Gián điệp Thổ Nhĩ Kỳ tràn lan khắp nước Đức

Thứ Năm, 01/09/2016, 07:25
Theo tờ "Die Welt" đưa tin, những cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở Đức đang bị đe dọa bởi mạng lưới dày đặc gián điệp từ Cơ quan tình báo quốc gia (Milli Istihbarat Teskilati -MIT) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng theo tờ báo, Ủy ban giám sát tình báo Quốc hội Đức đang yêu cầu chính quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel có câu trả lời về các hoạt động của MIT trên đất nước này từ sau sự kiện đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-7-2016.

Theo chuyên gia phân tích tình báo Erich Schmidt-Eenboom, số lượng gián điệp MIT hiện nay ở Đức còn đông đảo hơn điệp viên ngầm của Stasi (CHDC Đức) thời Chiến tranh Lạnh.

Chuyên gia phân tích tình báo Schmidt-Eenboom.

Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xấu đi từ năm 2015, ở đỉnh cao của cuộc khủng hoảng người nhập cư và ngày càng trở nên căng thẳng sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hồi giữa tháng 7 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi tình hình đã vãn hồi, chỉ có nước Nga lên tiếng ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, còn đồng minh "bằng mặt không bằng lòng" là Mỹ và các nước EU thì tỏ thái độ về vụ đảo chính vẻ như qua loa chiếu lệ.

Thế mà khi nghe Ankara cáo buộc giáo sĩ Gulen đang lưu vong tại Mỹ là kẻ chủ mưu cuộc đảo chính bên cạnh việc áp dụng những màn thanh trừng khốc liệt, EU lập tức lớn tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng những thủ đoạn đàn áp "vi phạm nghiêm trọng quyền con người" đối với những người dính líu vào âm mưu đảo chính hoặc chống đối Tổng thống Recep Tayip Erdogan.

Ngày 2-8, Erdogan buộc tội "phương Tây", bao gồm cả Mỹ và hệ thống tư pháp Đức, ủng hộ phe đảo chính. Nhân đây cũng cần nhắc lại rằng, giới tình báo Nga đã nghe lén được các cuộc trao đổi thông tin về vụ đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Erdogan. Nga sau đó chuyển thông tin đến Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

Giám đốc MIT Hakan Fidan và Thủ tướng Binali Yildirim tháng 6-2016.

Tình báo Nga cũng đã thu thập được thông tin phe đảo chính sẽ cho trực thăng tới bắt cóc ông Erdogan tại thành phố nghỉ mát Marmaris, thuộc vùng Riviera, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng tin Iran Fars News. Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã nồng ấm hơn sau khi ông Erdogan xin lỗi người Nga về vụ quân đội Ankara bắn rơi Su-24 của Moscow tháng 11-2015.

Cũng từ đây, một số tổ chức và cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu từng công khai đứng về phía giáo sĩ Gulen đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch đe dọa do phe cánh ông Erdogan hoặc do chính ông ta chỉ thị tiến hành.

Ercan Karakoyun, người đứng đầu tổ chức Stiftung Dialog und Bildung ủng hộ Gulen có trụ sở tại Berlin, nói với tờ Politico: "Nhiều người trong số chúng tôi bị đe dọa đến tính mạng. Tôi đã báo cáo ít nhất là 6 vụ đe dọa tính mạng đến cảnh sát, và tôi biết còn rất nhiều vụ khác như thế nhằm vào cộng đồng chúng tôi".

2 thành viên trong tổ chức của ông đã bị một nhà lãnh đạo địa phương của Liên minh Dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu (UETD), một chi nhánh của Đảng AK của Tổng thống Erdogan trực tiếp đe dọa bằng dòng tin nhắn trên Twitter: "Các người có dám đi lại trên đường phố không? Đối với các người, cái chết sẽ không dễ dàng".

Tờ Süddeutsche Zeitung thì đưa tin: gần đây, trường học, nơi tạm trú và các cơ sở khác được coi là có liên hệ với phong trào Gulen đã bị tấn công tại nhiều bang của Đức. Một số nhóm dùng phương tiện truyền thông là mạng xã hội công bố "danh sách tẩy chay", trong đó có tên của những nhà hàng và cửa hàng bị cáo buộc là theo đường lối hoặc ủng hộ Gulen.

Người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan biểu tình tại thành phố Cologne, Đức, ngày 31-7.

