Giám đốc FBI bị sa thải - vì sao?
- Những ứng viên sáng giá cho vị trí Giám đốc FBI
- Vì sao ông Trump khen nhưng vẫn sa thải Giám đốc FBI?
- Tranh cãi về tuyên bố của Giám đốc FBI
Vào thời điểm đó, ông chưa nhận được tin tức gì từ Nhà Trắng. Ngay sau đó, một lá thư của Tổng thống Mỹ Trump được đưa đến trụ sở FBI, thông báo quyết định cách chức với lý do ông Comey không làm việc hiệu quả.
Lãnh đạo không hiệu quả?
Không làm được việc là lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu lên cho quyết định cách chức Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey.
Phát biểu với báo giới tại một sự kiện ở Phòng Bầu dục ngày 10-5, Tổng thống Trump nêu rõ lý do đơn giản dẫn tới việc bị cách chức là ông Comey không làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ từ chối trả lời thêm các câu hỏi liên quan tới quyết định sa thải người đứng đầu FBI.
Tổng thống Trump và ông Comey. Ảnh: International Business Times. |
Theo Reuters, trong bức thư gửi tới Giám đốc FBI Comey, Tổng thống Donald Trump đồng ý với nhận định của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions rằng, ông Comey không đủ năng lực để điều hành tốt FBI dù nhiệm kỳ của ông Comey còn kéo dài đến tháng 9-2023. "Việc cần thiết bây giờ là chúng ta cần tìm lãnh đạo mới cho FBI để có thể khôi phục niềm tin của công chúng vào sứ mệnh hành pháp to lớn của cơ quan này", ông Trump viết.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, lý do chính khiến ông Comey bị sa thải là vì những sai sót trong quá trình xử lý bê bối sử dụng email cá nhân của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Vào thời điểm đó, ông Comey thậm chí đã bật cười và nghĩ rằng đây là một trò đùa hay một sự nhầm lẫn nào đó cho đến khi ông chính thức được xác nhận thông tin. Được biết, quyết định của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực tức thì. Theo quy định kế nhiệm của FBI, Andrew G.McCabe, cấp phó của ông Comey trở thành quyền giám đốc.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định thông tin trên. Tổng thống Trump đã chấp thuận khuyến nghị của Bộ trưởng và Thứ trưởng Tư pháp Mỹ về việc sa thải Giám đốc FBI và việc tìm kiếm lãnh đạo mới của cơ quan này đã được bắt đầu "ngay lập tức". Trong thư gửi cho ông Comey, Tổng thống Trump cũng thông báo quyết định sa thải có hiệu lực ngay lập tức và ông đã đồng tình với khuyến nghị của Bộ Tư pháp rằng ông Comey không thể lãnh đạo FBI một cách hiệu quả. Đây được coi là động thái bất ngờ của Tổng thống Donald Trump.
Nhà Trắng cho rằng, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ Comey hành động "hung bạo" khi xử lý cuộc điều tra về máy chủ thư điện tử của ứng viên tổng thống Hillary Clinton. Bức thư ông Trump nhận được từ thứ trưởng và bộ trưởng Tư pháp cho thấy "sự hung bạo về căn bản" của ông Comey khi "luồn lách hệ thống Bộ Tư pháp", và điều này thuyết phục ông sa thải giám đốc FBI, CNN dẫn lời Sarah Huckabee Sanders, phó thư ký báo chí Nhà Trắng, hôm 10-5 cho biết.
"Bất kỳ ai có tư duy pháp lý và thẩm quyền đều biết vấn đề đó lớn đến mức nào", Sanders nói. "Đặc biệt là ai đó như thứ trưởng Tư pháp, người đã làm trong Bộ Tư pháp suốt 30 năm, khi ông ấy thấy điều đó, ông ấy phải có hành động, đó là chất xúc tác cuối cùng" của việc sa thải Comey.
Thư của Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein cho rằng việc ông Comey xử lý cuộc điều tra về bà Clinton năm ngoái không chuyên nghiệp, vượt quá giới hạn công việc của ông. "Hầu hết mọi người nhất trí rằng giám đốc đã sai lầm nghiêm trọng. Đó là một trong số ít vấn đề mà mọi người, với những quan điểm đa dạng, đều thống nhất", Rosenstein viết.
Theo các chuyên gia, việc ông Comey từ chối cho phụ tá của Trump xem trước nội dung điều trần tại thượng viện là chất xúc tác khiến Tổng thống Mỹ hạ lệnh sa thải. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã muốn được biết trước những gì James Comey sẽ nói tại buổi điều trần ngày 3-5, về việc xử lý cuộc điều tra bê bối email cá nhân của bà Hillary Clinton.
