Giải mật “vụ mất tích bí ẩn” của con trai Nikita Khrushchev
Sự kiện này được giới sử gia phương Tây ghi nhận như là một trong những điều bí ẩn nhất của Thế chiến II. Hồ sơ lưu trữ của Cơ quan Tình báo Quân đội Xôviết (GRU) vừa được tiết lộ sau khi hết hạn bảo mật đã lý giải thực chất trường hợp mất tích của L. Khrushchev.
Chào đời ngày 10-11-1917 ngay sau khi cuộc Cách mạng Tháng Mười vừa thành công, lúc người cha đang rong ruổi xa nhà theo chiến dịch bài trừ quân Bạch vệ. Ở thời kỳ cuối cấp phổ thông trung học, Leonid từng 2 lần bị tổ chức đoàn Thanh niên Cộng sản (Komsomol) bắt làm kiểm điểm, do vô kỷ luật vì say rượu trong lớp và khước từ việc đóng đoàn phí.
Tấm ảnh cuối cùng chụp Thượng úy L. Khrushchev (bên phải) ngoài mặt trận. |
Năm 1935 L. Khrushchev ghi danh theo học Trường Hàng không dân sự mang tên Leonid Balashovskaya, anh tốt nghiệp năm 1937 và được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Tới giữa năm 1939 L. Khrushchev tình nguyện gia nhập lực lượng Không quân Xôviết.
Sau khóa học ngắn hạn tại cơ sở đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu ở thị trấn Engelssky thuộc tỉnh Saratov, L. Khrushchev tốt nghiệp ra trường với quân hàm trung úy, được phân bổ về Trung đoàn Không quân số 134 trong thành phần Sư đoàn Không quân số 46, đồn trú trấn giữ vùng Kalinin (nay là Tver).
Khi cuộc xung đột Liên Xô - Phần Lan bùng nổ vào đầu Thế chiến II, Trung úy L. Khrushchev đã cùng đồng đội tham gia hơn 30 phi vụ bằng phi cơ ném bom bổ nhào Ar-2, tấn công quân địch trên chiến tuyến Mannerheim gây cho đối phương những tổn thất nặng nề.
Sang mùa hè năm 1941 sau khi cùng đơn vị chuyển sang mặt trận phía Tây chống lại quân Đức, với 12 phi vụ ném bom thành công, L. Khrushchev được trao tặng Huân chương Cờ đỏ và thăng cấp lên thượng úy. Trong trận không chiến ngày 9-1-1942 máy bay do L. Khrushchev điều khiển trúng đạn của địch, buộc viên phi công phải nhảy dù để bảo toàn tính mạng và bị gãy chân khi tiếp đất.
Trong thời gian điều trị ở Khoa Chấn thương chỉnh hình tại Quân y viện tiền phương ở thành phố Kuybishev (nay là Tamara), L. Khrushchev đã kịp kết thân với Thiếu tá Ruben Ibarruri, con trai bà Dolores Ibarruri (1895-1989) đang giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tây Ban Nha (PCE), cũng là người phụ nữ đầu tiên làm lãnh tụ đảng trong lịch sử phong trào Cộng sản quốc tế.
Cặp bạn hữu con nhà quyền thế này thường xuyên vi phạm nội quy bệnh viện, rủ nhau chống nạng lẻn ra ngoài… uống rượu. Họ còn có một thú vui là thi nhau dùng súng lục bắn vào chai rượu rỗng vừa dùng hết, được đặt ở phía xa xem ai thua trước thì phải bỏ tiền mua đồ uống tiếp. Trong một lần quá chén, thay vì nhắm vào vỏ chai rỗng, L. Khrushchev lại nhắm thẳng vào trán bạn nhậu bóp cò. Kết quả là L. Khrushchev bị điệu ra tòa án binh, nhưng cũng chỉ lĩnh mức án có vẻ tượng trưng là 8 năm tù giam, nếu không, theo luật nhà binh thì tội bắn chết sĩ quan sẽ bị tước quân tịch và lĩnh án tử hình.
Chưa hết trớ trêu, L. Khrushchev lại không phải “nằm ấp” ngày nào, mà được biên chế về Trung đoàn Không quân cận vệ số 18 trực thuộc Tập đoàn Không quân số 1, một đơn vị quy tụ đội ngũ phi công tinh nhuệ dày dạn kinh nghiệm từng lập nhiều thành tích.
