Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ: IS đang làm tổ ở châu Âu

Thứ Năm, 12/05/2016, 12:40
Trong bối cảnh châu Âu đối mặt với nguy cơ khủng bố tràn lan do Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành, các cơ quan tình báo của châu Âu đã không kịp thời phối hợp ngăn chặn. Hai vụ khủng bố nghiêm trọng tại Brussels ngày 22-3-2016 và Paris tháng 11-2015 là những lời cảnh báo quá rõ ràng cho nguy cơ này. Ngày 25-4, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNO) James Clapper tiếp tục đưa ra lời cảnh báo.

Nói chuyện với các phóng viên báo chí tại bữa ăn sáng ngày 25-4 do tờ báo Christian Science Monitor tổ chức, ông James Clapper đưa ra lời cảnh báo rằng, IS đang vận hành các ổ nhóm khủng bố bí mật tại Anh, Đức và Italia. Các ổ nhóm khủng bố này có cơ cấu và kiểu hoạt động tương tự như các nhóm đã gây ra các vụ khủng bố tại Brussels và Paris. Ông Clapper cũng khẳng định tình báo Mỹ có đủ bằng chứng về các kế hoạch khủng bố sắp tới của IS.

Châu Âu lại lên cơn sốt lo ngại tái diễn cảnh đánh bom như tại Paris và Brussels vừa qua.

Lời tuyên bố của ông Clapper gây chú ý mạnh, bởi ông là quan chức tình báo cao cấp nhất của phương Tây chính thức thừa nhận trước công luận về mức độ xâm nhập rộng rãi của IS vào địa bàn châu Âu. Hơn thế, ông Clapper đã chạm thẳng đến một vấn đề bấy lâu nay đã trở thành nỗi sợ hãi trong các cơ quan tình báo và các nhà hoạch định chính sách Mỹ và châu Âu: sự xâm lăng của IS vào châu Âu. Thực tế, trước khi ông Clapper lên tiếng cảnh báo, IS cũng đã từng vài lần tuyên bố sẽ mở các đợt tấn công nhằm vào ba quốc gia ông Clapper vừa nêu.

Chuyện đã rõ ràng là thế. Nhưng theo các chuyên gia, vấn đề là làm sao để biết được đợt tấn công sắp tới IS sẽ thực hiện ở đâu, địa điểm nào? Muốn có được câu trả lời cho vấn đề này, cần phải có sự chia sẻ thông tin tình báo thông suốt giữa các quốc gia châu Âu và giữa châu Âu với Mỹ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao để thúc đẩy cho được hoạt động chia sẻ thông tin tình báo ở châu Âu.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper.

Nhiều quốc gia châu Âu hiện nay vẫn từ chối chia sẻ thông tin tình báo cơ bản, ngay cả trong nội bộ chính phủ nước mình, chứ đừng nói là bên ngoài. Đây được xem là nhược điểm và thiếu sót lớn nhất của các cơ quan tình báo ở châu Âu. Nó dẫn đến việc tạo ra các điểm mù ở khắp châu lục, từ đó tạo thuận lợi cho bọn khủng bố ung dung hoạt động. Brussels có hơn một chục đơn vị cảnh sát, còn ở Pháp thì các cơ quan tình báo, cảnh sát và tư pháp lại không có thói quen chia sẻ với nhau thông tin về khủng bố.

Kể từ sau hai vụ khủng bố ở Brussels (tháng 3-2016) và Paris (tháng 11-2015), người Mỹ đã tăng cường cung cấp cho các đồng minh những thông tin tình báo từ nhiều nguồn khác nhau, cả công nghệ thu thập tín hiệu lẫn thu thập bằng con người, đồng thời đưa ra đề xuất điều chỉnh mang tính lâu dài đối với những thiếu sót về cơ cấu tổ chức trong hoạt động chia sẻ thông tin tình báo của các nước châu Âu. Khoảng đầu tháng 4-2016, ông Clapper đã dẫn một phái đoàn quan chức tình báo Mỹ đến Đức để gặp gỡ các đồng nghiệp châu Âu trong một nỗ lực nhằm “thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia châu Âu”.

