Giáo hoàng Pius XII từng muốn trừ khử Hitler?
Thông tin trên được sử gia Mark Riebling đưa ra trong cuốn sách mới phát hành "Church of Spies" (Giáo hội điệp viên), trong đó nêu chi tiết các cuộc trò chuyện bí mật giữa những người trung gian của Giáo hoàng Pius, vốn là những nhân vật người Đức cấp cao chán ghét sự lãnh đạo của Hitler và muốn tìm một lối thoát không gây đổ máu hàng loạt. Sử gia Riebling là người có thể tiếp cận các tài liệu của Vatican mà bất kỳ tác giả nào trước đó đều chưa được nhìn thấy. Ông đã rửa sạch những lời chỉ trích về Giáo hoàng Pius.
Theo sử gia Riebling, sự im lặng của Giáo hoàng Pius trước hành vi tàn độc của Hilter với người Do Thái, người dân tộc thiểu số và thậm chí cả với các thành viên giáo hội chính là vỏ bọc để ông xây dựng một kế hoạch, trong đó kích động những thành viên bất mãn lật đổ Hitler từ bên trong? Tuy nhiên, kế hoạch không thành công vì nhiều lý do.
Ngay từ những ngày đầu cầm quyền, Hitler đã coi Giáo hội Công giáo Roma là kẻ thù lớn. Một bài phát biểu được đọc trước Quốc hội Đức có đoạn: "Giới linh mục là kẻ thù chính trị của người Đức mà chúng ta sẽ hủy diệt". Các quan chức Đức Quốc xã từng nói rằng một khi chủ nghĩa Bolsevich và Do Thái bị hủy diệt, Giáo hội Công giáo sẽ là kẻ thù duy nhất còn lại".
Về phần Vatican, tòa thánh này cũng nhận thức được mối nguy hiểm của Đức quốc xã. Một nỗi sợ là Hitler có thể quốc hữu hóa Giáo hội như Vua Henry VIII đã từng làm với Giáo hội Anh. Hơn nữa, Vatican lo rằng nhiều người Công giáo Đức có thể chọn Hitler thay vì Giáo hội. Đức Quốc xã đang tạo ra một tôn giáo giả tạo, ví dụ như trang trí cây thông Giáng sinh bằng chữ thập ngoặc thay vì các ngôi sao, và tuyên bố "Hilter vĩ đại như Chúa Jesus".
Bản thân Giáo hoàng Pius hội đủ mọi yếu tố để đối phó với thách thức từ người Đức. Ông từng là đại diện của giáo hoàng ở Berlin từ năm 1917 đến năm 1929. Trong số những mối liên hệ mà ông tận dụng, có Đô đốc Whilhelm Canaris - người trở thành Giám đốc Cơ quan Tình báo Đức và là một trong nhiều quan chức phản đối sự trỗi dậy của Hitler. Ông đã cùng tham gia kế hoạch mưu sát độc tài Hitler.
Vai trò chủ động của Giáo hoàng Pius bắt đầu thông qua một luật sư Công giáo từ Munich tên là Joseph Mueller - một trong những người dũng cảm đến khó tin được sử gia Riebling khắc họa trong cuốn sách. Mueller là một nhân vật nổi bật ở Munich, kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh từ công ty sản xuất đồ uống đến nhà xuất bản. Mueller đã thăm Giáo hoàng Pius năm 1939 và đặt một câu hỏi trực diện: Nếu ông và đồng nghiệp trong phong trào kháng chiến Đức có thể loại bỏ Hitler khỏi nước Đức, liệu họ có thể được Anh ủng hộ? Giáo hoàng Pius đồng ý và nói: "Phe đối lập Đức phải được lắng nghe".
Giáo hoàng Pius XII. |
Từ đó, Mueller thường cung cấp thông tin về Hitler và hỗ trợ các giám mục Đức liên lạc bí mật với Giáo hoàng Pius. Giáo hoàng Pius sau đó đã dùng ảnh hưởng ngoại giao để bắt đầu thương lượng với phe Đồng minh, chủ yếu là Chính phủ Anh. Các cuộc đàm phán luôn được tổ chức bí mật và có các bên trung gian. Tài liệu sau mỗi cuộc họp mật đều bị hủy. Những người tham gia đường dây gián điệp này thậm chí còn dùng cả một hệ thống mật danh, trong đó Mueller là Herr X, còn Giáo hoàng Pius XII là "ông chủ".
Giáo hoàng thuyết phục nước Anh đảm bảo chỉ mang đến hòa bình cho nước Đức một khi Hilter biến mất - trái với Hiệp ước Versailles về các biện pháp trừng phạt Đức được thông qua sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Mô tả về vị trí ảnh hưởng đặc biệt của Giáo hoàng, sử gia Riebling viết: "Không ai có thể liên kết kẻ thù trong và ngoài của Hilter một cách đáng tin cậy và kín đáo hơn Giáo hoàng Pius".
Mặc dù hoài nghi lúc đầu nhưng Ngoại trưởng Anh lúc đó và Đại sứ Anh tại Vatican đã chấp nhận sự can thiệp của Giáo hoàng. Họ nói với phe nổi dậy ở Đức rằng họ sẵn sàng đàm phán khi Hitler bị loại bỏ. Mueller đã có trong tay bản cam kết viết tay năm 1940 từ phía Anh rằng nước Đức thời hậu Hitler sẽ được đối xử công bằng. Ông hy vọng bản cam kết sẽ dẫn tới một hành động quyết định ở Đức.
Tuy nhiên, mạng lưới những người phản bội Hitler của Mueller, trong đó có trưởng đội vệ sĩ riêng của Hitler, một giám đốc tình báo quân đội cũng như một loạt tướng lĩnh khác - không có cơ hội để hạ thủ Hilter. Phe đối lập hy vọng có một cuộc đảo chính diễn ra đầu năm 1940 nhưng việc Hitler mở mặt trận phía tây đã khiến các đối thủ nội bộ của hắn thất bại. Các âm mưu ám sát khác nhằm vào máy bay rồi đoàn tuần hành, thậm chí cả boongke cá nhân của Hitler đều thất bại. Nguyên nhân là do Hitler thường có thói quen đột ngột thay đổi lịch trình để tránh các âm mưu ám sát.
Phong trào phản kháng Hitler dần mất động lực sau khi Hitler chiến thắng ở Bỉ, Hà Lan, Na Uy và Pháp. Mặc dù Vatican vẫn là trung tâm hoạt động ngoại giao nhưng hy vọng có thể thực hiện một hành động quyết định bắt đầu mờ dần.
Hoạt động chuyển thư từ, tài liệu mật của Mueller giữa Đức và Vatican cũng chấm dứt năm 1943 sau khi ông bị mật vụ Đức phát hiện rồi tống vào trại tập trung Dachau. Hai năm sau, quân Đồng minh mới lật đổ được Đức Quốc xã. Không ai có thể giết chết được Hitler trừ hắn.