Giải mật tài liệu Israel và Nam Phi thử nghiệm hạt nhân năm 1979

Thứ Sáu, 23/12/2016, 08:00
37 năm sau khi luồng ánh sáng chớp lóa kép bí ẩn bất ngờ được phát hiện ở Nam Đại Tây Dương gần Quần đảo Prince Edward (thuộc chủ quyền Nam Phi), tài liệu mà chính quyền Mỹ mới giải mật tiết lộ đó là sự hợp tác thử nghiệm hạt nhân bí mật giữa chế độ Apartheid Nam Phi và Israel.

Nguồn thông tin rò rỉ xuất phát từ Thượng nghị sĩ Israel Eliyahu Speiser và Ansel Yaron - chuyên gia chương trình tên lửa cao cấp nước này.

Rạng sáng ngày 2-9-1979, thông tin về việc vệ tinh do thám VELA 6911 của Mỹ phát hiện một luồng sáng kép chớp lóa bên trên nam Đại Tây Dương đã khiến Nhà Trắng hoảng loạn. Tổng thống Jimmy Carter ngay lập tức triệu tập một cuộc họp với giới chức an ninh, tình báo trong nội các. Chính quyền Mỹ lo ngại luồng sáng bí ẩn có thể là một vụ nổ hạt nhân thử nghiệm mà "ai đó" đang lặng lẽ tiến hành. Lúc đó, chính quyền Carter lập tức nghi ngờ 3 đối tượng: Liên Xô và đặc biệt nhất là Nam Phi và Israel.

Thủ tướng Israel, Menachem Begin (trái) và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter năm 1979.

Lúc đầu, chính quyền Mỹ tin rằng, luồng sáng phát ra là kết quả của một vụ nổ hạt nhân thử nghiệm; song sau đó lại có ý kiến cho rằng, có thể đó là sự trục trặc kỹ thuật của vệ tinh. Mãi cho đến nay, mối nghi ngờ thứ nhất mới được xác minh qua bộ tài liệu và chứng cứ đóng dấu tuyệt mật của CIA vừa được Ban Văn khố an ninh quốc gia Đại học Georgetown công bố hôm 8-12 vừa qua: Luồng sáng chớp lóa là hệ quả của cuộc thử nghiệm hạt nhân bí mật hợp tác giữa 2 chính quyền Nam Phi và Israel.

Cùng với bộ tài liệu giải mật là biên bản phân tích viết tay của Giáo sư Avner Cohen, Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey và Tiến sĩ William Burr - nhà sử học hạt nhân và chuyên gia phân tích của Ban Văn khố an ninh quốc gia. Bộ tài liệu mới giải mật cũng chứa đựng thông tin đáng ngạc nhiên về nguồn rò rỉ vụ nổ hạt nhân - đó là 2 quan chức cao cấp trong chính quyền Israel.

Giám đốc CIA, Stansfield Turner.

Tháng 11-1979, Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ (OSTP) trực thuộc Văn phòng Điều hành Tổng thống (EOP) thành lập một tổ bao gồm nhiều chuyên gia bên ngoài chính phủ để điều tra về mối nghi ngờ ban đầu song họ không thể xác định được luồng sáng chớp lóa có nguồn gốc từ vệ tinh, vụ nổ hạt nhân hay hiện tượng gì khác. Ngoài ra, họ cũng nghi ngờ khả năng "phản xạ ánh sáng Mặt trời từ một thiên thạch nhỏ hay một mảnh rác không gian bay ngang qua vệ tinh".

Nhà toán học Leonard Weiss lúc đó đã khẳng định, đây là vụ thử nghiệm hạt nhân và "tác giả" chính là Israel chứ không phải người Nam Phi. Vụ việc mà vệ tinh Vela phát hiện thật ra là lần thử nghiệm thứ 3 trong loạt thử nghiệm hạt nhân được Israel tiến hành với sự hợp tác của người Nam Phi. 3 năm trước đó, tức là vào năm 1976, Phó giám đốc CIA Carl Duckett nói với các quan chức Ủy ban Điều tiết hạt nhân Mỹ rằng, CIA đã nghi ngờ Israel đánh cắp nhiên liệu hạt nhân tại một nhà máy xử lý ở Pennsylvania.

Không chỉ một lượng đáng kể nhiên liệu hạt nhân bị mất cắp ở Tập đoàn Thiết bị và Vật liệu hạt nhân (Numec), mà nơi đây còn tiếp đón Rafael Eitan, một nhân vật được công ty này mô tả là "chuyên gia hóa học" của Bộ Quốc phòng Israel nhưng kỳ thực là điệp viên hàng đầu của Mossad, lãnh đạo mạng lưới gián điệp Lakam của nhà nước Do Thái! Cuối cùng, các nhà khoa học báo cáo: chắc chắn đã xảy ra một vụ nổ hạt nhân.

