Gián điệp Trung Quốc đe dọa công nghiệp quốc phòng Mỹ?

Thứ Năm, 18/04/2013, 11:35

Hôm 25/3 vừa qua, Sixing Liu (hay còn gọi là Steve Liu) - công dân Trung Quốc, 49 tuổi, và cựu kỹ sư của nhà thầu quốc phòng L-3 Communications Holdings Inc. bị Tòa án thành phố Newark, bang New York (Mỹ) kết án 6 năm tù vì tội tiết lộ thông tin nhạy cảm liên quan đến công nghệ quân sự cho Trung Quốc đồng thời vi phạm Luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ.

Trong 4 năm qua, gần 100 cá nhân bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội đánh cắp các bí mật thương mại hay thông tin mật cho  Trung Quốc hoặc xuất khẩu trái phép công nghệ nhạy cảm sử dụng cho dân sự lẫn quân sự cho nước này.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hiện nay vẫn còn nhiều vụ án liên quan đến gián điệp Trung Quốc chưa được đem ra xét xử. Mục tiêu của gián điệp Trung Quốc là các nhà thầu quốc phòng  và công ty tư nhân nổi tiếng của Mỹ - như là Northrop Grumman, Boeing, General Dynamics, Ford, DuPont và Dow Chemical.

John Carlin, quyền Thứ trưởng Tư pháp Mỹ, nhận định: "Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực phát triển các công nghệ quân sự tiên tiến nhất cho nên nước này trở thành mục tiêu của gián điệp và xuất khẩu trái phép những công nghệ nhạy cảm. Vấn đề đang là mối đe dọa rõ ràng cho an ninh quốc gia Mỹ. Cộng đồng tình báo Mỹ chỉ đích danh Trung Quốc nằm trong số những nước thèm thuồng công nghệ và thông tin mật của Mỹ.

Chiếc đĩa “cộng hưởng hồi chuyển” nhỏ bé gây thiệt hại hàng trăm triệu USD

Sixing Liu bị buộc tội đánh cắp hàng ngàn tài liệu về thiết bị nhỏ gọi là "đĩa cộng hưởng hồi chuyển" và các hệ thống quốc phòng khác của Mỹ cho Trung Quốc, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ. Thiết bị nhỏ được Công ty L-3 Communications và Công ty Sensors in Motion thiết kế để dẫn đường cho máy bay không người lái (drone), tên lửa và rocket đánh trúng mục tiêu mà không cần đến sự định vị của vệ tinh.

David Smukowski, Chủ tịch Sensors in Motion - một công ty nhỏ ở thành phố Bellvue, bang Washington (Mỹ) - cho biết chỉ riêng việc tiết lộ bí mật về công nghệ của "đĩa cộng hưởng hồi chuyển" nhỏ bé đã có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho quân đội Mỹ.

Vụ án Sixing Liu củng cố tuyên bố của FBI về "mối đe dọa từ bên trong" đồng thời chính quyền Mỹ cảnh báo mạng lưới gián điệp dày đặc của Trung Quốc đang đe dọa an ninh quốc gia và cả nền kinh tế thương mại Mỹ. Sixing Liu đến Mỹ năm 1993 và tìm được nhiều việc làm ở các công ty như Bandag, Primex, John Deere và các hãng sản xuất vỏ xe.

Năm 2009, Sixing Liu bắt đầu làm việc trong bộ phận không gian của nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ L-3 Communications Holdings Inc. ở bang New Jersey, nơi đây ông ta lãnh đạo nhóm kỹ sư chuyên trách thử nghiệm công nghệ mới do Công ty Sensors in Motion - Công ty tiên phong trong lĩnh vực thiết kế phát triển các hệ thống dẫn hướng tiên tiến - phát triển.

Sixing Liu có 2 chuyến bay về Trung Quốc trong hai năm 2009 và 2010 và mỗi lần đều giới thiệu công nghệ ông đang thử nghiệm cho nước này mà không có sự cho phép của Sensors in Motion.

Trước khi thực hiện chuyến đi thứ hai về Trung Quốc (tháng 11-2010), Sixing Liu đã tự tiện lưu trữ toàn bộ các tài liệu điện tử về các chương trình nghiên cứu của Sensor in Motion vào máy tính cá nhân. Liu báo cáo với cấp trên rằng sẽ đi nghỉ hè ở Chicago nhưng thật ra ông ta trải qua hơn hai tuần ở Trung Quốc, tham gia thuyết trình về đề tài công nghệ quốc phòng Mỹ tại hội nghị công nghệ do chính quyền Trung Quốc và các trường đại học nước này tổ chức.

