Giám đốc CIA Gina Cheri Haspel – Sự nghiệp của những nỗ lực và tai tiếng

Thứ Sáu, 10/08/2018, 11:30
Có lẽ trong lịch sử chưa từng có người nào gặp phải nhiều phản đối và cản trở như bà Gina Haspel trên con đường tới chiếc ghế giám đốc của một trong những cơ quan tình báo hàng đầu thế giới là CIA.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, đề xuất của Tổng thống Donald Trump cho vị trí giám đốc CIA đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của các nghị sĩ từ cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa. Phản ứng trên cũng không phải quá bất ngờ nếu như biết rằng, bà Haspel từng điều hành chương trình nhà tù bí mật của CIA tại nước ngoài với “món đặc sản” là những thủ đoạn tra tấn vô nhân đạo đối với các nghi phạm khủng bố bị giam giữ. Dù vậy cũng không thể bỏ qua những nỗ lực bền bỉ của bà Haspel trong suốt quá trình hoạt động của mình để có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên lên nắm quyền tại CIA…

Người phụ nữ đầu tiên nắm quyền tại CIA

Ngay từ đầu, tham gia vào cuộc chiến phản đối việc bổ nhiệm bà Haspel có cả những tờ báo có ảnh hưởng hàng đầu của Mỹ như “The New York Times” hay “The Washington Post”, vốn đã từng tuyên chiến với ông Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trước đây.

Theo những gì báo chí đã điều tra và công bố, Gina Haspel (61 tuổi) – người bị mỉa mai là trông giống một cô giáo phổ thông hơn là phó giám đốc của một cơ quan tình báo hàng đầu thế giới – trong suốt nhiều năm đã từng chỉ đạo chương trình nhà tù bí mật của CIA, thậm chí còn trực tiếp điều hành một khu biệt giam có mật danh là “Mắt mèo” tại Thái Lan.

Tổng thống Donald Trump trong buổi tuyên thệ nhậm chức của bà Gina Haspel.

Các nhà tù do tình báo Mỹ bí mật dựng lên sau khi Washington đưa quân vào Afghanistan năm 2001 – từ Litva, Balan, Hungary cho tới một nước  Đông Nam Á – chuyên để giam giữ những tên khủng bố hồi giáo bị bắt giữ trong chiến sự, cũng như những đối tượng bị nghi ngờ có dính líu tới Al Qaeda. Lời khai của những kẻ bị bắt giữ này được khai thác nhờ một loạt các phương pháp tra tấn vô nhân đạo của CIA như không cho ngủ suốt vài ngày, trấn nước, dùng điện hay bật nhạc âm thanh lớn suốt cả ngày v.v…

Các tài liệu chuyển cho Thượng viện Mỹ cho thấy, bà Gina Haspel không những chỉ chịu trách nhiệm về việc áp dụng các hình thức tra tấn trên tại CIA, mà ngay sau khi vụ việc bị vỡ lở, bà còn tìm mọi cách xóa bỏ mọi chứng cớ. Quan điểm của các tờ báo uy tín hàng đầu nước Mỹ cũng nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia ngoại giao kỳ cựu.

Đã có hơn 100 cựu đại sứ Mỹ ở nước ngoài cùng ký tên vào một bức thư ngỏ gửi Thượng viện, yêu cầu bác bỏ đề xuất bổ nhiệm Haspel. Ngay trước phiên bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ John McCain, người đang có mặt tại nhà ở Arizona để tham gia khóa trị liệu chứng bệnh ung thư não, cũng gửi thư riêng yêu cầu các nghị sĩ bỏ phiếu chống lại Haspel. Tham gia vào chiến dịch rầm rộ trên tất nhiên không thể không có sự tham gia nhiệt tình của các tổ chức nhân quyền tại Mỹ.   

Tất cả những nỗ lực trên đã không thể ngăn cản Gina Haspel chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử lãnh đạo Cục tình báo trung ương Mỹ vào ngày 17-5-2018. Trước đó, trong suốt buổi điều trần kéo dài hơn 6 giờ tại đồi Capitol, Haspel trần tình rằng, trong suốt quá trình hoạt động 33 năm của mình tại CIA, bà không tập trung chủ yếu vào các “nhà tù bí mật” mà là “cuộc đấu tranh chống lại những hoạt động của nước Nga”. Chưa kể ngay từ đầu buổi điều trần, cựu Thượng nghị sĩ phe Dân chủ Evan Bayh cũng đề cao Haspel như “một chuyên gia về nước Nga với nhãn quan sâu rộng và khả năng tiên đoán tuyệt vời”.

Hoạt động khắp mọi nơi

Bà Gina Cheri Walker (chuyển sang họ Haspel chỉ sau khi lấy chồng) sinh năm 1956 tại thành phố Ashland, bang Kentucky. Do có cha phục vụ trong không quân Mỹ thường đi đây đó, bà đã tốt nghiệp phổ thông tại Anh. Sau khi học tại Đại học Tổng hợp Kentucky, tháng 5-1978 Haspel tốt nghiệp Trường Đại học Louisville với tấm bằng cử nhân về ngữ văn và báo chí. Trong tiểu sử ngắn được CIA chuyển cho Thượng viện Mỹ trước buổi điều trần, Haspel được nhấn mạnh đã có khả năng nói thành thạo tiếng Tây Ban Nha và Pháp trước khi vào phục vụ tại cơ quan này. 