Ngay sau khi xảy ra vụ đánh bom ở Brussels, giới chuyên gia tình báo trên thế giới đã đồng loạt đưa ra nhận định chung rằng nhược điểm lớn nhất của các cơ quan tình báo châu Âu là đã không tích cực chia sẻ thông tin tình báo cho nhau, cũng như không chủ động kiểm soát đối tượng tình nghi khủng bố, nên đã để cho chúng hoạt động dễ dàng trong khi các cơ quan tình báo của từng quốc gia châu Âu lại không thể nắm trước được nguy cơ khủng bố xảy ra ở đâu do không thể ráp nối được các manh mối khả nghi.

Cần nhắc lại rằng, trước khi xảy ra vụ đánh bom sân bay và ga tàu điện ở Brussels, tình báo Mỹ đã từng chủ động liên lạc với các đồng nghiệp ở Brussels để cảnh báo trước về những mối đe dọa tăng cao, dựa vào các dấu hiệu liên lạc, trao đổi và di chuyển của các phần tử khả nghi. Tuy nhiên, do thiếu chia sẻ thông tin tình báo nên khi tiếp nhận thông tin cảnh báo từ các đồng nghiệp Mỹ, tình báo Brussels đã lúng túng, không thể xử lý tốt thông tin, dẫn đến không thể dự đoán trước bọn khủng bố sẽ tấn công ở đâu.

Cùng chung nhận định với tình báo Mỹ, các quan chức chống khủng bố ở châu Âu cũng nói rằng họ có những dấu hiệu từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy Anh, Đức và Italia, có lẽ còn nhiều quốc gia nữa, đang trong tầm ngắm của IS, cụ thể là mạng lưới các ổ nhóm IS ở châu Âu.

Nguồn dữ liệu có khi lại đến từ chính IS, bởi vì IS thường xuyên bắn tín hiệu cho thế giới biết về ý định tấn công của chúng. Hoặc, nguồn tin còn đến từ việc khai thác các nghi can đã thực hiện hành động khủng bố hoặc bị ngăn chặn sớm. Kế nữa là nguồn thông tin từ hoạt động thu thập tín hiệu nghe lén điện thoại, e-mail, trao đổi trên mạng Internet. Tuy nhiên, việc can thiệp nghe lén trên Internet đang gặp khó khăn vì IS đã biết cách mã hóa, bảo vệ tốt các liên lạc viễn thông của mình.

Trong các quốc gia trong tầm ngắm khủng bố vừa được cảnh báo, thì Anh và Đức là hai nước có nguy cơ cao hơn và người ta cũng dễ dàng hiểu được lý do khủng bố. Hoặc, Pháp hay Bỉ cũng có thể là mục tiêu tiếp theo đáng lo ngại nhất của IS. Mohammed Abrini, một trong các nghi can tham gia vào cả hai vụ khủng bố ở Paris và Brussels vừa qua, đã nói với các nhà điều tra rằng, IS đã từng xem xét kế hoạch đánh bom hàng loạt sân vận động tại Giải vô định bóng đá châu Âu vào tháng 6-2016 này tại Pháp.

Hơn nữa, Anh, Đức và Pháp là các quốc gia có số phần tử tham gia chiến đấu cùng IS tại Syria đông nhất (lên đến hàng ngàn tên mỗi nước), trong số đó có hàng trăm tên đã quay trở về nước để xây dựng các ổ nhóm khủng bố tại chỗ. Chỉ riêng Italia, các chuyên gia cảm thấy khó lý giải được vì sao IS lại muốn nhắm vào quốc gia này. Italia có rất ít cộng dân đến Syria tham gia IS, nhưng lại thường xuyên được nhắc đến như một “mục tiêu tiềm năng”.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.