Kết luận của họ dựa vào điều tra hàng loạt thông tin tình báo mà chính quyền Mỹ thu thập được vào thời gian đó; những tín hiệu đo được ở Australia và một con bò chết ở nước này có dấu hiệu nhiễm một lượng lớn phóng xạ trong máu. Báo cáo của các nhà khoa học lập tức được giám đốc CIA lúc đó là Stansfield Turner ra lệnh đóng dấu tuyệt mật. Tổng thống Carter tin ngay vào nội dung báo cáo và cố gắng tìm kiếm câu trả lời chi tiết từ Thủ tướng Israel lúc đó là Menachem Begin. Dĩ nhiên là Thủ tướng Israel phủ nhận: Israel không hề giúp đỡ chế độ Apartheid Nam Phi phát triển vũ khí hạt nhân.

Tướng về hưu Uzi Eilam, người từng là Tổng giám đốc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Israel, bình luận về sự rò rỉ thông tin từ Tiến sĩ Anselm Yaron: "Tôi biết rất rõ tiến sĩ Yaron. Ông ấy là chuyên gia tài năng, có tính cách rất độc lập. Ông ấy lãnh đạo dự án tên lửa song không hề có mối liên quan gì đến các vấn đề hạt nhân. Thế cho nên, tôi rất lấy làm lạ tại sao ông lại có thể dính líu đến câu chuyện tiết lộ thông tin mật. Về vấn đề luồng sáng bí ẩn, có lẽ nó liên quan đến một vệ tinh Mỹ gặp trục trặc kỹ thuật. Dù sao thì, tôi và chính phủ Israel hoàn toàn không liên quan đến nó".

Trong khi đó, Ora Speiser, vợ của nghị sĩ quá cố Eliyahu Speiser, nói: "Theo những gì tôi biết về chồng tôi, ông ấy không phải loại người thích tiết lộ thông tin mật". Theo giới chuyên gia phân tích, nếu chính quyền Israel muốn tiến hành những vụ nổ hạt nhân thử nghiệm thì tất nhiên sẽ cần đến địa điểm địa lý thích hợp cho nên Nam Phi chính là đối tác hoàn hảo nhất cho mục đích của họ. Dưới chế độ Apartheid, Nam Phi là quốc gia biệt lập với thế giới bên ngoài đồng thời cũng cần sự trợ giúp về quân sự cũng như công nghệ hiện đại.

Từ năm 1945, các quốc gia thành viên câu lạc bộ hạt nhân thế giới đã tiến hành hơn 2.000 vụ nổ hạt nhân thử nghiệm. Trong số đó, 150 vụ nổ được tuyên bố là "vì mục đích hòa bình". Mỹ dẫn đầu danh sách với 1.032 vụ nổ hạt nhân; xếp sau là Liên Xô với 715 vụ, Pháp-210 vụ, Anh và Trung Quốc với 45 vụ ở mỗi quốc gia. Ấn Độ thử nghiệm 3 vụ nổ hạt nhân (một trong số đó vào năm 1974 và tuyên bố là vì "mục đích hòa bình"). Theo giới chuyên gia phân tích, ngày nay các máy tính siêu mạnh dễ dàng mô phỏng chính xác những vụ nổ hạt nhân thử nghiệm nhằm tránh thực hiện cuộc thử nghiệm trong thực tế.

Hình ảnh một vụ nổ hạt nhân thử nghiệm của Mỹ mang tên "Chiến dịch Crossroads" ở đảo san hô Bikini thuộc quần đảo Marshall.

Trong cuốn sách mang tựa đề "The Nuclear Express: A Political History of the Bomb and its Proliferation", hai tác giả Thomas C. Reed, một nhà nghiên cứu kỳ cựu của phòng thí nghiệm vũ khí Livermore ở California đồng thời là một cựu chỉ huy Không lực Mỹ, và Danny B. Stillman, cựu chỉ huy tình báo ở Trung tâm thí nghiệm hạt nhân Los Alamos, đã chỉ ra tầm quan trọng của các điệp viên, những nhà khoa học và quan trọng nhất là các quốc gia mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân đã liên kết như thế nào vì "quyền lợi quốc gia". "Kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên hạt nhân, không một quốc gia nào tự phát triển được vũ khí hạt nhân mặc dù đã có nhiều lời khẳng định trái ngược''.

Cuốn sách cũng mô tả chi tiết sự trợ giúp bí mật từ Pháp và Trung Quốc đã góp phần khai sinh thêm 5 quốc gia hạt nhân. Họ cũng nêu tên nhiều nhà khoa học khác nhau, trong đó có những nhà khoa học lỗi lạc như Isidor I. Rabi, người đoạt giải Nobel này đã làm việc trong Dự án Manhattan trong Chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó là thành viên của Hội đồng quản lý Viện khoa học Weizmann - nơi khai sinh ra vũ khí hạt nhân của Israel.

Sự hợp tác bí mật đã được mở rộng tới những địa điểm hẻo lánh, nơi các quốc gia thử nghiệm vũ khí hạt nhân của họ với kết quả những vụ nổ rung chuyển mặt đất.