Mong muốn của Sixing Liu là tìm một việc làm tại Viện Hàng không vũ trụ hàng đầu của Trung Quốc. Máy tính cá nhân của Sixing Liu chứa hàng ngàn tài liệu nhạy cảm của 25 dự án mà ông ta tham gia phát triển cho L-3 Communications, trong đó mỗi dự án đều có sự liên quan đến quân đội Mỹ.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder (giữa) và quyền Bộ trưởng Thương mại Rebecca Blank (trái) tại Hội nghị về an ninh mạng ở Nhà Trắng vào tháng 2/2013.

Sixing Liu bị bắt giữ vào tháng 3/2011 và đến tháng 9/2012 bị buộc tội vi phạm Luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ cũng như sở hữu và tiết lộ các bí mật thương mại đánh cắp được.

Vào đầu tháng 3 vừa qua, một công dân Trung Quốc khác - Bo Jiang, 31 tuổi - làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Langley của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bị bắt giữ tại sân bay Dulles và bị buộc tội khai man với đặc vụ Cục Điều tra Liên bang  Mỹ (FBI) về laptop và thẻ SIM cá nhân.

Theo FBI, Bo Jiang mang một laptop của NASA chứa thông tin nhạy cảm về Trung Quốc. Sau vụ bắt giữ, Thiếu tướng Charles F. Bolden ở NASA báo cáo trước Hạ viện Mỹ rằng NASA đang hạn chế thu dụng công dân của một vài quốc gia, trong đó có Trung Quốc, vì lý do an ninh.

Trong một vụ án gián điệp khác cũng xảy ra vào tháng 3, Benjamin Pierce Bishop - cựu sĩ quan quân đội 59 tuổi từng làm nhà thầu quốc phòng cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ và có quyền truy cập thông tin tuyệt mật - bị buộc tội tiết lộ thông tin mật cho bạn gái 27 tuổi người Trung Quốc. Những thông tin mật mà Benjamin Bishop tiết lộ liên quan đến vũ khí hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như radar.

Năm 2012, FBI khởi động chiến dịch công khai cảnh báo ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng như các lĩnh vực thương mại khác về "mối đe dọa từ bên trong". Trong chiến dịch này, FBI cho đặt các tấm biển cảnh báo lớn dọc theo các hành lang thường có người qua lại gần 9 trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Mỹ.

Cũng trong năm 2012, C. Frank Figliuzzi, cựu lãnh đạo Ban phản gián của FBI, nói trước Quốc hội Mỹ rằng có lẽ biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn nạn đánh cắp thông tin mật là "xác định và có biện pháp đề phòng chống lại nhân viên".

Đối phó với “chiến dịch gián điệp dai dẳng nhất”

Sau hơn một thập niên diễn ra hàng chục vụ án liên quan đến tấn công mạng và đánh cắp thông tin thương mại cũng như quân sự của Mỹ, vừa qua Nhà Trắng tiết lộ chính sách mới đe dọa trừng phạt ngoại giao và thương mại Trung Quốc và các quốc gia có hành vi gián điệp các công ty lớn của Mỹ.

Các quan chức hàng đầu trong Chính phủ Mỹ cũng mô tả bức tranh u ám về cái giá phải trả trước các chiến dịch gián điệp từ nước ngoài - cạnh tranh thương mại thất bại, mất việc làm và những tác động tiêu cực đến sản phẩm công nghệ - mà các công ty lớn của Mỹ như General Motors Co. và DuPont Co. phải đương đầu.

Về mối nguy hại của gián điệp nước ngoài, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cho biết: "Một hacker người Trung Quốc có thể có được mã nguồn từ một công ty phần mềm ở bang Virginia của Mỹ mà không phải rời khỏi bàn làm việc của mình". Nhiều công ty Mỹ được chính phủ hỗ trợ để gây sức ép đến các chính quyền hải ngoại trong cuộc chiến chống đánh cắp bí mật thương mại và quân sự.

