Gián điệp mạng Trung Quốc tác động xấu đến lợi ích kinh tế Mỹ

Thứ Ba, 08/07/2014, 23:50

Báo cáo Tình báo Quốc gia (NIE) kết luận Trung Quốc là mục tiêu của chiến dịch gián điệp mạng khổng lồ đe dọa năng lực cạnh tranh kinh tế của Mỹ. NIE xác định Trung Quốc là quốc gia luôn tìm cách xâm nhập các hệ thống máy tính của các doanh nghiệp và cơ quan chính quyền Mỹ để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm trong mưu đồ tranh giành lợi ích kinh tế.

Báo cáo NIE - thể hiện sự đồng thuận về quan điểm trong cộng đồng tình báo Mỹ - mô tả một loạt các lĩnh vực trở thành tâm điểm của hacker Trung Quốc trong 6 năm qua; bao gồm năng lượng, tài chính, công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ và máy móc tự động.

Báo cáo NIE không nêu rõ mức độ thiệt hại do gián điệp mạng gây ra, song các chuyên gia ước tính con số sẽ là hàng chục tỉ USD. Gián điệp mạng Trung Quốc luôn là mối lo ngại hàng đầu cho cộng đồng tình báo và quân đội Mỹ cũng như đe dọa trực tiếp đến các lợi ích kinh tế quốc gia.

Trước tình hình đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama tiến hành mọi biện pháp để đối phó với hành vi đánh cắp bí mật thương mại. Theo các chuyên gia phân tích, những lựa chọn của Washington bao  gồm - tuyên bố phản đối chính thức, trục xuất các nhà ngoại giao, siết chặt những quy định hạn chế du lịch và visa, và kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Báo cáo NIE cũng nêu tên 3 quốc gia khác - bao gồm Nga, Israel và Pháp - có hành vi gián điệp mạng song về quy mô vẫn chưa sánh bằng các nỗ lực đen tối của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn trước sau như một bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định chính quyền Bắc Kinh không tha thứ cho hành vi xâm nhập mạng máy tính nước khác!

Chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Tích hợp Truyền thông và An ninh mạng Quốc gia Mỹ (NCCIC) ở Arlington, bang Virginia.

Ít nhất từ đầu những năm 1980, Trung Quốc đã thực hiện mưu đồ sở hữu công nghệ tiên tiến phương Tây - thông qua cả hai con đường hợp pháp và bất hợp pháp - do đó là trọng tâm kế hoạch phát triển kinh tế của Bắc Kinh. Các cơ quan tình báo Trung Quốc, cũng như khu vực công ty tư nhân nước này, thường xuyên tìm cách khai thác cộng đồng người gốc Hoa hay những người có quan hệ gia đình ở Trung Quốc để sử dụng làm nội gián bên trong các công ty Mỹ, thực hiện nhiệm vụ đánh cắp bí mật thương mại, lưu trữ trong ổ cứng di động (USB) hay gửi email về cho Bắc Kinh - theo một báo cáo của Văn phòng Điều hành Phản gián Quốc gia (ONCIX).

Báo cáo NIE được hoàn thành giữa lúc chính quyền Obama đang có những nỗ lực phát triển các chính sách đối phó với mối đe dọa gián điệp mạng chống lại Mỹ. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng William J. Lynn III nhận định báo cáo NIE là cần thiết để Mỹ nắm rõ những mối đe dọa nguy hiểm nhất cũng như "những điểm yếu lớn nhất của chúng ta". Một số quan chức Mỹ gây sức ép đòi công bố bản tóm tắt báo cáo được giữ bí mật.

Michael Birmingham, người phát ngôn Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) từ chối bình luận mà chỉ tuyên bố "do vấn đề chính sách, chúng tôi không bình luận hay thừa nhận sự tồn tại của các báo cáo NIE trừ khi có lệnh làm điều đó". Nhiều gián điệp mạng Trung Quốc được cho là tấn công vào các mục tiêu liên quan đến công nghệ quân sự.

Các hacker quân đội Trung Quốc trong danh sách truy nã của Mỹ.

Năm 2011, khi hacker Trung Quốc tấn công Công ty An ninh mạng RSA Security, công nghệ đánh cắp được sử dụng để xâm nhập các mục tiêu công nghiệp quân sự Mỹ. Không lâu sau, các mạng máy tính của nhà thầu quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin - tập đoàn sử dụng công nghệ an ninh của RSA Security - bị hacker Trung Quốc xâm nhập nhưng may mắn là không dữ liệu nào bị đánh cắp. Nhiều công ty Mỹ khác cũng là mục tiêu của hacker Trung Quốc.

Báo chí Mỹ - New York Times, Wall Stret Journal và Washington Post - cũng tin rằng mạng máy tính của họ bị hacker Trung Quốc tấn công. Tuy nhiên, một số công ty Mỹ vẫn cố tránh né báo cáo về những cuộc tấn công do lo ngại lợi ích kinh tế bị ảnh hưởng.

Nhưng, bất ngờ vào tháng 1-2010, Google báo cáo các mạng của họ bị nhiều cuộc tấn công xâm nhập có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lúc đó, bọn hacker chọn mục tiêu là tài khoản Gmail của các nhà hoạt động nhân quyền người gốc Hoa chống đối Bắc Kinh.

Trong một cuốn sách mới, Giám đốc điều hành Google - Eric Schmidt - nhận định rõ ràng Trung Quốc chính là hacker "sung sức và tinh vi nhất thế giới". Eric Schmidt bình luận thêm: "Phải nói thẳng rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chiến tranh mạng do nhà nước lãnh đạo, cho dù phần đông trong chúng ta không được cảnh báo về điều đó".

Thừa nhận vấn đề, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng cường những cuộc đối thoại an ninh chiến lược với Trung Quốc. Thời gian qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập chương trình huấn luyện 100 công tố viên để xử lý những vụ án liên quan đến hacker do các chính quyền nước ngoài tài trợ. Nhưng, các chuyên gia phân tích mô tả hành động này là phản ứng thụ động của chính quyền trong xử lý vấn đề.

Một số chuyên gia đánh giá thiệt hại do gián điệp mạng gây ra cho kinh tế Mỹ có thể từ 1% đến 0,5% GDP, hay 25 tỉ đến 100 tỉ USD. Trong khi các chuyên gia kinh tế khác cho rằng con số thiệt hại thật ra thấp hơn. Nhà Trắng cũng có yêu cầu các công ty hợp tác với chính quyền để ngăn chăn hiệu quả những hành vi "ăn cắp vặt" bí mật thương mại từ nước ngoài

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.