra Cần Thơ  công tác bị mật thám phát hiện bao vây. Hai Ngọc kiên cường chống trả. Ông bị thương ở bụng. Địch đưa ông vào bệnh viện cấp cứu để khai thác thông tin. Khi tỉnh dậy, biết mình bị bắt, để bảo vệ khí tiết cách mạng, lợi dụng lính gác sơ suất, Hai Ngọc tự tháo băng, moi ruột ra tuẫn tiết.

Trước cái chết can trường của người cách mạng, một viên sĩ quan Pháp thán phục đứng ra thực hiện an táng cho Hai Ngọc theo nghi lễ nhà binh. Y cử một tiểu đội bồng súng bắn chào trước khi hạ huyệt.

Sau trận tiêu diệt tên mật thám nổi tiếng tàn ác, Tống Văn Trinh được Quân báo Khu 9 điều động sang địa bàn tỉnh Châu Đốc. Ông có nhiệm vụ xây dựng và trực tiếp chỉ đạo hoạt động quân báo huyện Tịnh Biên, Châu Đốc và đội hành động. Lúc này hậu cứ Quân báo Châu Đốc nằm tựa lưng vào Núi Dài. Địch đóng đồn Ba Chúc ngay vị trí án ngữ con đường ra vào căn cứ của ta. Cấp trên chỉ đạo Tống Văn Trinh phải nhổ đồn này.

Sau khi điều nghiên tình hình, Tống Văn Trinh nhận ra "yếu huyệt" của đồn này nằm tại giếng nước duy nhất. Ông cho người lén ném xác súc vật chết xuống giếng liên tục. "Bất chiến tự nhiên thành", sau một tuần thiếu nước sinh hoạt, địch tự dọn đồn đi nơi khác. Ngay khi hay tin địch bỏ đồn, di quân, ông cử một tiểu đội mai phục bắn vài loạt đạn lên trời. Bọn Pháp đang rệu rã tinh thần, nghe tiếng súng đã tiêu tán hồn vía quăng súng bỏ chạy. Trận này, ta thu được toàn bộ vũ khí, khí tài, lương thực, vật dụng của địch mà không tốn một giọt máu.

Đầu năm 1953, Tống Văn Trinh lại được Quân báo Khu 9 điều động về Cần Thơ để giải quyết Chi khu quân sự Giai Xuân của địch đang khống chế "6 xã vòng cung Cái Răng". Địch cử tên quan ba Robert chỉ huy một đại đội đóng đồn tại đây. Tống Văn Trinh tìm cách liên lạc với các gia đình binh sĩ trong đồn để thực hiện một cuộc binh biến, bắt sống quan ba Robert.

Nhờ khả năng tiếng Pháp, sau 2 tháng trực tiếp thuyết phục, Tống Văn Trinh đã  khiến tù binh Robert chấp thuận trở súng, giúp quân đội cách mạng chống Pháp.

Cuộc binh biến ở Chi khu quân sự Giai Xuân đã khởi động làn sóng binh sĩ Pháp ở Tây Nam Bộ bỏ ngũ, về với Việt Minh.

Nhờ năng khiếu tình báo bẩm sinh, Tống Văn Trinh được Ban Quân báo Khu 9 điều đi khắp các chiến trường miền Tây Nam Bộ. Nơi nào khó khăn hiểm hóc là Tống Văn Trinh được điều động về đó.

Ngoài những chiến tích trên, ông còn cung cấp tin tức tình hình địch đầy đủ và chính xác, giúp cho Tiểu đoàn 307 tấn công diệt đồn Bảy Ngàn, bắt sống cả hai anh em chủ đồn điền vừa là sĩ quan của Pháp là Léon Gressier và Rémy Gressier

Nông Huyền Sơn
.
.