John Powell, Trưởng cố vấn của American Superconductor, cho biết tài sản trí tuệ của công ty bị một khách hàng lớn - công ty sản xuất turbine gió hàng đầu của Trung Quốc - đánh cắp với sự tiếp tay của một cựu nhân viên của Công ty. John Powell nhấn mạnh: "Đây là mối đe dọa thật sự và cái giá phải trả rất đắt". Trong khi đó, cho đến tận bây giờ Bắc Kinh vẫn luôn bác bỏ cáo buộc chính quyền Trung Quốc đứng đằng sau những vụ đánh cắp thông tin mật của Mỹ!

Theo báo cáo của FBI, các mục tiêu gián điệp nổi bật của chính quyền Trung Quốc trong những năm gần đây bao gồm Google Inc., Công ty An ninh máy tính RSA Security Inc., Lockheed Martin Corp., và Nortel Networks Cporp.

Google báo cáo các hacker trung Quốc tấn công công ty.

Các biện pháp mới của Washington bao gồm tăng cường những quy định hạn chế thương mại của Mỹ đối với các sản phẩm và dịch vụ ra đời từ những bí mật bị đánh cắp và gây sức ép ngoại giao đến Trung Quốc cũng như các nước khác nhằm buộc các chính quyền này phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn những vụ đánh cắp bí mật thương mại và quân sự tiếp tục xảy ra.

Để đánh dấu sự khởi đầu của chiến lược mới, Robert Hormats - Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Các vấn đề kinh tế - tuyên bố: "Với sự tôn trọng Trung Quốc, sự bảo vệ tài sản trí tuệ và những bí mật thương mại luôn là vấn đề cực kỳ quan trọng".

Theo tài liệu báo cáo tại Hội nghị về các biện pháp an ninh mạng tại Nhà Trắng vào tháng 2/2013, trong số 19 vụ án gián điệp có đến 16 vụ  liên quan đến Trung Quốc -  trong đó nổi cộm nhất là 2 vụ đánh cắp công nghệ ứng dụng cho dân sự lẫn quân sự của General Motors Co. và những bí mật quân sự của nhà thầu quốc phòng L-3 Communications Holdings Inc. Victoria Espinel - điều phối viên về tài sản trí tuệ Mỹ - phát biểu tại Hội nghị an ninh ở Nhà Trắng: "Nạn đánh cắp những bí mật thương mại tác động đến an ninh quốc gia, phá hoại ngầm ngành xuất khẩu của Mỹ và đưa công ăn việc làm của người Mỹ vào nguy cơ".

Mỹ cũng có được một số thành công trong việc vận dụng chiến lược gây sức ép ngoại giao và thương mại trong thập niên 90 thế kỷ trước nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển những vũ khí hủy diệt hàng loạt và những thiết bị quân sự liên quan. Ngoài việc phủ nhận cáo buộc phớt lờ hành vi xâm nhập máy tính, các công ty Mỹ, Bắc Kinh cũng tuyên bố chính quyền nước này cũng là nạn nhân của những cuộc tấn công mạng và Trung Quốc có luật ngăn cấm những cuộc tấn công như thế!

Năm 2011, cộng đồng tình báo Mỹ cũng phát đi một báo cáo công khai hiếm hoi chỉ rõ các hacker người Trung Quốc là "thủ phạm của chiến dịch gián điệp kinh tế dai dẳng nhất và tích cực nhất".

Trong một báo cáo năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ kết luận Công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies Co. là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Cũng bao gồm trong chiến lược mới của Nhà Trắng, các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với khu vực tư nhân để huấn luyện phản gián và cung cấp những cảnh báo về các mối đe dọa gián điệp.

Lockheed Martin nằm trong số các công ty hàng đầu của Mỹ BỊ đánh cắp thông tin nhạy cảm.

Cộng đồng tình báo Mỹ sẽ cung cấp những cảnh báo cho khu vực tư nhân về mọi yếu tố mang tính đe dọa - bao gồm số lượng và tên các chính quyền hải ngoại có liên quan, các ngành công nghiệp dễ biến thành mồi ngon của gián điệp nước ngoài nhất, và cách thức gián điệp được tiến hành.

Trong chiến lược mới, Washington cũng hợp tác với các quốc gia đồng minh để gây sức ép đến các quốc gia thù địch như là Trung Quốc. Chiến lược này được lãnh đạo bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Mỹ. Để chống lại gián điệp Trung Quốc, chính quyền Mỹ sẽ tăng cường biện pháp từ chối thị thực nhập cảnh đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc hay không cho phép các công ty Trung Quốc làm ăn với các ngân hàng Mỹ

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.