Các tổ chức nhân quyền biểu tình phản đối việc bổ nhiệm bà Gina Haspel.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Haspel có thời gian làm nhân viên thư viện và thư ký tại tòa án. Cô lấy người chồng Jeff Haspel cũng là một quân nhân và ly hôn chỉ sau một thời gian ngắn. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi không có một đứa con nào và Haspel cho tới giờ vẫn không có ý định lập gia đình. Vào năm 1985, khi mới có 28 tuổi, Haspel được nhận vào làm việc tại CIA.

Trái với truyền thống khi đó đối với phụ nữ, Haspel không chịu nhận công việc của một chuyên gia phân tích. Thay vì ngồi nghiên cứu các báo cáo và tài liệu tại trụ sở, bà ưa thích làm việc “tại thực địa” hơn với việc xin vào ban nghiệp vụ, chuyên đảm trách việc tiếp xúc trực tiếp với các điệp viên mật. Ngay trong buổi điều trần vừa qua tại Thượng viện, Haspel cũng kể lại nhiệm vụ đầu tiên của mình.

“Đó là một đêm tại quốc gia nơi tôi đang hoạt động – Haspel kể cho các nghị sĩ – Tôi ra ngoài phố, chui vào trong xe của một người lạ, trao tiền cho anh ta và nhận lại thông tin mà điệp viên của chúng ta đã thu thập được. Đó chính là một công việc trong mơ của tôi”.   

Dù Haspel không nêu rõ tên quốc gia nào, nhưng Hãng Truyền hình CBS sau đó đã khẳng định đó chính là Ethiopia. Cần nói thêm là sau khi vào CIA, Haspel được phân vào một bộ phận chuyên trách theo dõi hoạt động của tình báo Xôviết. Hai năm sau, bà được cử tới Addis Ababa (thủ đô Ethiopia). Chính Ethiopia vào năm 1987 là một trong những quốc gia nhận được viện trợ chủ yếu của Liên Xô. “Bà ấy bắt đầu sự nghiệp như một điệp viên thông thường – một nhân viên CIA kể lại – Bố trí các hộp thư liên lạc bí mật, chuyển tiền cho các điệp viên và soạn thảo các mật mã để liên lạc với họ”.

Sau hai năm tại Ethiopia, Haspel quay trở về Mỹ, bắt đầu tập trung học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Nga. Năm 1990, bà được cử tới Ankara. Dù hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là thành viên của NATO và là đồng minh của Mỹ - không được coi là quá phức tạp, nhưng những nỗ lực của nữ nhân viên này vẫn được Washington đánh giá tốt.

“Nếu như bạn quyết định học một ngôn ngữ khó và sẵn sàng làm việc tại nơi được cử tới, uy tín của bạn tại CIA sẽ tăng lên nhanh chóng” – đó là lời giải thích của cựu điệp viên Henry Crumpton, người về sau đã nhận Haspel về làm phó ban chuyên thu thập thông tin về các quốc gia mà người Mỹ khó có thể xâm nhập.

Tại Ankara, Haspel tiếp tục học tiếng Nga đồng thời với việc nghiên cứu các phương pháp mà tình báo Xôviết thường sử dụng để tuyển mộ các công dân nước ngoài. Một trong những người quen từ lâu của bà đã tiết lộ với các phóng viên rằng, Haspel rất thích xem loạt phim truyền hình “The Americans” với các nhân vật chính là một gia đình điệp viên Xôviết hoạt động tại Mỹ vào những năm 1980. “Bộ phim đã mô tả rất chính xác cách hoạt động của các điệp viên từ Liên Xô” – ông này giải thích thêm.

Haspel quay trở lại Mỹ ngay sau khi ông Bill Clinton lên làm ông chủ Nhà Trắng. Dù mối quan hệ Nga - Mỹ trong giai đoạn này được đánh giá là “nồng ấm” hơn, nhưng các cơ quan mật vụ của cả hai bên vẫn không ngừng các hoạt động đối đầu.

Theo một số nguồn tin, chính Gina Haspel từng làm việc trong một nhóm cùng với Aldrich Ames – điệp viên được đánh giá là quan trọng nhất đối với Cơ quan tình báo Xôviết và Nga sau này tại Mỹ. Vào cuối những năm 1980, sau khi đã đồng ý làm việc cho Moskva, nhân vật này từng đứng đầu Ban phụ trách về Liên Xô của mật vụ Mỹ.

Trong suốt 10 năm sau đó, Ames đã cung cấp tên tuổi của hàng chục sĩ quan KGB đã phản bội tổ quốc để hợp tác với tình báo Mỹ, một vài người trong số này đã phải nhận mức án tử hình. Aldrich Ames bị bắt vào năm 1994 trước khi thụ án phạt tù chung thân tại nhà tù Allenwood bang Pennsylvania.