"Những hành động này là rất hung hăng", tờ Süddeutsche Zeitung dẫn lời Gokay Safuoglu, người đứng đầu một hiệp hội của người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức nhận xét.

Ngày 31-7, hàng chục nghìn kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ (ủng hộ tổng thống của họ) xuống đường tuần hành ở Cologne để phản đối những thế lực âm mưu tiến hành đảo chính.

Vài giờ trước cuộc biểu tình, Tòa án hiến pháp Đức ban lệnh cấm phát sóng trực tiếp các bài phát biểu từ giới chính khách ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có ông Erdogan, do lo ngại nó có thể khiến đám đông thêm phấn khích. Lệnh cấm này khiến Thổ Nhĩ Kỳ rất tức giận. Ibrahim Kalin, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, gọi lệnh cấm là không thể chấp nhận được và "vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do tập trung".

Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nói Đức nhân chuyện này đã áp dụng "tiêu chuẩn kép". Ngay sau đó, do đại sứ Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ vắng mặt nên người đại diện của tòa đại sứ Đức được Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập và trao công hàm phản đối lệnh cấm ở Cologne.

Theo thông tin đăng tải trên tạp chí Tấm gương của Đức, vào ngày 20-8, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Cục Tình báo liên bang Đức (BND) giúp bắt giữ những đối tượng ủng hộ phong trào Gulen. Thế là sau những động thái phản đối bằng "võ mồm" không tác dụng, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đưa ra đề nghị này như một cách thử lòng đồng minh trong khối NATO.

Báo Đức dẫn các tài liệu cho biết, Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Milli Istihbarat Teskilati (MIT) đã đề nghị BND truy tìm 40 người và dẫn độ 3 người có quan hệ với phong trào Gulen, vốn điều hành một mạng lưới toàn cầu các trường học, hội từ thiện và tổ chức kinh doanh.

MIT nằm dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Hakan Fidan chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Binali Yildirim. Ngoài ra, MIT cũng đề nghị BND gây ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách và các nghị sĩ để Đức có thái độ cứng rắn hơn với phong trào Gulen, cũng như dẫn độ những người ủng hộ phong trào này về Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ báo này còn cho biết, các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã đi tới 11/16 bang ở Đức để đưa ra các đề nghị hợp tác nêu trên, song đều bị bác bỏ khi đề nghị BND theo dõi phong trào này bởi nhiều chính trị gia Đức chỉ ra rằng, Ankara nếu được đáp ứng đề nghị sẽ có các động thái can thiệp vào công việc nội bộ của Đức, bên cạnh nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại cuộc xung đột ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể lan sang Đức, nơi có khoảng 3 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống.

Tờ Die Welt ngày 21-8 dẫn lời một quan chức an ninh giấu tên tiết lộ: Cơ quan tình báo MIT của Thổ Nhĩ Kỳ có một mạng lưới khoảng 6.000 đặc vụ, được hỗ trợ bởi khoảng 500 người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động trên khắp nước Đức. Sự tồn tại của lực lượng này sẽ làm gia tăng thêm tranh cãi về vấn đề hợp tác tình báo giữa hai nước.

Nghị sĩ đảng Xanh Hans-Christian Strobele phát biểu với tờ Die Welt rằng, mạng lưới gián điệp MIT đang ráo riết tiến hành "những hoạt động bí mật với mức độ khó tin" trên lãnh thổ Đức. Strobele là thành viên Ủy ban giám sát tình báo Quốc hội Đức (PKGr) chịu trách nhiệm giám sát các tổ chức như Tình báo đối ngoại (BND), Tình báo quân đội (MAD) và Tình báo nội vụ liên bang hay cơ quan phản gián (LfV) - khác với Cơ quan tình báo nội địa hay còn gọi là Cơ quan bảo vệ hiến pháp (BfV) - đặt trụ sở tại Cologne.

Nghị sĩ đảng Xanh Hans-Christian Strobele.

Trước đây, Strobele từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vụ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tổ chức gián điệp ở châu Âu. Stroebele bổ sung thêm, Cơ quan tình báo BND của Đức và lực lượng cảnh sát phải điều chỉnh lại sự hợp tác với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, "nếu không, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị dính líu vào tội ác bị trừng phạt được thực hiện bởi người Thổ Nhĩ Kỳ".