Sự tức giận của ông Trump với ông Comey đã tích tụ trong nhiều tháng và khi Comey từ chối đáp ứng yêu cầu, Trump và phụ tá coi đó là hành động bất phục tùng. Đây là giọt nước tràn ly dẫn đến việc Trump hạ lệnh cách chức Comey, theo Reuters. "Việc đó tạo ra ấn tượng rằng ông ấy không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình", một quan chức cho biết. Việc để cấp trên xem trước nội dung điều trần trước quốc hội thường được coi là hành động thể hiện sự tôn trọng.
Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, ông Comey cũng đã gây xôn xao dư luận khi gửi một bức thư lên giới lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông báo mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton do phát hiện những bức thư được cho là "thích hợp cho cuộc điều tra", chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Trong phát biểu ngày 2-5 tại một diễn đàn ở New York, bà Hillary Clinton cho rằng sở dĩ bà thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái là do Giám đốc FBI James Comey can thiệp bằng cách công bố những thông tin không có lợi, khiến các cử tri "trở nên sợ hãi".
Một cựu cố vấn của Trump nói rằng ông tức giận vì Comey chưa bao giờ công khai ông Trump không có dính líu gì mờ ám khi FBI điều tra các cuộc liên lạc giữa đại sứ Nga tại Mỹ, Sergei Kislyak và các cố vấn chiến dịch Trump vào năm ngoái. Theo cựu cố vấn này, phiên điều trần của ông Comey càng khiến ông Trump củng cố suy nghĩ rằng "Comey chống lại ông".
Những quyết định sa thải... bất ngờ
Tiếp tục phản ứng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định sa thải Giám đốc James Comey, Phó Tổng thống nước này Mike Pence khẳng định động thái này nhằm khôi phục niềm tin vào cơ quan thực thi pháp luật, mà không vì bất cứ động cơ nào liên quan đến cuộc điều tra khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Người biểu tình không đồng tình quyết định sa thải Giám đốc FBI. Ảnh: AP. |
Trả lời báo giới tại trụ sở quốc hội Mỹ khi được hỏi liệu quyết định sa thải ông Comey có liên quan đến cuộc điều tra trên hay không, ông Pence đã bác bỏ mối liên hệ này, đồng thời nói rằng: "Tổng thống đã đưa ra chỉ đạo kiên quyết và dứt khoát để đặt an ninh và an toàn của người dân Mỹ lên trên hết". Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay bảo vệ quyết định sa thải giám đốc FBI và hứa thay thế James Comey bằng "người tốt hơn rất nhiều".
"Comey khiến hầu hết mọi người ở Washington mất lòng tin, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Khi mọi việc trầm xuống, họ sẽ cám ơn tôi", Trump viết trên Twitter một ngày sau khi ông sa thải giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, theo Reuters. "Đảng Dân chủ từng nói những điều vô cùng tệ hại về James Comey, kể cả việc ông ấy nên bị sa thải, thế mà bây giờ họ lại ra vẻ buồn lắm!", ông Trump nhận xét. "James Comey sẽ được thay thế bởi một người làm việc tốt hơn rất nhiều, đưa tinh thần và uy tín của FBI trở lại", Tổng thống Mỹ viết.
Hơn 100 ngày chính thức nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã có những quyết định sa thải các tướng lĩnh, chiến lược gia một cách đầy bất ngờ... Đầu tiên phải kể đến quyết định sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates ngay sau khi nhậm chức được 10 ngày. Bà Sally Yates đã chỉ trích sắc lệnh hạn chế nhập cảnh nhằm vào công dân 7 nước Hồi giáo của ông Trump và yêu cầu cơ quan tư pháp không được bảo vệ sắc lệnh gây tranh cãi này. Ngay sau đó, ông chủ Nhà Trắng đã trả đũa bằng cách sa thải bà Yates và cáo buộc bà "phản bội" chính quyền.
Cho tới 10-3, Chính quyền Donald Trump lại có quyết định bất ngờ, khi yêu cầu 46 trưởng công tố liên bang còn lại từ thời cựu Tổng thống Barack Obama từ chức. Trong số những người buộc từ chức có công tố viên bang Manhattan, Preet Bharara, người từng được Tổng thống Donald Trump đề nghị ở lại hồi tháng 11. Chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu 46 công tố viên được bổ nhiệm dưới thời ông Obama phải từ chức.
Các công tố viên Mỹ là những người được chỉ định và yêu cầu từ bộ Tư pháp và đây là một phần trong quá trình chuyển giao quyền lực thông thường. Tuy nhiên, động thái của chính quyền Donald Trump được đánh giá là bất ngờ, khi không phải mọi chính quyền mới đều thay thế tất cả các công tố viên cũ ngay lập tức và cùng một lúc.