Hiện chưa thể làm rõ vai trò của Haspel trong vụ của Aldrich Ames. Chỉ biết rằng sau khi Ames bị bắt, Haspel được bổ nhiệm làm phó chỉ huy nhóm phụ trách nước Nga trong Cục Âu - Á của CIA. Nhiệm vụ chính của nhóm này là theo dõi hoạt động của tình báo Nga trên khắp thế giới cũng như tham gia tuyển mộ điệp viên.

Theo lời cựu nhân viên CIA John Cifer, người thay thế Haspel ở chính cương vị trên, “bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn này”. Còn theo Kênh Truyền hình CBS, Haspel đã không dưới 7 lần đi công tác dài ngày tới Moskva chỉ riêng trong thập niên 90.

Những nhiệm vụ mà Haspel đã thực hiện trong thời gian này vẫn được giữ bí mật. Nhưng theo cựu nhân viên CIA Michael Kelton, mục tiêu chính của mật vụ Mỹ trong thời điểm đó là cựu Trung tá KGB Vladimir Putin, người bất ngờ được bổ nhiệm làm lãnh đạo Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) trước khi trở thành thủ tướng nước này.

Đến năm 1999, người Mỹ đã biết được rằng, chính Putin sẽ là người thay thế Tổng thống Boris Eltsin. “Nước Nga vẫn được coi là mối đe dọa thường trực đối với Washington, chính vì vậy trong các cơ quan mật vụ Mỹ có vai trò chủ chốt chính là những người hiểu được ai đang là những nhân tố chủ yếu trên chính trường Nga, họ xuất thân từ đâu và họ có thể làm điều gì -  Michael Kelton giải thích.

Tính ra trong 33 năm công tác tại CIA, Haspel đã có tổng cộng 17 chuyến công tác nước ngoài. Năm 1998, trên cương vị phó chỉ huy của CIA tại Azerbaijan, bà đã điều hành chiến dịch bắt giữ được hai thành viên Al Qaeda từng tham gia tổ chức đánh bom tại hai tòa đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania khiến 158 người thiệt mạng.

 “Thông tin quan trọng hơn đạo lý”

Sau vụ khủng bố 11-9-2001, bà Gina Haspel được chuyển sang làm việc tại Trung tâm chống khủng bố của CIA. Một trong những nhiệm vụ của bà trong giai đoạn này là điều hành nhà tù bí mật tại Thái Lan, là nơi giam giữ những kẻ bị nghi ngờ dính líu đến khủng bố.

Đáng chú ý trong số này là công dân Abdal-Rahim al-Nashiri của Arab Saudi, kẻ đã tham gia vào âm mưu đánh bom  khu trục hạm Cole của Mỹ tại Yemen vào năm 1997 khiến 17 quân nhân thiệt mạng. Al-Nashiri bị bắt tại Afghanistan, bị giam giữ vài năm tại nhà tù bí mật “Mắt mèo” của CIA tại Thái Lan. Tính ra, Al-Nashiri cũng có vài năm được tay chân của Haspel “chăm sóc” tại Thái Lan.

Theo lời kể của hắn, trò tra tấn bằng trấn nước (thường gọi là waterboarding, trong đó tù nhân bị che mặt bằng tấm vải trước khi bị dội vào miệng hàng trăm lít nước) vẫn được đánh giá là “nhân đạo nhất” trong các thủ đoạn tra tấn tại đây. Còn lại, các tù nhân bị tra tấn bằng điện, không cho ngủ trong suốt vài ngày. Một số phòng giam còn bị rọi đèn sáng trưng cả ngày, hay buộc tù nhân phải nghe loại nhạc heavy rock bật hết cỡ khiến họ gần như phát điên.

Dù chính Haspel và một số quan chức ủng hộ bà vẫn biện luận rằng, chương trình tra tấn trên được chính quyền Mỹ và giới lãnh đạo CIA phê chuẩn, bà ta đơn giản chỉ thực thi theo chỉ đạo của cấp trên. Nhưng một số cựu nhân viên mật vụ Mỹ vẫn đánh giá, Haspel không chỉ sử dụng thông tin thu được từ những phương pháp tra tấn mà còn “ủng hộ nhiệt tình” cho chương trình này. Cụ thể theo một cựu đồng nghiệp, Haspel từng cho rằng, thông tin nhận được từ tra tấn nhiều khi còn quan trọng hơn các vấn đề đạo lý.

Mới gần một năm trước, Trung tâm Pháp quyền và Nhân quyền châu Âu (ECCHR) đã yêu cầu Viện kiểm sát Đức ban hành lệnh bắt Gina Haspel vì tội danh tra tấn những kẻ tình nghi khủng bố.

Theo dữ liệu của cơ quan hành pháp Đức, Haspel đã trực tiếp tham gia vào việc thẩm vấn tên khủng bố Abu Zubaydah tại nhà tù bí mật “Mắt mèo”. Tính ra, Zubaydah ít nhất có 83 lần bị trấn nước và bị ghi hình trong thời gian tra tấn. Một số người còn cho biết, chính vì những “thành tích” trên mà Haspel được gán cho biệt danh “Bloody Gina” (Gina khát máu) ngay trong nội bộ CIA.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.