Nếu sự thật là MIT đang triển khai đến 6.000 gián điệp tại Đức để giám sát những cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ thì điều đó có nghĩa là một điệp viên MIT chịu trách nhiệm giám sát khoảng 500 người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang cư trú dài hạn tại Đức.

Cả 3 cơ quan BND, MAD và LfV cũng đang xem xét khả năng hợp tác với đối tác MIT nhằm ngăn chặn những hoạt động gián điệp bất hợp pháp của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Quốc hội Đức Clemens Binninger cho biết, Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề MIT kể từ sau vụ đảo chính thất bại ngày 15-7-2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ tịch PKGR Bininger.

Chính quyền Đức cũng không cho phép một đối tác trong khối NATO có hành động gián điệp như thế ngay trên lãnh thổ Đức. Binninger tuyên bố: "Những diễn biến gần đây nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tác động đến tình hình an ninh của Đức mà còn đến sự hợp tác giữa các dịch vụ tình báo của 2 nước".

Erich Schmidt-Eenboom, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chính sách Hòa bình (FF) của Đức và là một chuyên gia tình báo, nói với Die Welt: "Đây không còn chỉ là việc thu thập tin tức tình báo mà là một sự áp bức được thực hiện bởi một cơ quan tình báo. Ngay cả Cơ quan tình báo CHDC Đức (Stasi) trước đây cũng đã thất bại trong việc xây dựng lên một lực lượng đặc vụ lớn tại Cộng hòa Liên bang Đức".

Schmidt-Eenboom cho biết, MIT khéo léo cung cấp lớp vỏ bọc cho các điệp viên của họ để làm việc trong những văn phòng quảng bá du lịch, hãng hàng không Turkish Airlines cũng như trong hệ thống công ty và ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Đức. Thậm chí, theo Schmitdt-Eenboom, "đối với nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ, lòng kiêu hãnh dân tộc quá lớn đến mức họ cảm thấy danh dự khi được làm việc cho MIT".

Theo tài liệu mật mà tờ Die Welt có được hồi năm 2015, nội các chính phủ của nữ Thủ tướng Merkel thật ra "nắm rõ" mọi hoạt động của MIT ở Đức. Một luật sửa đổi của Thổ Nhĩ Kỳ (được đăng rộng rãi trên Công báo số 6532) cho phép mở rộng mọi khả năng hành động của MIT - cơ quan nằm trong lực lượng quân đội để chống nổi dậy trong suốt nhiều thập niên - đồng thời đặt cơ quan này nằm ngoài sự kiểm soát của tòa án và công chúng.

Nhà nghiên cứu người Thổ Nhĩ Kỳ của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) Emma Sinclair-Webb chỉ trích MIT được phép "toàn quyền hành động" để trừng phạt các nhà báo rò rỉ thông tin mật, tự do tra tấn mà không bị truy tố và tiến hành những chiến dịch thu thập dữ liệu tình báo "không giới hạn".

Theo luật sửa đổi, mọi dữ liệu riêng tư của công dân, tổ chức, ngân hàng v.v… được phép thu thập hàng loạt mà không cần giấy phép tòa án. Năm 2014 tờ báo Áo "Der Standard" đưa tin: Vào năm 2012 MIT tiếp quản trung tâm liên lạc điện tử (GES) nằm bên ngoài thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. GES cho phép MIT nghe lén những cuộc gọi điện thoại và đọc lén email.

Tờ Der Standard bình luận: "Sự gia tăng quyền lực của MIT là vô cùng lớn bất chấp sự hiện diện của Ủy ban giám sát tình báo trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Giám đốc MIT Hakan Fidan cũng tiến hành nhiều cuộc họp bí mật với nhóm chiến binh người Kurk PKK.

Tháng 7-2015, tờ Tagesspiegel ở Berlin đưa tin các công tố viên Đức điều tra vụ 3 người đàn ông - 2 người Thổ Nhĩ Kỳ và 1 người Đức - nhận lệnh từ MIT để gián điệp những cá nhân chỉ trích Tổng thống Erdogan ở thành phố Cologne, đặc biệt là những người Kurd và thành viên cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Alevi.

Một tuần sau ngày đảo chính thất bại 15-7-2016, Tổng thống Erdogan công khai trừng phạt MIT vì chậm báo cáo với ông về âm mưu lật đổ chính quyền song quyết định vẫn giữ lại Hakan Fidan vì cho rằng sự thay đổi nhân sự chỉ sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Quang Hiếu - Thiên Minh (tổng hợp)
.
.