Thông thường, việc thay thế diễn ra dần dần, hoặc một số người vẫn được giữ lại, chứ không phải thay thế toàn bộ cùng lúc như cách làm việc của tân tổng thống... Và tới 6-4, Tổng thống Trump đã tiến hành cải tổ Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), cách chức chiến lược gia trưởng Stephen Bannon. Stephen Bannon - là một trong những cố vấn được tin cậy nhất nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất của ông Trump.
Truyền thông Mỹ bình luận, quyết định của ông Trump đã gây ra một cơn bão chính trị. Động thái sa thải Giám đốc FBI của ông Trump đến nay vẫn là tâm điểm chỉ trích và theo dõi của dư luận. Chính quyền Tổng thống Trump đối mặt hàng loạt chỉ trích từ các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số Nghị sĩ của chính đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Burr cho rằng quyết định của ông Trump có thể tạm thời trì hoãn cuộc điều tra của ủy ban này. Ông Burr bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự hợp tác tương tự từ phía Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe.
FBI bị đẩy vào tình trạng mất phương hướng sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ "trảm" Giám đốc James Comey. Reuters ngày 10/5 dẫn lời giới quan sát nhận định một "cơn bão chính trị" mới đã được châm ngòi sau khi Tổng thống Trump ra quyết định miễn nhiệm Giám đốc FBI James Comey.
Theo nhiều quan chức FBI, cơ quan này hiện đang rất lúng túng. Ủy ban Tình báo thượng viện Mỹ vừa đề nghị cựu giám đốc FBI James Comey xuất hiện vào tuần tới. Ông Comey vừa được mời tới cuộc họp kín vào ngày 16-5 tới, NPR dẫn lời Rebecca Watkins, phát ngôn viên ủy ban, hôm 10-5 cho biết. Đây là lần đầu tiên Comey được yêu cầu xuất hiện trước Quốc hội với tư cách công dân bình thường kể từ khi bị Tổng thống Donald Trump sa thải hôm 9-5. Ô
ng Comey đáng lẽ xuất hiện trước ủy ban vào ngày 11-5 để thảo luận về mối đe dọa đối với an ninh Mỹ. Tuy nhiên, ủy ban cho biết quyền giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Andrew McCabe sẽ thay ông trong phiên điều trần. Một số quan chức tình báo cấp cao khác cũng sẽ tham gia cùng ông McCabe tại phiên điều trần mở.
Cựu giám đốc FBI James Comey ngày 10-5 đã viết một bức tâm thư gửi cho đồng nghiệp của mình sau khi bất ngờ nhận được quyết định sa thải từ Tổng thống Donald Trump. Tại các thành phố lớn như Washington, Chicago, nhiều người đã xuống đường biểu tình.
Tại Washington, sáng 10-5, hàng trăm người cũng tụ tập bên ngoài Nhà Trắng giơ các hình nộm và biểu ngữ, để phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Giám đốc FBI. Ông Comey là người được kính trọng ở Quốc hội Mỹ, từng làm Phó Tổng chưởng lý dưới thời Tổng thống George W.Bush trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc FBI khi ông Obama làm tổng thống.
Nguy cơ rò rỉ các thông tin hoàn toàn có thể xảy ra. Comey sẽ trở thành người có trong tay cực nhiều thông tin về tổng thống và có thể tung ra bất cứ lúc nào. Chả vậy mà mới bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải không lâu, cựu Giám đốc FBI James Comey đã nhận được lời mời làm việc cho WikiLeaks từ ông Julian Assange. Theo RT, ngày 10/5, ông Assange đăng trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân: "WikiLeaks sẽ rất vui mừng khi cân nhắc tuyển dụng ông James Comey giúp điều hành văn phòng tại Washington DC nếu ông ấy muốn điều tra ra trò về chính phủ Mỹ".
Cùng với việc đưa ra lời mời nêu trên, nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, còn tiết lộ rằng một nguồn tin tại Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khẳng định, cơ quan này hiện giờ có thể "bắt đầu rò rỉ thông tin như thác Niagara".
Điệp viên Snowden cũng lên tiếng việc sa thải giám đốc FBI. Trên trang Twitter của mình, ông Snowden nhấn mạnh: "Trong nhiều năm, vị giám đốc FBI này đã cố gắng tống tôi vào tù vì hoạt động chính trị của mình. Nên nếu tôi có thể đứng ra phản đối việc bãi nhiệm ông ấy, thì các bạn cũng có thể làm thế".
FBI là tổ chức an ninh quốc gia, làm việc chặt chẽ với nhiều đối tác trên khắp nước Mỹ và thế giới để xử lý những nguy cơ an ninh nghiêm trọng nhất mà Mỹ đối mặt. FBI có nhiều quyền pháp lý cho phép tổ chức này điều tra tội ác cấp liên bang và nguy cơ đối với an ninh quốc gia, cũng như là thu thập thông tin tình báo và hỗ trợ các cơ quan chấp pháp khác. FBI có trên 30.000 nhân viên. |