Vào đầu mùa thu năm 1942, Thượng úy L. Khrushchev tiếp tục được tin tưởng giao lái loại máy bay tiêm kích mang bom đời mới Yak-7B. Sau 6 phi vụ truy kích trên đất Đức, đến phi vụ thứ 7 L. Khrushchev không quay trở về căn cứ...
Trung úy L. Khrushchev khi mới tốt nghiệp cơ sở đào tạo phi công. |
Khi hay tin, Trung tướng Sergey Khudyakov - Tư lệnh Tập đoàn Không quân số 1 đã ra lệnh phải tìm kiếm bằng được L. Khrushchev, con trai Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khrushchev. Lực lượng thám báo đường không phối hợp với quân báo và biệt động mặt đất rà soát khu vực nghi ngờ máy bay của L. Khrushchev rơi trong nhiều tuần lễ liền, nhưng không tìm được bất cứ thứ gì kể cả mảnh xác phi cơ cũng như thi thể của người lái.
Cuối cùng Bộ Tư lệnh Tập đoàn Không quân số 1 phải thông báo là phi công L. Khrushchev đã mất tích khi làm nhiệm vụ, đồng thời đề nghị cấp trên truy tặng danh hiệu liệt sĩ, nhưng đề nghị này không được Bộ Chỉ huy Hồng quân hồi đáp...
Trong số hồ sơ lưu trữ của Cơ quan Tình báo Quân đội Xôviết (GRU) vừa được tiết lộ sau khi hết hạn bảo mật, đã lý giải đầy đủ trường hợp mất tích của L. Khrushchev. Thực ra viên phi công đã cố ý đào nhiệm, do lo sợ phải đi tù khi chiến tranh kết thúc theo bản án đã tuyên.
Đồng thời L. Khrushchev cũng muốn “tâng công” với quân phát xít, khi giao nộp cho chúng chiếc máy bay chiến đấu kiểu mới hầu như còn nguyên vẹn. Bộ chỉ huy Hồng quân tức tốc chỉ thị cho GRU phải sang Đức bắt L. Khrushchev đem về nước. Một toán điệp viên từng trải do sĩ quan tình báo Liên Xô nổi tiếng Pavel Sudoplatov (1907-1996) đứng đầu, đã thâm nhập vào sào huyệt quân thù ở Berlin bắt cóc L. Khrushchev đưa về Moscow, trước khi bộ máy tuyên truyền quốc xã kịp tổ chức họp báo rêu rao “chiến tích” bất lợi này.
Mộ bia L. Khrushchev được gia đình dựng bên cạnh mộ cha trong nghĩa trang Novodevichy ở Moscow. |
Sự việc sau đó được báo cáo lên Đại Nguyên soái Stalin, vì liên quan đến người thân của một thành viên trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản, rồi được thư ký riêng thay mặt Stalin trả lời: “Không ai được phép đứng ngoài vòng pháp luật, nên cứ thực hiện theo quy định thời chiến là nghiêm trị tội đào ngũ”. Kẻ phản bội tổ quốc cuối cùng phải chịu hình phạt xử bắn.
Không phải ngẫu nhiên sau khi L. Khrushchev đào tẩu, cô vợ Lyubov Illarionovna Sizyx đã bị cơ quan phản gián Liên Xô bắt vào cuối tháng 3-1943 về tội hoạt động gián điệp, rồi được trả tự do trong năm 1954 sau hơn 11 năm giam giữ theo lệnh miệng từ N. Khrushchev (lúc này đã là Tổng Bí thư).
Còn người con trai đầu của L. Khrushchev sinh cuối năm 1935 là Yuriy Khrushchyov, được ông nội nâng đỡ trở thành đại tá phi công lái máy bay thử nghiệm. Cô con gái út của L. Khrushchev là Yuliya Khrushchyova, cũng được ông nội sắp xếp qua cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” với người chồng là Viktor P. Gontaryom, Giám đốc Nhà hát Opera ở Kiev (Ukraine).
Giới bình luận chính trị am hiểu đều nhận định rằng, việc Stalin không tha tội chết cho con trai của N. Khrushchev là một trong những nguyên nhân chính khiến N. Khrushchev “trở cờ”, qua bài diễn văn đọc tại phiên họp kín ở Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX vào cuối tháng 2-1956 dưới tiêu đề “Về tệ nạn sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”, nhằm hạ bệ uy tín của nhà lãnh tụ thiên tài chỉ chưa đầy 3 năm sau khi Stalin từ trần.