Chẳng hạn, cuốn sách tiết lộ Trung Quốc đã mở cửa bãi thử hạt nhân ở sa mạc cho Pakistan, để khách hàng này thử nghiệm một quả bom đầu tiên ở đó vào ngày 26-5-1990. Điều này làm sáng tỏ hơn uy quyền của bà Benazir Bhutto với tư cách là Thủ tướng Pakistan và giải thích vì sao vào tháng 5-1998 quốc gia Nam Á này có thể phản ứng nhanh đến mức khó ngờ sau khi Ấn Độ tiến hành 5 vụ thử hạt nhân.

Cuốn sách nêu chi tiết: "Người Pakistan chỉ mất 2 tuần và 3 ngày để đưa ra và bắn thử một loại vũ khí hạt nhân của riêng họ" cùng một tiết lộ: "Trung Quốc đã bí mật mở địa điểm thử hạt nhân Lop Nur cho người Pháp''. Tiếp sau tình tiết này, các tác giả miêu tả cách Trung Quốc vào năm 1982 đã ra một quyết định về "chính sách giúp thế giới đang phát triển nắm được bí quyết hạt nhân". Các "khách hàng" được nhận dạng của nước này gồm Algeria, Pakistan và CHDCND Triều Tiên.

Các tác giả nói rằng một trong những quả bom của Trung Quốc được tạo ra như "một thiết kế xuất khẩu" mà gần như "ai cũng có thể chế tạo".

Bản thiết kế cho một quả bom đơn giản như vậy đã đi từ Pakistan sang Libya và Iran mặc dù Tehran đã nhiều lần phủ nhận. Cuốn sách cũng hé mở chính sách phổ biến của Trung Quốc ở vùng sa mạc của Algeria. Được xây dựng trong bí mật, lò phản ứng hạt nhân ở đó giờ hàng năm sản xuất đủ số plutonium để làm nhiên liệu cho một quả bom hạt nhân.  Lò phản ứng này được bảo vệ bởi các tên lửa phòng không.

Sự trợ giúp của Trung Quốc cho Pakistan đã giúp A.Q.Khan, một chuyên gia luyện kim của Pakistan, trở thành kẻ bán thiết bị hạt nhân trên thị trường chợ đen toàn cầu. Tại sao Bắc Kinh lại muốn phổ biến hiểu biết về hạt nhân tự do tới vậy? Các tác giả cho rằng có thể là Bắc Kinh muốn hậu thuẫn những địch thủ của kẻ thù của Trung Quốc (chẳng hạn Pakistan là đối trọng với Ấn Độ).

Một con đường nhỏ hơn liên quan tới Pháp. Theo hai tác giả của cuốn sách, Pháp đã sử dụng các chuyên gia kỳ cựu trong Dự án Manhattan và chia sẻ những chi tiết mật về chương trình bom hạt nhân của nước này với Israel - quốc gia mà Pháp có các quan hệ thương mại quan trọng. Tới năm 1959, hàng chục nhà khoa học Israel "đang khảo sát và tham gia" vào chương trình thiết kế vũ khí hạt nhân của Pháp.

Vệ tinh VELA.

Vào đầu năm 1960, Pháp thử quả bom đầu tiên tại sa mạc của Algeria. Mùa thu năm 1966, Israel tiến hành một vụ thử phi hạt nhân đặc biệt dưới sa mạc Negev. Năm sau, họ chế tạo quả bom hạt nhân đầu tiên. Dần dần, Israel lại chia sẻ các bí mật hạt nhân với Nam Phi. Cuốn sách tiết lộ rằng hai quốc gia này đã trao đổi một số thành phần thiết yếu cho việc chế tạo bom hạt nhân: Tritium tới Nam Phi và uranium tới Israel.

Chi tiết này như càng được chứng thực trong tài liệu về thị trường mua bán vật liệu và công nghệ hạt nhân bất hợp pháp được công bố vào tháng 10-2013, Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS) ở Washington cho biết: "Dưới sức ép của Mỹ vào thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ XX, Israel quyết định ngưng hoạt động thu mua bất hợp pháp phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Nhưng thực tế thì hoạt động thu mua bất hợp pháp của Israel vẫn diễn ra trong âm thầm...".

Các tác giả của cuốn đã nhất trí với các nhà khoa học và chuyên gia quân sự rằng, Israel và Nam Phi năm 1979 đã cùng nhau thử vũ khí hạt nhân ở Nam Đại Tây Dương, gần đảo Hoàng tử Edward, cách Cape Town hơn 1.000km. Israel cần vụ thử này để phát triển bom neutron.

Dù Nam Phi đã phá hủy sáu vũ khí hạt nhân vào năm 1990 song vẫn giữ lại nhiều bí quyết. Các tác giả viết rằng, ngày nay "các lính đánh thuê kỹ thuật của Nam Phi có lẽ còn nguy hiểm hơn cả những nhà khoa học thất nghiệp của Liên Xô cũ'' bởi họ không có ngôi nhà thực sự ở châu Phi.

Diên San - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.